Chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Nguyễn Xuân Khang, Chủ tịch Hội đồng trường Marie Curie (Hà Nội) cho biết đã lập dự án “nuôi” học sinh Làng Nủ.
Thầy Khang cho biết, ngày 01/10/2024, cách đây mới 6 ngày. Nhóm công tác đặc biệt của trường Marie Curie cử đi Lào Cai đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thăm hỏi, khảo sát, lập danh sách gồm 22 cháu từ 3 tuổi (mẫu giáo) đến 17 tuổi (lớp 12) sống sót sau trận lũ quét kinh hoàng sáng sớm ngày 10/9/2024 ở Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai.
“Có đầy đủ, cụ thể và chính xác thông tin cần thiết của các con, tôi chính thức nhận “nuôi” các con từ nay đến hết 18 tuổi, bằng cách mỗi tháng gửi cho mỗi con 3 triệu đồng để ăn học. Đó là phần cơ bản, trong quá trình phát triển các con cần thêm gì thầy lo được. Dự án bắt đầu từ tháng 10/2024 cho đến năm 2039, 15 năm”, thầy Khang cho biết.
Theo danh sách cho thấy, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Bảo Yên (Lào Cai) xác nhận danh sách với đầy đủ thông tin về hoàn cảnh gia đình, người thân, số tài khoản của 22 học sinh. Trong đó, nhiều em hiện vẫn đang phải điều trị tại bệnh viện Việt Đức, bệnh viện Bạch Mai do thương tích từ trận lũ quét vừa qua. Đặc biệt, có em vừa vào lớp 1 mất cả bố mẹ, hai anh trai và ngôi nhà; có những em mất bố, hoặc mẹ, hoặc anh chị em ruột….
Thầy Khang chia sẻ, đến năm 2039 dự án mới kết thúc vì đó là thời điểm những em nhỏ nhất trong danh sách tròn 18 tuổi, còn thầy bước vào tuổi 90.
"Bây giờ tôi là người ham sống nhất. ‘Ông nội' của 22 bé Làng Nủ mong sống ít nhất 15 năm nữa để thấy tất cả các con trưởng thành. Nhưng dù “ông nội” phải đi xa thì các con vẫn được ấm no và học hành tử tế như mong muốn của ông khi quyết định nhận nuôi các con”, thầy Khang giãi bày.
Nhận “nuôi” mỗi đứa trẻ, với nhà giáo Nguyễn Xuân Khang không chỉ là mỗi tháng gửi cho các con một khoản tiền đủ trang trải cho việc ăn học mà còn theo dõi và kịp thời hỗ trợ trong suốt quá trình các con lớn lên. Bởi vậy, danh sách không chỉ có tên tuổi, trường lớp, thông tin người thân, người bảo hộ… của mỗi đứa trẻ mà còn có tên và thông tin liên lạc của giáo viên chủ nhiệm của các em.
Theo thầy Khang, ngoài những người thân của các em thì giáo viên chủ nhiệm là người mà ông sẽ phải “dựa” vào để biết các em lớn lên, học tập và trưởng thành ra sao.
Thầy Khang cho biết, việc làm của mình đơn giản chỉ vì mong muốn bù đắp cho các con, giúp tương lai của những đứa trẻ may mắn sống sót nhưng phải chịu nhiều tổn thương này sẽ không còn “mù mịt” nữa.
Đây không phải lần đầu tiên thầy Nguyễn Xuân Khang quyết định hỗ trợ học sinh vùng cao. Tháng 11/2023, trước tình trạng thiếu giáo viên tiếng Anh ở Mèo Vạc (Hà Giang), thầy Khang quyết định chi 6 - 12 tỷ đồng hỗ trợ 33 sinh viên dân tộc Mông, Tày, Giáy, Nùng, Xuồng, Dao, Lô Lô… là người huyện Mèo Vạc theo học đại học chuyên ngành này theo hình thức “cử tuyển” và “xã hội hoá”.Tức là huyện Mèo Vạc chọn cử sinh viên đi học, sau này tốt nghiệp sẽ về dạy học sinh của huyện; trường Marie Curie cấp học bổng 5 triệu đồng/tháng/sinh viên trong thời gian học đại học. Số tiền hỗ trợ được chuyển thẳng tới tài khoản của sinh viên.
Dự án đến nay đã thực hiện được 1 năm. Bắt đầu từ năm 2025, lần lượt sẽ có sinh viên tốt nghiệp về dạy tiếng Anh cho học sinh Mèo Vạc. Đặc biệt, thầy Khang cũng quyết định tặng mỗi người một chiếc xe máy làm phương tiện đi dạy ngay sau khi cầm quyết định phân công tác.
Trước đó, thầy Khang đã hỗ trợ giáo viên tiếng Anh 3 năm liền cho Mèo Vạc để giải quyết bài toán thiếu giáo viên tiếng Anh của địa phương này.
Đến hồi tháng 2 năm nay, thầy Khang tiếp tục quyết định chi 100 tỷ đồng để xây dựng trường phổ thông dân tộc bán trú ở huyện Mèo Vạc (Hà Giang).