Thiếu giáo viên CTGDPT mới, Giám đốc Sở Giáo dục Hà Giang trăn trở

13/02/2023 06:46
Ngân Chi
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Ông Nguyễn Thế Bình - Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Hà Giang đưa giải pháp trước “bài toán” thiếu giáo viên chương trình giáo dục phổ thông 2018.­­

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Nguyễn Thế Bình - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Giang đề cập đến một số giải pháp giải “bài toán” thiếu giáo viên khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018, đặc biệt, với các môn học đặc thù.­­

Phóng viên: Thưa ông Nguyễn Thế Bình, tình trạng tuyển dụng giáo viên dạy môn Tiếng Anh, Tin học tại nhiều địa phương trong năm học 2022-2023 đều gặp khó, kể cả khi đã được bổ sung biên chế; đồng thời, dự báo đến năm học 2023-2024 sẽ càng thêm khó. Ngành giáo dục Hà Giang có gặp phải khó khăn tương tự, thưa ông?

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Giang: Năm học 2022-2023 là năm học đầu tiên thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 3, lớp 7 và lớp 10 trong điều kiện thiếu giáo viên các cấp học rất lớn đặc biệt là giáo viên mầm non, giáo viên các môn học đặc thù như Tin học, Ngoại ngữ, Thể dục, Âm nhạc, Mỹ thuật,...; khó khăn trong công tác tuyển dụng do nguồn tuyển rất hạn chế và thực hiện tinh giản biên chế.

Vấn đề thiếu giáo viên môn Tiếng Anh, Tin học hiện vẫn là tình trạng chung của cả nước, đặc biệt là đối với các tỉnh miền núi có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn thì càng thiếu nhiều giáo viên nhất là giáo viên môn Tiếng Anh. Nguyên nhân do những năm gần đây, có khá nhiều giáo viên môn Tiếng Anh chuyển công tác về vùng thuận lợi (bao gồm cả chuyển ra ngoài tỉnh) hoặc xin thôi việc để chuyển sang lĩnh vực/công việc khác có thu nhập cao hơn nhưng chưa được tuyển bổ sung kịp thời (do thực hiện tinh giản biên chế).

Ông Nguyễn Thế Bình - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Giang. Ảnh: Ngân Chi.

Ông Nguyễn Thế Bình - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Giang. Ảnh: Ngân Chi.

Mặt khác, do thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018, theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì môn Ngoại ngữ (Tiếng Anh) là môn học bắt buộc đối với học sinh cấp tiểu học từ lớp 3 năm học 2022-2023, vì vậy nhu cầu giáo viên Tiếng Anh của các đơn vị trường học trong tỉnh càng nhiều hơn (thiếu nhiều hơn).

Theo dự báo, mặc dù có biên chế, có tổ chức tuyển dụng nhưng sẽ rất khó tuyển do thiếu nguồn tuyển hoặc có nguồn tuyển nhưng chưa đáp ứng trình độ chuẩn theo Luật Giáo dục 2019 (yêu cầu trình độ đại học). Do nhu cầu tuyển dụng giáo viên Tiếng Anh hầu hết tập trung ở các đơn vị vùng sâu, xa, vùng đặc biệt khó khăn trong tỉnh, trong khi sinh viên tốt nghiệp ngành Tiếng Anh ra trường có rất nhiều cơ hội việc làm ở các thành phố lớn/vùng thuận lợi...

Phóng viên: Từ thực tiễn trên, Sở đã có những giải pháp giải quyết tình trạng thiếu giáo viên, đồng thời, để thực hiện tốt nhiệm vụ công tác giáo dục và ổn định về lâu dài, thưa ông?

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Giang: Trước tình hình đó, ngành giáo dục và đào tạo tỉnh Hà Giang đã chủ động tham mưu, đề xuất một số giải pháp sau:

Một là, rà soát, sắp xếp định mức học sinh/lớp đạt mức tối đa theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo và phù hợp với thực tiễn địa phương (tiểu học không quá 35 học sinh/lớp; trung học cơ sở trở lên không quá 45 học sinh/lớp).

Hai là, sắp xếp tổ chức lại các cơ sở giáo dục đảm bảo hoạt động hiệu quả: Dồn dịch điểm trường để đưa học sinh tiểu học từ điểm trường về trường chính (nhất là từ lớp 3); Thành lập các trường nội trú trung học cơ sở và trung học phổ thông (sử dụng tối đa giáo viên văn hóa của các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên các huyện); Sáp nhập các cơ sở giáo dục có quy mô nhỏ dưới 10 lớp (hiện có 107 trường, sẽ sáp nhập 18 trường).

