SV lĩnh vực STEM được vay vốn: Nên cụ thể thời hạn trả nợ để người vay chủ động

30/04/2025 06:40
Yên Đan
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Theo PGS.TS Đào Sỹ Đức, chính sách này hỗ trợ SV khối ngành STEM tháo gỡ rào cản tài chính, đảm bảo học tập, qua đó nâng cao đào tạo nhân lực chất lượng cao.

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý với dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với học sinh, sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh học các ngành khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán (STEM).

Bộ Tài chính cho biết, việc xây dựng Quyết định nhằm mục đích quy định chính sách tín dụng ưu đãi, vượt trội hơn đối với học sinh, sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh học các ngành khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán (STEM) để hỗ trợ trang trải toàn bộ tiền học phí và các chi phí sinh hoạt chính trong thời gian theo học tại các cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp thuộc hệ thống giáo dục quốc dân được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam. [1]

Tháo gỡ gánh nặng tài chính, mở rộng cơ hội học tập

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đào Sỹ Đức - Phó Trưởng khoa Khoa Hoá học, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) nhận định, đây là một chính sách mang tính đột phá, thiết thực và kịp thời, trong bối cảnh Việt Nam đang tập trung đẩy mạnh nguồn nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực mũi nhọn để phục vụ chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế theo đúng tinh thần Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

z6543422926835_d828d2fbe7dee2a4f2e2579f5b57766d.jpg
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đào Sỹ Đức tại một Chương trình tư vấn hướng nghiệp cho học sinh trung học phổ thông yêu thích khối ngành STEM. Ảnh: NVCC

Theo thầy Đức, mục tiêu của chính sách thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước trong việc đồng hành, hỗ trợ các em học sinh, sinh viên theo học các khối ngành khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEM) - những chủ thể có vai trò rất quan trọng trong mục tiêu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hiện nay, Chính phủ đã có những chính sách để hỗ trợ cho học sinh, sinh viên trong quá trình theo học tại các cơ sở giáo dục. Các chính sách này vẫn cho thấy sự phù hợp với thực tiễn.

Tuy nhiên, chưa có chính sách cụ thể nào dành riêng cho người học theo học khối ngành STEM ở mọi cấp học. Với các luận cứ khách quan, chắc chắn từ thực tiễn, các nội dung cơ bản của chính sách về tín dụng đối với học sinh, sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh học các ngành khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán của Thủ tướng Chính phủ được kỳ vọng sẽ vừa giúp tháo gỡ những rào cản tài chính cho người học, đồng thời tạo sự yên tâm cho người học trong quá trình theo học các ngành STEM, qua đó góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chủ động cho quá trình đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, phục vụ thiết thực cho quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.

"Tại Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội, những sinh viên có kết quả học tập và rèn luyện tốt, có nhiều cơ hội tiếp cận các nguồn học bổng khác nhau như học bổng khuyến khích học tập của Nhà nước, các quỹ học bổng của các tập đoàn, doanh nghiệp, tổ chức/cá nhân ở trong và ngoài nước. Điều này góp phần nâng cao chất lượng đào tạo của Nhà trường, đồng thời nâng cao chất lượng đời sống, cũng như chất lượng học tập và nghiên cứu của người học.

Tuy vậy, nhà trường cũng có nhiều sinh viên có những khó khăn nhất định trong việc tiếp cận học bổng, cũng như các nguồn tín dụng khác của Nhà nước để yên tâm theo học, tập trung nâng cao hiệu quả học tập, nghiên cứu. Vì thế, chính sách về tín dụng trong Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ dành cho học sinh, sinh viên theo học khối ngành STEM có ý nghĩa vô cùng quan trọng trên bình diện quốc gia, thể hiện sự quan tâm rất lớn của lãnh đạo Chính phủ với quyết tâm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Đồng thời, các cơ quan quản lý nhà nước, cùng các cơ sở giáo dục cần đẩy mạnh truyền thông để chính sách đến được với đông đảo người học, tránh tình huống nhiều học sinh, sinh viên và phụ huynh, nhất là ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa chưa nắm được đẩy đủ thông tin, quy định của chính sách, có thể sẽ còn e ngại tiếp cận tín dụng.

