The Phnom Penh Post: Thời gian và tiền bạc chữa lành mọi vết thương

13/10/2016 12:09
Hồng Thủy
(GDVN) - Chế độ diệt chủng Khmre Đỏ đã kết thúc nên không cần phải nhắc mọi người nhớ lại điều đó. Quá khứ lịch sử đau thương không nên xới lại.

Nhân dịp Chủ tịch Trung Quốc thăm chính thức vương quốc Campuchia hôm nay 13/10, báo The Phnom Penh Post có bài phân tích: Thời gian và tiền bạc chữa lành mọi vết thương. Tờ báo viết:

Cuối thập niên 1980 Thủ tướng Hun Sen từng phát biểu, Trung Quốc là gốc rễ của tất cả những gì xấu xa ở Campuchia. Có lẽ lúc đó ông không thể tưởng tượng rằng sẽ có một ngày chính ông lại phụ thuộc quá nhiều vào quốc gia này.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đặt chân xuống đất Campuchia lúc 11 giờ sáng nay, ông sang thăm chính thức đất nước Chùa Tháp với tư cách người đứng đầu quốc gia là "chỗ dựa quan trọng nhất" của Thủ tướng Hun Sen.

Những năm 1980, Trung Quốc từ chối công nhận chính quyền Hun Sen, ngược lại họ là nhà tài trợ của lực lượng diệt chủng Khmer Đỏ. Ngày nay Trung Quốc đã đổ hàng tỉ USD vào quốc gia này.

Campuchia chào đón Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sang thăm bằng pa-nô, áp-phích nổi bật, ảnh: Channel News Asia.
Campuchia chào đón Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sang thăm bằng pa-nô, áp-phích nổi bật, ảnh: Channel News Asia.

Đầu năm nay Thủ tướng Hun Sen cảnh báo phần còn lại của thế giới, sau khi Nghị viện chung châu Âu đe dọa cắt viện trợ vì các vấn đề chính trị đối nội rằng:

"Trung Quốc chưa bao giờ đe dọa Campuchia, và chưa bao giờ ra lệnh cho Campuchia phải làm một cái gì đó. Đừng dọa tôi. Đừng dọa Campuchia bằng cách cắt giảm viện trợ."

Ông ca ngợi sự hào phóng của Trung Quốc, sử dụng quyền phủ quyết của Campuchia tại ASEAN để ngăn đưa vấn đề Biển Đông vào chương trình nghị sự hay các tuyên bố chung của khối trong mỗi kỳ họp.

Người phát ngôn đảng CPP cầm quyền, Sok Eysan cho biết, chính phủ Campuchia đánh giá cao hàng tỉ USD Bắc Kinh đã cung cấp. Về việc Trung Quốc từng đứng sau hỗ trợ (và giật dây) Khmer Đỏ, ông Sok Eysan nói:

"Chúng tôi không nghĩ nhiều về điều đó, vì chế độ diệt chủng Khmre Đỏ đã kết thúc nên không cần phải nhắc mọi người nhớ lại điều đó. Quá khứ lịch sử đau thương không nên xới lại."

Trong khi CPP và Thủ tướng Hun Sen vẫn nhắc nhở người dân Campuchia về vai trò của mình trong việc lật đổ chế độ diệt chủng Khmer Đỏ, nhưng dường như Chủ tịch Trung Quốc không muốn nhắc tới sự hỗ trợ của nước ông cho Khmer Đỏ cho đến khi chúng bị đánh đuổi năm 1979.

Một bài viết ký tên ông Tập Cận Bình gửi cho báo Rasmei Kampuchea Daily trước chuyến thăm Campuchia cũng tránh đề cập đến bất kỳ thông tin nào liên quan đến Khmer Đỏ.

Thay vào đó, bài viết của ông Tập Cận Bình tập trung vào ca ngợi sự ủng hộ của Campuchia đối với (cái gọi là) lợi ích cốt lõi Trung Quốc, như yêu sách đối với Biển Đông đã bị phần còn lại của thế giới này xa lánh. Ông Bình viết:

"Chúng ta không thể quên rằng, trong bối cảnh sự trỗi dậy của một đất nước Trung Hoa mới vốn bị nhiều quốc gia chỉ trích, thậm chí coi như kẻ thù, Campuchia vẫn đi đầu trong việc thiết lập mối quan hệ hữu nghị với Trung Quốc.

Trung Quốc và Campuchia là bạn tốt và trung thực. Các vấn đề liên quan đến lợi ích cốt lõi, hai nước đã đến với nhau để giúp đỡ lẫn nhau."

