Số lượng và chất lượng đào tạo Kinh doanh bất động sản chưa đáp ứng hết nhu cầu

08/04/2024 07:35
Ngọc Mai
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Công tác đào tạo nhân lực cho lĩnh vực kinh doanh bất động sản hiện mới đáp ứng được một phần rất nhỏ yêu cầu của công việc, gồm cả về số lượng và chất lượng.

Kinh doanh bất động sản là việc đầu tư vốn để thực hiện hoạt động xây dựng, mua, nhận chuyển nhượng để bán, chuyển nhượng; cho thuê, cho thuê lại, cho thuê mua bất động sản; thực hiện dịch vụ môi giới bất động sản; dịch vụ sàn giao dịch bất động sản; dịch vụ tư vấn bất động sản hoặc quản lý bất động sản nhằm mục đích sinh lợi [1].

Trong diễn đàn "Phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực bất động sản Việt Nam hội nhập quốc tế và phát triển bền vững" tổ chức vào tháng 8/2023, các chuyên gia chia sẻ rằng, trên thực tế, nhân sự ngành bất động sản đang được đào tạo tự phát, không có sự xâu chuỗi, bài bản, đa phần là nghề truyền nghề. Điều này đặt ra nhu cầu là làm sao có đội ngũ nhân sự chuyên nghiệp từ đầu tư, thiết kế sản phẩm, kinh doanh bán hàng, quản lý khai thác bất động sản… Đặc biệt, nguồn nhân lực bất động sản hiện đáp ứng được khoảng 30-40% tiêu chí doanh nghiệp [2].

Theo tìm hiểu của phóng viên, Khoa Thẩm định giá - Kinh doanh bất động sản Trường Đại học Tài chính–Marketing là một trong những đơn vị đào tạo chuyên ngành Kinh doanh bất động sản đầu tiên của cả nước.

Với mục tiêu không ngừng đổi mới và sáng tạo, kể từ năm 2022, Khoa tổ chức đào tạo theo định hướng ứng dụng nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường lao động trong bối cảnh toàn cầu hóa và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Để hoàn thành mục tiêu này, chương trình đào tạo chất lượng cao được Khoa xây dựng trên quan điểm đặt người học làm trung tâm, tạo điều kiện cho người học tiếp cận môi trường làm việc thực tế, rút ngắn khoảng cách giữa lý thuyết với thực tiễn trong đào tạo; giúp cho người học có thêm cơ hội việc làm ngay sau khi tốt nghiệp.

Thẩm định giá 1.jpg
Sinh viên đọc sách tiếng Anh về chuyên ngành Thẩm định giá và Kinh doanh bất động sản tại Không gian văn hoá Hồ Chí Minh, Trường Đại học Tài chính - Marketing. (Ảnh: NTCC)

Chia sẻ về tầm quan trọng của chuyên ngành Kinh doanh bất động sản trong bối cảnh hiện nay và tương lai, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Minh Ngọc – Trưởng khoa Thẩm định giá và Kinh doanh bất động sản Trường Đại học Tài chính–Marketing cho biết, ngành bất động sản chiếm tỉ trọng lớn trong các hoạt động kinh tế, thu ngân sách địa phương và quốc gia, là mối quan tâm đặc biệt ở những khía cạnh khác nhau của mỗi cá nhân, tổ chức trong xã hội.

“Trong tương lai, khi vai trò của chuyên ngành Kinh doanh bất động sản ngày càng lớn, mức độ phức tạp hơn và yêu cầu chuyên môn ngày càng cao thì vai trò của đào tạo chuyên ngành này càng trở nên quan trọng”, thầy Ngọc chia sẻ.

Từ vai trò của chuyên ngành Kinh doanh bất động sản, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Minh Ngọc đánh giá, thực trạng công tác đào tạo nhân lực cho lĩnh vực kinh doanh bất động sản hiện nay mới chỉ đáp ứng được một phần rất nhỏ yêu cầu của công việc, bao gồm cả về số lượng và chất lượng. Các cơ sở đào tạo chính quy, bài bản, đáng tin cậy chuyên ngành Kinh doanh bất động sản ở Việt Nam mới chỉ đếm trên hai bàn tay.

