Quy định mở một mã ngành cần có 5 tiến sĩ khiến trường Nghệ thuật gặp khó

24/10/2022 06:56
Mộc Trà
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Khan hiếm giáo viên nghệ thuật ở bậc phổ thông đang là nỗi lo chung của nhiều địa phương, Hiệu trưởng Trường ĐHSP Nghệ thuật TW đề cập nhiều giải pháp khắc phục.

Cần nhiều giải pháp đảm bảo đội ngũ giáo viên

Trước tình trạng khan hiếm giáo viên nghệ thuật, đặc biệt ở bậc trung học phổ thông tại nhiều địa phương, chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đào Đăng Phượng - Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương cho rằng, chưa thể có đội ngũ giáo viên nghệ thuật (Âm nhạc, Mỹ thuật) đáp ứng ngay tất cả nhu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới trong thời gian ngắn.

Chính vì vậy, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đào Đăng Phượng đã chỉ ra: “Để khắc phục tình trạng trên, chúng ta phải tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp.

Thứ nhất, có thể đưa giáo viên nghệ thuật của bậc tiểu học, trung học cơ sở đã có bằng đại học lên dạy trung học phổ thông. Hiện tại, còn có những nơi vẫn đang cứng nhắc cho rằng đã dạy ở bậc học này thì không đưa lên bậc học khác. Cần phá bỏ “rào cản” đó, linh hoạt cho phép giáo viên nghệ thuật ở bậc học này có thể giảng dạy ở bậc học khác.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đào Đăng Phượng - Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương chia sẻ về những giải pháp khắc phục tình trạng thiếu giáo viên nghệ thuật. (Ảnh: Mộc Trà).

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đào Đăng Phượng - Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương chia sẻ về những giải pháp khắc phục tình trạng thiếu giáo viên nghệ thuật. (Ảnh: Mộc Trà).

Thứ hai, có thể thành lập mô hình các cụm trường của mỗi tỉnh thành, bởi không phải tất cả học sinh của các trường trung học phổ thông đều đăng ký học môn Âm nhạc, Mỹ thuật. Vì thế, hoàn toàn có thể cho học sinh đăng ký theo đúng nguyện vọng và sở thích, rồi gom học sinh từ nhiều lớp, nhiều trường cùng địa bàn thành một lớp. Khi đó, sẽ chỉ cần một giáo viên dạy. Như vậy cũng là giải pháp để đáp ứng giáo viên mà học sinh vẫn được đăng ký môn học theo nguyện vọng của mình.

Một giải pháp nữa để tăng thêm nguồn giáo viên, là địa phương có thể trưng tập các nghệ nhân, nghệ sĩ có chuyên môn sâu về một bộ môn nghệ thuật, bồi dưỡng thêm các kiến thức về nghiệp vụ sư phạm để họ tham gia giảng dạy bộ môn đó. Đồng thời, có thể tận dụng người học sư phạm nghệ thuật đã tốt nghiệp nhưng không làm hoặc chưa làm đúng nghề, tuyển dụng, bồi dưỡng thêm về chương trình giáo dục phổ thông 2018, để các em tham gia giảng dạy.

Thực tế, những cách làm này mới chỉ là giải pháp tình thế.

Về lâu dài, chính là sứ mệnh của các trường đào tạo sư phạm. Để đào tạo ra được một cử nhân sư phạm, cần khoảng 4 năm. Trong khi đó, mỗi cơ sở đào tạo cũng được phân bổ chỉ tiêu hàng năm theo quy định, không thể cùng một lúc bù đắp được ngay số lượng giáo viên còn thiếu.

Từ đó, giải pháp quan trọng nữa là phải tăng cường quan tâm đến các cơ sở đào tạo, tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị, tăng cường đội ngũ giảng dạy để giao nhiều chỉ tiêu hơn... về lâu dài sẽ tăng số lượng sinh viên được đào tạo và ra trường, đáp ứng được nhu cầu giáo viên cho chương trình mới”.

Thay đổi phù hợp trong tuyển sinh, đào tạo

Để đáp ứng nhu cầu đào tạo giáo viên nghệ thuật theo chương trình giáo dục phổ thông 2018, Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương cũng có nhiều thay đổi trong công tác tuyển sinh và đào tạo.

Theo vị Hiệu trưởng, thay đổi lớn nhất từ phía nhà trường chính là: “Nhà trường nắm bắt được tinh thần đổi mới giáo dục, nắm bắt được xu thế không những của Việt Nam mà cả trên thế giới về giáo dục nghệ thuật, để có những thay đổi, điều chỉnh trong chương trình đào tạo.

Ngay từ khi có chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, nhà trường đã ngay lập tức thay đổi, điều chỉnh chương trình, thay đổi phương pháp giảng dạy, đội ngũ giảng viên được nâng cao trình độ chuyên môn và nâng cao chuyển đổi số...

Các trường đào tạo sư phạm cần thay đổi, điều chỉnh chương trình, thay đổi phương pháp giảng dạy, nâng cao trình độ chuyên môn và nâng cao chuyển đổi số... cho đội ngũ giảng viên, để truyền tải kiến thức cho sinh viên. (Ảnh: Mộc Trà).

