Tham gia thành phố học tập toàn cầu của UNESCO có thêm cơ hội hợp tác quốc tế

19/01/2025 06:22
Phương Thảo
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Các thành phố cần nắm rõ 3 nhóm tiêu chuẩn lớn với 42 tiêu chí của UNESCO để được công nhận là thành phố học tập toàn cầu, gia nhập UNESCO GNLC.

Viện học tập suốt đời của UNESCO (UIL) là một trung tâm nghiên cứu xuất sắc về học tập suốt đời của UNESCO (Center of Excellence - COE), đã tiến hành xây dựng mạng lưới thành phố học tập toàn cầu UNESCO (GNLC) vào năm 2012. Mạng lưới này là nền tảng trao đổi quốc tế, cho phép các thành phố chia sẻ kinh nghiệm chuyên môn và các thực hành tốt để xây dựng một “thành phố học tập”. [1]

Bộ tiêu chí xây dựng thành phố học tập toàn cầu

Ở Việt Nam hiện nay có 5 thành phố nằm trong mạng lưới thành phố học tập toàn cầu được UNESCO công nhận, bao gồm: thành phố Sa Đéc (tỉnh Đồng Tháp), thành phố Vinh (tỉnh Nghệ An), thành phố Cao Lãnh (tỉnh Đồng Tháp), thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Sơn La (tỉnh Sơn La).

a79d51ae-1d77-4e9f-9cb3-12579fb35019.jpg
Bà Miki Nozawa - Trưởng Ban giáo dục Văn phòng UNESCO tại Hà Nội trao Giấy chứng nhận thành phố Cao Lãnh là thành viên mạng lưới các thành phố học tập toàn cầu của UNESCO năm 2022. (Ảnh: Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Cao Lãnh cung cấp)

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Nguyễn Hoàng Thanh, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp cho biết, UNESCO đóng một vai trò quan trọng trong việc phát triển các khái niệm về học tập suốt đời và xã hội học tập, thúc đẩy thảo luận về khái niệm xã hội học tập.

UNESCO thiết lập cấu trúc giáo dục theo 2 tiền đề cơ bản: Tất cả các cơ quan đều trở thành nơi cung cấp giáo dục và tất cả công dân đều tham gia học tập, tận dụng tối đa thuận lợi từ các cơ hội mà “xã hội học tập” mang lại. Học tập suốt đời cần hướng đến một xã hội học tập mà tại đó con người được hưởng rất nhiều cơ hội học tập, không chỉ trong nhà trường mà còn cả trong đời sống kinh tế, xã hội và văn hóa.

Thành phố học tập của UNESCO có vai trò kết nối các cơ sở giáo dục, đào tạo, văn hóa và thu hút nhiều đối tác như đại diện khu vực, tổ chức xã hội và người sử dụng lao động. Từ đó, huy động hiệu quả các nguồn lực trong mọi lĩnh vực để thúc đẩy học tập toàn diện và có chất lượng, từ giáo dục phổ thông đến giáo dục đại học. Thực hiện hóa mục tiêu, đem lại những sáng kiến mới cho việc học tập trong gia đình và cộng đồng, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho việc học tập tại nơi làm việc, mở rộng việc sử dụng công nghệ học tập hiện đại.

Thap duoc truyen thong.jpg
Ông Nguyễn Hoàng Thanh, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp. (Ảnh: NVCC)

Thành phố Vinh là một trong 2 thành phố đầu tiên của Việt Nam tham gia mạng lưới các thành học tập toàn cầu của UNESCO từ tháng 9/2020. Theo bà Hoàng Thị Phương Thảo, Trưởng phòng Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An, để được công nhận là thành viên của mạng lưới các thành phố học tập toàn cầu của UNESCO, các thành phố cần thực hiện các bước sau:

Bước 1, các thành phố cần nghiên cứu và nắm rõ bộ tiêu chí xây dựng thành phố học tập toàn cầu của UNESCO.

Bước 2, thu thập dữ liệu và tổ chức khảo sát, đánh giá mức độ đạt được của thành phố ở từng tiêu chí để đối chiếu với bộ tiêu chí theo quy định của UNESCO.

Bước 3, thực hiện các giải pháp đồng bộ để hoàn thiện các tiêu chí chưa đạt.

Bước 4, xây dựng hồ sơ đăng ký ứng cử thành viên theo mẫu của UNESCO.

Bộ tiêu chí xây dựng thành phố học tập của UNESCO gồm 3 nhóm tiêu chuẩn lớn với 42 tiêu chí cụ thể.

