Sách Công nghệ giáo dục: Giáo viên Ngữ văn cũng bất lực khi dạy con

29/11/2019 06:15
Thạc sĩ Ngôn ngữ học Phan Thế Hoài
(GDVN) - Giáo viên Ngữ văn cũng gặp rất nhiều khó khăn với những kiến thức ở sách Tiếng Việt 1 - Công nghệ giáo dục.

Một đồng nghiệp dạy môn Ngữ văn bậc trung học phổ thông ở Ninh Bình than phiền, cô cảm thấy đuối khi dạy cho con học sách Tiếng Việt lớp 1 - Công nghệ giáo dục của Giáo sư Hồ Ngọc Đại.

Cô giáo nói rằng, nhiều nội dung trong cuốn sách này không thể hiểu được. Cụ thể là 3 đơn vị kiến thức về tiếng, nghĩa của từ và cấu trúc câu (kèm hình ảnh minh chứng).

Chúng tôi phân tích một số đơn vị kiến thức mà cô giáo đề cập để bạn đọc tham khảo thêm.

Cách đọc tiếng khác lạ

Cụ thể, Bài 1. Tiếng, có các nội dung: Tách lời ra từng tiếng; Tiếng giống nhau – Tiếng khác nhau; Tách tiếng thanh ngang ra hai phần; Tiếng có một phần khác nhau.

Chưa cần bàn đến những nội dung này viết gì, chỉ cần đọc lướt qua, người lớn đã thấy rối rắm về kiến thức (huống gì trẻ em 6 tuổi).

Bốn nội dung này được minh họa bằng ô vuông, hình tròn, tam giác, nhằm mục đích giúp học sinh nhận diện được tiếng trong một chuỗi lời nói (Ví dụ câu nói ‘Tôi đi học’, gồm 3 tiếng – tác giả).

Cách đọc theo ô vuông, hình tròn, tam giác này đã khiến dự luận dậy sóng một thời gian.

Chúng tôi đồng tình với ý kiến của Giáo sư, Tiến sĩ Ngôn ngữ học (chuyên về ngữ âm học) Nguyễn Văn Lợi khi bàn về vấn đề này:

‘Việc dạy các em đọc-viết thông qua các khối hình tròn, méo (vốn là phương pháp các nhà sư phạm Xô-viết dùng để dạy trẻ em chậm phát triển tư duy, ngôn ngữ), có thể không cần thiết khi dạy học sinh có tiếng mẹ đẻ là tiếng Việt, phát triển tâm thần kinh bình thường nhưng hữu dụng khi dạy đọc - viết tiếng Việt cho đối tượng là học sinh dân tộc thiểu số.

Bởi vì, xét về phương diện tâm lí sư phạm, có thể xem trẻ em dân tộc thiểu số cũng gặp khó khăn như trẻ chậm phát triển các kĩ năng nghe - nhận (hiểu) - nói (đọc) - viết tiếng Việt’. [1]

Hình ảnh minh chứng cô giáo D.T.T cung cấp
 Hình ảnh minh chứng cô giáo D.T.T cung cấp

Dùng nhiều phương ngữ, từ ngữ ít sử dụng

Bài 2. Âm, phần quy tắc chính tả trang 29 có đoạn văn: ‘Bé kể cà kê. Bà để bé kể, bà chả chê bé’.

Giáo viên, phụ huynh dạy khi dạy đoạn văn này cho học sinh, trước hết phải giải nghĩa cụm từ ‘cà kê’ (‘dài dòng, hết chuyện này sang chuyện khác’ – từ điển), thì các em mới hiểu được. Sau đó, tiếp tục giải nghĩa từ ‘chả’ (giống như ‘chẳng’ – khẩu ngữ - từ điển).

Như vậy, chỉ một đoạn văn ngắn (2 câu) nhưng đã có những bất ổn về nghĩa của từ.

