SV diện NĐ 116 tốt nghiệp dạy ở trường NCL hoặc quốc tế, có phải bồi hoàn?

18/04/2023 06:40
Nguyên Phương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nhiều sinh viên lo lắng vấn đề việc làm sau khi ra trường, phải bồi hoàn kinh phí nên không nhận hỗ trợ theo Nghị định 116.

Qua hai năm triển khai Nghị định 116/2020/NĐ-CP Quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt với sinh viên sư phạm, nhiều cơ sở đào tạo đã gặp không ít những khó khăn, vướng mắc.

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Phạm Trọng Lượng - Trưởng Phòng Công tác sinh viên, Trường Đại học Tây Nguyên cho biết, sự ra đời của Nghị định 116 đã tạo nên nhiều tín hiệu tích cực trong công tác tuyển sinh, đào tạo các ngành sư phạm.

Trước đây công tác tuyển sinh ngành sư phạm của trường gặp nhiều khó khăn, điểm chuẩn đầu vào không được như kỳ vọng, đặc biệt ngành Sư phạm Sinh học, Sư phạm Vật lý nhà trường không tuyển đủ chỉ tiêu.

Tiến sĩ Phạm Trọng Lượng - Trưởng Phòng Công tác sinh viên, Trường Đại học Tây Nguyên (bên phải). Ảnh: NVCC

Tiến sĩ Phạm Trọng Lượng - Trưởng Phòng Công tác sinh viên, Trường Đại học Tây Nguyên (bên phải). Ảnh: NVCC

Với sự ra đời của Nghị định 116, trong hai năm qua, trường không chỉ tuyển đủ chỉ tiêu mà chất lượng tuyển sinh cũng được nâng cao rõ rệt. Đặc biệt, năm vừa qua, thủ khoa của toàn trường là sinh viên ngành Giáo dục tiểu học.

Chất lượng đầu vào cao hơn đồng nghĩa với việc năng lực học tập, ý thức học tập của sinh viên tốt hơn, và chất lượng giáo dục và đào tạo cũng đã có nhiều bước tiến.

Tuy nhiên, qua quá trình đồng hành, lắng nghe, trao đổi cùng sinh viên sư phạm, nhà trường cũng tìm hiểu được nhiều tâm tư, lo lắng của các em sinh viên, việc triển khai Nghị định 116 vẫn còn đó những vướng mắc cần tháo gỡ.

Tiến sĩ Phạm Trọng Lượng cho biết, năm học 2021-2022, Trường Đại học Tây Nguyên có 31% sinh viên sư phạm không đăng ký hưởng chế độ miễn học phí và nhận trợ cấp sinh hoạt phí theo Nghị định 116; Năm học 2022-2023, con số này là 28%.

Đa số sinh viên của trường đều có hoàn cảnh gia đình khó khăn nhưng nhiều em vẫn không đăng ký nhận hỗ trợ, vì các em lo lắng sau này ra trường không xin được việc làm thì số tiền phải bồi hoàn quá lớn.

“Sinh viên cũng băn khoăn với quy định: sau hai năm ra trường, nếu không làm việc trong ngành giáo dục thì phải bồi hoàn kinh phí. Vậy nếu các em dạy học ở các cơ sở giáo dục ngoài công lập, ở các trường quốc tế,… thì có được công nhận hay không. Khi quy định chưa rõ ràng, nhiều em không đủ tự tin để đăng ký nhận hỗ trợ.

Bên cạnh đó, với Trường Đại học Tây Nguyên, nhiều sinh viên sư phạm là đồng bào dân tộc thiểu số, ở vùng sâu vùng xa được hưởng chế độ miễn giảm học phí theo Nghị định 81/2021 (quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo), các em vừa muốn hưởng chế độ miễn giảm học phí theo Nghị định 81, vừa muốn được cấp chi phí sinh hoạt theo Nghị định 116, vì nếu miễn giảm học phí theo Nghị định 81 thì sau này có phải bồi hoàn, các em cũng chỉ cần hoàn số tiền sinh hoạt phí. Về vấn đề này, vì chưa có hướng dẫn cụ thể nên nhà trường gặp khó khăn trong giải quyết nguyện vọng của sinh viên”, thầy Lượng cho biết.

Ngoài ra, Tiến sĩ Phạm Trọng Lượng cũng cho rằng, việc thực hiện Nghị định 116 với một số trường hợp cụ thể cũng chưa có hướng dẫn rõ ràng.

Ví dụ, khi sinh viên phải bảo lưu kết quả học tập (vì lý do khách quan, sức khoẻ), buộc phải kéo dài thời hạn đào tạo thì các em có được hưởng chính sách theo Nghị định 116 hay không?