Màu đào Vẽ tay Biểu đồ chữ T So sánh và Đối chiếu Phông nền Lật.png
Ảnh: Phương Thảo

Cơ hội tiếp cận, học hỏi các chương trình đào tạo quốc tế từ nhiều quốc gia

Theo bà Phương Thảo, sau hơn 4 năm gia nhập mạng lưới thành phố học tập toàn cầu, thành phố Vinh đã nhận được nhiều lợi ích giáo dục dành cho người dân thành phố dưới sự hỗ trợ của UNESCO. Cụ thể:

“UNESCO khuyến khích thành phố phát triển các mô hình học tập suốt đời, qua giáo dục chính quy và không chính quy để mọi người dân có cơ hội học tập và nâng cao năng lực cá nhân.

Đồng thời, thường xuyên tổ chức các diễn đàn giữa các thành phố học tập toàn cầu, qua các buổi tham gia diễn đàn giúp thành phố Vinh được học hỏi từ các thành phố khác trên toàn cầu các kinh nghiệm về chính sách giáo dục, phương pháp giảng dạy sáng tạo và các chương trình đào tạo kỹ năng.

Thông qua các sáng kiến UNESCO chia sẻ từ các diễn đàn trực tuyến và trực tiếp, thành phố Vinh có thể tiếp cận các chương trình giáo dục nhằm giảm bất bình đẳng giới, hỗ trợ người học có hoàn cảnh khó khăn và đảm bảo mọi người đều có cơ hội tiếp cận giáo dục.

Cùng với đó, công tác chuyển đổi số đang được thực hiện quyết liệt và hiệu quả ở thành phố Vinh để cải thiện hệ thống giáo dục, từ việc xây dựng các nền tảng học tập trực tuyến đến tổ chức các khóa học kỹ thuật số.

UNESCO tích hợp giáo dục phát triển bền vững (Education for Sustainable Development - ESD) vào hệ thống giáo dục, khuyến khích các thành phố thành viên tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường, xây dựng cộng đồng bền vững và tăng cường tinh thần trách nhiệm xã hội”, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Vinh chia sẻ.

Bà Thảo khẳng định rằng, tham gia mạng lưới thành phố học tập toàn cầu giúp thành phố Vinh nâng cao chất lượng giáo dục, được xây dựng để trở thành một cộng đồng học tập, nơi mọi người đều có thể phát triển bản thân và đóng góp vào sự phát triển chung của xã hội.

Cream Colorful Trivia Night Presentation (3).png
Thành phố Vinh tham gia mạng lưới thành phố học tập toàn cầu của UNESCO năm 2020. (Ảnh: NVCC, Thiết kế: Phương Thảo)

Trong khi đó, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Cao Lãnh đánh giá, lợi ích lớn nhất khi gia nhập mạng lưới thành phố học tập toàn cầu của UNESCO là người học tại thành phố Cao Lãnh có cơ hội tiếp cận với các khóa học, hội thảo và các chương trình đào tạo quốc tế.

“Hợp tác quốc tế đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của xã hội hiện nay, đặc biệt là trong bối cảnh toàn cầu hóa. Hợp tác quốc tế không chỉ giúp các cơ sở giáo dục nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu mà còn mở rộng cơ hội giao lưu văn hóa, trao đổi kiến thức, kinh nghiệm với các đối tác quốc tế.

Thành phố Cao Lãnh tích cực hợp tác với các hiệp hội nghề nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc,.… để đưa sinh viên ra nước ngoài thực tập, đưa lao động sang làm việc,.…

Đồng thời, qua hệ thống thông tin liên quan đến hợp tác quốc tế được xây dựng đồng bộ trên các kênh mạng xã hội và website, người học có cơ hội tìm hiểu và tham gia các hoạt động như hội thảo du học, định hướng nghề nghiệp quốc tế, hội nghị quốc tế, chương trình trao đổi, và học bổng do các đối tác cung cấp.

Ngoài ra, các cơ sở giáo dục có thể kết nối với các nhà khoa học, tổ chức nghiên cứu đến từ nhiều quốc gia khác nhau thông qua các diễn đàn khoa học quốc tế hay dự án hợp tác nghiên cứu, chuyển giao công nghệ nhằm mang đến những sản phẩm khoa học công nghệ chất lượng, giàu tính ứng dụng hơn để phục vụ cộng đồng”, ông Hoàng Thanh bày tỏ.

