Sở Giáo dục Vũng Tàu ban hành Kế hoạch tổ chức dạy học ứng phó với dịch Covid

18/12/2021 06:26
Trung Dũng
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Sở Giáo dục Vũng Tàu xác định nhiệm vụ phòng, chống Covid-19 là trọng tâm, cấp bách và thường xuyên trong toàn ngành.

Ngày 14/12, Sở Giáo dục và Đào tạo Bà Rịa – Vũng Tàu ban hành Công văn số 3241/KH-SGDĐT về Kế hoạch “Tổ chức dạy và học cho cấp học mầm non, phổ thông trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu ứng phó với dịch bệnh Covid-19”.

Qua đó, Sở này xác định, nhiệm vụ phòng, chống Covid-19 là trọng tâm, cấp bách và thường xuyên trong toàn ngành Giáo dục. Xây dựng môi trường giáo dục “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”; ngăn chặn không để dịch bệnh Covid-19 lây nhiễm trong các trường học trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.

Đồng thời, chủ động phát hiện sớm, kịp thời các trường hợp mắc là F0, F1, F2 để có biện pháp phòng chống dịch hiệu quả. Đảm bảo thực hiện có hiệu quả “mục tiêu kép”, vừa chống dịch vừa tổ chức các hoạt động dạy học.

Theo đó, trong Kế hoạch này cũng nêu lên những nội dung dung cụ thể về việc xác định cấp độ dịch để tổ chức hình thức dạy học phù hợp như sau: Đối với các địa bàn được xác định cấp độ dịch cấp 1 (nguy cơ thấp, bình thường mới) và cấp độ dịch cấp 2 (nguy cơ trung bình) sẽ tổ chức dạy học trực tiếp. Đồng thời, củng cố các điều kiện hạ tầng công nghệ thông tin, trang thiết bị, phương tiện để sẵn sàng chuyển sang các hình thức dạy học trực tuyến khi dịch bệnh diễn biến phức tạp.

Sở Giáo dục Bà Rịa - Vũng Tàu xác định, nhiệm vụ phòng, chống Covid-19 là trọng tâm, cấp bách và thường xuyên trong toàn ngành. Ảnh: baobariavungtau.com.vn

Sở Giáo dục Bà Rịa - Vũng Tàu xác định, nhiệm vụ phòng, chống Covid-19 là trọng tâm, cấp bách và thường xuyên trong toàn ngành. Ảnh: baobariavungtau.com.vn

Đối với các địa bàn được xác định cấp độ dịch cấp 3 (nguy cơ cao) sẽ tổ chức dạy học trực tiếp kết hợp với dạy học trực tuyến, dạy trên truyền hình cho bậc học phổ thông, cao đẳng, đại học; bậc học mầm non. Giáo viên hướng dẫn phụ huynh hoặc người chăm sóc trẻ để hỗ trợ giúp đỡ trẻ học tập, vui chơi tại nhà theo các hình thức phù hợp.

Đối với các địa bàn được xác định cấp độ dịch cấp 4 (nguy cơ rất cao) sẽ căn cứ vào tình hình thực tế để tổ chức hình thức dạy học trực tuyến, trên truyền hình, giao bài tự học.

Khi có trường hợp nghi mắc Covid-19 tại trường học thì xử trí như sau: Khi phát hiện trường học có học sinh, người làm việc tại trường xuất hiện ít nhất một trong số các biểu hiện sau đây: sốt, ho, đau họng, khó thở, đau người - mệt mỏi - ớn lạnh, giảm hoặc mất vị giác hoặc khứu giác hoặc có tiền sử đến, về từ vùng có dịch, cần thông báo ngay cho Trưởng ban chỉ đạo, Tổ an toàn Covid của nhà trường và Ban chỉ đạo phòng chống dịch ở địa phương.

Nhân viên phụ trách y tế cung cấp khẩu trang và hướng dẫn đeo đúng cách; yêu cầu người nghi nhiễm hạn chế tiếp xúc với người xung quanh, tránh tiếp xúc gần dưới 02 mét với những người khác. Hướng dẫn họ di chuyển theo lối đi đã được phân luồng để đến phòng cách ly tạm thời của đơn vị. Gọi điện thoại và báo cáo bằng văn bản cho cơ quan y tế trên địa bàn để được tư vấn và xử lý theo quy định về công tác phòng chống dịch.

Đồng thời, lập danh sách người tiếp xúc gần dưới 02 mét với người nghi nhiễm gửi cho Ban chỉ đạo phòng chống dịch ở địa phương để thực hiện các bước tiếp theo về phòng chống dịch. Thực hiện khử khuẩn tại nơi làm việc, học tập và trên cơ sở chỉ đạo của cơ quan có thẩm quyền sẽ quyết đinh cho đơn vị tiếp tục hoạt động bình thường mới hoặc tạm dừng hoạt động theo quy định.