Cũng trong bài 2, xuất hiện hàng loạt cụm từ khó hiểu với học sinh lớp 1, như ‘trì trệ’, ‘y bạ’, ‘chú ỉ’, ‘ghe cộ’…

Học sinh 6 tuổi có hiểu được nghĩa của những cụm từ này không? Rất khó để hiểu! Thậm chí không thể hiểu!

Cụ thể, ‘trì trệ’, là từ Hán Việt, có nghĩa là ‘lâm vào tình trạng phát triển chậm chạp đến mức như ngừng lại, không tiến lên được’.

‘Y bạ’, cũng là từ Hán Việt, có nghĩa ‘sổ theo dõi sức khoẻ và tình hình bệnh tật của cá nhân’.

Những từ Hán Việt này không những gây khó khăn cho học sinh lớp 1 mà kể cả người lớn. (Thú thực, chúng tôi phải tra từ điển mới hiểu nghĩa của từ ‘y bạ’)

‘Chú ỉ’, là cách nói tắt của ‘lợn ỉ’, là khẩu ngữ sao lại đưa vào sách giáo khoa? Chỉ đơn giản, miền Bắc nói ‘lợn’, miền Nam nói ‘heo’, là dễ hiểu nhất.

‘Ghe cộ’, là thuyền bè, phương ngữ miền Nam, người miền Trung có thể hiểu, còn người miền Bắc có thể xa lạ.

Hình ảnh minh chứng cô giáo D.T.T cung cấp
 Hình ảnh minh chứng cô giáo D.T.T cung cấp
Hình ảnh minh chứng cô giáo D.T.T cung cấp
 Hình ảnh minh chứng cô giáo D.T.T cung cấp

Rồi hàng loạt từ như ‘câng cấc’ (không có nghĩa trong từ điển); ‘nham nháp’ (‘như ram ráp, có cảm giác dấp dính ướt và nhớp’ – từ điển, rất hiếm khi dùng); ‘tâng hẩng’ (phương ngữ - ‘chưng hửng’ – từ điển, hiếm khi dùng); ‘dận chân’ (‘dùng bàn chân đè mạnh xuống’ – phương ngữ - từ điển, hiếm khi dùng); ‘chằn chặn’ (‘bằng’, ‘đều’ đến mức không còn có thể hơn nữa – từ điển, hiếm khi dùng)…

Những từ vừa liệt kê không mang tính phổ thông, ít/hiếm khi dùng, sao tác giả lại đưa vào sách giáo khoa?

Cấu trúc câu không rõ ràng

Hình ảnh minh chứng cô giáo D.T.T cung cấp
 Hình ảnh minh chứng cô giáo D.T.T cung cấp

Văn bản ‘Giỗ tổ’ (trang 41) là một minh chứng cho cấu trúc câu không rõ ràng:

‘Tháng ba hàng năm, lễ giỗ Tổ. Hàng vạn dân Phú Thọ và hàng ngàn dân các làng gần mộ Tổ làm lễ dâng hoa và dâng lễ vật’.

Đoạn văn này đọc lên nghe trúc trắc, lủng củng bởi cách viết câu chưa chuẩn.

‘Tháng ba hàng năm, lễ giỗ Tổ’ chỉ là một ngữ, chưa phải câu. Câu chuẩn phải thêm từ ‘là’: ‘Tháng ba hàng năm là lễ giỗ Tổ’, thì mới có nghĩa rất rõ ràng.

Thế nhưng, Báo Tri thức trực tuyến dẫn lời Giáo sư Hồ Ngọc Đại, tác giả cuốn sách này, khẳng định nếu có dấu chấm ở cuối câu “Tháng 3 hằng năm, lễ giỗ Tổ.” là sai. Câu văn trên là trạng ngữ. Theo Giáo sư Đại, đó có thể là sai sót trong quá trình in ấn.

Cứ theo như lời giáo sư Đại, ta chữa đoạn văn trên theo ý tác giả như sau (sau khi đã bỏ dấu ‘chấm’):

‘Tháng ba hàng năm, lễ giỗ Tổ, hàng vạn dân Phú Thọ và hàng ngàn dân các làng gần mộ Tổ làm lễ dâng hoa và dâng lễ vật’.