Người phát ngôn phe đối lập CNRP, Yim Sovann hôm qua từ chối bình luận về việc, liệu đảng này có quan tâm đến sự thay đổi đáng kể trong chính sách của CPP hướng tới Trung Quốc và không quan tâm đến phương Tây hay không:

"Khi CNRP nắm quyền, chúng tôi có những chính sách riêng của mình để xây dựng quan hệ với tất cả các nước. Chúng tôi không coi bất cứ nước nào là kẻ thù. Chúng tôi cần phải có sự hợp tác lẫn nhau với tất cả các nước."

John Ciorciari, một học giả Campuchia từ Trường Chính sách công Geral R. Michigan, Đại học Ford nhận định: 

"CPP vẫn còn lo ngại về mối quan hệ với Mỹ và EU. Điều đó nói lên rằng, các nhà tài trợ phương Tây rõ ràng có rất ít ảnh hưởng tại Campuchia so với trước đây, đặc biệt kể từ khi Bắc Kinh cung cấp cho CPP nguồn viện trợ thay thế." [1]

The Phnom Penh Post: Thời gian và tiền bạc chữa lành mọi vết thương ảnh 2

Từ "hiện tượng" Rodrigo Duterte đến vai trò của Mỹ trong khu vực

(GDVN) - Rodrigo Duterte không đơn giản là nói cho vui, mà thể hiện một tầm nhìn, đánh giá chiến lược về cục diện quốc tế và sức mạnh thực sự của Hoa Kỳ, Trung Quốc.

Khmer Times ngày 13/10 đưa tin, Trung Quốc đã chính thức đồng ý mua 200 ngàn tấn gạo hàng năm từ Campuchia để giúp nông dân trồng lúa nước này đang vật lộn với việc giảm giá gạo toàn cầu và cạnh tranh từ các nước láng giềng.

Trung Quốc cũng cam kết cho Campuchia vay 300 triệu USD để phát triển hệ thống kho bãi, xay xát lúa gạo. [2]

Trước đó ngày 11/10, Khmer Times đưa tin, trước khi rời khỏi Diễn đàn Hương Sơn, Bắc Kinh, Trung Quốc, Bộ trưởng Quốc phòng Campuchia Tea Banh cho biết:

"Nếu thỏa thuận được, Trung Quốc sẽ lắp đặt và bố trí các thiết bị quân sự cho các đơn vị quốc phòng Campuchia để cải thiện khả năng phòng thủ." [3]

Cá nhân người viết cho rằng, không nên sống mãi với thù hận vì những chuyện đã qua thì mới mở được cánh cửa tương lai của hòa bình, phát triển, hợp tác và hữu nghị.

Nhưng điều đó không có nghĩa là lãng quên lịch sử, không biết rút ra được những bài học từ lịch sử để tránh lặp lại những bi kịch đẩy cả một dân tộc, một quốc gia rơi xuống hố chiến tranh, xung đột, huynh đệ tương tàn, nồi da xáo thịt vì những xúi bẩy, ý đồ chính trị đen tối của nước lớn.

Nhìn nhận một cách khách quan, đúng đắn, cầu thị về lịch sử, cả chuyện buồn lẫn chuyện vui, sẽ có tác dụng tích cực trong việc củng cố quan hệ hợp tác giữa các dân tộc, các quốc gia trong thế kỷ 21.

Những bài học lịch sử về cạnh tranh siêu cường, cạnh tranh ý thức hệ của mấy chục năm về trước, hiện vẫn giữ nguyên tính thời sự nóng hổi. Đặc biệt là trong bối cảnh các siêu cường đang cạnh tranh ảnh hưởng gay gắt tại Đông Nam Á, Biển Đông.

Mọi hành động kích động chủ nghĩa dân tộc cực đoan hay né tránh các vấn đề lịch sử đều thái quá, bất cập và không có lợi cho tương lai.

Một đất nước đang phát triển rất cần những nguồn lực. Nhưng tự lực cánh sinh và kết hợp với các xu thế đối ngoại có lợi sẽ tốt hơn rất nhiều việc dựa gần như hoàn toàn vào sự trợ giúp.

Người Việt có một câu người viết rất tâm đắc và cho rằng, nó đúng không chỉ với mỗi cá nhân trong xã hội, mà còn đúng với các hoạt động bang giao cấp quốc gia: Của biếu là của lo, của cho là của nợ.

Tài liệu tham khảo:

[1]http://www.phnompenhpost.com/national/analysis-time-cash-heal-all-wounds

[2]http://www.khmertimeskh.com/news/30744/china-oks-mou-for-200-000-tons-of-rice/

[3]http://www.khmertimeskh.com/news/30614/china-to-help-cambodia---s-military/

Hồng Thủy