Theo dự thảo, học sinh, sinh viên theo học khối ngành STEM đáp ứng được yêu cầu về chuyên môn, có thể được vay bao gồm toàn bộ tiền học phí phải đóng của người học (sau khi trừ các khoản học bổng và hỗ trợ tài chính khác của nhà trường) theo xác nhận của nhà trường và tiền sinh hoạt phí tối đa là 5 triệu đồng/ tháng. Như vậy, theo quy định của chinh sách, các cơ sở giáo dục sẽ có vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ các chủ thể được vay tiếp cận quỹ tín dụng bằng việc xác nhận kết quả học tập (điều kiện cần để người học được vay) và mức học phí thực tế của người học. Mặt khác, các cơ sở giáo dục đào tạo khối ngành STEM cũng cần phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Chính sách xã hội để tổ chức các buổi tư vấn tài chính cho sinh viên ngay từ đầu khóa học để các em hiểu được quyền lợi và nghĩa vụ của mình”, thầy Đức nêu quan điểm.

Thầy Đức bày tỏ, chính sách tín dụng ưu đãi cho sinh viên STEM là một chủ trương đúng đắn, nhân văn, thể hiện quyết tâm của Nhà nước trong việc đầu tư cho nguồn nhân lực chất lượng cao. Đây không chỉ là một giải pháp thiết thực nhằm tháo gỡ rào cản tài chính cho người học mà còn là bước đi chiến lược, có trọng tâm cho việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao - một trong những yếu tố then chốt để đưa đất nước tiến nhanh, tiến vững trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Bên cạnh đó, chính sách này còn góp phần khơi dậy tiềm năng, khát vọng cống hiến của thế hệ trẻ đối với những lĩnh vực được xem là nền tảng của nền kinh tế tri thức, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

Đồng quan điểm trên, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Trường - Trưởng khoa Khoa Hoá học, Trường Hóa và Khoa học sự sống (Đại học Bách Khoa Hà Nội) nhận định: “Một trong những điểm nổi bật trong dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh học các ngành khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán là việc cho phép sinh viên vay toàn bộ học phí cũng như chi phí sinh hoạt với lãi suất thấp. Đây là một chính sách có ý nghĩa rất tích cực, góp phần giải quyết một trong những rào cản lớn nhất hiện nay đối với các bạn trẻ có năng lực học tập tốt nhưng hoàn cảnh kinh tế gia đình còn khó khăn”.

Theo thầy Trường, tại Đại học Bách khoa Hà Nội, hằng năm, nhà trường cũng có những trường hợp sinh viên học giỏi, chăm chỉ, đầy triển vọng nhưng lại luôn canh cánh nỗi lo tài chính trong suốt quá trình học tập.

Do đó, từ trước đến nay, bên cạnh các loại hình học bổng khuyến khích học tập, học bổng của doanh nghiệp, học bổng gắn kết quê hương... dành cho sinh viên có thành tích tốt, nhà trường còn có học bổng Trần Đại Nghĩa dành cho những em có hoàn cảnh kinh tế gia đình đặc biệt khó khăn vươn lên trong học tập. Tuy nhiên, các suất học bổng mới hỗ trợ và đáp ứng được một phần nào nhu cầu thực tế của sinh viên.

GDVN_thaytruong.jpg
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Trường - Trưởng khoa Khoa Hoá học, Trường Hóa và Khoa học sự sống (Đại học Bách Khoa Hà Nội). Ảnh: Thu Thủy

Trong bối cảnh đó, việc bổ sung thêm một chính sách tín dụng ưu đãi cho phép sinh viên vay học phí với điều kiện thuận lợi sẽ đóng vai trò như một lớp hỗ trợ thứ hai, song hành với học bổng, tạo thành mạng lưới an sinh học đường toàn diện và hiệu quả.

“Theo tôi, đây không chỉ là giải pháp tài chính mang tính hỗ trợ tạm thời, mà còn là cơ chế khuyến khích lâu dài để các em mạnh dạn theo đuổi đam mê trong các lĩnh vực khoa học - ngành học có vai trò then chốt trong phát triển kinh tế tri thức, đổi mới công nghệ và chuyển đổi số. Do vậy, việc bảo đảm cho sinh viên không bị gián đoạn quá trình học tập vì lý do tài chính cũng đồng nghĩa với việc tạo điều kiện để đất nước có được một thế hệ trí thức trẻ được đào tạo bài bản, có năng lực cạnh tranh quốc tế, sẵn sàng cống hiến cho sự nghiệp phát triển bền vững.

Chính sách này nếu được triển khai đồng bộ, công bằng và minh bạch chắc chắn sẽ mang lại tác động tích cực không chỉ cho sinh viên mà còn cho toàn bộ hệ thống giáo dục đại học cũng như chiến lược phát triển nguồn nhân lực quốc gia trong dài hạn”, thầy Trường bày tỏ.

Xem xét cụ thể hóa mức trả nợ theo từng kỳ hạn để người vay chủ động

Dự thảo nêu rõ, mức vốn cho vay tối đa đối với 01 người học bao gồm toàn bộ tiền học phí phải đóng của người học (sau khi trừ các khoản học bổng và hỗ trợ tài chính khác của nhà trường) theo xác nhận của nhà trường và tiền sinh hoạt phí tối đa là 5 triệu đồng/ tháng.