Bài học kinh nghiệm trong xây dựng thành phố học tập toàn cầu

Theo bà Hoàng Thị Phương Thảo, mục tiêu lớn nhất mà thành phố Vinh mong muốn đạt được khi là thành viên của mạng lưới thành phố học tập toàn cầu là trở thành trung tâm giáo dục và đào tạo hàng đầu của khu vực Bắc Trung Bộ.

Để hoàn thành mục tiêu này, thành phố Vinh tiếp tục thực hiện các giải pháp đồng bộ để hoàn thiện và nâng cao chất lượng các tiêu chí của thành phố học tập theo bộ tiêu chí của UNESCO quy định, tiếp tục tìm tòi, nghiên cứu để có những sáng kiến thiết thực, mang tính đột phá trong việc xây dựng thành phố học tập để phấn đấu đạt được giải thưởng “Thành phố học tập” của UNESCO vào năm 2027.

Ngành giáo dục và đào tạo thành phố Vinh đã và đang triển khai những chương trình, hoạt động trọng tâm nhằm nâng cao chất lượng giáo dục và khuyến khích học tập suốt đời trong cộng đồng.

Đầu tiên là phát triển văn hóa đọc và học tập suốt đời. Thành phố Vinh đã xây dựng chương trình đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong thư viện, bảo tàng và trung tâm văn hóa cộng đồng đến năm 2030.

Tổ chức ngày hội đọc sách hàng năm ở các trường học, nhà văn hóa khối, xóm nhằm nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc học tập suốt đời, đầu tư cơ sở vật chất và tổ chức các hoạt động thu hút người dân tham gia, đặc biệt là thanh thiếu niên, người cao tuổi và các nhóm người yếu thế giúp họ hình thành thói quen đọc sách và kỹ năng tiếp cận, xử lý thông tin.

Thành phố đang triển khai và đẩy mạnh việc xây dựng thư viện cộng đồng ở các nhà văn hóa khối, xóm, khu dân cư để giúp người dân có không gian đọc sách mọi lúc, mọi nơi.

Tiếp theo là phối hợp với các trung tâm học tập cộng đồng, các trường dạy nghề, trung tâm hướng nghiệp và giáo dục thường xuyên. Trên địa bàn thành phố có 25 trung tâm học tập cộng đồng, 2 trung tâm giáo dục thường xuyên cùng nhiều trường đại học, cao đẳng, trung cấp, trường dạy nghề.

Phòng giáo dục và đào tạo phối hợp chặt chẽ với các trường và các trung tâm để tổ chức các khóa học, chương trình bồi dưỡng, đáp ứng nhu cầu học tập đa dạng của người dân như: Tổ chức các lớp dạy nghề, các lớp dạy nấu ăn, chăn nuôi, trồng trọt... đến tận từng khối xóm, khu dân cư, từ đó đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong cộng đồng.

Về phía thành phố Cao Lãnh, ông Nguyễn Hoàng Thanh cho hay, Phòng Giáo dục và Đào tạo tăng cường công tác tuyên truyền để cán bộ, công chức, viên chức và người dân thành phố hiểu rõ về ý nghĩa, mục đích của việc xây dựng thành phố học tập; lợi ích, trách nhiệm của các cấp chính quyền và người dân thành phố khi tham gia mạng lưới thành phố học tập toàn cầu của UNESCO. Song song với đó là xây dựng kế hoạch tổng thể và lộ trình xây dựng thành phố học tập giai đoạn tiếp theo; xây dựng kế hoạch hàng năm về xây dựng thành phố học tập.

Đồng thời, lãnh đạo phòng giáo dục và đào tạo thường xuyên chỉ đạo, đôn đốc hoạt động triển khai thực hiện kế hoạch xây dựng thành phố học tập. Định kỳ, tổ chức đánh giá sự tiến bộ của các tiêu chí, trong đó tập trung vào việc phân tích các tiêu chí còn chưa đạt để từ đó có những giải pháp hữu hiệu nhằm thực hiện có hiệu quả kế hoạch xây dựng thành phố học tập của thành phố Cao Lãnh.

Cuối cùng là thực hiện các chính sách và bố trí kinh phí ngân sách để triển khai các nội dung, hoạt động trong kế hoạch đã đề ra; kết hợp huy động sự đóng góp của các tổ chức và cá nhân nhằm thực hiện tốt các tiêu chí về xây dựng thành phố học tập.

