Thấy con có biểu hiện lạ, bố mẹ cần can thiệp sớm đừng chờ GV, hiệu trưởng

01/05/2023 06:32
Khánh An
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Thấy con có những biểu hiện lạ khi đi học, các phụ huynh nên tìm hiểu ngay, không nên phó mặc vào nhà trường mà hãy tìm cách giải quyết luôn tình trạng đó

Nhắc đến bạo lực học đường, nhiều người nghĩ đến những hành vi như trêu chọc hay đánh nhau, thế nhưng, thực tế còn nhiều trạng thái của bắt nạt nghiêm trọng hơn rất nhiều. Có những đứa trẻ bị bạn bè bôi nhọ, tung tin đồn xấu, rồi ném đồ bẩn vào quần áo/cặp sách, rạch đồ, bị quay lén, bị bắt làm trò cười, làm "tay sai vặt" trong lớp, và tồi tệ hơn là bị làm nhục, tẩy chay,... Những việc làm này là một trong nhiều nguyên nhân dồn một đứa trẻ đến “đường cùng”. Nếu chúng ta không kịp thời đưa ra những biện pháp cứng rắn thì mức độ nguy hiểm của vấn đề bạo lực học đường sẽ ngày càng gia tăng.

Cũng có trường hợp, giáo viên chú trọng vào chuyên môn, ít quan tâm, sâu sát đến tâm lý của học trò, vì thế chưa xử lý kịp thời những bất thường trong mối quan hệ của các em, chưa đánh giá đúng sự nghiêm trọng của bạo lực học đường.

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, chị H (một phụ huynh ở Hà Nội) bức xúc kể lại, hồi con chị mới vào lớp 10, cô giáo chủ nhiệm hỏi về vấn đề tế nhị trước cả lớp rằng hoàn cảnh gia đình các em như thế nào, có ai bố mẹ ly hôn không. Con chị H trả lời thẳng thắn rằng: “Bố mẹ em ly hôn”. Và vì câu trả lời đó mà em bị bắt nạt suốt quãng thời gian sau đó.

Ảnh minh họa. (Nguồn: Báo Đại đoàn kết).

Ảnh minh họa. (Nguồn: Báo Đại đoàn kết).

Theo chị H, có thời gian, con hay cáu bẳn, mỗi lần đi học là khó chịu. Đến khi chị gặng hỏi để tìm hiểu thì mới biết sự tình câu chuyện. Rằng con bị một nhóm bạn chuyên bắt nạt, miệt thị bằng những lời nói ác ý như “đồ không có bố” hay “đồ gia đình bố mẹ bỏ nhau”.

Sau khi nghe con kể chuyện, chị H muốn đến gặp cô giáo chủ nhiệm lớp để trao đổi hướng giải quyết nhưng con chị lại sợ hãi, muốn có thêm thời gian. Thương con, chị H cũng đành đợi một thời gian, cũng là một tia mong manh hi vọng vào việc các em bắt nạt con chị thay đổi.

Tuy nhiên, càng ngày, chị H càng thấy con có biểu hiện áp lực hơn nên đã gọi trực tiếp cho giáo viên chủ nhiệm để giải quyết sự việc. Cô giáo cho biết cũng có nắm bắt qua vấn đề này nhưng chưa kịp giải quyết, con chị không phải là học sinh duy nhất trong lớp rơi vào cảnh bị bắt nạt, miệt thị này.

Cảm thấy không thể chờ đợi lâu hơn, chị H đã xin cô giáo chủ nhiệm lên tận lớp để nói chuyện với các bạn học sinh bắt nạt con mình.

“Ban đầu giáo viên chủ nhiệm có chần chừ, chưa đồng ý ngay với yêu cầu của tôi, nhưng tôi đã nhấn mạnh rằng, đây là một vấn đề nghiêm trọng, gây ảnh hưởng đến tâm lý của không riêng con tôi mà còn ảnh hưởng đến rất nhiều em trong lớp nữa. Bởi, mấy học sinh còn bắt nạt các bạn khác trong lớp, sau đó, cô giáo đồng ý.