Khi có ca F0 tại trường học cần thông báo ngay với cơ quan y tế địa phương và phối hợp triển khai thực hiện các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 kịp thời theo quy định.

Giám đốc hoặc Hiệu trưởng nhà trường phong tỏa tạm thời toàn bộ trường học hoặc từng phần hoặc khu vực làm việc, học tập có F0. Tiến hành truy vết chính xác để thực hiện các bước tiếp theo của ngành y tế. Yêu cầu F0, F1, F2 không tự ý di chuyển, không được tiếp xúc với người xung quanh, thực hiện 5K, chờ được hướng dẫn xử trí.

Thông báo cho toàn bộ học sinh, người làm việc đang có mặt tại trường học không tự ý di chuyển; tự giác khai báo y tế trung thực; thực hiện 5K; không hoang mang lo lắng mà thực hiện theo hướng dẫn của nhà trường về công tác phòng chống dịch.

Sau khi thực hiện các biện pháp an toàn về phòng chống dịch và trên cơ sở chỉ đạo của cơ quan có thẩm quyền sẽ quyết đinh cho đơn vị tiếp tục hoạt động bình thường mới hoặc tạm dừng hoạt động theo quy định.

Trường hợp nhận được thông tin trường học có F0 ngoài giờ học, cần: Báo cáo ngay cho Trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống dịch của nhà trường để biết; tạm dừng hoạt động dạy học để thực hiện vệ sinh, khử khuẩn (đặc biệt khu vực làm việc của ca mắc); truy vết, lập danh sách F1, F2 gửi cho cơ quan y tế địa phương và thực hiện các bước tiếp theo về phòng chống dịch trong nhà trường theo kế hoạch.

Sau khi thực hiện các biện pháp an toàn về phòng chống dịch và trên cơ sở chỉ đạo của cơ quan có thẩm quyền sẽ quyết định cho đơn vị tiếp tục hoạt động bình thường mới hoặc tạm dừng hoạt động theo quy định. Khi trường học đã an toàn (không phát hiện thêmF0) cần thực hiện dỡ bỏ phong tỏa theo hướng dẫn của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch địa phương.

Ngoài ra, trong Kế hoạch này, công tác chuẩn bị phòng chống dịch an toàn để tổ chức dạy học trực tiếp tại trường cũng được đề cập cụ thể

Đó là, xây dựng kế hoạch, phương án phòng chống dịch tại trường để tổ chức dạy học trực tiếp, cụ thể phương án xử lý các tình huống có yếu tố có liên quan đến mắc Covid – 19 tại trường.

Rà soát, kiện toàn và củng cố Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19. Thành lập Tổ an toàn Covid trong trường học theo hướng dẫn. Chuẩn bị các điều kiện cơ bản đảm bảo an toàn phòng chống dịch tại trường học trên cơ sở bộ tiêu chí “đánh giá mức độ an toàn của các cơ sở trường học trên địa bàn tỉnh khi học sinh đi học trực tiếp” theo Quyết định số 1076/QĐ-SGDĐT.

Tổ chức triển khai đến phụ huynh các vấn đề cần lưu ý trong công tác phối hợp với cơ sở trường học khi tổ chức dạy học trực tiếp tại trường. Tổ chức tập huấn, diễn tập giả định về các tình huống phòng chống dịch tại trường.

Sở Giáo dục, Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố phối hợp Sở Y tế kiểm tra đánh giá trường học an toàn về phòng chống dịch Covid-19 trước khi tổ chức cho học trực tiếp.

Đồng thời, việc nâng cao chất lượng dạy và học trực tuyến, điều chỉnh thời gian lên lớp cho phù hợp với thực tế; kiểm tra, hỗ trợ để tổ chức thi học kỳ 1 năm học 2021-2022 đạt chất lượng cao cũng đề ra những yêu cầu như sau:

Tiếp tục rà soát, triển khai chỉ đạo của Bộ Giáo dục về tinh giảm các chương trình và không tổ chức kiểm tra, đánh giá định kì đối với các kiến thức đã tinh giản tại Công văn số 4040/BGDĐT-GDTrH. Thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học năm học 2021-2022 ứng phó với dịch Covid-19 tại Công văn số 3969/BGDĐT-GDTH.

Tập trung hoàn thành các nội dung cốt lõi, tích hợp một số nội dung trong môn học và giữa các môn học thành các chủ đề học tập để tiết kiệm thời gian, đảm bảo quy định của chương trình. Tiếp tục kiểm tra, dự giờ, hỗ trợ chuyên môn trong tổ chức dạy và học, đặc biệt là đối với các khối lớp 2, lớp 6 thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 năm học 2021-2022.

Bên cạnh đó, cần chỉ đạo định hướng chung về nội dung cốt lõi đề thi học kì 1 cho các cấp học, các khối lớp; Tổ chức kiểm tra hỗ trợ để tổ chức thi học kỳ 1 năm học 2021-2022 đạt chất lượng cao.

Trung Dũng