Vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo lấy ý kiến cho Dự thảo hồ sơ đề nghị xây dựng Nghị quyết về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo 3-5 tuổi.
Theo ghi nhận, để thực hiện được chính sách này cần phải giải được bài toán về cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên.
Chưa đáp ứng đủ cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên
Trao đổi cùng Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Quảng Ngãi (tỉnh Quảng Ngãi) Nguyễn Văn Hưng cho biết, trên địa bàn thành phố Quảng Ngãi có 32 trường mầm non (24 trường công lập, 8 trường tư thục), 171 cơ sở độc lập tư thục.
Việc duy trì đạt chuẩn phổ cập giáo dục trẻ mầm non cho trẻ dưới 5 tuổi tại địa phương luôn được quan tâm thực hiện, đáp ứng yêu cầu theo quy định tại Điều 6, Chương II Nghị định 20/2014/NĐ-CP của Chính phủ; Điều 3, Chương II Thông tư số 07/2016/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Còn đối với trẻ 3-4 tuổi, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Quảng Ngãi bày tỏ: “Hiện tại, tổng số trẻ 3-4 tuổi đã đi học mẫu giáo trên toàn địa bàn thành phố là 2657/3751, đạt tỉ lệ 70,83%. Số còn lại chưa đi học do các cháu còn nhỏ, cha mẹ chưa cho đi học”.
Dù vậy, để thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ từ 3 tuổi như trong Nghị quyết là một vấn đề không đơn giản với thành phố Quảng Ngãi.
Theo Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Quảng Ngãi, mạng lưới trường mầm non ở một số xã trên địa bàn chưa được mở rộng về quy mô, diện tích nên cũng chưa mở rộng được số trẻ huy động và số lớp.
“Hiện nay nhu cầu gửi con đến nhà trẻ, mẫu giáo của phụ huynh ngày càng cao, nhưng cơ sở vật chất không đủ để đáp ứng. Đội ngũ giáo viên và nhân viên tại các trường mầm non còn thiếu nên ảnh hưởng đến việc nhận trẻ đến trường và chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ tại các cơ sở giáo dục mầm non. Vì vậy còn nhiều trường hợp phụ huynh không có nơi để gửi con, nhất là trẻ độ tuổi nhà trẻ, mẫu giáo.
Toàn thành phố Quảng Ngãi chỉ có 15/32 xã, phường có nhóm trẻ độc lập tư thục; số xã, phường còn lại chưa có cơ sở giáo dục mầm non độc lập, dẫn đến tỷ lệ huy động trẻ ra lớp thấp; công tác phát triển xã hội hóa đối với giáo dục mầm non trên địa bàn thành phố chưa cao” - ông Hưng chia sẻ.
Cũng theo ông Hưng, cùng với việc phát triển cơ sở vật chất và tạo điều kiện cho đội ngũ giáo viên, một đối tượng khác cũng rất cần được quan tâm là nhân viên cấp dưỡng tại các trường mầm non. Dù không trực tiếp tham gia giảng dạy và chăm sóc trẻ, nhân viên cấp dưỡng phụ trách các bữa ăn trong trường, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
“Chế độ của nhân viên cấp dưỡng thiếu ổn định, lực lượng này khó an tâm công tác, ảnh hưởng đến công tác nuôi trẻ trong trường mầm non bán trú tập trung” - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Quảng Ngãi cho biết.
Trường mầm non ở miền núi bị quá tải
Tình trạng thiếu cơ sở mầm non, giáo viên mầm non không chỉ diễn ra ở các thành phố lớn mà cả những xã, phường vùng sâu vùng xa.
Trả lời Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, bà Trịnh Lan Anh - Trưởng phòng Giáo dục mầm non và Giáo dục tiểu học, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La cho biết, trên địa bàn tỉnh có 230 trường mẫu giáo trên tổng số 204 xã/phường/thị trấn, trong đó có 15 trường mầm non ngoài công lập. Tỉnh Sơn La cơ bản đã đáp ứng được ít nhất mỗi xã/phường/thị trấn có 01 trường mầm non trên địa bàn.
