Ông Tập Cận Bình. |
The Diplomat ngày 12/8 đăng bình luận của Yuxin Zhang, một nhà nghiên cứu chính sách châu Á và là điều hành của 1 tổ chức phi chính phủ thúc đẩy hữu nghị và đối thoại thanh thiếu niên Trung - Nhật nhận định, chiến dịch chống tham nhũng của Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ trở nên vô nghĩa và không bảo vệ được đảng Cộng sản Trung Quốc nếu nhiều người dân Trung Quốc vẫn tiếp tục nghèo đi.
Trong tháng 7, Trung Quốc tuyên bố điều tra Chu Vĩnh Khang, cựu ủy viên Thường vụ Bộ chính trị sau khi bắt khoảng 300 quan chức cấp cục trở lên, nhiều người bị kết án tù chung thân hoặc tử hình vì tham nhũng. Người dân Trung Quốc đang ăn mừng về sự can đảm và quyết tâm của Tập Cận Bình, tuy nhiên cuộc thập tự chinh của ông Bình sẽ thất bại trong việc giải quyết một số vấn đề cơ bản hơn, đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ vẫn gặp nguy hiểm nếu chính sách đối nội của Tập Cận Bình thất bại.
Tập Cận Bình bắt đầu chiến dịch chống tham nhũng của mình ngay sau khi kết thúc đại hội 18 tháng 11/2012. Một cuộc khảo sát trực tuyến do Tân Hoa Xã tiến hành cho biết tham nhũng là 1 trong 10 vấn đề hàng đầu được người dân Trung Quốc quan tâm. Tập Cận Bình đã lấy chống tham nhũng làm thước đo khôi phục niềm tim của người dân vào bộ máy cầm quyền.
Ông bắt tay vào chống tham nhũng vì so với các vấn đề như phân phối thu nhập, khoảng cách giàu nghèo hay công bằng xã hội thì chống tham nhũng có lợi ích trước mắt và có thể nhìn thấy để duy trì chế độ. Đó cũng là một thủ đoạn chính trị để điều chỉnh tâm lý phổ biến trong công chúng Trung Quốc ghét người giàu trong những năm gần đây.
Một người vô gia cư trên đường phố Bắc Kinh. |
Tuy nhiên chiến dịch chống tham nhũng của Tập Cận Bình đã bộc lộ cốt lõi của vấn đề, đó là khoảng cách giàu nghèo ngày càng tăng mà sau này ông phải tập trung nhiều hơn. Vấn đề các quan chức tham nhũng có bao nhiêu tài sản bị tịch thu không ảnh hưởng đến đời sống của nhiều người dân Trung Quốc. Những vấn đề nội tại như phân phối thu nhập, phúc lợi xã hội, công lý giáo dục, vật giá leo thang, cải cách y tế, an toàn vệ sinh thực phẩm gây nhiều bức xúc vẫn chưa được giải quyết.
Bằng cách chuyển hướng sự chú ý của dư luận Trung Quốc khỏi những vấn đề trong nước, Tập Cận Bình còn sốt sắng hơn trong việc tăng cường sức mạnh đối ngoại. Sự nóng lên của vấn đề Hoa Đông (và Biển Đông) cũng như sự suy giảm quan hệ Trung - Nhật đóng vai trò chủ yếu trong việc thổi bùng lên chủ nghĩa dân tộc cực đoan ở Trung Quốc. Sự kiểm soát chặt chẽ của ông Tập Cận Bình với mạng internet càng tạo điều kiện cho chiến lược này.
Một số người tin rằng việc Tập Cận Bình củng cố quan hệ kinh tế - chính trị với Hàn Quốc hay ký kết thỏa thuận thương mại tự do với EU, xây dựng con đường tơ lụa với Trung Á hoặc dự án đường sắt xuyên Á được chào đón ở Thái Lan, Malaysia và Singapore có thể giúp Tập Cận Bình củng cố quyền lực khi người dân Trung Quốc tin rằng họ sẽ là đối tượng hưởng lợi của những hoạt động này. Tuy nhiên điều này không đúng sự thật.
Thành công trong chính sách kinh tế không có nghĩa là nó sẽ đảm bảo tính hợp pháp cho đảng Cộng sản Trung Quốc vì nó không đảm bảo phân phối thu nhập công bằng và duy trì vật giá phải chăng. Những vấn đề này không liên quan quá lớn đến hoạt động kinh tế của Trung Quốc vì nó được chi phối bởi các tổ chức chính trị.
Nền kinh tế Trung Quốc phát triển mạnh chỉ làm giàu thêm cho một phần nhỏ dân số mà không mang lại lợi ích gì cho số đông sẽ càng làm gia tăng các cuộc biểu tình bất chấp tăng trưởng kinh tế liên tục trong thập kỷ qua. Người dân Trung Quốc đang có dấu hiệu của sự bất mãn.
Để có thể duy trì quyền lực một cách hợp pháp, Tập Cận Bình phải làm nhiều hơn việc loại bỏ các quan chức tham nhũng mà cần tập trung vào chính sách đối nội, cacir cách chính trị. Lật đổ Chu Vĩnh Khang có thể mang lại hiệu quả chính trị trong ngắn hạn, nhưng đó không phải mối quan tâm thực sự của người dân Trung Quốc.