Lãi suất cho vay bằng với lãi suất cho vay đối với hộ nghèo tại Ngân hàng Chính sách xã hội trong từng thời kỳ theo quy định của pháp luật. Lãi suất nợ quá hạn được tính bằng 130% lãi suất khi cho vay.

Theo Trưởng khoa Khoa Hoá học, Trường Hóa và Khoa học sự sống (Đại học Bách Khoa Hà Nội), trên thực tế, tại các thành phố lớn như Hà Nội hay Thành phố Hồ Chí Minh, sinh viên phải đối mặt với chi phí sinh hoạt cao hơn so với các địa phương khác như tiền thuê trọ, ăn uống, đi lại, sách vở, vật dụng cá nhân và các khoản phát sinh khác. Do đó, mức vay tối đa là 5 triệu đồng/ tháng có thể không dư dả nhưng đủ để đảm bảo mức sống cơ bản và ổn định cho sinh viên yên tâm tập trung vào nhiệm vụ học tập, đặc biệt là với những bạn không có sự hỗ trợ thường xuyên từ gia đình.

“Tôi cho rằng, với khoản vay này, sinh viên hoàn toàn có thể duy trì cuộc sống ở thành phố và tập trung vào việc học nếu biết quản lý chi tiêu hợp lý. Ngoài ra, một thực tế phổ biến là nhiều sinh viên có hoàn cảnh khó khăn tranh thủ đi làm thêm để có tiền trang trải sinh hoạt phí, dẫn đến tình trạng học hành bị gián đoạn, mệt mỏi, thậm chí bỏ dở việc học.

Trong nhiều trường hợp, thời gian làm thêm chiếm phần lớn quỹ thời gian của sinh viên, khiến các em không thể tham gia các hoạt động học thuật, nghiên cứu, tự học, phát triển kỹ năng mềm hoặc thực tập chuyên môn. Do đó, việc có một khoản sinh hoạt phí ổn định từ chính sách vay vốn giúp sinh viên giảm gánh nặng tài chính, từ đó có thể tập trung vào học tập, thực hành và tham gia các hoạt động mang tính phát triển lâu dài hơn”, thầy Trường nêu quan điểm.

Điều kiện vay vốn theo dự thảo:

Sinh viên phải tốt nghiệp trung học phổ thông theo quy định của pháp luật và đáp ứng điều kiện sau tại thời điểm Ngân hàng Chính sách xã hội quyết định cho vay vốn theo quy định tại Quyết định này:

Đối với sinh viên năm nhất: Có ba năm học trung học phổ thông đạt xếp loại học lực loại khá trở lên theo quy định của pháp luật.

Đối với sinh viên từ năm hai trở đi: Có kết quả học tập trung bình các môn học đạt loại khá trở lên theo quy định của pháp luật tại năm trước liền kề với năm xin vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội.

Học viên, nghiên cứu sinh phải tốt nghiệp đại học theo quy định của pháp luật tại thời điểm Ngân hàng Chính sách xã hội quyết định cho vay vốn theo quy định tại Quyết định này.

Thầy Trường bày tỏ, điều kiện vay vốn phù hợp, góp phần tạo động lực để sinh viên nỗ lực trong quá trình học tập. Trên thực tế, để đạt học lực khá đối với các bạn đặt ra mục tiêu theo đuổi các ngành khoa học là không khó. Bởi điểm chuẩn đầu vào tại nhà trường đối với các ngành khoa học tương đối cao, do vậy, về cơ bản, thí sinh đặt mục tiêu vào học các ngành này thường có học lực tốt từ cấp phổ thông.

20220724-dsc-8826.642653.30124.jpg
Dự thảo giúp hỗ trợ sinh viên khối ngành STEM tháo gỡ rào cản tài chính, đảm bảo học tập. (Ảnh minh họa: website Đại học Bách khoa Hà Nội)

Một điểm đáng chú ý trong dự thảo là thời hạn trả nợ. Trong đó, dự thảo quy định, khách hàng vay vốn phải bắt đầu thời hạn trả nợ muộn nhất sau 12 tháng kể từ ngày người học kết thúc khóa học; khách hàng vay vốn có thể trả nợ trước hạn mà không chịu lãi phạt trả nợ trước hạn; thời hạn trả nợ được chia thành các kỳ hạn trả nợ với mức trả nợ mỗi kỳ do Ngân hàng Chính sách xã hội quyết định.

