PTIT có thêm 3 nhà giáo đạt chuẩn chức danh GS, PGS năm 2024

26/11/2024 06:30
Thùy Trang
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - 3 nhà giáo đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm 2024 của PTIT ghi dấu ấn với công trình nghiên cứu khoa học, công bố quốc tế nổi bật.

Theo Quyết định số 89/QĐ - HĐGSNN công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm 2024, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông (PTIT) có thêm 3 nhà giáo được công nhận đạt chuẩn tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư, trong đó, có 1 giáo sư ngành Toán học, 2 phó giáo sư ngành Điện tử.

z6049190498338_6a411011beda8937b9a7ffe8c2a2bb1f.jpg
Giáo sư, Tiến sĩ Từ Minh Phương - Chủ tịch Hội đồng Học viện trao quyết định công nhận đạt chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm 2024 cho 3 nhà giáo. Ảnh: Thùy Trang.

1. Thầy Phạm Ngọc Anh - Giáo sư ngành Toán học

Thầy Phạm Ngọc Anh sinh năm 1970 tại xã Vĩnh Phong, huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng.

Thầy Phạm Ngọc Anh bắt đầu sự nghiệp học thuật với vai trò nghiên cứu sinh tại Viện Toán học từ tháng 12 năm 2002 đến tháng 12 năm 2006. Sau khi hoàn thành chương trình tiến sĩ, thầy tiếp tục phát triển sự nghiệp nghiên cứu trên trường quốc tế.

z6067507346870_511c9713e2d2a8e285b49339a5937739.jpg
Thầy Phạm Ngọc Anh - Giáo sư ngành Toán học. Ảnh: NVCC.

Từ 03/2010 đến 02/2011, thầy tham gia chương trình nghiên cứu sau tiến sĩ tại Đại học Kyungnam, Hàn Quốc. Không dừng lại ở đó, từ 08/2011 đến 06/2012 thầy Ngọc Anh tiếp tục con đường nghiên cứu tại châu Âu với vai trò nghiên cứu sau tiến sĩ tại Đại học Lorraine, Cộng hòa Pháp.

Từ thầy 04/2011 đến 09/2023, thầy Phạm Ngọc Anh đảm nhận vị trí Trưởng Bộ môn Toán tại Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông. Trong giai đoạn này, thầy đồng thời giữ chức vụ Phó Trưởng khoa Cơ bản 1 từ tháng 9 năm 2013 đến tháng 4 năm 2020, đóng góp vào việc xây dựng và phát triển chương trình giảng dạy toán học tại học viện.

Bên cạnh công tác quản lý, thầy còn là Trưởng LAB "Toán ứng dụng và Tính toán" tại Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông từ tháng 4 năm 2016 đến tháng 6 năm 2024. Đây là nơi thầy chỉ đạo nhiều dự án nghiên cứu, thúc đẩy ứng dụng toán học vào thực tiễn và nâng cao khả năng tính toán trong các lĩnh vực công nghệ.

Hiện tại, thầy Phạm Ngọc Anh giữ vị trí Trưởng khoa Cơ bản 1 tại Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp giảng dạy, nghiên cứu và phát triển lĩnh vực toán học ứng dụng tại Việt Nam.

Trong quá trình nghiên cứu thầy Phạm Ngọc Anh hướng nghiên cứu chủ yếu là nghiên cứu thuật toán và ứng dụng. Cụ thể:

Nghiên cứu phương pháp và thuật toán cho bài toán bất đẳng thức biến phân đơn trị, bài toán bất đẳng thức biến phân tổng quát đơn trị và bài toán bất đẳng thức biến phân đa trị.

Nghiên cứu phương pháp và thuật toán giải bài toán tối ưu với ràng buộc cân bằng MPEC.

Nghiên cứu phương pháp và thuật toán giải bài toán cân bằng EQ, đối ngẫu.

Nghiên cứu các phương pháp giải bài toán hai cấp và ứng dụng tính toán.

Nghiên cứu các mô hình ứng dụng như: Mô hình cân bằng kinh tế Nash, mô hình cân bằng mạng, định tuyến tối ưu mạng truyền thông, …

Nghiên cứu phương pháp tìm điểm chung của tập điểm bất động và tập nghiệm của bài toán cân bằng EQ.

Nghiên cứu đánh giá sai số thuật toán giải bài toán cân bằng, bài toán tối ưu lồi, bài toán bất đẳng thức biến phân, bài toán với ràng buộc cân bằng và một số bài toán khác.

Thầy Phạm Ngọc Anh đã hoàn thành 4 đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ, công bố 47 bài báo khoa học trên tạp chí quốc tế có uy tín, xuất bản 7 cuốn sách thuộc nhà xuất bản có uy tín.

Xem chi tiết hồ sơ Giáo sư Phạm Ngọc Anh tại đây.

2. Thầy Nguyễn Chiến Trinh - Phó giáo sư ngành Điện tử

Thầy Nguyễn Chiến Trinh sinh năm 1966 tại xã Nam Hải, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định.

Thầy Chiến Trinh bắt đầu sự nghiệp tại Viện Khoa học Kỹ thuật Bưu điện vào 07/1990 với vai trò Kỹ sư tập sự. Sau gần ba năm rèn luyện và học hỏi, từ 01/1993 đến 03/1996, thầy được bổ nhiệm làm Kỹ sư hạng 2 tại viện.

z6067775775880_57761ba02eade865dc2834be39f015a4.jpg
Thầy Nguyễn Chiến Trinh - Phó giáo sư ngành Điện tử. Ảnh: NVCC.

