Sinh viên quốc tế hào hứng gói bánh Chưng, trải nghiệm đón Tết Nguyên đán

04/02/2024 06:40
Kim Minh Châu
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- “Tôi nghĩ Tết Việt Nam có nhiều điều thú vị. Thật tuyệt khi được biết thêm về nền văn hóa của các bạn” – sinh viên trao đổi Melchior chia sẻ.

Trong bối cảnh quốc tế hóa giáo dục, ngày càng có nhiều du học sinh quốc tế lựa chọn Việt Nam là điểm đến du học hay khóa trao đổi du học sinh.

Những ngày cận Tết, nhiều cơ sở giáo dục đại học đã tổ chức các hoạt động trải nghiệm và lên kế hoạch chuẩn bị cho các sinh viên quốc tế ở lại đón Tết ở Việt Nam.

Tiến sĩ Nguyễn Tiến Dũng – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hà Nội. Ảnh: NVCC

Tiến sĩ Nguyễn Tiến Dũng – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hà Nội. Ảnh: NVCC

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Tiến Dũng – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hà Nội cho biết, hiện nay Trường Đại học Hà Nội có khoảng 671 sinh viên quốc tế, đến từ 22 quốc gia (như Trung Quốc, Anh, Ba Lan, Đông Timor, Đức, Hàn Quốc,...).

Các sinh viên này học ở hầu hết các ngành học của đơn vị đào tạo, trong đó chủ yếu là các ngành về ngôn ngữ (như Ngôn ngữ Anh, Ngôn ngữ Đức, Ngôn ngữ Nhật Bản,…) và đặc biệt là ngành học về Tiếng Việt và Văn hóa Việt Nam.

Theo thầy Dũng: “Để nắm bắt tình hình của sinh viên quốc tế trong dịp nghỉ Tết Nguyên Đán, bộ phận quản lý sinh viên quốc tế đã tiến hành khảo sát, thông báo cho sinh viên quốc tế đăng ký khi có mong muốn ở lại đón Tết. Đến thời điểm hiện tại, nhà trường đã nhận được đơn đăng ký của hơn 100 sinh viên quốc tế ở lại trường đón Tết năm nay.

Còn lại, một số bạn sinh viên có quốc tịch Trung Quốc, Lào,… do khoảng cách địa lý thuận tiện, nên các bạn thường về nước trong dịp nghỉ Tết. Một số còn lại ở Việt Nam sẽ chọn đi du lịch hoặc đến ăn Tết tại nhà thầy, cô, bạn bè người Việt Nam”.

Sinh viên nước ngoài với trải nghiệm văn hóa Tết đặc sắc của người Việt tại Trường Đại học Hà Nội

Sinh viên nước ngoài với trải nghiệm văn hóa Tết đặc sắc của người Việt tại Trường Đại học Hà Nội

Được biết, trừ những năm có dịch Covid-19, còn lại, hằng năm Trường Đại học Hà Nội đều tổ chức sự kiện Tết Việt dành cho sinh viên quốc tế.

Vừa qua (ngày 26/1/2024), đơn vị này đã tổ chức sự kiện Tết Việt với nhiều hoạt động nhằm giúp hàng trăm sinh viên quốc tế tìm hiểu về ngày Tết cổ truyền của Việt Nam.

“Các em được mặc những trang phục truyền thống của Việt Nam, chụp ảnh bên cây đào, cây quất; được tận tay gói bánh Chưng, gói nem và ăn những món ăn truyền thống trong mâm cơm ngày Tết; còn được ông đồ tặng chữ, được nhà trường mừng tuổi... Vì vậy, sinh viên quốc tế đều rất hào hứng.

Không chỉ có sinh viên của riêng Trường Đại học Hà Nội, mà nhiều sinh viên quốc tế ở các cơ sở giáo dục khác cũng đến tham gia chương trình.

Qua việc tham gia sự kiện này, sinh viên quốc tế sẽ hiểu sâu sắc hơn về ngày Tết cổ truyền của Việt Nam. Từ đó, thêm yêu ngôn ngữ, văn hóa và con người Việt Nam.

