Tiền học thêm đang là khoản chi phí tốn kém nhất của học sinh phổ thông

17/08/2024 06:36
NGUYÊN NGUYÊN
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Số tiền học thêm mỗi tháng của học sinh phổ thông ở những khu vực  thị thành có khi còn nhiều hơn các khoản chi phí học tập khác cộng lại.

Thời điểm này, các địa phương đã ban ban hành quy định mức thu (miễn) học phí năm học 2024-2025; các trường Trung học phổ thông đã hoàn tất việc tuyển sinh 10; các trường Tiểu học, Trung học cơ sở cũng đã có phương án và tổ chức tuyển sinh khối lớp đầu cấp; dự kiến phân công nhiệm vụ để bước vào năm học mới.

Các nhà xuất bản cũng đã niêm yết bảng giá sách giáo khoa các cấp học; các công ty phát hành sách, cửa hàng sách giáo khoa cũng đang chào bán đến khách hàng. Các trường học cũng đã thông báo những bộ sách giáo khoa mà trường mình đã lựa chọn.

Nhìn chung, mỗi năm học bắt đầu, phụ huynh phải chi khá nhiều tiền. Có những khoản cố định; nhiều khoản tự phát; nhiều khoản tự nguyện nhưng sẽ không có khoản nào nhiều bằng tiền học thêm. Nhiều phụ huynh luôn ám ảnh với khoản tiền này bởi chỉ 1 tháng học thêm của con em mình có thể bằng cả mức học phí cả cấp học cộng lại.

18-1789.png
Ảnh minh họa: Doãn Nhàn

Khoản chi phí nào cao nhất đối với học sinh phổ thông hiện nay?

Mức chi phí cố định, bắt buộc của học sinh phổ thông hiện nay khi bước vào đầu năm học sẽ có các khoản, như: học phí; sách giáo khoa; bảo hiểm y tế.

Theo dõi mức học phí đã được Hội đồng nhân dân tỉnh (thành phố) thông qua, chúng tôi thấy phần lớn mức học phí của học sinh cấp Trung học cơ sở, Trung học phổ thông công lập có mức học phí dao động từ 30-60 ngàn đồng/ tháng. Một số địa bàn chỉ dừng lại ở mức trên dưới 10 ngàn đồng/tháng.

Một số ít địa phương thu ở mức 75-100 ngàn đồng/ tháng; chỉ có rất ít địa phương thu ở mức 120-155 ngàn đồng/ tháng đối với học sinh cấp Trung học phổ thông thuộc khu vực thành thị.

Vì thế, mức học phí các trường Trung học cơ sở, Trung học phổ thông công lập ở các tỉnh (thành) trên cả nước đang thực hiện khác nhau. Có những trường chỉ dao động ở mức khoảng trên dưới 100 ngàn đồng/ năm; một số trường ở một số tỉnh (thành) cao nhất ở mức 1.395.000 đồng/năm học.

Đối với sách giáo khoa cho năm học 2024-2025 đã được các nhà xuất bản, các công ty phát hành sách niêm yết giá. Nếu không mua sách bài tập, sách tham khảo thì giá sách giáo khoa từ lớp 1 đến lớp 12 dao động khoảng 250- 500 ngàn (bao gồm cả sách tiếng Anh; Tin học; Nội dung giáo dục địa phương).

Đặc biệt, ngày 05/04/2024, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam thông tin năm học 2024-2025, đơn vị sẽ thực hiện điều chỉnh giảm giá sách giáo khoa tái bản các lớp 1, 2, 3, 4, 6, 7, 8, 10 và 11.

Theo đó, năm học 2024-2025, giá bìa các bộ sách giáo khoa Kết nối tri thức với cuộc sống và Chân trời sáng tạo do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam biên soạn sẽ điều chỉnh như sau: bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống: giảm 9,6%; bộ sách Chân trời sáng tạo: giảm 11,2%. Đối với sách giáo khoa các lớp 5, 9, 12 áp dụng mới từ năm học 2024-2025, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam xây dựng giá bán theo cơ cấu giá đã giảm của sách giáo khoa tái bản.

Đối với tiền bảo hiểm y tế cho năm học 2024-2025 tới đây vì lương cơ sở mới tăng từ ngày 01/7 ở mức 1.800.000 lên 2.340.000 nên mức đóng bảo hiểm y tế học sinh sinh viên cũng tăng lên.