Ta thấy, câu (mới) này diễn đạt còn rối rắm hơn.

Nói thật, sách Công nghệ giáo dục cần phải sửa chữa nhiều lắm!
Nói thật, sách Công nghệ giáo dục cần phải sửa chữa nhiều lắm!

Bất ngờ hơn, đại diện Trung tâm Công nghệ Giáo dục thuộc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam khẳng định, câu văn trên hoàn toàn đúng, theo Tri thức trực tuyến. [2]

“Người này cho rằng trong ngữ pháp Tiếng Việt, có thể dùng từ “là” thay cho dấu phẩy. Khi đó, ngữ nghĩa của câu sẽ tập trung phần đầu ‘Tháng ba hằng năm”. Nếu dùng dấu phẩy, ngữ nghĩa của câu tập trung phần sau “lễ giỗ Tổ”.

Bài này, với tiêu đề “Giỗ tổ”, tác giả muốn nhấn mạnh phần sau nên dùng dấu phẩy”, đại diện Trung tâm Công nghệ Giáo dục nêu quan điểm.

Như đã phân tích, cách lập luận của đại diện Trung tâm Công nghệ Giáo dục là sai lầm.

Cũng theo Tri thức trực tuyến, một giáo viên dạy tiểu học ở Thành phố Hồ Chí Minh nhận định, câu văn trong cuốn sách Tiếng Việt lớp 1 trên không sai sót về ngữ pháp.

Câu “Tháng ba hằng năm, lễ giỗ Tổ” có đầy đủ thành phần chủ và vị ngữ. Theo nữ giáo viên này, “lễ giỗ Tổ” là câu đặc biệt nên dễ gây hiểu nhầm cho người đọc.

Cô giáo đã hiểu sai, bởi “Tháng ba hằng năm, lễ giỗ Tổ” là một câu sai, thì không có chuyện “lễ giỗ Tổ” là câu đặc biệt.

Phần Ghi nhớ sách Ngữ văn 7, tập 2, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam viết: ‘Câu đặc biệt là loại câu không cấu tạo theo mô hình chủ ngữ - vị ngữ.’ (trang 28)

‘Câu đặc biệt thường dùng để:

- Xác định thời gian, nơi chốn diễn ra sự việc được nói đến trong đoạn;

- Liệt kê, thông báo về sự tồn tại của sự vật, hiện tượng;

- Bộc lộ cảm xúc;

- Gọi đáp.’ (trang 29)

Chiếu theo ghi nhớ trong sách giáo khoa, có thể khẳng định, cô giáo đã tự mâu thuẫn với kiến thức phổ thông.

Chúng tôi đã hỏi ý kiến một Tiến sĩ Ngôn ngữ học (xin không nêu tên) ở Trường đại học Sài Gòn thì thầy khẳng định, câu “Tháng ba hằng năm, lễ giỗ Tổ” hoàn toàn sai về ngữ pháp.

‘Tháng ba hàng năm là lễ giỗ Tổ’ mới đúng với cách diễn đạt của người Việt’, thầy nói thêm.

Đến đây, nhiều bạn đọc phải thốt lên rằng, chỉ là kiến thức tiếng Việt của lớp 1, mà sao rắc rối quá, rối rắm quá!

Vậy, tại tác giả sách giáo khoa, hay ‘phong ba bão táp không bằng ngữ pháp Việt Nam’?

Chắc chắn bạn đọc sẽ tìm ra câu trả lời cho riêng mình…

Tài liệu tham khảo:

[1]//dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/sach-cong-nghe-giao-duc-can-cho-hoc-sinh-dan-toc-thieu-so-20190919151207749.htm

[2]//news.zing.vn/phu-huynh-thac-mac-ve-cau-van-trong-sach-tieng-viet-lop-mot-post709721.html

Thạc sĩ Ngôn ngữ học Phan Thế Hoài