Phụ huynh đều muốn con "ly nông" nên rất ít HS chọn học ngành về nông nghiệp

08/07/2023 06:30
Doãn Nhàn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Đồng bằng sông Cửu Long là vùng sản xuất nông nghiệp lớn nhất nước ta. Tuy nhiên, tỷ lệ theo học những ngành về lĩnh vực nông nghiệp lại rất ít.

Chia sẻ về công tác tuyển sinh năm 2023 của Trường Đại học Kiên Giang, Tiến sĩ Nguyễn Tuấn Khanh - Hiệu trưởng Trường Đại học Kiên Giang cho biết, chỉ tiêu tuyển sinh 2 năm gần đây của trường đạt khá tốt (khoảng gần 100%).

“Năm nay, nhà trường vẫn xét tuyển bằng 4 phương thức chính: Tuyển thẳng, xét học bạ, dùng điểm thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh và điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông.

Điểm mới trong công tác tuyển sinh năm nay là trường đã mở thêm 2 ngành mới: Kinh doanh quốc tế và Kinh doanh nông nghiệp”, thầy Khanh chia sẻ.

Tuyển sinh các ngành nông nghiệp đơn thuần gặp khó

Tiến sĩ Nguyễn Tuấn Khanh - Hiệu trưởng Trường Đại học Kiên Giang. Ảnh: Website nhà trường

Tiến sĩ Nguyễn Tuấn Khanh - Hiệu trưởng Trường Đại học Kiên Giang. Ảnh: Website nhà trường

Theo lãnh đạo Trường Đại học Kiên Giang, hai ngành mới có ưu thế phù hợp nhu cầu thị trường lao động, hứa hẹn mang lại nhiều cơ hội việc và thu nhập cho người học.

Kinh doanh quốc tế là ngành học xu hướng đang được nhiều sinh viên lựa chọn, do vậy đến thời điểm này, số lượng hồ sơ nộp theo phương thức xét tuyển sớm đã rất đông.

Trong khi đó, kinh doanh nông nghiệp được xem là một ngành học thích ứng với điều kiện phát triển tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và phù hợp với xu thế phát triển chung hiện nay.

Năm 2023, Trường Đại học Kiên Giang tuyển 40 chỉ tiêu ngành kinh doanh nông nghiệp; xét tuyển các tổ hợp môn gồm Toán, Lý, Hóa (A00), toán, văn, hóa (C02) và toán, văn, Anh (D01), toán, sinh, văn (B03).

Đối với ngành kinh doanh quốc tế, trường tuyển 80 chỉ tiêu; xét tuyển các tổ hợp môn gồm Toán, Lý, Hóa (A00), Toán, Lý, Anh (A01), Toán, Văn, Anh (D01); toán, hóa, Anh (D07). Cả hai ngành đều có 3 phương thức xét tuyển gồm xét theo học bạ hoặc tương đương, xét theo kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông và xét tuyển thẳng.

Theo thầy Khanh, các ngành nông nghiệp đơn thuần trong bối cảnh ngày nay đang ngày càng khó tuyển sinh. Hiện nay, ngành nông nghiệp đang thực hiện việc chuyển đổi mạnh mẽ từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp. Do vậy, sinh viên theo học ngành kinh doanh nông nghiệp sẽ có nhiều tiềm năng phát triển, có thể làm giàu bằng việc kinh doanh trên lĩnh vực nông nghiệp.

“Giống như nhiều trường đại học khác, hiện Trường Đại học Kiên Giang cũng đang gặp khó khăn trong tuyển sinh các khối ngành nông nghiệp, kỹ thuật môi trường”, vị lãnh đạo chia sẻ.

Đồng bằng sông Cửu Long là vùng sản xuất nông nghiệp lớn nhất nước ta. Tuy nhiên, tỷ lệ theo học những ngành về lĩnh vực nông nghiệp lại rất ít. Lý do là xã hội ngày càng xuất hiện thêm nhiều ngành nghề mới, thí sinh có đa dạng sự lựa chọn hơn. Hơn nữa, cả thí sinh và các bậc phụ huynh, đặc biệt phụ huynh vùng nông thôn sống bằng nghề nông nghiệp, đa số đều có tâm lý "ly nông", không muốn con tiếp tục nghề "một nắng hai sương" ngoài ruộng đồng.

Thầy Khanh bày tỏ lo ngại, nếu không có chính sách đào tạo, bổ sung nguồn nhân lực thì sẽ dẫn tới 2 hệ lụy chính, đó là không có nguồn nhân lực tốt và nguồn nhân lực mất cân đối, đặc biệt thiếu nguồn nhân lực về lĩnh vực nông nghiệp ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Do vậy, vị lãnh đạo kiến nghị, Chính phủ, các Bộ, ngành liên quan cần có sự phối hợp, có chính sách chú trọng đào tạo nguồn nhân lực ngành nông nghiệp, đặc biệt ở khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long. Một số chính sách có thể áp dụng như đặt hàng đào tạo hay miễn giảm học phí,... nhằm khuyến khích, thu hút người học tham gia đào tạo các ngành liên quan tới lĩnh vực nông nghiệp.

