Kết thúc chương trình tư vấn hướng nghiệp cho các em học sinh ở 5 trường THPT do Trung tâm dịch vụ việc làm Thanh niên tỉnh Quảng Bình tổ chức, chuyên gia Nguyễn Lâm Thúy đến từ Văn phòng tham vấn gia đình và trẻ em Vala (thuộc Hội Khoa học tâm lý - Giáo dục Việt Nam) đánh giá, học sinh rất thông minh nhưng các em còn quá rụt rè, nhút nhát, chưa chủ động.
Các em học sinh nên hành động, thể hiện khả năng, phẩm chất cho mọi người thấy, cho cả bản thân mình thấy rõ được ưu, nhược điểm của mình. (Ảnh: Thủy Phan) |
Chuyên gia Nguyễn Lâm Thúy cũng cho rằng, các em cần hành động để kiểm chứng những kiến thức ta thu lượm được, đồng thời cũng để thể hiện khả năng, phẩm chất của mình cho mọi người thấy, cho bản thân mình thấy rõ những ưu, nhược điểm của mình.
Từ đó, đúc kết và tìm ra được khả năng nào của mình nội trội nhất, mình hợp với nghề gì nhất để lựa chọn nghề nghiệp phù hợp nhất với bản thân.
“Nếu thiếu các hoạt động trải nghiệm thì những tiềm năng của các em sẽ chưa được khai mở, các em có thể ngộ nhận về bản thân và nghề nghiệp, dẫn đến không lựa chọn đúng nghề phù hợp nhất để có cuộc sống an vui, thành đạt.
Trong việc lựa chọn nghề nghiệp, các em có quyền chọn nghề, nhưng nghề cũng có quyền chọn các em. Cái các em muốn, các em thích chỉ để chơi, cái các em giỏi mới là để kiếm tiền”, chuyên gia Nguyễn Lâm Thúy nói.
Về phía các em học sinh, nhiều em vẫn còn khá mơ hồ về vấn đề chọn ngành nghề. Có những em học sinh lớp 11, thậm chí lớp 12 nhưng vẫn chưa xác định được mình có khả năng gì nội trội nhất, mình thích nghề gì nhất.
"Nếu thiếu các hoạt động trải nghiệm, tiềm năng của các em sẽ chưa được khai mở". (Ảnh: Thủy Phan) |
Hoặc có những em biết mình thích nghề gì rồi nhưng chưa biết mình hợp với lĩnh vực gì trong nghề đó, chưa biết nên làm gì để phát huy thế mạnh của mình...
Chuyên gia Nguyễn Lâm Thúy khuyên rằng, để tìm ra điểm nổi trội của mình, trước hết các em hãy tự liệt kê ra những việc mình thích làm, những việc mình từng làm tốt, sau đó tích hợp lại, những việc gì mình vừa thích lại vừa làm tốt thì hỏi thầy cô, bạn bè, hoặc có thể hỏi chuyên gia xem mình có phù hợp không.
Hơn nữa, các em nên tích cực hành động để thấy được những việc đó có đúng là khả năng nổi trội của mình hay không, để từ đó phát huy.
Hiểu mình nhưng cũng phải hiểu nghề. Trước khi chọn nghề, các em phải tìm hiểu kỹ tính chất công việc, hiểu môi trường làm việc...
Hiểu mình, hiểu nghề và cũng phải hiểu thời thế. Khii hội tụ 3 yếu tố này, sẽ giúp các học sinh rút ngắn được thời gian, công sức, tiền bạc trong hành trình chọn nghề phù hợp, nghề có thể làm nên sự thành đạt cho mình nhất.
Theo các lãnh đạo nhà trường, ở trường cũng thường xuyên tổ chức các buổi tư vấn chọn nghề cho các em học sinh, nhưng vì thầy cô là những người không chuyên nên không được hiểu quả cho lắm.
“Hiện tình trạng thất nghiệp ở các sinh viên, cử nhân đang ở mức báo động. Nhiều em thất nghiệp chỉ vì không chọn đúng nghề phù hợp với mình. Chúng tôi cũng rất trăn trở và lo lắng vì học sinh bậc THPT là thời điểm quan trọng nhất để các em lựa chọn nghề cho tương lai.
Vì vậy, có những buổi tư vấn hướng nghiệp như thế này chúng tôi thấy rất tốt, chỉ mong các em tiếp thu, hiểu để chọn được cho mình con đường tốt nhất trong tương lai”, thầy Phạm Hồng Việt, Hiệu trưởng trường THPT Lê Qúy Đôn (huyện Bố Trạch, Quảng Bình) chia sẻ.