Tính đến năm học 2024-2025 này, cấp Trung học cơ sở đã thực hiện giảng dạy chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở năm thứ tư- năm cuối cùng trong lộ trình cuốn chiếu nhưng một số môn học tích hợp vẫn khá rối rắm.
Hai môn: Khoa học tự nhiên; Lịch sử và Địa lí được phản ánh nhiều nhất trong những năm qua khi “tích hợp” 5 môn học độc lập ở chương trình 2006 thành 2 môn học mới ở chương trình 2018 dù đã định hình cách dạy, kiểm tra, thi cử nhưng dấu ấn tích hợp rất mờ nhạt.
Về cơ bản, các phân môn của 2 môn tích hợp vẫn đang được thực hiện riêng lẻ trong giảng dạy; đánh giá. Ngay cả kỳ thi học sinh giỏi văn hóa cuối cấp Trung học cơ sở vẫn đang chia riêng lẻ theo từng phân môn, chỉ có “một chút” kiến thức chung cho mỗi đề thi mang tính “tích hợp”.
Đa phần giáo viên vẫn đang được bố trí dạy, ôn thi học sinh giỏi theo phân môn
Theo tìm hiểu của người viết bài và quan sát tại đơn vị đang công tác, chúng tôi thấy đa phần các trường Trung học cơ sở đang bố trí giáo viên dạy theo phân môn của môn Khoa học tự nhiên; Lịch sử và Địa lí.
Giáo viên được đào tạo các chuyên ngành nào vẫn đang được bố trí giảng dạy phân môn đó. Ví dụ, giáo viên tốt nghiệp chuyên ngành Sinh học vẫn chỉ dạy phân môn Sinh học trong môn Khoa học tự nhiên; giáo viên tốt nghiệp chuyên ngành Lịch sử cũng chỉ dạy phân môn Lịch sử trong môn Lịch sử và Địa lí.
Vì thế, dù chương trình 2018 có các môn học tích hợp nhưng cách thực hiện phổ biến ở các trường Trung học cơ sở hiện nay vẫn đang bố trí cho giáo viên dạy theo phân môn. Dạy cả môn tích hợp không hiệu quả và thực tế nhiều giáo viên không cáng đáng nổi, nhất là kiến thức các lớp cuối cấp hoặc khi bồi dưỡng học sinh giỏi.
Một giáo viên dạy đang bồi dưỡng học sinh giỏi môn Khoa học tự nhiên ở một tỉnh phía Nam chia sẻ: tôi được đào tạo chuyên ngành Vật lí ở trường sư phạm nên khi ra trường dạy môn Vật lí gần 20 năm qua.
Mấy năm nay, khi ngành giáo dục triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018, các môn học trước đây, như: Hóa học; Sinh học; Vật lí được “tích hợp” thành môn Khoa học tự nhiên nên có những khó khăn nhất định.
Một số giáo viên chúng tôi được nhà trường và địa phương tạo điều kiện cho đi học xong chứng chỉ tích hợp nhưng tôi vẫn đang dạy phân môn Vật lí. Các phân môn còn lại được giao cho giáo viên khác.
Năm nay, nhà trường cũng phân công bồi dưỡng học sinh giỏi cho học sinh lớp 9 phân môn Vật lí. Các phân môn Hóa học; Sinh học được phân công cho 2 giáo viên khác bồi dưỡng.
Thực tế, nhìn từ cách bố trí kiến thức ở sách giáo khoa các môn: Khoa học tự nhiên; Lịch sử và Địa lí ở cấp Trung học cơ sở, cũng như cách bố trí giáo viên giảng dạy và định hướng thi học sinh giỏi ở một số địa phương, chúng ta thấy 2 môn tích hợp về cơ bản vẫn đang thực hiện khá độc lập. Yếu tố tích hợp ở các môn học này thực ra chỉ chiếm một tỉ lệ rất nhỏ.
Đề học sinh giỏi, kiến thức tích hợp chỉ chiếm 10-15%
Tham khảo cấu trúc đề thi học sinh giỏi ở một tỉnh phía Nam, chúng tôi thấy Sở hướng dẫn cấu trúc đề thi phần kiến thức chung chiếm một tỉ lệ rất nhỏ.
Cụ thể, đối với môn Khoa học tự nhiên có 3 (ba) đề thi, học sinh chọn 1 (một) trong 3 (ba) đề thi. Mỗi đề thi có 2 phần, phần chung (3,0 điểm, chiếm 15%); phần riêng (17,0 điểm, chiếm 85%).