Ba là, ngày 26/12/2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư 32 về Chương trình giáo dục phổ thông 2018 thì năm 2019, Sở đã chủ động xây dựng và tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch về đào tạo văn bằng 2 cho giáo viên phổ thông dạy môn Tin học, Tiếng Anh, Âm nhạc, Mỹ thuật để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018; bắt đầu đào tạo từ năm 2020 (cử 303 giáo viên: Tiếng Anh 34, Tin học 221, Âm nhạc 24, Mỹ thuật 24 tham gia khóa đào tạo văn bằng 2). Sử dụng số giáo viên này đã hoàn thành chương trình đào tạo văn bằng 2 trong thời gian chờ cấp bằng để tham gia giảng dạy.

Chương trình giáo dục phổ thông mới ban hành tháng 12/2018. Tuy nhiên ngày 26/01/2021 Bộ Giáo dục và Đào tạo mới ban hành văn bản về chuẩn bị đội ngũ (Công văn số 371/BGDĐT-NGCBQLGD ngày 26/01/2021 về việc chuẩn bị đội ngũ giáo viên Tiếng Anh, Tin học dạy tiểu học bắt đầu từ năm học 2022-2023). (Trong đó, có giải pháp của Hà Giang đã thực hiện).

Bốn là, tuyên truyền, vận động đội ngũ nhà giáo dạy thêm giờ, tăng tiết; bố trí một giáo viên giảng dạy nhiều trường/nhiều cấp (có thể với từ cấp trung học phổ thông đến cấp tiểu học) trên cùng địa bàn và theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Năm là, hợp đồng giáo viên (trong số chỉ tiêu biên chế được giao chưa sử dụng) theo Nghị quyết 102/NQ-CP ngày 03/7/2020 của Chính phủ về giải pháp đối với biên chế sự nghiệp giáo dục và y tế.

Một trong những giải pháp khắc phục tình trạng thiếu giáo viên là tuyên truyền, vận động đội ngũ nhà giáo dạy thêm giờ, tăng tiết; bố trí một giáo viên giảng dạy nhiều trường/nhiều cấp. Ảnh minh họa: Ngân Chi.

Một trong những giải pháp khắc phục tình trạng thiếu giáo viên là tuyên truyền, vận động đội ngũ nhà giáo dạy thêm giờ, tăng tiết; bố trí một giáo viên giảng dạy nhiều trường/nhiều cấp. Ảnh minh họa: Ngân Chi.

Sáu là, bố trí dạy học trực tuyến (đối với môn Tiếng Anh do thiếu giáo viên và thiếu nguồn tuyển/hợp đồng) ở những nơi thuận lợi, đảm bảo về trang thiết bị, điều kiện để tổ chức dạy học trực tuyến. Đồng thời, bố trí giáo viên Tiếng Anh đến dạy học trực tiếp ở những nơi khó khăn/không có điều kiện tổ chức dạy học trực tuyến.

Bảy là, Sở Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban nhân dân các huyện/thành phố chỉ đạo 100% các cơ sở giáo dục xây dựng phương án chuẩn bị, bố trí giáo viên các môn Tiếng Anh, Tin học, Nghệ thuật thực hiện năm học 2022-2023 trình cấp thẩm quyền phê duyệt. Trong đó, có việc sử dụng chung giáo viên, sử dụng chung thiết bị dạy học giữa các cấp học, các trường.

Tám là, về tuyển dụng: Tiếp tục rà soát, đề xuất phương án để xin chủ trương tuyển dụng giáo viên trong số chỉ tiêu biên chế được giao chưa sử dụng; còn 328 biên chế giáo viên, riêng huyện Quản Bạ còn 29 biên chế; nguyên tắc tuyển dụng hết nếu thiếu thì Chính phủ mới cấp.

Chín là, nghiên cứu, tham mưu cho tỉnh ban hành chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển nhóm, lớp mầm non, phổ thông tư thục, thành lập trường mầm non, phổ thông tư thục trên địa bàn tỉnh Hà Giang; chú trọng ở những nơi/vùng thuận lợi có điều kiện đã được xác định trong Nghị quyết 06, Kế hoạch 238 ngày 7/9/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh nhằm giảm phần nào áp lực về biên chế giáo viên, đồng thời ưu tiên biên chế để đề xuất tuyển dụng giáo viên cho các cơ sở giáo dục ở vùng khó khăn, vùng đặc biệt khó khăn.