Tháng 4/1996 đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong sự nghiệp của thầy khi nhận được cơ hội nghiên cứu tại Trường Đại học Điện - Thông tin, Tokyo, Nhật Bản. Trong khoảng thời gian từ 04/1996 đến 03/2002, thầy đã trải qua nhiều vai trò khác nhau tại trường, từ nghiên cứu viên, học viên cao học đến nghiên cứu sinh. Sau khi hoàn thành chương trình tiến sĩ, từ 04/2002 đến 03/2005, thầy tiếp tục gắn bó với Trường Đại học Điện - Thông tin, Tokyo, Nhật Bản trong vai trò nghiên cứu viên.

Trở về Việt Nam vào 04/2005, thầy đảm nhận vị trí Phó Trưởng phòng Nghiên cứu Phát triển Tự động hóa và Dịch vụ mới tại Viện Khoa học Kỹ thuật Bưu điện. Từ tháng 5 đến 08/2009, thầy tiếp tục mở rộng kinh nghiệm nghiên cứu của mình khi trở thành nghiên cứu viên tại Trường Đại học Aizu, Nhật Bản.

Giai đoạn từ 09/2009 đến 09/2010, thầy làm nghiên cứu viên tại Trung tâm Nghiên cứu Ứng dụng Công nghệ Viễn thông, trực thuộc Viện Khoa học Kỹ thuật Bưu điện. Sau đó, thầy được bổ nhiệm làm Phó Trưởng Trung tâm từ tháng 9 năm 2010 đến tháng 5 năm 2013.

Tháng 6 năm 2013, thầy gia nhập Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, đảm nhận vai trò Trưởng Bộ môn Mạng Viễn thông tại Khoa Viễn thông 1. Với sự nỗ lực không ngừng và những đóng góp to lớn, từ tháng 9 năm 2016 đến nay, thầy giữ chức Phó Trưởng Khoa Viễn thông 1, góp phần định hướng và phát triển các chương trình đào tạo, nghiên cứu trong lĩnh vực viễn thông.

Các hướng nghiên cứu chủ yếu của thầy Nguyễn Chiến Trinh là đảm bảo QoS mạng truyền thông; cải thiện hiệu năng mạng cảm biến không dây WSN.

Thầy Trinh đã hoàn thành 7 đề tài nghiên cứu khoa học, trong đó có 2 đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ; công bố 50 bài báo khoa học trên tạp chí quốc tế có uy tín.

Xem chi tiết hồ sơ Phó Giáo sư Nguyễn Chiến Tỉnh tại đây.

3. Cô Dương Thị Thanh Tú - Phó Giáo sư ngành Điện tử

Cô Dương Thị Thanh Tú sinh năm 1976 tại xã Hưng Thịnh, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An.

Từ tháng 9/1999 đến tháng 4/2003, cô Dương Thị Thanh Tú làm Kỹ sư Điện tử - Viễn thông tại Công ty Điện thoại Hà Nội, thuộc Bưu điện Hà Nội. Đây là khoảng thời gian cô tích lũy kinh nghiệm thực tế và phát triển kỹ năng chuyên môn trong lĩnh vực điện tử và viễn thông.

Untitled-1.jpg
Cô Dương Thị Thanh Tú - Phó Giáo sư ngành Điện tử. Ảnh: NVCC.

Từ 05/2003 đến nay, cô Thanh Tú chuyển sang con đường giảng dạy, trở thành giảng viên tại Khoa Viễn thông 1, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông. Với hơn 20 năm gắn bó, cô không chỉ tham gia đào tạo mà còn góp phần quan trọng vào sự phát triển của khoa cũng như định hướng nghề nghiệp cho các thế hệ sinh viên. Với sự tận tâm và chuyên môn vững vàng, cô đã để lại nhiều dấu ấn trong sự nghiệp giảng dạy và được đồng nghiệp, học trò ghi nhận là người thầy mẫu mực.

Cô Thanh Tú có hai hướng nghiên cứu chủ yếu là anten kích thước nhỏ cho các công nghệ truyền thông tiên tiến; cấu trúc giảm tác động tương hỗ cho anten MIMO kích thước nhỏ.

Trong quá trình công tác, cô Tú đã có 5 đề tài nghiên cứu khoa học cấp sở; công bố 9 bài báo khoa học trên tạp chí quốc tế có uy tín; xuất bản 1 cuốn sách thuộc nhà xuất bản có uy tín.

Xem chi tiết hồ sơ Phó Giáo sư Dương Thị Thanh Tú tại đây.

Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông (PTIT) được thành lập ngày 11/7/1997 theo Quyết định số 516/TTg của Thủ tướng Chính phủ, trên cơ sở sắp xếp lại bốn đơn vị thuộc Tổng Công ty Bưu chính Viễn thông Việt Nam (nay là Tập đoàn VNPT): Viện Khoa học Kỹ thuật Bưu điện, Viện Kinh tế Bưu điện, và Trung tâm Đào tạo Bưu chính Viễn thông 1, 2. Tiền thân của Học viện là Trường Đại học Bưu điện, được thành lập từ năm 1953, mang bề dày truyền thống và phát triển mạnh mẽ.

Từ ngày 1/7/2014, Học viện chính thức được chuyển giao từ Tập đoàn VNPT sang trực thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông theo Quyết định số 878/QĐ-BTTTT. Với vai trò là trường đại học trọng điểm quốc gia trong lĩnh vực Công nghệ Thông tin và Truyền thông (ICT), Học viện không chỉ thực hiện nhiệm vụ đào tạo, nghiên cứu mà còn là đơn vị chủ lực trong việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ ngành Thông tin và Truyền thông Việt Nam.

Thùy Trang