Trong buổi nói chuyện hôm đó, tôi có nói với nhóm các bạn bắt nạt con tôi rằng đi học không chỉ là để học kiến thức mà đến gặp bạn cùng lớp còn để có niềm vui cũng như yêu cầu tuyệt đối không để sự việc tương tự xảy ra nữa”, chị H nói.

Nhờ buổi trao đổi hôm đó, đến thời điểm hiện tại, chị thấy con đi học cũng hào hứng hơn nhiều và khi hỏi chuyện, con cũng nói không bị các bạn miệt thị như trước nữa.

Thông qua câu chuyện của mình, chị H muốn nhắn nhủ các bậc phụ huynh rằng: cần chú trọng nhiều hơn trong việc giáo dục con và đừng phó mặc vào nhà trường. Bởi, vấn nạn bạo lực học đường trong thời gian gần đây đang ngày càng trở nên đáng lo ngại. Cả nhà trường, phụ huynh đều phải sát sao, quan tâm con và có hành động mạnh mẽ hơn.

“Các con khi bị bắt nạt thường ngại nói với gia đình vì sợ bị bắt nạt, tẩy chay mạnh hơn, thậm chí sợ bị cô giáo ghét nếu phụ huynh trao đổi với cô. Do vậy, phải thường xuyên quan tâm, để ý kỹ con trẻ, thấy các con có biểu hiện khác lạ là phải tìm hiểu và can thiệp xử lý ngay”, chị H nói.

Em Bùi Minh Phương (sinh năm 2004) từng bị bắt nạt hồi học lớp 7 tại một trường trung học cơ sở trên địa bàn thành phố Hà Nội. Phương chia sẻ, dù ngoại hình lúc đó của em không được nổi bật, nhưng em là một học sinh giỏi luôn đứng trong top đầu của lớp và sở hữu giọng hát tốt nên nhận được sự quý mến của nhiều thầy cô trong trường.

Thế nhưng, chỉ vì ngoại hình không được nổi bật của mình mà em đã phải trải qua quãng thời gian rất khổ sở. Mỗi ngày đến lớp, em đều phải đối mặt với những lời nói miệt thị vẻ bề ngoài, xúc phạm đến bố mẹ của em, rồi nhóm bắt nạt còn lôi kéo các bạn trong lớp tẩy chay, lập những group trên mạng xã hội để chửi rủa em.

Trong lúc những “kẻ bắt nạt” học đường đang ra sức vui vẻ, vây quanh chọc ghẹo, thì Phương luôn nghĩ rằng mình là “đồ bỏ đi”, và cũng từng nghĩ đến việc tự tử, bởi em bế tắc, và không muốn phải chịu những tổn thương như vậy nữa.

Thế nhưng, vượt lên suy nghĩ tiêu cực, Phương thấy rằng mình phải trở nên mạnh mẽ hơn, em cố gắng vượt qua những lời chế giễu và chê bai của những kẻ bắt nạt để kiếm tìm niềm vui của riêng mình cũng như tích cực thay đổi, học tốt hơn, hoàn thiện bản thân nhiều hơn nữa.

Do vậy, đến thời điểm hiện tại, em đã đạt được học bổng du học, xây dựng dự án cộng đồng giúp đỡ các bạn học sinh gặp tình trạng bị bắt nạt tương tự như mình trước đây.

Thế nhưng, không phải ai cũng mạnh mẽ như Phương để tự mình vượt qua được những hành vi bạo lực học đường, do vậy, nhà trường, gia đình và xã hội cần có sự phản đối quyết liệt và có hướng giải quyết mạnh mẽ hơn với những đối tượng có hành vi bạo lực học đường để chấm dứt tình trạng này.

Khánh An