“Đây là một quy định mang tính linh hoạt, nhân văn, tạo điều kiện cho sinh viên có thời gian ổn định công việc và thu nhập trước khi bắt đầu nghĩa vụ trả nợ. Tuy nhiên, dự thảo lại chưa nêu rõ kỳ hạn trả nợ là bao lâu, số tiền phải trả trong từng kỳ cụ thể, cũng như hình thức trả nợ.

Theo tôi, đây là điểm cần được cụ thể hóa thêm trong văn bản chính thức để đảm bảo tính minh bạch và khả thi khi triển khai. Bởi việc để Ngân hàng Chính sách xã hội quyết định mức trả từng kỳ là hợp lý, nhưng vẫn cần có khung thông tin định hướng rõ ràng về thời gian và mức trả nợ bình quân.

Có như vậy, sinh viên mới có thể lên kế hoạch tài chính phù hợp ngay từ đầu, không bị động hay rơi vào áp lực trả nợ sau khi ra trường. Mặc khác, việc cụ thể hóa lộ trình trả nợ không chỉ giúp sinh viên an tâm hơn khi vay mà còn góp phần hạn chế tình trạng nợ quá hạn, nợ xấu - một yếu tố quan trọng để đảm bảo tính bền vững và hiệu quả của chính sách tín dụng ưu đãi này”, thầy Trường bày tỏ.

Ngoài ra, thầy Trường cho biết, các cơ quan quản lý tăng cường việc theo dõi và đánh giá hiệu quả của chính sách sau khi triển khai. Bên cạnh việc giúp sinh viên trang trải chi phí học tập và sinh hoạt, cần có cơ chế đánh giá xem chính sách này đã giúp tăng tỷ lệ theo học các ngành khoa học như thế nào thông qua số liệu thống kê cụ thể.

“Đặc biệt, công tác tuyên truyền, hướng dẫn đến đúng đối tượng là hết sức quan trọng. Không ít bạn học sinh giỏi, có hoàn cảnh khó khăn, nhưng không biết đến chính sách này. Do đó, cần có sự phối hợp giữa các trường đại học, ngành giáo dục địa phương truyền thông để thông tin chính sách đến học sinh phổ thông.

Thậm chí, các trường cần tăng cường các buổi tư vấn hướng nghiệp cho học sinh trung học phổ thông, giúp các em định hướng ngành học phù hợp, hiểu được nếu học ngành khoa học, dù khó khăn tài chính, vẫn có cơ hội theo đuổi nếu biết và tận dụng đúng chính sách.

Về cơ bản, chính sách vay tín dụng ưu đãi cho sinh viên các ngành khoa học là một bước đi đúng đắn và nhân văn của Nhà nước, nhất là trong bối cảnh cần đầu tư mạnh cho nguồn nhân lực chất lượng cao. Tuy nhiên, để chính sách phát huy hiệu quả, cần cụ thể hóa thêm về lộ trình trả nợ và cơ chế phối hợp giữa nhà trường với ngân hàng. Khi đó, chính sách mới thật sự trở thành đòn bẩy giúp sinh viên yên tâm học tập và cống hiến”, thầy Trường nhấn mạnh.

Cùng bàn vấn đề này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đào Sỹ Đức cho hay, chính sách này không chỉ là việc cho vay một khoản tiền hỗ trợ chi phí học tập và sinh hoạt phí, mà còn là cam kết đồng hành của Nhà nước với người học trong hành trình chinh phục tri thức, nhất là tri thức trong lĩnh vực khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Các quy định về nghĩa vụ trả nợ cũng đã được quy định khá cụ thể, rõ ràng trong Dự thảo Quyết định của Thủ tướng, trên cơ sở phát huy những điểm tích cực, còn phù hợp với thực tiễn của các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành về việc tiếp cận các quỹ tín dụng cho người học.

“Những quy định này, nếu được thông tin đầy đủ tới người học tại các buổi tư vấn tài chính của Ngân hàng Chính sách xã hội và cơ sở giáo dục, đồng thời được cụ thể hoá trong các Hợp đồng vay sẽ giúp các chủ thể được tiếp cận nguồn tiền (phụ huynh hoặc người học) yên tâm, chủ động trong lộ trình học tập, nghiên cứu; vừa có thể góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, vừa giúp người vay có lộ trình phù hợp để hoàn thành các nghĩa vụ tài chính với Nhà nước. Qua đó giúp chính sách quan trọng này đến được đông đảo người dân một cách hiệu quả, thiết thực, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”, thầy Đức bày tỏ.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://baochinhphu.vn/de-xuat-sinh-vien-hoc-nganh-toan-khoa-hoc-cong-nghe-ky-thuat-duoc-vay-von-den-5-trieu-dong-thang-102250417093537443.htm

Yên Đan