Sở GD Ninh Bình triển khai học tiếng Anh với người nước ngoài từ bậc mầm non

17/12/2021 11:23
Trung Dũng
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Việc tổ chức hoạt động liên kết dạy học tiếng Anh trong các cơ sở giáo dục ở Ninh Bình theo hướng dẫn của Sở Giáo dục được thực hiện từ đầu năm học 2021-2022.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Đồng Thị Thủy Trung – Trưởng phòng Chính trị, tư tưởng – Giáo dục thường xuyên (Sở Giáo dục và Đào tạo Ninh Bình) cho biết: “Các trường ở Ninh Bình cũng chỉ mới bắt đầu triển khai thực hiện việc tổ chức hoạt động liên kết dạy học tiếng Anh trong các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông theo hướng dẫn của Sở Giáo dục từ đầu năm học 2021 - 2022. Hiện tại, chúng tôi cũng đang theo dõi xem mức độ triển khai và liên kết của các trung tâm tiếng Anh với nhà trường đang như thế nào.

Theo trong hướng dẫn của Sở, chúng tôi cũng yêu cầu các trường báo cáo tình hình theo học kỳ, nên thời điểm hiện tại việc liên kết giữa nhà trường với các trung tâm tiếng Anh ra sao vẫn chưa đến kỳ báo cáo. Vì thế, những thông tin đánh giá và số liệu cụ thể về hiệu quả của việc này đến đâu chúng tôi cũng chưa tập hợp được.

Để thực hiện việc này, chúng tôi cũng khuyến khích tất cả các trung tâm tiếng Anh trên địa bàn, nếu đủ điều kiện và được Sở Giáo dục cấp phép đều có thể tham dự chứ không chỉ định riêng một trung tâm nào cả. Tuy nhiên, trên thực tế chúng tôi nhận thấy, số lượng các trung tâm tiếng Anh trên địa bàn tỉnh có thể đáp ứng được việc liên kết cũng không nhiều.

Một buổi Chuyên đề dạy học tiếng Anh có giáo viên người nước ngoài trong các cơ sở giáo dục do Sở Giáo dục và Đào tạo Ninh Bình tổ chức. Ảnh: Trung tâm Giáo dục thường xuyên - Tin học và Ngoại ngữ tỉnh Ninh Bình

Một buổi Chuyên đề dạy học tiếng Anh có giáo viên người nước ngoài trong các cơ sở giáo dục do Sở Giáo dục và Đào tạo Ninh Bình tổ chức. Ảnh: Trung tâm Giáo dục thường xuyên - Tin học và Ngoại ngữ tỉnh Ninh Bình

Vừa qua, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên chúng tôi ưu tiên tập trung vào các hoạt động dạy học của các nhà trường. Còn các hoạt động báo cáo về vướng mắc, khó khăn gì của các trường khi thực hiện các chủ trương này như thế nào thì chúng tôi cũng chưa có thời gian để kiểm tra được.

Vì nó là hoạt động mới của các trường nên dự kiến vào khoảng đầu tháng 1/2022, các trường sẽ có những báo cáo cụ thể. Dựa trên báo cáo của các nhà trường, chúng tôi sẽ thẩm định lại các thông tin đó, từ đó sẽ có phương án điều chỉnh các phương án hướng dẫn, chỉ đạo cho phù hợp”.

Theo tìm hiểu của phóng viên, đầu năm học 2021- 2022 Sở Giáo dục và Đào tạo Ninh Bình đã có công văn số 53/HD-SGDĐT để hướng dẫn về “Công tác quản lý, tổ chức hoạt động liên kết dạy học tiếng Anh trong các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông”

Qua đó, việc liên kết dạy học tiếng Anh ở Ninh Bình sẽ được tổ chức theo năm học; đúng các quy định, thiết thực, hiệu quả, trên tinh thần tự nguyện, đồng thuận của phụ huynh học sinh và nhà trường. Đảm bảo các điều kiện về chương trình, giáo viên, cơ sở vật chất, thiết bị.