Nhờ những sự kiện như vậy, nhiều sinh viên quốc tế mặc dù đã tốt nghiệp đại học nhưng vẫn lựa chọn học tiếp chương trình cao học ở Việt Nam. Thậm chí còn ở lại Việt Nam lập nghiệp, lập gia đình” – Tiến sĩ Nguyễn Tiến Dũng cho hay.

Cũng là một cơ sở giáo dục đại học rất chú trọng đến hoạt động quốc tế hóa, Trường Đại học Ngoại Ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội cũng có nhiều hoạt động để phổ biến văn hóa truyền thống của Việt Nam đến với bạn bè quốc tế.

Thống kê của nhà trường trong dịp Tết Giáp Thìn 2024 có 28 giảng viên và 35 sinh viên quốc tế lựa chọn ở lại Việt Nam đón Tết.

Theo Tiến sĩ Hoa Ngọc Sơn – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại Ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội: “Nhà trường đã tổ chức gặp mặt và trao quà cho 28 giảng viên quốc tế đang giảng dạy, nghiên cứu tại đơn vị; tiến hành thăm hỏi, trao quà Tết cho 35 lưu học sinh quốc tế ở lại trường dịp này. Và chắc chắn, những món quà này không thể thiếu được chiếc bánh Chưng xanh, hộp mứt Tết – là những món ăn truyền thống của người Việt Nam trong mỗi dịp Tết đến.

Đồng thời, trường cũng yêu cầu ban quản lý ký túc xá Trường Đại học Ngoại Ngữ cùng các đơn vị phục vụ dịch vụ ăn uống, dịch vụ tiện ích khác trong trường duy trì hoạt động trong suốt thời gian nghỉ Tết, để không làm ảnh hướng đến sinh hoạt của các bạn sinh viên quốc tế trong thời gian nhà trường nghỉ Tết 2 tuần”.

Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội đã tổ chức buổi gặp mặt đội ngũ chuyên gia quốc tế nhân dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn

Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội đã tổ chức buổi gặp mặt đội ngũ chuyên gia quốc tế nhân dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn

Được biết, trong hai ngày 19 – 20/1/2024, Trường Đại học Ngoại Ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội cũng đã tổ chức chương trình “Hội Xuân ULIS” kết hợp với Ngày hội việc làm 2024. Chương trình có nhiều hoạt động trải nghiệm thú vị (lễ hội ẩm thực, trình diễn áo dài, bắn pháo hoa, gói bánh Chưng…), thu hút đông đảo sự tham gia của giảng viên, sinh viên của Đại học Quốc gia Hà Nội.

Bên cạnh đó, mỗi khoa có đào tạo các ngành học liên quan đến yếu tố quốc tế của nhà trường cũng tự tổ chức nhiều hoạt động ngoại khóa khác nhau liên quan đến Tết Việt để giao lưu sinh viên.

“Những hoạt động trên đã góp phần kết nối văn hóa của Việt Nam nói chung, văn hóa của Trường Đại học Ngoại Ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội nói riêng trong dịp Tết Nguyên Đán đến toàn thể sinh viên của Đại học Quốc gia Hà Nội và sinh viên quốc tế.

Đồng thời, chúng tôi cũng muốn tạo ra không khí ấm cúng, giúp giảm đi nỗi nhớ nhà của các giảng viên, sinh viên quốc tế khi học tập xa nhà” – Tiến sĩ Hoa Ngọc Sơn chia sẻ.

Tiến sĩ Hoa Ngọc Sơn – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại Ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội. Ảnh: KMC

Tiến sĩ Hoa Ngọc Sơn – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại Ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội. Ảnh: KMC

Tết Nguyên Đán là một trong những nét văn hóa truyền thống của Việt Nam và một số quốc gia Châu Á như Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan, Singgapore,… Không phải sinh viên quốc tế nào khi đến Việt Nam học cũng biết về dịp lễ này.

Vì vậy, Trường Đại học Ngoại Thương cũng đã tổ chức chương trình “Tết sum vầy, xuân bình an” với chủ đề “Hương Tết”, tái hiện lại khung cảnh và không khí đón Tết ngày xuân của Khu vực Đồng bằng Bắc bộ với cả hương và sắc.

