LTS: Bàn về việc xoá bỏ những bất công trong việc phân biệt giá trị văn bằng do các hình thức khác nhau, cô giáo Thảo Ly cho rằng Bộ Giáo dục và Đào tạo cần phải giám sát, siết chặt chất lượng đảm bảo đầu ra của quá trình đào tạo.
Toà soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Mới đây, Quốc hội vừa thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học với 408 đại biểu tán thành (chiếm 84,12%).
Trong đó có quy định không phân biệt về giá trị văn bằng do các hình thức đào tạo khác nhau.
Cụ thể bằng hệ đào tạo đại học chính quy có giá trị như bằng tại chức, văn bằng 2, liên thông, từ xa.
Việc đưa ra quy định này, sẽ tạo cơ hội cho những học sinh học kém không đủ khả năng thi đỗ đại học chính quy (đặc biệt là những học sinh con nhà gia thế) theo học.
Và đương nhiên sẽ làm mất đi nhiều cơ hội cho những sinh viên giỏi kiếm việc làm sau này.
Cần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo. Ảnh minh hoạ: http://tuyengiao.vn |
Có thật sự công bằng?
Trước đây, nhà nước ra chính sách giáo dục tại chức là tạo điều kiện cho những người tham gia chiến tranh có cơ hội học tập, hoàn thiện bản thân sau khi giải phóng đất nước.
Thế nhưng nhiều năm trở lại đây những đối tượng như thế đã không còn.
Người đi học tại chức phần lớn là những học sinh yếu kém không chịu học, không đủ khả năng thi đỗ vào các trường đại học chính quy nhưng vẫn muốn phát triển bằng con đường công danh sự nghiệp.
Trong số này, không ít là con cái của các nhà quyền thế hoặc gia cảnh khá giả.
Số ít học tại chức là những người có năng lực thật sự nhưng do gia cảnh quá khó khăn không có đủ điều kiện theo học đại học chính quy.
Họ chọn cách đi làm và bổ túc văn hóa bằng con đường học tại chức.
Có thể nói, đầu vào của tại chức vô cùng thấp. Thời gian học chủ yếu học dồn vào những ngày cuối tuần hoặc chỉ vài tháng hè.
Cùng với việc du di dễ dãi của các giảng viên. Vì thế chất lượng đào tạo vốn thấp lại càng thấp hơn.
Trong thực tế đã có không ít chuyện vô lý xảy ra xoay quanh việc học tại chức và chính quy.
Hai cậu bạn học chung lớp. Hùng học giỏi nên thi vào Trường Đại học Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh và đỗ ngay năm đầu. Hòa học yếu từ nhỏ nên cố gắng lắm mới học xong lớp 9.
Do có bố là Chủ tịch thị xã, Hòa được vào làm bên Đoàn thanh niên của xã. Hàng tuần, Hòa vẫn đi học thêm các lớp bổ túc vào ban đêm.
Sau 2 năm theo học, Hòa đã tốt nghiệp lớp 12. Hòa tiếp tục đăng kí học lớp Đại học luật tại chức tại tỉnh. Lớp học chủ yếu vào thứ 7 và chủ nhật. Cũng chỉ 2 năm sau, Hòa lấy được bằng đại học.
Do có bố làm quan xã, Hòa nhanh chóng được cơ cấu vào nguồn vì là cán bộ trẻ. Năm sau nữa Hòa đã được làm Phó chủ tịch rồi Chủ tịch Hội đồng nhân dân xã.
Chỉ vài năm sau, khi bố về hưu thì chân Chủ tịch xã cũng vào tay của Hòa. Và vài năm sau nữa, Hòa làm Trưởng phòng Kinh tế rồi Phó chủ tịch huyện…
Nói về người bạn tên Hùng, sau 4 năm tốt nghiệp ra trường, vài năm tìm và nhảy việc vẫn chưa ổn định.
Khi về lại quê cũng chỉ xin được vào làm nhân viên một phòng kinh tế dưới sự chỉ đạo của cậu bạn Hòa năm nào từng nhìn bài Hùng để chép mới được lên lớp.
Không ít lần Hùng phải thốt lên “nếu ngày đó mình không vào học đại học chính quy thì biết đâu bây giờ công việc của mình đã khác”.
Đó chỉ là một trong vô vàn câu chuyện nghịch lý đang xảy xa ngoài thực tế hiện nay.
Xóa bỏ sự bất công bằng giữa các hệ đào tạo
Để xóa bỏ sự bất công giữa các loại hình đào tạo cũng là xu thế phát triển giáo dục hiện nay.
Trong thực tế vẫn có không ít người học tại chức nhưng kiến thức cũng như công việc làm hơn hẳn những người học và tốt nghiệp đại học chính quy. Những người này họ thật sự nỗ lực trong học tập.
Thế nên không phải ai học tại chức hay từ xa đều yếu kém cả.
Vấn đề là làm sao để tuyển được những sinh viên có kiến thức và thật sự muốn học chứ không phải những người chỉ học với mục đích kiếm bằng hợp thức hóa.
Muốn đạt được điều này, các trường đại học khi tổ chức tuyển sinh các hệ đại học không chính quy cần phải thực hiện nghiêm túc giống như tuyển sinh hệ chính quy.
Đảm bảo đúng khung chương trình đào tạo mà không bị cắt xét, bị giảm bớt như hiện nay. Xây dựng quy định đảm bảo chuẩn đầu ra như hệ chính quy.
Bộ Giáo dục phải thường xuyên kiểm tra để siết chặt chất lượng giáo dục từng trường tránh tình trạng gian lận trong thi cử, việc học hộ, việc mua điểm như hiện nay.
Có thế việc không phân biệt giá trị văn bằng ở các hình thức đào tạo mới thành công như mục tiêu đề ra của Bộ Giáo dục và Đào tạo.