Mười là, tham mưu ban hành Kế hoạch số 222/KH-UBND ngày 09/8/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh về đào tạo giáo viên tỉnh Hà Giang theo phương thức giao nhiệm vụ, đặt hàng năm 2021 theo Nghị định 116/2020/NĐ-CP của Chính phủ. Theo đó, nhu cầu bổ sung giáo viên toàn tỉnh, chỉ tiêu đào tạo cho năm tuyển sinh 2021 để tuyển dụng, sử dụng vào năm 2024 (cao đẳng) và 2025 (đại học) là 250 sinh viên. Hiện tại, đã đặt hàng đào tạo 97 người, đã bố trí trên 4,5 tỷ đồng.

Phóng viên: Bên cạnh đó, thời gian tới, Sở có kiến nghị, đề xuất gì để nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo?

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Giang: Đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh tham mưu với các cấp có thẩm quyền, chỉ đạo, cho chủ trương để ngành giáo dục và đào tạo phối hợp với các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố:

Có cơ chế ưu tiên kế hoạch vốn cho ngành giáo dục và đào tạo để đầu tư bổ sung cơ sở vật chất, thiết bị trường học, đào tạo và bồi dưỡng giáo viên phục vụ chương trình giáo dục phổ thông 2018; ưu tiên, bố trí các nguồn lực đầu tư cho xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục... Tiếp tục hỗ trợ kinh phí để xây dựng phòng học bộ môn; mua sắm thiết bị tối thiểu phục vụ dạy và học theo chương trình giáo dục phổ thông mới; xây dựng trường học thông minh, lớp học thông minh; giáo dục STEM.

Đối với biên chế sự nghiệp giáo dục, cần đảm bảo số lượng giáo viên, nhân viên theo đúng định mức (đã được quy định cụ thể tại các Nghị định, Thông tư hướng dẫn). Đồng thời, không thực hiện giao chỉ tiêu tinh giản biên chế đối với ngành giáo dục hoặc không nên áp dụng cào bằng trong tinh giản 10% biên chế như hiện nay để giảm bớt khó khăn về giáo viên đứng lớp, nhất là các địa bàn vùng khó khăn.

Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung ban hành các chế độ chính sách cho giáo viên và học sinh vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn và các đối tượng học sinh yếu thế; ban hành chính sách hỗ trợ bữa ăn trưa cho học sinh học tại các điểm trường không đi về được trong ngày để tổ chức học 2 buổi/ngày; có chính sách hỗ trợ học sinh các xã khó khăn, vùng III khi đạt chuẩn nông thôn mới; nâng mức học bổng chính sách cho học sinh các trường phổ thông dân tộc nội trú cho phù hợp với thực tiễn.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Giang kiến nghị sớm ban hành các chế độ chính sách cho giáo viên và học sinh vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn. Ảnh minh họa: Ngân Chi.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Giang kiến nghị sớm ban hành các chế độ chính sách cho giáo viên và học sinh vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn. Ảnh minh họa: Ngân Chi.

Ngoài ra, nghiên cứu, xây dựng, ban hành Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh Hà Giang về chính sách khuyến khích, hỗ trợ cho giáo viên, học sinh, học viên đạt giải trong các kỳ thi, cuộc thi cấp tỉnh, quốc gia, khu vực và quốc tế; đạt danh hiệu học sinh xuất sắc; giáo viên có thành tích trong việc đào tạo, bồi dưỡng học sinh, học viên đạt giải trong các kỳ thi, cuộc thi cấp quốc gia, khu vực và quốc tế...

Xây dựng, ban hành Đề án tập trung đầu tư cải tạo, sửa chữa, xây mới hệ thống nhà vệ sinh các trường học trên địa bàn tỉnh Hà Giang, giai đoạn 2023-2025.

Bên cạnh đó, đề nghị xem xét kiến nghị Chính phủ sửa đổi, bổ sung nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 102, cho phép đơn vị sự nghiệp giáo dục được hợp đồng giáo viên để có giáo viên giảng dạy đủ theo định mức quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo (bao gồm cả hợp đồng trong số chưa được cấp có thẩm quyền giao đủ biên chế theo định mức) hoặc trong trường hợp không được giao biên chế để hợp đồng thì đơn vị sự nghiệp đó sẽ được bố trí đủ kinh phí theo định mức quy định để bố trí chi trả cho giáo viên dạy vượt giờ.

Đề nghị Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, các sở, ngành và các đơn vị liên quan chủ trì, phối hợp với ngành giáo dục và đào tạo quan tâm bố trí đủ giáo viên giảng dạy cho các cơ sở giáo dục thuộc thẩm quyền quản lý, nhất là giáo viên dạy chương trình giáo dục phổ thông 2018, giáo viên các môn đặc thù; bố trí kinh phí, tăng cường cơ sở vật chất, hỗ trợ mua sắm trang thiết bị dạy học để các cơ sở giáo dục tại các địa phương triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 năm học này và các năm tiếp theo.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông!

Ngân Chi