Giảng viên và sinh viên khoa Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Trường Đại học Kiên Giang) tại phòng thực hành nuôi cấy mô. Ảnh: Fanpage nhà trường

Giảng viên và sinh viên khoa Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Trường Đại học Kiên Giang) tại phòng thực hành nuôi cấy mô. Ảnh: Fanpage nhà trường

Được biết, tính đến thời điểm hiện tại, số thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển Trường Đại học Kiên Giang (theo phương thức xét tuyển sớm) chiếm khoảng 80% chỉ tiêu. Tuy nhiên, kinh nghiệm từ quá trình tuyển sinh những năm gần đây, thầy Khanh cho biết tỉ lệ nhập học chỉ đạt khoảng từ 40-50% số lượng trúng tuyển.

Lý giải điều này, Hiệu trưởng Trường Đại học Kiên Giang cho biết do thí sinh có nhiều lựa chọn ở các nguyện vọng khác nhau, vậy nên tỉ lệ thí sinh ảo hàng năm thường khá lớn. Do vậy, thông thường các trường sẽ phải làm tốt công tác dự báo để tuyển đúng, tuyển đủ thí sinh theo kế hoạch đã đề ra.

“Cơ chế tự chủ ngày càng rộng mở cũng là điều kiện giúp các trường đại học chủ động hơn trong công tác tuyển sinh”, thầy Khanh chia sẻ thêm.

Tăng cường tư vấn, tuyển sinh để đến gần hơn với người học

Cũng sử dụng 4 phương thức xét tuyển chính giống với Trường Đại học Kiên Giang, Thạc sĩ Đinh Quốc Cường - Giám đốc Trung tâm Tư vấn tuyển sinh và Quan hệ doanh nghiệp (Trường Đại học Tiền Giang) cho biết, 2 phương thức được thí sinh lựa chọn nhiều nhất là xét tuyển bằng học bạ và sử dụng điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông.

Thạc sĩ Đinh Quốc Cường - Giám đốc Trung tâm Tư vấn tuyển sinh và Quan hệ doanh nghiệp (Trường Đại học Tiền Giang). Ảnh: NVCC

Thạc sĩ Đinh Quốc Cường - Giám đốc Trung tâm Tư vấn tuyển sinh và Quan hệ doanh nghiệp (Trường Đại học Tiền Giang). Ảnh: NVCC

Tình hình tuyển sinh khối ngành liên quan tới lĩnh vực nông nghiệp gặp khó cũng đang là trăn trở của Trường Đại học Tiền Giang. Chia sẻ với phóng viên, thầy Cường cho biết, đối với các ngành như Nuôi trồng thủy sản, Công nghệ sinh học - nhu cầu của nhà tuyển dụng rất lớn nhưng lại không có nhiều thí sinh đăng ký xét tuyển.

“Có rất nhiều doanh nghiệp về trường để tìm kiếm nguồn tuyển, tuy nhiên các thí sinh theo học khối ngành nông nghiệp lại không có nhiều. Tỷ lệ nhập học hàng năm chỉ đạt khoảng 50% so với chỉ tiêu đề ra”, thầy Cường chia sẻ.

Trong những năm qua, nhà trường đã thực hiện nhiều nỗ lực nhằm thu hút hơn người học vào các khối ngành nông nghiệp. Hàng năm, trường đều có đoàn tuyển sinh tới các trường trung học phổ thông trên địa bàn tuyển sinh, kết nối trực tiếp giữa các khoa với học sinh phổ thông.

“Đặc biệt, chúng tôi thường lựa chọn những trường trung học phổ thông nằm trên địa bàn có nền nông nghiệp phát triển mạnh, như vậy hiệu quả tiếp cận sẽ cao hơn. Bên cạnh đó, nhà trường cũng tăng cường kết nối với doanh nghiệp để tìm kiếm nguồn học bổng hỗ trợ khuyến khích sinh viên theo học các ngành về nông nghiệp”, Giám đốc Trung tâm Tư vấn tuyển sinh và Quan hệ doanh nghiệp, Trường Đại học Tiền Giang thông tin thêm.

Trại thực nghiệm Nông nghiệp Khoa Nông nghiệp và Công nghệ Thực phẩm Trường Đại học Tiền Giang. Ảnh: Fanpage nhà trường

Trại thực nghiệm Nông nghiệp Khoa Nông nghiệp và Công nghệ Thực phẩm Trường Đại học Tiền Giang. Ảnh: Fanpage nhà trường

Khác với khối ngành nông nghiệp, các ngành liên quan tới kinh tế, công nghệ lại được rất nhiều thí sinh lựa chọn. Theo thầy Cường, đây đều là những ngành hot của nhà trường: Kế toán, Quản trị kinh doanh, Tài chính ngân hàng, Công nghệ thực phẩm, Công nghệ thông tin,... Tỉ lệ sinh viên có việc làm theo khảo sát của trường với những ngành này cũng đạt từ 95%.

Về công tác tuyển sinh năm nay, thầy Cường cho biết những khó khăn về tỉ lệ thí sinh ảo như năm 2021 đang được khắc phục tốt qua từng năm. Cụ thể, từ năm 2022, khi chính thức đưa dữ liệu các nguyện vọng đăng ký xét tuyển của thí sinh lên hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tỷ lệ thí sinh ảo đã giảm hơn rất nhiều so với năm 2021.

Được biết, Trường Đại học Tiền Giang vừa công bố điểm chuẩn xét tuyển sớm năm 2023. Với phương thức xét học bạ, điểm chuẩn dao động từ 18 - 23,37 điểm. Ngành cao điểm nhất là ngành Kế toán. Điểm chuẩn theo phương thức xét điểm thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh lần lượt là 630 điểm và 670 điểm, tương ứng với 2 ngành Công nghệ thực phẩm và Công nghệ thông tin.

Doãn Nhàn