Chương trình nhằm giúp sinh viên nước ngoài đang học tập tại Việt Nam có cơ hội để tìm hiểu về văn hóa, con người Việt Nam. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để các bạn du học sinh nước ngoài kết nối sâu hơn với giảng viên, sinh viên của nhà trường.

Sinh viên quốc tế tham gia gói bánh Chưng tại Trường Đại học Ngoại Thương.

Sinh viên quốc tế tham gia gói bánh Chưng tại Trường Đại học Ngoại Thương.

“Năm nay, Trường Đại học Ngoại Thương có khoảng 70 người học nước ngoài (ở cả bậc đại học và sau đại học) ở lại Việt Nam trong dịp Tết Nguyên Đán. Nhà trường đã phối hợp với các cơ quan chức năng để rà soát danh sách sinh viên về quê, sinh viên ở lại Việt Nam trong thời gian này.

Đồng thời, Trường Đại học Ngoại Thương cũng chuẩn bị đầy đủ về ký túc xá, đảm bảo an ninh trật tự, sắp xếp lịch học cho hợp lý, không gây ảnh hưởng đến hoạt động sinh hoạt của các bạn trong quá trình nghỉ Tết. Chúng tôi mong muốn sinh viên nghỉ Tết vừa vui, vừa an toàn” – đại diện đơn vị chia sẻ.

Là một sinh viên đến Việt Nam học theo diện chương trình trao đổi sinh viên, bạn Atsuya (đến từ Trường Đại học Rikkyo, Nhật Bản, hiện đang học tại Trường Đại học Ngoại Thương) cho biết: “Ở Nhật Bản có Tết, nhưng không có Tết Nguyên Đán như Việt Nam.

Điều tôi ấn tượng nhất là sau khi tham gia chương trình “Tết sum vầy, xuân bình an”, mỗi sinh viên quốc tế như tôi được Trường Đại học Ngoại Thương tặng cho những suất quà, trong đó có chiếc bánh Chưng.

Lúc đầu, tôi không biết ăn nó như thế nào. Nhưng sau khi được một người bạn Việt Nam hướng dẫn, tôi đã làm bánh chưng rán, ăn kèm với chả và nước tương. Thực sự món ăn này rất ngon”.

Còn bạn Melchior (đến từ Trường Đại học WHU, Đức) cho biết, đây là lần đầu bạn được trải nghiệm Tết Việt: “Tôi chưa bao giờ nghe nói đến Tết trước khi đến Việt Nam, nên tôi rất hào hứng khi được biết đến lễ hội truyền thống này. Điều làm tôi ấn tượng nhất là Trường Đại học Ngoại Thương đã tổ chức một lễ Tết có sự tham gia của tất cả các thành viên trong trường.

Nhóm sinh viên quốc tế chúng tôi đã cùng nhau xem các tiết mục văn nghệ, trong đó có hát Quan họ Bắc Ninh, được chơi nhiều trò chơi dân gian xưa của Việt Nam như cà kheo, đẩy gậy… đây đều là những trò chơi lần đầu tôi biết đến; hay tham gia các hoạt động như làm bánh Chưng, bày mâm ngũ quả... Sau đó, chúng tôi đã thử một số món ăn địa phương của Việt Nam rất ngon. Tôi thực sự đã ăn đến 3 chiếc bánh Chưng.

Nhìn chung, tôi nghĩ Tết Việt Nam có nhiều điều thú vị mà mọi người đều có thể trải nghiệm. Thật tuyệt khi được biết thêm về nền văn hóa của các bạn thông qua sự kiện do trường tổ chức”.

Đây là lần đầu tiên bạn Melchior được trải nghiệm Tết Việt

Đây là lần đầu tiên bạn Melchior được trải nghiệm Tết Việt

Lựa chọn Việt Nam cho kỳ học trao đổi để khám phá một nền văn hóa hoàn toàn mới, Melchior cho biết có rất nhiều điều thú vị ở mà bạn muốn tìm hiểu thêm. Và Melchior đã không hề cảm thấy thất vọng khi đến với Việt Nam.

Kim Minh Châu