Theo khoản 3 Điều 4, điểm đ khoản 1 Điều 7, điểm c khoản 1 Điều 8 Nghị định 146/2018/NĐ-CP, mức đóng bảo hiểm y tế hằng tháng của học sinh, sinh viên bằng 4,5% mức lương cơ sở. Trong đó, ngân sách nhà nước hỗ trợ 30%, người tham gia đóng 70%.

Chính vì thế, mức đóng bảo hiểm y tế của học sinh, sinh viên cho 12 tháng sẽ là 1.263.600 đồng; mức 9 tháng là 947,700 đồng…

Nếu cộng cả 3 loại chi phí cơ bản đối với học sinh cho năm học tới đây, gồm: học phí, tiền sách giáo khoa; bảo hiểm y tế thì những học sinh cấp Trung học phổ thông (có mức cho phí cao nhất) ở một số trường thuộc khu vực có điều kiện ở nội đô có mức cao cũng chỉ dừng lại ở mức khoảng 3 triệu đồng/ năm học. Trong đó, các học sinh khó khăn, con em gia đình chính sách còn được miễn, giảm học phí hoặc được hỗ trợ bảo hiểm y tế; sách giáo khoa.

Nếu so sánh các khoản này với mức tiền học thêm của học sinh cấp Trung học cơ sở, Trung học phổ thông ở những khu vực đô thị, vùng có điều kiện sẽ chẳng thấm tháp vào đâu bởi chi phí cho học thêm mới là số tiền mà phụ huynh phải chi nhiều nhất trong từng năm học.

Picture3.png
Mức chi phí cho học tập được một phụ huynh tạm nhẩm tính vào đầu năm. Trong đó có khoản học thêm gần như tính cố định theo tháng. Có học sinh đã học thêm từ hè.

Tiền học thêm đang là gánh nặng lớn cho nhiều phụ huynh

Một phụ huynh có con chuẩn bị vào lớp 11 tại một trường Trung học phổ thông chuyên ở một tỉnh phía Nam chia sẻ: “Năm học vừa qua, cũng như dịp hè này, con tôi đang học thêm 4 môn, mỗi môn học thêm tại nhà thầy, cô có mức học phí từ 500-600 ngàn đồng.

Tiền học thêm đóng theo tháng nên nghỉ tết, nghỉ lễ, nghỉ ôn tập kiểm tra học kỳ vẫn phải đóng đầy đủ. Vì thế, mỗi tháng học thêm, gia đình tôi phải chi hơn 2 triệu đồng học thêm cho con”.

Một phụ huynh có con chuẩn bị vào lớp 12 cho biết: “Vì con chuẩn bị bước vào lớp 12- năm đầu tiên thi tốt nghiệp chương trình 2018 nên gia đình tôi rất lo lắng. Nhằm chuẩn bị cho con thi tốt nghiệp (4 môn) và xét tuyển đại học, mỗi tháng gia đình tôi đang phải bỏ ra gần 4 triệu đồng cho con học thêm.

Cụ thể: môn Toán, Văn, Lí học thêm tập trung tại nhà thầy cô mỗi môn có mức học phí là 500 ngàn đồng. Riêng môn Hóa, do không sắp được lịch vì 3 môn kia đã kín tuần nên đành lòng phải nhờ 1 thầy gia sư tại nhà với mức học phí mỗi tháng 2,2 triệu đồng. Vậy nên, mỗi tháng gia đình tôi đang phải chi 3,7 triệu đồng tiền học thêm cho con.

Nhiều phụ huynh có con học lớp 9, chuẩn bị thi vào lớp 10 ở khu vực thành phố, thị trấn- nơi có tỉ lệ chọi cao cũng đang lo lắng và cho con học thêm từ hè năm lớp 8. Mức học phí cũng dao động trên dưới 400 ngàn đồng/ tháng (tùy vào số buổi và số lượng học sinh/ lớp).

Thực tế cho thấy, chi phí học thêm mà phụ huynh đang phải chi hàng tháng cho con em mình hiện nay đang rất lớn. Có điều, tình trạng dạy thêm, học thêm hiện nay gần như không cấm cản và quản lý được vì nó có nhiều nguyên nhân, lý do khác nhau. Vì thế, mỗi tháng phụ huynh đang phải đầu tư rất nhiều tiền cho con học thêm. Số tiền học thêm mỗi tháng có khi còn nhiều hơn các khoản chi phí học tập khác cộng lại.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

NGUYÊN NGUYÊN