Hay khi sinh viên có nguyện vọng chuyển trường, từ cơ sở đào tạo giáo viên khác đến Trường Đại học Tây Nguyên và ngược lại thì công tác hướng dẫn chuyển kinh phí sang cơ sở mới như thế nào để đảm bảo quyền lợi cho các em hiện vẫn chưa có ghi rõ trong Nghị định.

Không có đặt hàng đào tạo từ địa phương

Tiến sĩ Phạm Trọng Lượng thông tin, qua hai năm triển khai, nhà trường chưa nhận được đơn đặt hàng đào tạo hay đấu thầu đào tạo giáo viên nào từ các địa phương.

Trường đào tạo theo chỉ tiêu của Bộ Giáo dục và Đào tạo giao và nhận kinh phí của Bộ cung cấp.

Hai năm triển khai Nghị định 116, Trường Đại học Tây Nguyên chưa nhận được đơn đặt hàng đào tạo từ các địa phương. Ảnh: NTCC

Hai năm triển khai Nghị định 116, Trường Đại học Tây Nguyên chưa nhận được đơn đặt hàng đào tạo từ các địa phương. Ảnh: NTCC

Về việc chi trả chi phí sinh hoạt cho sinh viên sư phạm, hàng tháng, nhà trường yêu cầu cố vấn học tập, các khoa báo cáo về tình hình học tập, rèn luyện của sinh viên để có cơ sở theo dõi và cấp kinh phí.

Việc chi trả cũng gặp khó khăn vì phụ thuộc vào nguồn kinh phí ngân sách nhà nước cấp theo dự toán, thời gian tiếp nhận sinh viên nhập học nên ảnh hưởng đến tiến độ.

Về việc góp ý sửa đổi một số điều của Nghị định 116, để nghị định này đi vào thực tiễn phát huy hiệu quả, Tiến sĩ Phạm Trọng Lượng nêu 5 đề xuất.

Thứ nhất, cần có sự phối hợp giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo với các địa phương trong việc tính toán, dự báo nhu cầu giáo viên của từng cấp học ở tất cả các loại hình cơ sở giáo dục, để thấy được thực tiễn nhu cầu xã hội và đảm bảo vị trí việc làm cho sinh viên sư phạm sau này. Từ đó, Bộ sẽ xác định được quy mô đào tạo hợp lý, giải quyết được bài toán thừa, thiếu giáo viên cục bộ như hiện nay.

Thứ hai, về công tác bồi hoàn kinh phí nếu sinh viên sau khi tốt nghiệp không công tác trong ngành giáo dục, cần quy định rõ những đối tượng nào phải bồi hoàn kinh phí, sinh viên ra trường làm việc ở những cơ sở giáo dục nào mới được công nhận là công tác trong ngành giáo dục.

Ngoài ra, với trường hợp sinh viên năm thứ nhất hưởng chính sách hỗ trợ sinh hoạt phí nhưng sang năm thứ 2 muốn bồi hoàn kinh phí và không tiếp nhận hỗ trợ nữa thì với những trường hợp cụ thể này cũng cần có quy định hướng dẫn việc thu tiền bồi hoàn của sinh viên như thế nào.

Thứ ba, các cơ quan quản lý và các địa phương cần có phương án bố trí việc làm, ưu tiên tuyển dụng sinh viên sư phạm hưởng chế độ theo Nghị định 116.

“Làm được điều này sẽ giúp các em yên tâm học tập, khi chính sách đi vào thực tiễn có tính hiệu quả, đồng bộ sẽ ngày càng thu hút được người giỏi vào ngành sư phạm”, thầy Lượng khẳng định.

Thứ tư, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có hướng dẫn cụ thể với đối tượng sinh viên theo học ngành sư phạm được miễn giảm học phí theo Nghị định 81. Nếu các em có nguyện vọng hưởng cả hai chế độ hỗ trợ của hai chính sách Nghị định 81 và Nghị định 116 thì cần đáp ứng nguyện vọng cho các em và có văn bản hướng dẫn cho cơ sở đào tạo thực hiện.

Thứ năm, các cơ quan quản lý cần nghiên cứu có các giải pháp, hướng dẫn, để những sinh viên theo học ngành sư phạm hưởng chế độ theo Nghị định 116 khi chuyển trường vẫn được đảm bảo quyền lợi của mình. Đồng thời, các cơ sở đào tạo giáo viên sẽ có căn cứ để chuyển kinh phí và tiếp nhận kinh phí đối với sinh viên chuyển trường.

Nguyên Phương