"Thực tế hiện nay, nhân lực chuyên ngành Kinh doanh bất động sản được đào tạo bài bản rất ít. Thiếu đội ngũ giảng viên cơ hữu chuyên ngành Kinh doanh bất động sản có đủ trình độ. Hiện đội ngũ giảng viên này chủ yếu tập trung ở những trường đại học, còn các cơ sở đào tạo khác hầu hết là tự phát, phục vụ cho công việc giảng dạy trước mắt, ngắn hạn.

Chuyên ngành Kinh doanh bất động sản của Khoa có 1 giảng viên chức danh phó giáo sư, 6 giảng viên trình độ tiến sĩ và 8 giảng viên trình độ thạc sĩ. Ngoài ra, ngành còn có sự tham gia thỉnh giảng của đội ngũ chuyên gia với nhiều năm kinh nghiệm làm nghề"

_Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Minh Ngọc_

Chỉ ra điểm nổi bật lớn nhất trong chương trình đào tạo chuyên ngành Kinh doanh bất động sản của nhà trường, theo thầy Ngọc, chương trình đào tạo được cập nhật 2 năm một lần. Đồng thời, các chuyên đề thời sự được nhà trường cập nhật thường xuyên vào chương trình đào tạo theo những thay đổi thực tế trong thị trường bất động sản nói riêng, bối cảnh kinh tế - xã hội ở Việt Nam và trên thế giới nói chung.

Chương trình đào tạo chuyên ngành Kinh doanh bất động sản được xây dựng theo định hướng ứng dụng, trong đó có hơn 20% thời lượng của chương trình dành cho đào tạo thực hành tại doanh nghiệp và nghiên cứu tình huống thực tế đối với các học phần ngành và chuyên ngành. Sinh viên tốt nghiệp có kiến thức và kỹ năng cơ bản để thực hiện các nghiệp vụ cần thiết tại doanh nghiệp.

Chia sẻ về công tác tuyển sinh chuyên ngành Kinh doanh bất động sản, thầy Ngọc cho hay, chỉ tiêu tuyển sinh chuyên ngành Kinh doanh bất động sản của trường khoảng 150 chỉ tiêu/năm. Điểm trúng tuyển của ngành đào tạo này không cao(năm 2023, điểm trúng tuyển của ngành này là 21,9 điểm đối với chương trình chuẩn và 21,1 điểm đối với chương trình tích hợp-PV).

Chỉ ra nguyên nhân khiến điểm trúng tuyển chuyên ngành Kinh doanh bất động sản không cao, theo thầy Ngọc, điều này chủ yếu do quan điểm, nhận thức của xã hội chưa đầy đủ về ngành; các tổ chức nói chung chưa xây dựng được chiến lược dài hạn một cách bài bản để hoạch định nhân lực có chuyên môn sâu, nắm giữ những vị trí trọng yếu. Chính sách, pháp luật liên quan được ban hành nhưng thực thi chưa chặt chẽ để buộc các cá nhân, tổ chức có cách tiếp cận chuyên nghiệp trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản.

Thẩm định giá.jpg
Hoạt động của sinh viên Khoa Thẩm định giá và Kinh doanh bất động sản, Trường Đại học Tài chính - Marketing. (Ảnh: NTCC)

Bàn về vị trí việc làm và mức thu nhập của sinh viên sau khi tốt nghiệp chuyên ngành Kinh doanh bất động sản, thầy Ngọc cho rằng có sự khác biệt rất lớn giữa những sinh viên giỏi, xuất sắc về chuyên môn, kinh nghiệm so với những sinh viên còn lại.

Sinh viên sau khi tốt nghiệp chuyên ngành Kinh doanh bất động sản có thể làm việc ở các tổ chức thuộc khối doanh nghiệp trong và ngoài nước (các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực phát triển dự án, tư vấn đầu tư, nghiên cứu thị trường, môi giới bất động sản, quản lý bất động sản, thẩm định giá bất động sản…); hoặc có thể làm việc ở các cơ quan nhà nước (cơ quan có chức năng quản lý thị trường bất động sản thuộc các bộ, ngành kinh tế như: sở tài chính, sở tài nguyên – môi trường, sở xây dựng,…).