Nội dung mỗi đề thi phần riêng là 1 (một) chủ đề trong 3 (ba) chủ đề. Chủ đề 1: Năng lượng và sự biến đổi (khoa học vật lí); Chủ đề 2: Chất và sự biến đổi chất (khoa học hóa học); Chủ đề 3: Vật sống (khoa học sinh học).
Với hướng dẫn này, chúng ta thấy tỉ lệ cho kiến thức chung (kiến thức của 3 phân môn trong môn Khoa học tự nhiên) chỉ chiếm tỉ lệ khá nhỏ.
Học sinh vẫn đang ôn theo phân môn, khi thi, các em cũng dự thi theo phân môn riêng lẻ. Dù sở giáo dục hướng dẫn kiến thức chung là 15% nhưng nếu trừ đi phân môn học sinh dự thi thì chỉ còn 10% cho 2 phân môn còn lại.
Đối với môn Lịch sử và Địa lí có 2 (hai) đề thi, học sinh chọn 1 (một) trong 2 (hai) đề thi. Mỗi đề thi có 2 phần, phần chung (2,0 điểm, chiếm 10%); phần riêng (18,0 điểm, chiếm 90%).
Nội dung mỗi đề thi là 1 (một) phân môn trong 2 (hai) phân môn Lịch sử hoặc Địa lí.
Với định hướng cấu trúc như thế này, học sinh dự thi phân môn Lịch sử hoặc phần môn Địa lí thì có đến 90% kiến thức chuyên ngành. Còn 10% là kiến thức chung hướng đến các chủ đề ở cấp Trung học cơ sở. Đó là, chủ đề: Lịch sử và hiện tại; Văn minh châu thổ sông Hồng và sông Cửu Long; Bảo vệ chủ quyền, các quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam ở Biển Đông.
Với cấu trúc và tỉ lệ như trên, chúng ta thấy học sinh dự thi học sinh giỏi cuối cấp Trung học cơ sở các môn tích hợp nhưng có tới 90- 95% cho kiến thức phân môn dự thi. Chỉ có 5-10% kiến thức chung cho 1-2 phân môn còn lại.
Nếu như thế này, đâu phải là học sinh giỏi môn Khoa học tự nhiên; hoặc học sinh giỏi môn Lịch sử và Địa lí? Vì kiến thức dự thi vẫn chỉ tập trung cho 1 phân môn cụ thể, kiến thức chung rất ít.
Năm học 2024-2025 là năm đầu tiên các địa phương tổ chức thi học sinh giỏi văn hóa ở cuối cấp học. Nhìn chung, các môn tích hợp vẫn còn những bất cập.
Một môn học có 2-3 giáo viên dạy riêng nhưng lại dạy chung 1 cuốn sách giáo khoa mà cuốn sách giáo khoa đó lại biên soạn theo từng mạch kiến thức (phân môn) riêng. Thực hiện kiểm tra thường xuyên, định kỳ riêng theo từng đơn vị kiến thức nhưng lại vào điểm chung 1 môn học.
Thi học sinh giỏi văn hóa thì phần kiến thức riêng chiếm từ 90 % kiến thức trở lên nhưng nếu học sinh đạt giải chắc chắn cấp ra quyết định khen thưởng phải công nhận học sinh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh môn Khoa học tự nhiên; hoặc học sinh giỏi môn Lịch sử và Địa lí chứ không thể nào khen thưởng học sinh giỏi theo…phân môn.
Cuối năm học, khi những học sinh đăng ký dự thi tuyển sinh 10 vào các trường Trung học phổ thông chuyên đối với các lớp chuyên: Vật lí; Hóa học; Sinh học; Lịch sử; Địa lí cũng rất khó cho học trò dự thi vì những môn chuyên ở cấp Trung học phổ thông lại đang là những phân môn ở cấp Trung học cơ sở.
Hy vọng, kết thúc năm học 2024-2025- khi hoàn thiện lộ trình cuốn chiếu chương trình 2018, bộ phận chuyên môn ở các Sở Giáo dục và Đào tạo, cũng như cấp Bộ cần có những phân tích, đánh giá cụ thể về việc triển khai thực hiện các môn học tích hợp ở cấp Trung học cơ sở. Từ đó, nhìn ra thuận lợi và cả những bất cập đối với 2 môn học: Khoa học tự nhiên; Lịch sử và Địa lí mà Bộ đã và đang triển khai 4 năm nay.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.