William Wordsworth nhà thơ nổi tiếng người Anh từng nói "Phần đẹp nhất trong đời một người tốt là những hành động tử tế và yêu thương nhỏ bé, vô danh không được nhớ đến".
Trong xã hội ngày nay, khi có quá nhiều thứ đang chuyển mình, các mối quan hệ xã hội ngày càng phức tạp thì hai từ “tử tế” nhận được sự quan tâm của rất nhiều người.
Ở mọi lĩnh vực của cuộc sống, vấn đề này luôn được đề cao, nó đơn giản chỉ là những hành động nhỏ bé nhưng đó là cả một phẩm chất đạo đức của mỗi người.
Chúng ta luôn nhắc nhở mọi người sống tử tế nhưng liệu có mấy ai hiểu tử tế là gì? Tử tế có nghĩa là sự cẩn thận, chu đáo, thận trọng trong mọi công việc, trong lối sống và cách đối xử với mọi người xung quanh.
Người sống tử tế là người có tấm lòng nhân ái, luôn biết tôn trọng bản thân và người khác, có thái độ sống nhân hậu, hòa hợp với thế giới, đề cao giá trị đạo đức, sự lịch thiệp, nhã nhặn, tình yêu thương và lẽ công bằng.
Đặc biệt, họ luôn biết yêu thương, quý trọng những thứ nhỏ nhặt, bình thường nhất để tạo nên lối sống đẹp.

Chữ “tử” có nghĩa là những chuyện nhỏ. Chữ “tế” có nghĩa là những chuyện bình thường, thực tế. Hai chữ này gộp lại có nghĩa là cẩn thận, chăm chút từ những việc làm nhỏ nhặt nhất. “Trước khi nghĩ tới những điều vĩ đại hãy bắt đầu làm từ những việc nhỏ nhặt nhất”.
Tử tế là chuẩn mực đạo đức vô cùng quan trọng trong cuộc sống, là nguyên tắc cần thiết trong việc giao tiếp giữa con người với con người, trong cách đối nhân xử thế. Nó mang một giá trị cao đẹp và mang tính nhân văn to lớn.
Dù trong bất cứ hoàn cảnh nào thì sống tử tế cũng được đặt lên hàng đầu, mang một ý nghĩa vô cùng sâu sắc.
Sự tử tế luôn là thước đo để đánh giá con người. Sống tử tế giúp mỗi người sống vui vẻ, góp phần tạo nên mối quan hệ giữa người với người trở nên tốt đẹp hơn, xã hội tiến bộ, văn minh hơn.
Khi con người biết sống tử tế với nhau thì xã hội sẽ phát triển lành mạnh, đạo đức được đề cao, lan tỏa tình yêu thương, đề cao vai trò của pháp quyền, thế giới không còn bạo lực chiến tranh.
Tử tế giúp ta giao tiếp tốt và có lòng trắc ẩn sâu sắc, tạo ra nhiều nguồn lực tích cực hơn trong cuộc sống của mỗi con người.
Nhờ tử tế con người luôn biết đồng cảm, yêu thương, chia sẻ với nhau nhiều hơn trong mọi vấn đề, mọi tình huống.
Nó giúp con người nhận thức hành động của bản thân, biết kiểm soát bản thân, đối nhân xử thế một cách đàng hoàng, tế nhị với nhau.
Biết cống hiến nhiều hơn là thụ hưởng, cho đi nhiều hơn là nhận về để luôn làm đẹp cuộc sống xung quanh.
Tử tế không chỉ giúp một ai đó vượt qua khó khăn mà còn là còn là sự sẻ chia, nâng đỡ, xoa dịu cho nhau những vết thương cả về thể xác lẫn tâm hồn. Sự tử tế là một yếu tố quan trọng, không thể thiếu trong nhân cách của một con người…
Nó được hình thành từ nhiều yếu tố, chịu sự tác động của nhiều phương diện khác nhau. Đó là môi trường sống trong gia đình, nhà trường, môi trường ngoài xã hội và quan trọng nhất là sự tự ý thức, tự phấn đấu rèn luyện của mỗi cá nhân.
Giáo dục là một phương pháp có sức ảnh hưởng lớn và tác động mạnh mẽ đến nhân cách con người. Vì thế những người làm công tác giáo dục, các bậc phụ huynh, các anh, chị,... những tầng lớp đi trước phải luôn là tấm gương mẫu mực về lối sống tử tế cho các thế hệ sau noi theo.
Cộng đồng, xã hội hãy luôn là cầu nối gắn kết mọi sự yêu thương lan tỏa những hành động đẹp, nghĩa cử cao thượng đến với mọi người.
Nó khiến sự tử tế được nhân rộng hơn trong cuộc sống. Chúng ta cần phải lựa chọn những cách ứng xử khác nhau phù hợp với lối sống, đạo đức, chuẩn mực của xã hội.
Anh Lê Trường Hải (Tổ bảo vệ dân phố khu phố 10, Phường Bình Trị Đông, Quận Bình Tân, Thành phố Hồ Chí Minh) ở tuổi 29 đã tham gia trên 100 vụ bắt trộm, cướp cùng các anh em khác mang lại sự bình yên cho cộng đồng.
