Sắp khai giảng, trường vùng cao thiếu GV, học sinh THCS đi làm thêm "quên" lớp

29/08/2024 08:30
Ngọc Huệ
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Do đặc thù miền núi khó khăn, mỗi dịp nghỉ hè, học sinh trung học cơ sở di chuyển ra khỏi địa bàn huyện để làm thêm, có những em vì mải đi làm nên đã bỏ học.

Thời điểm này, công tác chuẩn bị cho năm học 2024-2025 ở các trường học trên địa bàn vùng núi cơ bản hoàn tất. Trong đó, các trường đặc biệt chú ý đến việc dọn dẹp, trang trí cảnh quan và vận động học sinh ra lớp đầy đủ.

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, các trường vùng cao còn phải đối mặt với nhiều khó khăn trước thềm năm học mới như: thiếu giáo viên, không làm được chế độ chính sách cho trẻ mầm non, thiếu nguồn đầu tư để sửa chữa cơ sở vật chất,...

Thiếu giáo viên nên trường mầm non hạn chế nhận trẻ 3 tuổi

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Ma Thị Yến - Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Giàng Chu Phìn (huyện Mèo Vạc, Hà Giang) chia sẻ, năm học 2024-2025, nhà trường đón hơn 200 trẻ khóa mới, nâng tổng số học sinh toàn trường là 538 trẻ. Ngay từ đầu tháng 8, nhà trường đã huy động toàn bộ giáo viên làm vệ sinh khuôn viên trường, lớp để sẵn sàng cho lễ khai giảng vào ngày 5/9.

“Đến thời điểm này, giáo viên của trường đã tham gia các lớp bồi dưỡng chính trị, tập huấn chuyên môn. Do trong thời gian nghỉ hè, cơ sở vật chất của trường lâu không được sử dụng đến nên nhà trường sẽ phải tích cực dọn dẹp vệ sinh trường, trang trí lớp học. Bên cạnh đó, các giáo viên cũng phải tham gia vào việc rà soát thông tin học sinh, chuẩn bị hồ sơ sổ sách, sẵn sàng điều kiện để đón trẻ ra lớp”, cô Yến tâm sự.

Giàng Chu Phìn.jpg
Tập thể cán bộ, giáo viên Trường Mầm non Giàng Chu Phìn tích cực lao động, vệ sinh trường lớp, chuẩn bị đón chào năm học mới 2024-2025. (Ảnh: NTCC, được chụp vào ngày 5/8/2024)

Năm học này, Trường Mầm non Giàng Chu Phìn có sĩ số cao hơn mọi năm nhưng khó khăn vô vàn do thiếu giáo viên. Hiện tại, toàn trường có 22 giáo viên trực tiếp đứng lớp nên còn thiếu 4 giáo viên so với chỉ tiêu biên chế được giao; nếu so với quy định về định mức giáo viên/lớp thì trường thiếu 6 giáo viên.

Biện pháp khắc phục tình trạng thiếu giáo viên được cô Yến chia sẻ là sẽ hợp đồng giáo viên nhưng đến thời điểm này cũng chưa chắc chắn có giáo viên nào để hợp đồng với trường.

Những ngày này, Trường Mầm non Lũng Pù (tỉnh Hà Giang) cũng đang tất bật chuẩn bị cho năm học mới. Một trong những vấn đề mà lãnh đạo nhà trường trăn trở là trường có 22 lớp nhưng chỉ mở 16 lớp do thiếu giáo viên (hiện trường có 16 giáo viên đứng lớp).

z5759244815869_99040f60d65eaf2692217ed31f8344f8.jpg
Giáo viên Trường Mầm non Lũng Pù đang vệ sinh tại một điểm trường lẻ để chuẩn bị cho năm học 2024-2025. (Ảnh: NTCC)
Lũng Pù 5.jpg
Các giáo viên đang trang trí tường ở điểm trường lẻ của Trường Mầm non Lũng Pù. (Ảnh: NTCC)

Chia sẻ với phóng viên, cô Tẩn Thị Lèn - Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Lũng Pù cho biết: “Rất nhiều phụ huynh đi làm công ty, không có thời gian nên muốn gửi con 3 tuổi ra lớp nhưng nhà trường không dám nhận vì số lượng giáo viên hiện không đảm bảo cho việc săn sóc, nuôi dưỡng”.

