Quảng Ninh: Thu học phí theo mức trần, trường phổ thông khó tự chủ được nhiều

10/09/2022 06:42
Phạm Linh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Tự chủ trong giáo dục phổ thông là một vấn đề mới mà không chỉ Quảng Ninh mà các tỉnh, thành phố khác đều đang rất băn khoăn, trăn trở.

Tự chủ tài chính trong giáo dục phổ thông hiện nay là xu thế tất yếu nhằm giảm áp lực cho ngân sách nhà nước và nâng cao chất lượng giáo dục.

Tại tỉnh Quảng Ninh, vừa qua, Uỷ ban nhân dân tỉnh đã có Quyết định số 2560/QĐ-UBND về việc giao quyền tự chủ tài chính đối với 37 đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo.

Cụ thể, có 25 đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm một phần chi thường xuyên và 12 đơn vị sự nghiệp công do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên.

Theo đó, Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Ninh và 37 đơn vị sự nghiệp công lập có trách nhiệm tổ chức thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính theo quy định pháp luật hiện hành.

Có những chia sẻ liên quan đến việc xây dựng lộ trình tự chủ tài chính thí điểm với 37 đơn vị sự nghiệp công lập, bà Châu Hoài Thu – Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ninh cho biết, tự chủ tài chính trong giáo dục phổ thông là một vấn đề mới nên không chỉ Quảng Ninh mà nhiều tỉnh, thành phố khác đều đang rất băn khoăn, trăn trở.

Bà Châu Hoài Thu – Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ninh chia sẻ việc xây dựng lộ trình tự chủ tài chính thí điểm với 37 đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn (Ảnh: CTV)

Bà Châu Hoài Thu – Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ninh chia sẻ việc xây dựng lộ trình tự chủ tài chính thí điểm với 37 đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn (Ảnh: CTV)

“Khi nhiệm vụ lớn được đặt ra sẽ có những vướng mắc, từ đó tạo ra áp lực. Tuy nhiên chỉ khi có áp lực mới có sáng kiến, đổi mới, quyết tâm, nỗ lực và bứt phá lên được.

Tự chủ đối với trường công lập, với cấp học phổ thông là một vấn đề rất mới nên giá như có những quy định, hướng dẫn cụ thể để các đơn vị thực hiện thuận lợi hơn.

Mệnh đề là phải tiến tới tự chủ trong trường công để giảm chi ngân sách, giảm đầu tư rồi giảm số lượng làm việc.

Tuy nhiên, khi đi vào thực hiện thì không hề đơn giản mặc dù Quảng Ninh đã nhen nhóm vấn đề phải thực hiện tự chủ được 2 năm học nay rồi.

Các trường học trên địa bàn đã được trao đổi rằng đây là xu hướng tất yếu, không thể không làm chỉ có điều chúng ta làm từng bước như thế nào.

Cần phải thận trọng, cân nhắc, tính toán cho phù hợp và có lộ trình hợp lý mỗi một năm tự chủ bao nhiêu phần trăm sau đó tăng dần lên” Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Châu Hoài Thu chia sẻ.

Xác định tự chủ tài chính là việc không thể không làm tuy nhiên tiến tới tự chủ hoàn toàn đối với chi thường xuyên trong trường công lập không phải là việc dễ dàng.

Thực tế, trường công lập không phải đơn vị làm kinh tế, không có buôn bán dịch vụ để tạo nguồn thu cho nên tất cả đều căn cứ vào mức thu học phí.

Vậy khi tự chủ tài chính thì các trường thu học phí như thế nào?

Theo Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Châu Hoài Thu, thu học phí đều căn cứ vào các quy định của Trung ương và Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ninh về khung được phép thu học phí.

Trong đó, có quy định về mức sàn, mức trần như thế nào và các trường không được thu vượt quá mức đó.

“Đây là một trong những vấn đề khó khi mức khung học phí tỉnh đang áp dụng hiện nay ở vùng thuận lợi nhất, mức thu cao nhất cũng chỉ được 300.000 đồng. Với mức thu này các trường không tự chủ được nhiều.

Tất cả các trường chúng tôi đang xây dựng phương án tự chủ cũng chỉ được phép xây dựng mức thu không quá 300.000 đồng bằng với khung mà giá trần học phí cho phép. Trong khi nguồn thu chính để đảm bảo tự chủ chính là học phí.

Nếu tăng mức thu thì lại phải tính toán đưa vào trong giáo dục công những dịch vụ có thể người dân chấp nhận được.

Quảng Ninh hiện chỉ có riêng Trung tâm Hướng nghiệp và Giáo dục thường xuyên của tỉnh là đơn vị có thêm nguồn thu bên ngoài, từ việc liên kết với một số trường đại học mở các lớp vừa học vừa làm nên trung tâm đang được giao tự chủ cao nhất với 30%.

Còn các trường phổ thông hiện nay đang thí điểm tự chủ giáo dục cũng chỉ từ 10% đến 20%.

Hiện, Sở Giáo dục và Đào tạo đang có tính toán trong năm học tới về dịch vụ công. Ví dụ hôm nay học sinh học những môn này có trong học phí hết rồi nhưng ngày mai nhà trường muốn bổ trợ thêm bằng những dịch vụ nằm ngoài chương trình mà học sinh được thụ hưởng như có thêm những gói học tập, bổ trợ khác nên nếu người dân đồng thuận thì sẽ chi trả phần đó” Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Châu Hoài Thu cho biết thêm.

Thực hiện tự chủ tài chính với các đơn vị trường công còn tồn tại nhiều khó khăn cần được tháo gỡ (Ảnh: CTV)

Thực hiện tự chủ tài chính với các đơn vị trường công còn tồn tại nhiều khó khăn cần được tháo gỡ (Ảnh: CTV)

Cũng theo Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Châu Hoài Thu, năm học 2022 – 2023, tỉnh Quảng Ninh có cơ chế hỗ trợ 100% học phí cho học sinh công lập cho tất cả cấp học.

Như vậy, ngân sách nhà nước sẽ cấp bù học phí cũng là nguồn chi thường xuyên của các nhà trường.

Đây là thuận lợi với việc các trường tự chủ tài chính bởi người dân không phải đóng mà nhà nước đang hỗ trợ.

Tuy nhiên, nếu năm học sau, nhà nước không có chính sách hỗ trợ học phí nữa thì đương nhiên người dân phải đóng học phí dẫn đến khó khăn khi tự chủ, các nhà trường phải tính toán sẵn phương án.

Trường hợp không được hỗ trợ học phí và tăng phần trăm tự chủ thì các nhà trường cần làm công tác truyền thông tích cực để người dân đồng thuận.

Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Ninh nhấn mạnh: “Việc thực hiện tự chủ tài chính sẽ dựa trên cơ sở vừa làm vừa rút kinh nghiệm và tính toán dần. Các đơn vị cũng vừa làm vừa học tập lẫn nhau và chờ tiếp các quy định từ Trung ương để gỡ dần những bất cập”.

Phạm Linh