Trong vòng vài năm trở lại đây việc tuyển dụng biên chế ngành giáo dục gặp nhiều khó khăn, trong đó việc tuyển nhân viên trường học như kế toán, văn thư, thủ quỹ, y tế,… càng khó khăn hơn.
Bên cạnh đó, từ năm 2015 trở lại đây, các trường không được tuyển dụng nhân viên y tế, nhân viên kế toán khiến cho việc thực hiện các nhiệm vụ vô cùng khó khăn.
Không chỉ tại các địa phương mà ngay cả thành phố lớn nhất cả nước như Thành phố Hồ Chí Minh thì việc thiếu nhân sự kế toán, y tế trường học cũng khiến cho các trường lao đao, các công việc, báo cáo,… liên quan y tế, kế toán bị đình trệ, khó khăn.
Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục đề xuất được tuyển dụng biên chế nhân viên y tế, kế toán trường học
Mới nhất, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Dương Anh Đức vừa ký văn bản gửi Bộ Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc tuyển dụng viên chức vào vị trí y tế, kế toán trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập.
Theo Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, Thông tư chuyên ngành về danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập đã quy định các vị trí y tế, kế toán, văn thư và thủ quỹ (thuộc những vị trí việc làm gắn với nhiệm vụ hỗ trợ, phục vụ) và cho phép thực hiện tuyển dụng viên chức đối với các vị trí này.
Trước đó, từ năm 2015, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các địa phương đã yêu cầu tạm dừng tuyển viên chức làm công tác y tế, kế toán tại các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập để chờ các bộ chuyên ngành rà soát, báo cáo xin ý kiến Thủ tướng phê duyệt quy định về tổ chức y tế trường học, tài chính kế toán trong các cơ sở giáo dục.
Tuy nhiên, do những khó khăn, thiếu hụt về nhân sự thực hiện nhiệm vụ y tế, kế toán, năm 2017, Ủy ban Nhân dân Thành phố đã có công văn kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét lại việc tạm dừng tuyển dụng viên chức làm công tác y tế, tài chính, kế toán tại các cơ sở giáo dục.
Nhiều địa phương thiếu biên chế y tế, kế toán trường học. (Ảnh minh hoạ: Giaoducthoidai.vn) |
Đến nay, Thành phố Hồ Chí Minh vẫn chưa nhận được văn bản chấp thuận của Chính phủ.
Do vậy, các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập phải thực hiện ký hợp đồng lao động trong thời hạn 1 năm để thực hiện nhiệm vụ y tế, tài chính, kế toán.
Tuy nhiên, việc thực hiện ký hợp đồng lao động đối với các vị trí việc làm được xác định là viên chức trong đơn vị sự nghiệp công lập do nhà nước bảo đảm toàn bộ hoặc một phần chi thường xuyên không còn phù hợp theo quy định tại khoản 3 điều 3 Nghị định 161/2018 (sửa đổi, bổ sung một số quy định về tuyển dụng công chức, viên chức, nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức và thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập).
Nhận thấy việc không cho phép thực hiện tuyển dụng viên chức vào vị trí kế toán đã ảnh hưởng lớn đến công tác tài chính của các cơ sở giáo dục; gây tâm tư, bức xúc với những lao động phải chấm dứt, không được tiếp tục ký hợp đồng lao động, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị Bộ Nội vụ, Bộ Giáo dục và Đào tạo báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ sớm xem xét chấp thuận cho Thành phố Hồ Chí Minh được tuyển dụng viên chức vào các vị trí y tế, kế toán.
Các địa phương khác cũng vô cùng khó khăn
Không chỉ Thành phố Hồ Chí Minh, các địa phương khác cũng gặp khó khăn này.
Việc thiếu nhân viên y tế hiện nay vô cùng bất cập tình hình dịch bệnh phức tạp như dịch Covid-19; dịch sốt xuất huyết; dịch tay, chân, miệng,… và nhiều dịch bệnh khác diễn biến còn hết sức phức tạp.
Cộng với nhiệm vụ nhân viên y tế còn phải làm rất nhiều công việc như sơ cấp cứu ban đầu, chăm sóc sức khỏe ban đầu, lo các dịch vụ thiết yếu liên quan y tế, tuyên truyền sức khỏe, giáo dục giới tính, bên cạnh đó còn các báo cáo, các nhiệm vụ khác,… nên nhiệm vụ nhân viên y tế, nhất là hiện nay là vô cùng cần thiết, việc không cho tuyển nhân viên y tế là vô cùng khó khăn, bất cập rất lớn.
Nhiều trường hợp học sinh có dấu hiệu ngộ độc, ngất,… nếu không có nhân viên y tế có trình độ sơ cấp cứu ban đầu, có thể rất nguy hiểm đến tính mạng học sinh.
Phụ huynh không thể yên tâm khi học sinh học trong trường học mà không có nhân viên y tế trường học để xử lý các trường hợp đột xuất, bất ngờ.
Bên cạnh đó, nhân viên kế toán hiện nay tại các cơ sở giáo dục là rất cần thiết, quan trọng trong trường, các trường hiện nay đã thực hiện theo việc tự chủ tài chính nên hầu hết mọi hoạt động liên quan thu, chi, báo cáo tài chính của tất cả các mảng đều do kế toán trường học thực hiện.
Không có kế toán thì trường không thể hoạt động.
Nên nhớ rằng nếu giao giáo viên kiêm nhiệm nhân viên kế toán hay nhân viên y tế là vô cùng bất cập vì không có chuyên môn, thực hiện nhiệm vụ sẽ dẫn đến sai sót.
Một lần nữa, việc giải bài toán thiếu nhân viên kế toán, nhân viên y tế trường học là vô cùng cầp thiết, mong Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ nhanh chóng có phương án trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có giải pháp để giải quyết nội dung trên để các trường ổn định nhân sự đi vào các hoạt động giáo dục và dạy học thực chất hơn.
Việc tuyển dụng biên chế nhân viên y tế, kế toán rất khó
Ngay cả nếu Bộ Nội vụ cho phép các trường được tuyển dụng nhân viên y tế, nhân viên kế toán trường học nhưng việc tuyển dụng cũng sẽ rất khó khăn vì công việc thì nhiều, thời gian làm việc nhiều nhưng lương, chế độ nhân viên trường học là rất thấp không đáp ứng được nhu cầu cuộc sống.
Hiện nay, nếu các sinh viên ra trường đã chọn con đường đi khác thay là vào làm việc nhân viên tại các trường học với chế độ đãi ngộ quá thấp, cơ hội phát triển gần như là không có.
Một lần nữa, thông qua bài viết này chúng tôi tha thiết mong các cấp lãnh đạo nghiên cứu cho phép các trường được tuyển dụng biên chế nhân viên y tế, kế toán, và các nhân viên trường học khác như văn thư, thiết bị,… khi được tuyển dụng sẽ trở thành viên chức giáo dục có đầy đủ chế độ chính sách như đối với giáo viên.
Khi đó mới hy vọng sẽ tuyển đủ các viên chức y tế, viên chức kế toán và các viên chức khác,… để các cơ sở giáo dục ổn định và đi vào hoạt động có hiệu quả, thực chất.