Từ ngày 1/11, một số trường đại học tại Thành phố Hồ Chí Minh đã bắt đầu mở cửa trở lại, đón sinh viên quay trở lại trường học tập sau hơn 5 tháng nghỉ để phòng chống dịch Covid-19.
Ưu tiên sinh viên năm cuối
Tại Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh (HUFI), ông Phạm Thái Sơn – Giám đốc Trung tâm tuyển sinh và truyền thông cho biết, từ ngày 25/10 vừa qua, sinh viên của trường, chủ yếu là năm cuối các khóa 08ĐH và 09ĐH đã được đến trường để đăng ký phòng thực hành, thí nghiệm làm đề tài, khóa luận để chuẩn bị kết thúc khóa học.
Điều kiện để được đăng ký thì sinh viên phải được tiêm đầy đủ 2 mũi vắc xin phòng Covid-19, hay là F0 đã khỏi bệnh (có giấy chứng nhận), và phải thực hiện đầy đủ các quy định phòng chống dịch.
Dự kiến trong tháng 11, trường cũng sẽ tổ chức các lớp thực hành trực tiếp cho sinh viên của các khóa còn lại.
Sinh viên của HUFI tại phòng học thực hành sau đợt nghỉ dài ngày do dịch (ảnh: NTCC) |
Mỗi lớp thực hành, nhà trường chỉ bố trí từ 10 đến 12 sinh viên để đảm bảo giãn cách. Trường tổ chức phun khử khuẩn phòng học hàng tuần, đo thân nhiệt mọi người khi bước vào trường.
Bộ phận y tế của trường cũng sẽ thường trực, để sẵn sàng xử lý các tình huống về dịch bệnh nếu có xảy ra.
Tại Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh, từ ngày 1/11 cũng đã đón khoảng hơn 100 sinh viên năm cuối quay trở lại trường, học trực tiếp các phần thực hành hay làm luận án tốt nghiệp.
Đây cũng là những sinh viên đã được tiêm đủ 2 mũi vắc xin đúng theo quy định, chủ yếu sinh sống tại Thành phố Hồ Chí Minh. Mỗi lớp học chỉ có tối đa 20 sinh viên.
Theo một cán bộ nhà trường, sinh viên ở các tỉnh khác vẫn chưa quay trở lại thành phố, chưa tiêm đủ 2 mũi vắc xin, nên cũng chưa đủ điều kiện để quay trở lại trường để học trực tiếp.
Mở cửa lại trường cần phải hết sức cân nhắc
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Lê Trường Tùng – Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học FPT cho hay, khoảng 60% sinh viên cơ sở Thành phố Hồ Chí Minh đang sinh sống tại Thành phố Hồ Chí Minh. Trường đã thực hiện khảo sát nhu cầu tiêm vắc xin và đi học trở lại của sinh viên để lên kế hoạch mở trường từng phần. Những sinh viên đã tiêm đủ hai liều vắc xin sẽ được học trực tiếp.
Vì các điều kiện phòng chống dịch khắt khe nên dù học trực tiếp, một số môn vẫn được giảng dạy trực tuyến để đảm bảo giãn cách.
Theo kế hoạch dự kiến ban đầu, thì trường có thể mở cửa cho sinh viên quay trở lại học từ giữa tháng 11.
Tuy nhiên, việc triển khai trên thực tế thì còn phụ thuộc vào rất nhiều thứ, chứ không chỉ riêng nhà trường. Ví dụ được thầy Tùng đưa ra là hiện ký túc xá của trường ở một số địa phương được trưng dụng phục vụ cho việc phòng chống dịch chưa được bàn giao lại cho trường.
Theo Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học FPT, muốn mở cửa trường phải lường trước tình huống nếu đi học lại, giả sử có F0 trong trường thì phương án sẽ xử lý như thế nào?
Tại một số địa phương thì sẽ xử lý là bằng cách đưa đi cách ly tập trung toàn bộ các em học sinh có liên quan, hay là cách ly tại nhà nếu hệ thống cách ly ở địa phương quá tải. Điều này chắc chắn là ảnh hưởng rất lớn đến học sinh, sinh viên và cả người thân trong gia đình, rất mệt và phức tạp.
“Phải định nghĩa được trường học sống chung với Covid-19 là như thế nào, chứ cứ có ca F0 là đóng cửa trường học thì đâu thể gọi là sống chung”, Tiến sĩ Lê Trường Tùng nêu quan điểm.
Tiến sĩ Lê Trường Tùng đề xuất, tốt nhất là cứ học trực tuyến thêm một vài tháng nữa để tình hình dịch diễn biến ổn hơn thì mới đi học trực tiếp, do học trực tuyến có lỡ bị F0 cũng không ảnh hưởng đến nhiều người.
“Còn mở cửa trường đại học trong thời điểm này thì cần phải hết sức cân nhắc”, Tiến sĩ Lê Trường Tùng nhấn mạnh.
“Bài/Loạt bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ”.