Trước đó, có thông tin trong cho rằng dự định trong năm 2016 sẽ hoàn tất các điều kiện để biên soạn 2 bộ sách giáo khoa miền Bắc và miền Nam riêng biệt. Thông tin này ngay lập tức thu hút sự quan tâm của xã hội. Rất nhiều người bày tỏ băn khoăn về nội dung này.
Sáng ngày 15/2, trao đổi với Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Phạm Ngọc Phương - Chánh Văn phòng Bộ GD&ĐT cho biết, Bộ chưa có một chủ trương nào như thông tin dư luận đã nêu.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển. Ảnh Xuân Trung |
Cũng trong sáng 15/2, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam biết, không có chuyện có sách giáo khoa cho hai miền khác nhau như thông tin lan truyền trước đó.
Sự thực là, ngày 28/11/2014, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, trong đó thống nhất chủ trương một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa.
Cụ thể, Bộ GD&ĐT chỉ đưa ra các tiêu chí cụ thể về sách giáo khoa và chịu trách nhiệm thẩm định, trước khi cho phép bộ sách hoặc cuốn sách được lưu hành trên thị trường.
Trong Nghị quyết, Quốc hội yêu cầu Chính phủ chỉ đạo thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông nhằm tạo chuyển biến căn bản, toàn diện về chất lượng và hiệu quả giáo dục phổ thông;
Kết hợp dạy chữ, dạy người và định hướng nghề nghiệp; góp phần chuyển nền giáo dục nặng về truyền thụ kiến thức sang nền giáo dục phát triển toàn diện cả về phẩm chất và năng lực, hài hoà đức, trí, thể, mỹ và phát huy tốt nhất tiềm năng của mỗi học sinh.
Nghị quyết cũng đề nghị cần kế thừa và phát triển những ưu điểm của chương trình, sách giáo khoa hiện hành, phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của nền văn hóa Việt Nam và phù hợp với xu thế quốc tế.
Đồng thời đổi mới toàn diện mục tiêu, nội dung, phương pháp và hình thức tổ chức giáo dục, thi, kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục theo yêu cầu phát triển phẩm chất và năng lực học sinh.
Khắc phục tình trạng quá tải; tăng cường thực hành và gắn với thực tiễn cuộc sống. Việc đổi mới chương trình và sách giáo khoa được tiến hành đồng bộ, công khai, minh bạch, tiếp thu rộng rãi ý kiến của nhân dân, các nhà khoa học, nhà giáo và người học.