Trước thềm năm học mới, cô Lèn mong muốn nhà trường được bổ sung thêm số lượng giáo viên còn thiếu để trẻ 5, 4, 3 tuổi đều được ra lớp đầy đủ. Hơn nữa, cô Lèn cũng hy vọng nhận được sự quan tâm nhiều hơn nữa của ngành giáo dục huyện, các mạnh thường quân trong việc đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng một số điểm trường lẻ, lớp học chắc chắn, rộng rãi hơn, đảm bảo an toàn cho cô và trò.

Bên cạnh đó, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho hay, khó khăn của nhà trường hiện nay là không làm được thủ tục, giấy tờ liên quan đến chế độ cho trẻ vì không có giấy khai sinh (do bố mẹ các em tảo hôn). Với những trường hợp này, nhà trường chỉ lập danh sách trẻ để báo cáo các cấp có thẩm quyền xem xét, can thiệp, xử lý giúp nhà trường, bảo đảm quyền lợi cho các em.

Giàng Chu Phìn 1.jpg
Giáo viên Trường Mầm non Giàng Chu Phìn trang trí trường học. (Ảnh: NTCC)
Giàng Chu Phìn 3.jpg
Các nhân vật trong câu chuyện "Nàng Bạch Tuyết và bảy chú lùn" được trang trí bởi giáo viên Trường Mầm non Giàng Chu Phìn. (Ảnh: NTCC)

Một trong những nhiệm vụ quan trọng đối với các trường ở vùng cao là vận động trẻ trở lại trường vào đầu năm học mới.

Cô Lèn cho biết, những năm gần đây, nhờ sự quan tâm của các cấp chính quyền địa phương, công tác vận động trẻ ra lớp đã có nhiều tiến triển. Để làm tốt, các giáo viên của nhà trường sẽ phải phối hợp cùng cán bộ thôn, bản, đi đến từng nhà để thông báo cho phụ huynh đưa trẻ ra lớp theo đúng kế hoạch thời gian năm học. Tuy nhiên, do đặc thù nghề nghiệp, ban ngày, giáo viên phải cắm bản, chăm sóc trẻ nên công tác vận động thường thực hiện vào thứ bảy, chủ nhật, hoặc buổi tối nên khá vất vả.

Còn theo cô Yến, như mọi năm, khoảng 2-3 ngày đầu của năm học mới, sĩ số của trường khó đảm bảo 100% do dồn điểm lẻ, các lớp 5 tuổi phải đi học xa hơn nên mất nhiều thời gian để ổn định. Với những trẻ chưa đến lớp, giáo viên của trường cùng cán bộ thôn phải đến nhà để tìm hiểu nguyên nhân, giúp đỡ và động viên trẻ đi lớp đầy đủ.

Vận động học sinh trung học cơ sở đi làm thêm quay trở lại trường

Chia sẻ với phóng viên, Thạc sĩ Đoàn Văn Đạt - Trưởng phòng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Than Uyên (tỉnh Lai Châu) cho biết, ngay khi kết thúc năm học 2023-2024, Phòng đã tổ chức hội nghị tổng kết nội bộ, trong đó có tổng kết đối với từng bậc học. Phòng đã bàn thảo, xây dựng nội dung thực hiện trong hè để chuẩn bị năm học mới, trong đó có chú trọng công tác duy trì sĩ số lớp.

“Học sinh ra khỏi địa bàn huyện và không quay trở lại trường khi vào năm học mới là vấn đề hết sức nan giải. Do đặc thù khu vực miền núi khó khăn, mỗi dịp nghỉ hè, học sinh trung học cơ sở thường di chuyển ra khỏi địa bàn huyện để làm thêm, có những em vì mải đi làm nên đã bỏ học. Chính vì thế, vào mỗi đầu năm học mới, chính quyền địa phương, các đơn vị trường học phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động phụ huynh “gọi” các con trở về để chuẩn bị đi học.