Cụ thể, về giáo viên tham gia giảng dạy: Là người Việt Nam hoặc người nước ngoài của các trung tâm ngoại ngữ đã được Sở Giáo dục và Đào tạo cấp giấy phép hoạt động; đảm bảo điều kiện, yêu cầu về trình độ chuyên môn phù hợp với cấp học.

Trong đó, với cấp học mầm non: Giáo viên phải đảm bảo điều kiện, tiêu chuẩn theo Thông tư số 50/2020/TT- BGDĐT ngày 31/12/2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Chương trình làm quen với tiếng Anh dành cho trẻ em mẫu giáo.

Với cấp học phổ thông: Nếu giáo viên dạy tiếng Anh là người Việt Nam thì yêu cầu cần tốt nghiệp cao đẳng, đại học chuyên ngành tiếng Anh trở lên, tối thiểu có chứng chỉ năng lực tiếng Anh tương đương. Có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm (đối với giáo viên tốt nghiệp các ngành không phải là sư phạm), có phương pháp giảng dạy phù hợp với cấp học.

Với giáo viên là người nước ngoài thì yêu cầu cần có giấy phép lao động còn thời hạn tại Ninh Bình với vị trí công việc là giáo viên tiếng Anh. Có chứng chỉ đào tạo dạy ngoại ngữ và phương pháp giảng dạy phù hợp với đối tượng.

Về chương trình, nội dung, thời lượng dạy học: Khi thực hiện chương trình dạy học liên kết, cần đảm bảo các yêu cầu sau: Đối với chương trình tiếng Anh cho trẻ mẫu giáo: Chương trình tiếng Anh liên kết dành cho trẻ mẫu giáo thực hiện theo Chương trình làm quen với tiếng Anh dành cho trẻ mẫu giáo ban hành kèm theo Thông tư số 50/2020/TT-BGDĐT ngày 31/12/2020 của Bộ giáo dục và Đào tạo.

Đối với tiếng Anh tự chọn lớp 1, lớp 2 thì Chương trình liên kết dạy tiếng Anh tự chọn cho học sinh lớp 1,2 thực hiện theo Chương trình giáo dục phổ thông làm quen tiếng Anh lớp 1 và lớp 2 ban hành kèm theo Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT và Công văn số 681/BGDĐT-GDTH về việc hướng dẫn tổ chức dạy học môn tiếng Anh tự chọn lớp 1 và lớp 2 theo chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Đối với chương trình tiếng Anh bổ trợ, tăng cường, nâng cao; tiếng Anh Toán, tiếng Anh Khoa học thì yêu cầu: Chương trình, nội dung dạy học tiếng Anh liên kết trong các cơ sở giáo dục chỉ được thực hiện sau khi Sở Giáo dục và Đào tạo thẩm định, cho phép bằng văn bản. Chương trình, nội dung dạy học bám sát chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo, được xây dựng với thời lượng không quá 2 tiết/ tuần (trong đó không quá 01 tiết/ tuần với giáo viên người nước ngoài).

Chương trình dạy học phải phù hợp đối tượng học sinh, không gây quá tải, tập trung củng cố nâng cao năng lực sử dụng ngôn ngữ, giúp học sinh tự tin trong giao tiếp bằng tiếng Anh. Với những chương trình nâng cao đặc biệt cần thời lượng nhiều hơn 2 tiết/ tuần, Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt riêng.

Về việc tổ chức thực hiện: Sở Giáo dục sẽ thông báo danh sách các trung tâm tiếng Anh trên địa bàn, danh sách giáo viên người nước ngoài đang giảng dạy tại các trung tâm (cập nhật 4 tháng/lần). Đồng thời, thẩm định nội dung chương trình, tài liệu tiếng Anh của các trung tâm ngoại ngữ có nhu cầu liên kết với các nhà trường (đối với chương trình tiếng Anh bổ trợ, tăng cường, nâng cao; tiếng Anh Toán, tiếng Anh Khoa học).