“Những sinh viên giỏi chuyên ngành Kinh doanh bất động sản thường được các cá nhân, tổ chức kinh doanh bất động sản săn đón từ năm thứ 3 đại học. Tuy nhiên, những sinh viên giỏi lựa chọn bỏ qua cơ hội kiếm tiền từ rất sớm này để tập trung vào việc học, nắm chắc kiến thức của chương trình đào tạo thường có thu nhập về sau rất tốt. Mức thu nhập của sinh viên còn lại sau khi tốt nghiệp chuyên ngành Kinh doanh bất động sản khá hấp dẫn so với mặt bằng chung của xã hội. Những sinh viên này cho dù có thể chậm hơn so với các bạn sinh viên giỏi nổi trội, nhưng đa số các em tốt nghiệp chuyên ngành Kinh doanh bất động sản đều có tài sản lớn sau nhiều năm đi làm, tích luỹ và vận dụng tốt tri thức vào thực tiễn”, thầy Ngọc chia sẻ.

Chia sẻ với phóng viên, anh Đặng Xuân Mãnh trước đây là sinh viên chuyên ngành Kinh doanh bất động sản Trường Đại học Tài chính – Maketing, hiện đang làm việc tại Công ty tư vấn đầu tư nhà Gò Vấp cho biết, những kiến thức và trải nghiệm mà anh có được khi học đại học - chuyên ngành Kinh doanh bất động sản không chỉ giúp cho công việc, năng lực chuyên môn phát triển thuận lợi, mà còn giúp việc quản lý khối tài sản của gia đình, người thân của anh thực sự hiệu quả, bền vững.

Cùng chia sẻ, em Phạm Hậu – sinh viên năm 4 chuyên ngành Kinh doanh bất động sản Trường Đại học Tài chính – Maketing tâm sự rằng: “Càng học chuyên ngành Kinh doanh bất động sản, em càng cảm thấy yêu thích. Khối lượng kiến thức của chương trình đào tạo chuyên ngành này không quá khó và có nhiều giá trị ứng dụng vào thực tiễn”.

Ngoài những thuận lợi, công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học của chuyên ngành Kinh doanh bất động sản còn đối mặt với một số khó khăn. Theo thầy Ngọc, một trong những khó khăn hiện nay đó là còn ít cá nhân, tổ chức “mở lòng” hợp tác và tài trợ cho nghiên cứu, đặc biệt là những nghiên cứu lớn, phục vụ đầu tư, kinh doanh bất động sản.

Hơn nữa, số lượng chuyên gia về kinh doanh bất động sản được đào tạo bài bản ở Việt Nam chưa nhiều, có ít nghiên cứu nền tảng, căn bản để kế thừa. Bên cạnh đó, cơ chế đầu tư cho nghiên cứu vẫn còn cứng nhắc.

Từ những khó khăn, thử thách trong đào tạo và nghiên cứu khoa học chuyên ngành Kinh doanh bất động sản của trường, thầy Ngọc đề xuất, cần có định hướng về chính sách, thậm chí phải “ép” các cá nhân, tổ chức tuân thủ các tiêu chuẩn từ cao đến rất cao về sản phẩm và dịch vụ bất động sản ở những mặt như: tính bền vững, thực chất, đồng bộ về mọi khía cạnh xã hội và kỹ thuật, hội nhập khu vực và thế giới.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://thuvienphapluat.vn/chinh-sach-phap-luat-moi/vn/thoi-su-phap-luat/bat-dong-san/45602/kinh-doanh-bat-dong-san-la-gi-05-dieu-can-biet-ve-kinh-doanh-bat-dong-san

[2] https://thanhnien.vn/nguon-nhan-luc-bat-dong-san-moi-chi-dap-ung-30-40-yeu-cau-185230812165546762.htm

Ngọc Mai