Thống kê trong tháng 6/2024, toàn huyện Than Uyên có 126 học sinh trung học cơ sở đi khỏi địa bàn. Đến thời điểm này vẫn còn 21 em chưa quay trở lại huyện”, Thạc sĩ Đoàn Văn Đạt chia sẻ.

Giàng Chu Phìn 4.jpg
Giáo viên tích cực dọn dẹp cảnh quan tại Trường Mầm non Giàng Chu Phìn. (Ảnh: NTCC)

Cũng theo lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo, để chuẩn bị sẵn sàng cho năm học mới, Phòng đã yêu cầu các đơn vị trường học quản lý tốt cơ sở vật chất, tu sửa các hạng mục hư hỏng và có dấu hiệu xuống cấp, đặc biệt là ở những trường bán trú.

Về công tác chuyên môn, Phòng đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các trường học phải quan tâm đến bồi dưỡng học sinh giỏi, tổng số giải và chất lượng giải.

Đối với cấp tiểu học, Phòng đã hoàn thành việc cấp phát sách giáo khoa cho năm học mới. Còn với cấp trung học cơ sở, việc chuẩn bị sách giáo khoa, vở viết đã cơ bản đảm bảo, chỉ còn một số ít học sinh chưa có sách (chủ yếu là sách giáo khoa môn tiếng Anh), vở viết do phụ huynh các em chưa mua.

Về đội ngũ giáo viên, thầy Đạt cho biết, hiện toàn huyện Than Uyên còn thiếu 47 biên chế giáo viên, trong đó bậc trung học cơ sở thiếu nhiều nhất với 26 giáo viên. Trong bối cảnh thiếu giáo viên, ngành giáo dục huyện vẫn phải thực hiện tinh giản biên chế nên gặp nhiều khó khăn.

Để giải quyết tình trạng thiếu giáo viên, Phòng đã tham mưu ủy ban nhân dân huyện tuyển dụng; biệt phái giáo viên từ trường thừa, sang trường thiếu. Với việc thực hiện biệt phái giáo viên, Phòng yêu cầu các trường họp hội đồng, lấy ý kiến, xét giáo viên theo từng tiêu chí do chính đơn vị trường thống nhất, ưu tiên giáo viên nào chưa dạy học ở trường vùng khó khăn thì phải đi biệt phái.

Nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ năm học mới 2024-2025, Trưởng phòng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Than Uyên đề xuất, các cấp có thẩm quyền cần quan tâm đến thực hiện chế độ chính sách cho học sinh trường bán trú, đặc biệt là những xã đã phát triển trở thành nông thôn mới. Bởi, với những xã lên nông thôn mới, hoặc các bản ra khỏi vùng khó khăn, học sinh sẽ không được nhận chính sách hỗ trợ. Trong khi đó, mặc dù xã đã lên nông thôn mới nhưng các em vẫn phải đi học xa mới đến trường, rất vất vả.

Ngoài ra, khi học sinh không còn được nhận chế độ hỗ trợ thì cũng cần được đầu tư cơ sở vật chất cho các điểm trường trên địa bàn huyện.

Có thể thấy, mỗi đầu năm học, các trường học ở vùng cao gặp rất nhiều khó khăn trong công tác chuẩn bị, nhất là việc phải vận động trẻ quay trở lại trường học, tình trạng thiếu giáo viên,... Với tinh thần "tất cả vì học sinh thân yêu", mong muốn chung của các giáo viên vùng cao là tiếp tục nhận được sự quan tâm, chia sẻ, hỗ trợ từ chính quyền địa phương, ngành giáo dục, cũng như các mạnh thường quân về đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị đồ dùng học tập, đảm bảo thực hiện nhiệm vụ năm học mới.

Ngọc Huệ