Diem doc sach.jpg
“Điểm đọc sách, học tập và sinh hoạt văn hoá” tại Ban nhân dân khóm 1, phường 6, thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp. (Ảnh: Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Cao Lãnh cung cấp)

Từ những kinh nghiệm và bài học rút ra trong thực tiễn, bà Hoàng Thị Phương Thảo cho rằng, việc xây dựng thành phố học tập đòi hỏi sự phối hợp giữa các cơ quan chính quyền, tổ chức, doanh nghiệp, và cộng đồng dân cư.

Thứ nhất, cần đặt mục tiêu rõ ràng và dài hạn. Các thành phố cần xác định tầm nhìn chiến lược với các mục tiêu cụ thể, khả thi như thúc đẩy học tập suốt đời, cải thiện kỹ năng nghề, hoặc nâng cao chất lượng giáo dục; Gắn kết mục tiêu với sự phát triển bền vững, không chỉ trong lĩnh vực giáo dục mà còn ở các lĩnh vực kinh tế, văn hóa và xã hội.

Thứ hai, huy động sự tham gia của mọi thành phần xã hội bằng việc xây dựng cơ chế phối hợp giữa các bên liên quan như chính quyền địa phương, các tổ chức giáo dục, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư. Việc huy động các nguồn lực (nhân lực, tài chính) từ các tổ chức, doanh nghiệp và người dân sẽ giúp duy trì động lực và tính bền vững cho các chương trình học tập.

Thứ ba, tăng cường cơ sở vật chất và hạ tầng kỹ thuật. Đầu tư vào các cơ sở giáo dục, thư viện, trung tâm học tập cộng đồng và hạ tầng số. Việc tạo điều kiện thuận lợi về cơ sở vật chất giúp thúc đẩy phong trào học tập và tăng khả năng tiếp cận giáo dục của mọi tầng lớp nhân dân.

Thứ tư, đổi mới nội dung và phương pháp giáo dục. Ứng dụng công nghệ vào giảng dạy, xây dựng kế hoạch giáo dục và các chương trình học linh hoạt và phù hợp với nhu cầu thực tế của người học. Khi thực hiện đổi mới phương pháp dạy học và chương trình phải lấy người học làm trung tâm, khuyến khích sự sáng tạo và khả năng tự học của người học.

Thứ năm, tổ chức các chương trình học tập thường xuyên cho mọi lứa tuổi, từ trẻ em đến người lớn tuổi, đặc biệt là các nhóm yếu thế. Xây dựng các chính sách khuyến khích như miễn giảm học phí, hỗ trợ tài chính, hoặc tổ chức các khóa học miễn phí tại cộng đồng.

Thứ sáu, tăng cường hợp tác quốc tế, học hỏi kinh nghiệm từ các thành phố học tập khác trên thế giới thông qua các diễn đàn, hội thảo quốc tế. Việc hợp tác quốc tế không chỉ giúp chia sẻ kinh nghiệm mà còn mở ra cơ hội tiếp cận các nguồn lực quốc tế như tài chính, công nghệ và chuyên gia.

Trao tu VTT.png
Thành phố Cao Lãnh huy động sự đóng góp của các tổ chức cộng đồng trong xây dựng thành phố học tập. (Ảnh: Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Cao Lãnh cung cấp)

Cùng trao đổi về kinh nghiệm chuyên môn và bài học thực tiễn trong việc xây dựng thành phố học tập toàn cầu, ông Nguyễn Hoàng Thanh đánh giá cao công tác tuyên truyền các hoạt động về xã hội học tập.

“Các thành phố nên thường xuyên tổ chức nhiều hình thức phong phú và thực hiện xây dựng các mô hình “gia đình học tập”, “dòng họ học tập”, “cộng đồng học tập”, “đơn vị học tập” nhằm động viên mọi tầng lớp nhân dân tích cực tham gia xây dựng thành phố học tập, khuyến khích học tập suốt đời.

Bên cạnh tổ chức tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời tại các cơ quan, đơn vị, trường học trên địa bàn thành phố, cần thực hiện tổ chức tuyên dương, khen thưởng các đơn vị và cá nhân có nhiều thành tích trong công tác xây dựng thành phố học tập; tổ chức xét tặng danh hiệu “Đơn vị có phong trào học tập tốt” cho các cơ quan, đơn vị, xã, phường”, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Cao Lãnh chia sẻ.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://moet.gov.vn/giaoducquocdan/giao-duc-thuong-xuyen/Pages/tin-tuc.aspx?ItemID=4480

Phương Thảo