Những câu chuyện kể về anh thật sự xúc động, với tấm lòng quả cảm nhân ái, mặc dù hoàn cảnh kinh tế gia đình còn khó khăn nhưng anh đã có nhiều đóng góp tích cực cho xã hội như quyên góp tiền giúp đỡ người nghèo, giúp người gặp hoạn nạn nhất là trong giai đoạn Thành phố Hồ Chí Minh ở đỉnh dịch Covid-19…
Anh Lê Trường Hải đã nhận được rất nhiều bằng khen từ các cơ quan, tổ chức xã hội: giấy khen từ Giám đốc Công an Thành phố Hồ Chí Minh về "Đã có thành tích xuất sắc trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc năm 2021", "Thanh niên sống đẹp, sống có ích" năm 2021 của Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam Quận Bình Tân…
“Sự tử tế” dù nhỏ đến đâu cũng không bao giờ là lãng phí. Một hành động, một lời nói, cử chỉ, hay đơn giản là một nụ cười cũng thể hiện bạn là người tử tế hay không. Tử tế tạo nên giá trị bản thân và luôn được người khác yêu mến, tôn trọng. Thiếu tử tế được xem là vấn nạn của xã hội, làm mất đi sự lành mạnh, văn minh phát triển của xã hội. Vì thế ngay bây giờ hãy tử tế với chính mình và mọi người xung quanh bạn nhé!
Tuy nhiên, trong xã hội hiện nay vẫn có không ít người có tính ích kỉ, nhỏ nhen, chỉ biết đến bản thân mình mà không cần suy nghĩ cho người khác, lạnh lùng, vô cảm mặc kệ nỗi đau của đồng loại.
Trái ngược với tấm lòng tử tế, đâu đó trong xã hội vẫn còn những người sống trên mồ hôi xương máu của người khác.
Không những không giúp đỡ, họ còn đi lừa gạt, cướp bóc bằng nhiều thủ đoạn xấu xa, bỉ ổi, khiến cho lòng người hoang mang, lòng tin sụp đổ, biết bao gia đình tan nát.
Lại có những người sống có cách hành xử thô lỗ, kém tinh tế,… những người này cần bị phê phán và cần thay đổi bản thân mình theo chiều hướng tích cực hơn.
Sự tử tế không phải là điều hiển nhiên dễ dàng có được. Mỗi cá nhân cần không ngừng rèn luyện bản thân thì mới có được lối sống tốt đẹp ấy. Chúng ta phải bắt đầu từ sự giáo dục của gia đình và nhà trường. Thế hệ tương lai cần biết được điều gì nên làm còn điều gì không, xem xét những hành động nào là thật sự tốt, cho đi tình yêu thương như thế nào mới là đúng đắn.
Tiếp theo, hãy rèn luyện ý thức của bản thân, học cách đối nhân xử thế, lối ứng xử văn minh lịch sự. Tuy nhiên, tất cả những gì chúng ta làm đều phải xuất phát từ tấm lòng trong sáng, thiện lương. Có như vậy, sự tử tế mới đem lại được những giá trị thật sự.
Là một người học sinh cũng là công dân của tổ quốc, chúng ta cần phải cố gắng sống thật tốt, chan hòa với mọi người, đối xử với người bằng sự chân thành, lịch sự, tử tế của một trái tim yêu thương đầy rung cảm. Có như thế cuộc sống mới tốt đẹp, bền vững hơn.
Quỹ thời gian của mỗi người là hữu hạn, hãy trân trọng từng giây phút, sống thật tốt, tử tế với những người xung quanh và xây dựng một xã hội văn minh, giàu đẹp.
Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam phát động cuộc thi viết "Sống Đẹp - Sống Xanh" với 1 giải Nhất là 1 xe máy điện VinFast Motio (kèm pin) và suất học bổng trị giá 10 triệu đồng. 2 giải Nhì: mỗi giải 1 xe máy điện VinFast Motio (kèm pin) và suất học bổng trị giá 5 triệu đồng tiền mặt. 3 giải Ba, mỗi giải 1 xe máy điện VinFast Motio (kèm pin) và suất học bổng trị giá 2 triệu đồng tiền mặt. Giải đồng hạng: 600 Voucher Sống đẹp - Sống xanh – trị giá 1 triệu đồng/ voucher để mua bất kỳ dòng xe máy điện nào của VinFast (Thời hạn sử dụng voucher: Từ 01/02/2025 - 30/9/2025) dành cho 600 tác giả có bài viết đạt chất lượng do Ban tổ chức xét qua vòng sơ loại.
Đối tượng tham gia cuộc thi viết là công dân, ưu tiên học sinh Việt Nam có tác phẩm phù hợp với nội dung cuộc thi.
Nội dung bài viết hướng tới lan tỏa, chia sẻ những câu chuyện, góc nhìn, tích cực nhằm xây dựng thế hệ trẻ Việt Nam văn minh, đủ tố chất là công dân toàn cầu, giữ gìn bản sắc Việt Nam; Chia sẻ những câu chuyện, những tấm gương trong việc bảo vệ môi trường xanh và phát triển bền vững của trái đất; Đưa các ý kiến, giải pháp, góp ý trong việc giáo dục – đào tạo thế hệ trẻ Việt Nam về Sống Đẹp - Sống Xanh, đón chào kỷ nguyên vươn mình của Dân tộc.
Thời gian nhận bài: đến hết ngày 31/05/2025.
Bài viết gửi về hòm thư điện tử: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc songdep@giaoduc.net.vn.