Thẩm định, phê duyệt hồ sơ xin phép liên kết dạy học tiếng Anh của cơ sở giáo dục trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo. Tổ chức kiểm tra định kỳ, kiểm tra đột xuất về hoạt động liên kết dạy học tiếng Anh tại các nhà trường. Phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan trong công tác quản lý dạy học tiếng Anh liên kết có giáo viên người nước ngoài theo thẩm quyền. Tổ chức đánh giá kết quả thực hiện, rút kinh nghiệm triển khai; báo cáo Bộ Giáo dục và Đào tạo, Uỷ ban nhân dân tỉnh theo quy định.

Đối với phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện, thành phố: Thẩm định hồ sơ xin phép triển khai liên kết dạy học tiếng Anh của các cơ sở giáo dục (mầm non, tiểu học, Trung học cơ sở) 01 lần/ năm học. Báo cáo xin ý kiến của Ủy ban nhân dân huyện, thành phố việc liên kết dạy học tiếng Anh có giáo viên người nước ngoài. Ban hành văn bản cho phép các cơ sở giáo dục được triển khai hoạt động liên kết dạy học tiếng Anh trong từng năm học.

Báo cáo Sở Giáo dục kết quả liên kết giảng dạy tiếng Anh vào cuối học kỳ I và cuối năm học, báo cáo tình hình triển khai liên kết dạy học tiếng Anh của năm học mới trước ngày 15/9 hằng năm, báo cáo đột xuất khi có yêu cầu. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan quản lý, chỉ đạo hoạt động dạy học tiếng Anh liên kết đảm bảo chất lượng, đúng quy định.

Các cơ sở giáo dục ở Ninh Bình sẽ thực hiện việc liên kết dạy tiếng Anh với các trung tâm tiếng Anh và có giáo viên người nước ngoài giảng dạy từ năm học 2021-2022. Ảnh minh họa: Trung Dũng

Các cơ sở giáo dục ở Ninh Bình sẽ thực hiện việc liên kết dạy tiếng Anh với các trung tâm tiếng Anh và có giáo viên người nước ngoài giảng dạy từ năm học 2021-2022. Ảnh minh họa: Trung Dũng

Đối với các cơ sở giáo dục liên kết dạy tiếng Anh trong nhà trường, cần xây dựng kế hoạch liên kết dạy học tiếng Anh, hoạt động giáo dục có giáo viên người nước ngoài theo năm học. Chủ trì, phối hợp với trung tâm ngoại ngữ (đã được Sở Giáo dục cấp phép hoạt động) xây dựng hồ sơ theo hớng dẫn, trình cơ quan quản lý trực tiếp.

Lựa chọn giáo viên của các đơn vị liên kết đảm bảo các yêu cầu trước khi ký hợp đồng liên kết (ưu tiên những giáo viên có kinh nghiệm giảng dạy). Hợp đồng liên kết phải quy định rõ nội dung dạy học, nội dung hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, hoạt động trải nghiệm (nếu có). Thông tin về giáo viên, hình thức, địa điểm dạy học, kinh phí, trách nhiệm của mỗi bên. Trong quá trình thực hiện, nếu có thay đổi giáo viên ngoại ngữ, báo cáo cơ quan quản lý trước khi sử dụng lao động.

Phối hợp chặt chẽ với các trung tâm ngoại ngữ xây dựng thời khóa biểu dạy chương trình tiếng Anh liên kết. Đồng thời, theo dõi, ký duyệt kế hoạch bài dạy (giáo án) từng tiết học đảm bảo thực hiện đúng nội dung chương trình đã được Bộ Giáo dục hoặc Sở Giáo dục thẩm định; phù hợp kế hoạch, nội dung dạy học tiếng Anh chính khóa của trường.

Sắp xếp thời khóa biểu đảm bảo ưu tiên các môn học và thời gian học chính khóa; phân lớp phù hợp theo đối tượng, số lượng học sinh theo quy định, khuyến khích số học sinh/ lớp không vượt quá 25 em. Tổ chức hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp có sự tham gia của giáo viên người nước ngoài tại nhà trường (nếu có) phù hợp kế hoạch giáo dục năm học.

Trung Dũng