Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị An – Đại biểu Quốc hội khóa XIII nhấn mạnh, tại Điểm g, Khoản 3, Điều 2 của Nghị quyết 88 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông quy định: “Để chủ động triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức việc biên soạn một bộ sách giáo khoa. Bộ sách giáo khoa này được thẩm định, phê duyệt công bằng với các sách giáo khoa do tổ chức, cá nhân khác biên soạn”.
Phó Giáo sư Bùi Thị An. Ảnh: Lại Cường |
Nghị quyết của Quốc hội đã ghi rõ “Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức việc biên soạn một bộ sách giáo khoa”, Bộ Giáo dục và Đào tạo nếu không thực hiện thì phải báo cáo Quốc hội và phải được Quốc hội chấp nhận bằng một văn bản tương đương.
“Nghị quyết của Quốc hội trước khi được thông qua, từng câu chữ, điều khoản đều được các đại biểu bàn thảo rất kỹ, đặc biệt đây là vấn đề liên quan đến giáo dục, liên quan đến cả xã hội.
Quốc hội giao, Bộ Giáo dục không làm, không lẽ Bộ hết người làm rồi? |
Không thực hiện Nghị quyết Quốc hội giao là không thực hiện nghiêm kỷ cương phép nước, lãnh đạo Bộ Giáo dục phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ, trước Quốc hội”, bà Bùi Thị An nói.
Theo bà An, lý do Bộ không làm, không làm được phải được báo cáo và phải được Quốc hội chấp thuận. Vậy đến nay, Quốc hội có cho phép Bộ Giáo dục và Đào tạo không cần biên soạn một bộ sách giáo khoa không?
Bà An khẳng định lại, về mặt nguyên tắc, Nghị quyết của Quốc hội phải được thực hiện nghiêm túc. Đặc biệt Bộ Giáo dục và Đào tạo là một tổ chức nên việc này càng phải làm nghiêm để đảm bảo kỷ cương phép nước.
Vị đại biểu Quốc hội khóa XIII chia sẻ, tại thời điểm bàn thảo về dự thảo Nghị quyết 88, các đại biểu Quốc hội khóa XIII đã tranh luận rất nhiều về việc làm thế nào để chọn được một bộ sách giáo khoa chuẩn.
Các ý kiến đại biểu đều nhấn mạnh là cần một bộ sách chuẩn và đảm bảo tính chủ động triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới nên khi đó mới quyết định ghi rõ giao nhiệm vụ cho Bộ Giáo dục và Đào tạo như vậy.
“Bởi giáo dục liên quan đến chất lượng nguồn lực, liên quan đến sự phát triển bền vững của cả một đất nước. Không dạy tốt trong trường phổ thông là một trong những nguyên nhân khiến nhân lực không tốt, không tạo cơ sở cho sự phát triển bền vững.
Và một trong những điều kiện để dạy tốt đầu tiên là tài liệu, là sách giáo khoa phải chuẩn”.
Về việc khi dư luận quan tâm đến 16 triệu USD để Bộ triển khai làm sách giáo khoa, các bên liên quan cho biết số tiền 16 triệu USD đó vẫn trong tài khoản chưa giải ngân, bà An nêu quan điểm: “Việc tài chính tính là một câu chuyện khác và cần được tính toán riêng. Nhưng rõ ràng, Nghị quyết Quốc hội đã ghi rõ như vậy, Bộ không làm là Bộ không thực hiện nhiệm vụ Quốc hội giao, không hoàn thành nhiệm vụ.
Như thời gian, lộ trình triển khai chương trình giáo dục phổ thông, sách giáo khoa mới có thay đổi so với Nghị quyết 88, cũng phải được điều chỉnh bằng Nghị quyết 51.
Vì vậy, đến khi nào chưa có một quy định nào phủ định quy định “Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì biên soạn một bộ sách giáo khoa” thì Bộ vẫn phải làm theo Nghị quyết”.
Trước đó, tại kỳ họp thứ 6 khóa XIV, báo cáo thông tin một số vấn đề cử tri quan tâm về lĩnh vực giáo dục và đào tạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo dẫn Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội: "Thực hiện xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa; có một số sách giáo khoa cho mỗi môn học".
Làm không nổi một bộ sách giáo khoa, Bộ Giáo dục đang buông bỏ trách nhiệm! |
Chủ trương của Quốc hội xã hội hoá việc biên soạn sách giáo khoa phù hợp với các nước có nền giáo dục tiên tiến, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã cụ thể hóa một số quy định về chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ trong dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi); nâng một số quy định trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 thành các quy định của Luật.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo chuẩn bị tài liệu hướng dẫn và kế hoạch tập huấn cho các tổ chức, cá nhân tham gia biên soạn sách giáo khoa.
Theo quy định của Quốc hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ chủ trì biên soạn một bộ sách giáo khoa.
Sau khi biên soạn, bộ sách giáo khoa do Bộ chủ trì sẽ được công bố công khai, bao gồm phiên bản sách điện tử để giáo viên, học sinh sử dụng rộng rãi, bình đẳng (1).
Tuy nhiên, đến thời điểm này, Bộ sách giáo khoa do Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì biên soạn coi như phá sản và cũng sẽ không có phiên bản sách điện tử công bố rộng rãi như Bộ từng hứa trước công luận.