Các trường đào tạo sư phạm cần thay đổi, điều chỉnh chương trình, thay đổi phương pháp giảng dạy, nâng cao trình độ chuyên môn và nâng cao chuyển đổi số... cho đội ngũ giảng viên, để truyền tải kiến thức cho sinh viên. (Ảnh: Mộc Trà).

Bên cạnh đó, yêu cầu đối với giáo viên dạy bậc phổ thông trung học là định hướng nghề nghiệp; giáo viên dạy bậc tiểu học và trung học cơ sở là theo hướng tích hợp. Đương nhiên, nhà trường phải nắm bắt được tinh thần đó để điều chỉnh, nghiên cứu hướng giảng dạy cho phù hợp nhất.

Về tuyển sinh, mỗi năm, nhà trường tập trung đáp ứng, bổ sung cơ sở vật, đội ngũ giảng viên để tăng những điều kiện đảm bảo chất lượng, từ đó đề xuất tăng thêm chỉ tiêu đào tạo.

Đồng thời, căn cứ chuẩn đầu ra của một giáo viên nghệ thuật, thì chuẩn đầu vào cũng phải khác đi.

Ví dụ, đào tạo giáo viên dạy cho học sinh phổ thông theo phát triển năng lực, thẩm mỹ, thì giáo viên không phải quá nặng năng khiếu chuyên sâu về các trường phái nghệ thuật. Trước đây, có thể khi tuyển đầu vào, cần điểm năng khiếu thật giỏi. Nhưng bây giờ, cần quan tâm cả điểm năng khiếu nghệ thuật và điểm văn hóa... Tức là, ngoài năng khiếu, sinh viên vẫn cần phải có kiến thức xã hội khác nữa".

“Trong giai đoạn mới, với nhu cầu tuyển dụng giáo viên của các địa phương lớn hơn, đầu ra sẽ thuận lợi hơn, đây là một cơ hội đối với các trường đào tạo sư phạm. Nhưng đây cũng là thách thức, bởi nhà trường phải đào tạo như thế nào để đáp ứng chuẩn đầu ra cả về số lượng và chất lượng.

Ngoài ra, để sinh viên sư phạm nghệ thuật sau khi tốt nghiệp, có thể yêu thích và làm việc đúng lĩnh vực, cũng cần có nhiều chính sách động viên, đảm bảo để họ yên tâm cống hiến cho ngành giáo dục.

Những năm gần đây, tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm của nhà trường là trên 90%, tuy nhiên, việc làm đúng chuyên ngành chỉ đạt khoảng 70%.

Các địa phương cũng cần có chế độ đãi ngộ ổn định với giáo viên nói chung, giáo viên nghệ thuật nói riêng, bởi, theo tôi được biết, một số địa phương hiện nay thiếu giáo viên nhưng lại không tuyển dụng, hoặc quá trình tuyển dụng lại cũng khá khó khăn” - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đào Đăng Phượng bày tỏ.

Gỡ khó trong mở mã ngành đào tạo nghệ thuật

Chia sẻ thêm về những khó khăn từ phía nhà trường, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương cho biết: “Không chỉ đối với nhà trường nói riêng, mà với tất cả các trường đào tạo nghệ thuật nói chung, vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong công tác mở ngành đào tạo. Bởi, đối với lĩnh vực nghệ thuật, những người có học hàm giáo sư, phó giáo sư, học vị tiến sĩ... là rất hiếm.

Vậy nên, theo quy định mở mã ngành đào tạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, cần có 5 tiến sĩ (trong đó, 3 tiến sĩ đúng ngành và 2 tiến sĩ ngành gần) khiến các trường gặp khó. Nhiều trường đào tạo giáo viên, muốn mở ngành đào tạo sư phạm Âm nhạc, Mỹ thuật nhưng không đủ đội ngũ giảng viên.

Như vậy, sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến việc đào tạo đội ngũ kế cận, cũng như gây khó trong nhiệm vụ đào tạo giáo viên khối nghệ thuật.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đào Đăng Phượng, cần điều chỉnh yêu cầu điều kiện về mở ngành đào tạo nghệ thuật, sẽ tạo thuận lợi hơn cho đào tạo đội ngũ kế cận, cũng là giải pháp để các trường tăng chỉ tiêu tuyển sinh, đào tạo giáo viên nghệ thuật. (Ảnh minh họa: Mộc Trà).

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đào Đăng Phượng, cần điều chỉnh yêu cầu điều kiện về mở ngành đào tạo nghệ thuật, sẽ tạo thuận lợi hơn cho đào tạo đội ngũ kế cận, cũng là giải pháp để các trường tăng chỉ tiêu tuyển sinh, đào tạo giáo viên nghệ thuật. (Ảnh minh họa: Mộc Trà).

Chính vì vậy, chúng tôi có kiến nghị, đối với khối ngành nghệ thuật, cần phải có chính sách đặc thù. Chẳng hạn, có thể yêu cầu điều kiện cần 2 tiến sĩ, tức là giảm tiêu chí để mở ngành... Như vậy, sẽ tạo điều kiện hơn hơn cho các trường. Cần cụ thể hóa bằng văn bản, để các ngành nghệ thuật được ưu tiên, xét tới tính đặc thù, thuận lợi hơn trong quá trình đào tạo”.

Mộc Trà