Đó là chuyện của Nguyễn Thị Ngọc Mai, khối phố Thanh Nam, P. Cẩm Châu (TP Hội An, Quảng Nam).
Em là Mai
“Bác ơi cho cháu hỏi đây có phải nhà chị Mai không ạ?” - “Em là Mai đây’’. Câu trả lời ấy khiến tôi giật mình. Có thể nào ngờ, cô gái 27 tuổi mà tôi đang tìm gặp là Mai. Trong câu chuyện của mình, Mai vừa kể vừa rơm rớm nước mắt. Khi đang học lớp 5, cô bị nổi mụn ở tay, đỏ và ngứa. Càng gãi, càng ngứa, thế rồi mụn bắt đầu nổi lên ở đầu, ở chân, ở lưng.
Quá lo lắng, gia đình đưa đi khám, thầy thuốc bảo bị dị ứng, nổi mề đay, cho thuốc về uống sẽ khỏi. Thế nhưng, uống thuốc hơn một tháng, tình trạng không những không cải thiện mà còn trầm trọng hơn, khi khuôn mặt cô bị nổi phù lên. Gia đình lại tiếp tục đưa Mai ra Đà Nẵng khám. Lần này bác sĩ cho uống thuốc, khuôn mặt bị phù dần xẹp xuống, nhưng cũng chính từ đây, cô bé già đi trông thấy.
Như vậy, từ lúc phát hiện bị mẩn ngứa, uống thuốc đông y và tây y, chưa đầy 2 tháng sau, từ khuôn mặt non nớt của cô bé Mai 12 tuổi đã nhanh chóng mang “bộ dạng” một bà già. Đám bạn trong lớp thấy Mai bị “biến” thành người hoàn toàn khác thì sợ hãi, xa lánh.
Hàng xóm nhìn Mai già đi thì chỉ biết lắc đầu, coi như không có chuyện gì, gặp Mai không dám nói gì vì sợ cô tủi thân. Tốc độ già hóa của Mai nhanh đến nỗi khi cô vừa đủ tuổi làm chứng minh thư thì những nếp nhăn nheo đã xuất hiện dày đặc trên mặt, da teo lại, tóc điểm sợi bạc.
Bà Nguyễn Thị Mứt, 52 tuổi, mẹ của Mai kể, khi phát hiện con bị bệnh, gia đình đưa đi khám ở nhiều bệnh viện, nhưng các bác sĩ chỉ kết luận bị nổi mề đay, cho thuốc uống chứ không có cách nào ngăn được việc già đi quá nhanh của Mai.
Có người bảo, đưa Mai vào TPHCM điều kiện chữa trị tốt hơn, có thể chữa được bệnh già đi của con, nhưng vì chi phí quá đắt đỏ nên gia đình đành bấm bụng để vậy.
Cái sự già hóa đột ngột đã đẩy Mai sang một ngã rẽ khác của cuộc đời. Bà Mứt kể, trước đây Mai hoạt bát, nhanh nhẹn, hay nói cười, học rất giỏi. Vậy nhưng từ khi bị bệnh, nó suy sụp, tủi thân, ngại tiếp xúc với mọi người rồi bỏ học trốn ở nhà miết. Cả gia đình, dòng họ, không ai có cái bệnh… già đi lạ thế này.
Bởi thế, mỗi lần dòng tộc có giỗ chạp, phải giới thiệu Mai kỹ còn không nhiều đứa trẻ mới lớn lại chào lầm, nghĩ cô thuộc hàng cô, bà. Đặc biệt, hàng xóm có người xa quê lâu ngày mới về, vào nhà chơi, ngồi trước mặt Mai mà cứ hỏi con bé Mai đâu rồi.
Khi biết, họ té ngửa không tin vào mắt mình. Nhất là mấy đứa bạn của cậu em út, tới nhà gặp Mai chào bà là chuyện thường. Những lần như vậy, Mai chỉ biết quay mặt đi, giấu giọt nước mắt lặng thầm vào lòng. Cô sợ mỗi lần soi gương, sợ phải nhìn chính khuôn mặt của mình. Còn gì khổ hơn với một phụ nữ khi không dám soi gương, tô điểm?
Cuộc sống khó khăn, Mai (áo sáng) và hai con phải nương nhờ mẹ già (bìa phải) |
Niềm mong ước
Bị mặc cảm vì già đi quá nhanh đã đành, Mai còn liên tục chống chọi với bệnh tật suốt 15 năm qua. Đến tận giờ, những đau đớn về thể xác vẫn chưa buông tha cô. “Em vẫn phải uống thuốc thường xuyên nếu không mẩn ngứa không chịu được.
Cũng vì uống nhiều thuốc nên giờ sức khỏe em đã suy sụp lắm, bị nhiều bệnh lắm. Lúc thì đau đầu, lúc lại đau bao tử, nói chung đau ở đâu thì mua thuốc uống trị bệnh đó. Mới rồi, em bị đau nặng, tưởng không qua khỏi. Vậy mà nghĩ đến hai đứa nhỏ vẫn phải gắng sống’’- Mai bùi ngùi chia sẻ.
Niềm hạnh phúc bên chồng trong ngày cưới của Mai. |
Nhiều đêm Mai nằm nghĩ miên man. Bình thường ở lứa tuổi mười tám đôi mươi, cô phải khỏe mạnh, tự nuôi sống được bản thân. Đằng này, bệnh tật khiến sức khỏe cô suy giảm mạnh. “Trước đây em làm thợ may, cũng kiếm đủ tiền sinh sống. Nhưng rồi cứ nghỉ vì đau bệnh miết, Cty đã cho nghỉ. Họ bảo em tuổi già rồi, không còn đủ sức lao động nữa. Vậy là sau 7 năm làm may, giờ em thành người ăn bám mẹ già” - Mai tâm sự.
Năm 2005, Mai lấy chồng. Chuyện lên xe hoa với một cô gái 21 tuổi hết sức bình thường, nhưng với Mai, đó là niềm hạnh phúc ngoài mong đợi. Đám cưới đã cho cô thêm niềm tin, nghị lực sống.
Chồng Mai, anh Trần Thanh Phương hơn cô 6 tuổi, là một người hiền lành, tốt bụng chỉ có điều không được nhanh nhẹn, minh mẫn như nhiều người đàn ông khác. Anh chị có với nhau được hai người con, cô con gái đầu nay đã được 4 tuổi, cậu con trai 2 tuổi. Cuộc sống khó khăn, giờ chị Mai và hai con ở với mẹ đẻ.
Hằng ngày, anh Phương chạy xe ôm, kiếm được đồng nào cũng mang sang phụ giúp nuôi hai con. Điều chị Mai cảm thấy an ủi là hai cháu đều khỏe mạnh bình thường. Những vất vả đời thường rồi hai vợ chồng sẽ dìu nhau qua. Nhưng, điều chị Mai trăn trở, lo sợ hơn cả là sau này, khi các cháu lớn liệu có mắc phải căn bệnh già hóa của mẹ hay không. “Dẫu sao em cũng đã thế này. Khổ miết thành quen. Em chỉ mong sao hai con đừng như mình” - Mai tâm sự.