Tuy nhiên, với tình hình thực tiễn hiện nay, nhu cầu đến trường của trẻ cao nên có một số trường có quy mô số lớp và số trẻ quá lớn so với định biên. Hiện có 15 trường mầm non có trên 25 nhóm lớp với số lượng từ 720 đến hơn 1000 trẻ. Bên cạnh đó, tỉnh Sơn La mới đạt định mức giáo viên là 1,4 giáo viên/lớp.
“Ngành giáo dục cũng đang từng bước tháo gỡ, tham mưu trình Ủy ban nhân dân tỉnh cho chủ trương thành lập thêm trường mầm non để đáp ứng nhu cầu của trẻ đến trường.
Hiện nay, tỷ lệ huy động trẻ ra lớp tại vùng sâu vùng xa đã đạt trên 95%, đạt mục tiêu Ủy ban nhân dân tỉnh đề ra tại Quyết định 424 về thực hiện Đề án phát triển giáo dục mầm non giai đoạn 2018-2025 theo Quyết định số 1677/QĐ-TTg của Thủ tướng chính phủ” - bà Trịnh Lan Anh chia sẻ.
Dù vậy, Sơn La là một tỉnh vùng núi, biên giới có 12 dân tộc anh em cùng chung sống, có em học sinh chỉ biết nói tiếng dân tộc, công tác giáo dục mầm non còn gặp trở ngại do cô trò bất đồng ngôn ngữ.
Theo Trưởng phòng Giáo dục mầm non và Giáo dục tiểu học, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La, để tiến tới phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ từ 3 tuổi thì cần đáp ứng một số điều kiện như xây dựng cơ sở vật chất, phòng học kiên cố; xây nhà công vụ cho giáo viên; có phòng chức năng, công trình vệ sinh, nước sạch, bếp ăn, đồ dùng đồ chơi thiết bị dạy học tối thiểu…
Công việc vất vả nhưng mức lương của giáo viên mầm non còn thấp
Cùng trao đổi về vấn đề này, nhà nghiên cứu và thực hành giáo dục Nguyễn Thúy Uyên Phương - người thành lập và vận hành nhiều mô hình, dự án giáo dục rất đồng tình với chủ trương phổ cập giáo dục cho trẻ mầm non từ 3-5 tuổi.
“Tôi rất ủng hộ Nghị quyết này vì giáo dục sớm mang lại nhiều lợi ích cho trẻ nhỏ. Nhiều gia đình Việt Nam vẫn cho rằng giai đoạn đầu đời là “tuổi ăn, tuổi chơi”, nhưng đây cũng là nền móng quan trọng để phát triển trí tuệ cho trẻ.
Bên cạnh đó, cho trẻ đi học sớm, tiếp xúc với một môi trường khác và có bên thứ ba cùng nuôi dạy trẻ sẽ giúp phát hiện và ngăn chặn bạo lực gia đình” - chị Phương cho biết.
Tuy nhiên, theo cô Phương, vẫn phải nhìn nhận có nhiều vấn đề còn vướng mắc khi phổ cập giáo dục cho trẻ từ 3 tuổi.
Đầu tiên, cơ sở giáo dục và đội ngũ giáo viên mầm non của chúng ta còn nhiều khó khăn. Đại dịch COVID-19 đã kéo lùi những nỗ lực về xã hội hóa giáo dục mầm non, khiến rất nhiều trường mầm non tư nhân phải đóng cửa và giáo viên phải rời ngành vì không có thu nhập. Chúng ta cần có chính sách rõ ràng để khuyến khích tư nhân tham gia vào mở trường, lớp mầm non, như vậy mới có đủ trường cho học sinh đi học.
Mức lương của giáo viên mầm non còn thấp, trong khi công việc của họ rất vất vả. Do vậy không thể trách được nếu họ bỏ việc để tìm những công việc có thu nhập cao hơn.
Điều thứ hai, nhu cầu của phụ huynh hiện nay rất đa dạng, nhiều gia đình muốn cho con tự học ở nhà hoặc theo những chương trình giáo dục mới. Việc phổ cập giáo dục mầm non có thể sẽ gây ra xung đột với quan điểm của một bộ phận phụ huynh. Dù sao thì trong giai đoạn đầu đời, gia đình vẫn đóng vai trò quan trọng nhất trong nuôi dạy trẻ.
Cuối cùng, chuyên gia quan tâm về khung chương trình giáo dục mầm non cho trẻ 3 tuổi.