Mẹ già như chuối chín cây, trong khi nhiều người ao ước có mẹ, còn mẹ để mà chăm sóc, thì một cụ già 97 tuổi ở Quảng Đông bị chính con cháu mình ngược đãi, bỏ đói, xúc phạm, đánh đập, nhốt vào trong phòng, tối đi làm về quẳng ít thức ăn không đủ no.
Bà cụ bất hạnh bấu vào song cửa nhìn ra ngoài trong cơn đói, cơn khát |
Câu chuyện gây phẫn nộ lòng người ấy tại một tiểu khu ở Thâm Quyến, Quảng Đông bị báo chí phát giác ngày 7/6 và đưa ra công luận, cảnh sát vào cuộc, bà lão được đưa vào viện dưỡng lão, lúc đó bà mới được sống cuộc sống của một con người, nhưng nỗi đau về sự bất hiếu của những đứa con do bà cụ mang nặng đẻ đau và nuôi chúng khôn lớn thì vẫn còn đó.
Tuy nhiên, sau đó Tiết Mỗ Long, tên người con trai bà lão đến viện dưỡng lão xin đón mẹ về nhà "chăm sóc" sau khi đã viết tường trình, kiểm điểm tại đồn cảnh sát địa phương. Nhưng chỉ vừa đưa ra khỏi cửa phòng, đứa con bất hiếu ấy dí tay vào mặt mẹ gằn giọng: “Bà thì biết cái gì! Bà đừng bao giờ để phóng viên nó phỏng vấn!”
Tất cả những người có mặt tại đó, từ phóng viên, nhân viên viện dưỡng lão đều trố mắt ngạc niên trước thái độ hỗn lão của người con trai tóc cũng đã hoa râm. Họ lo cho bà lão không biết rồi đây trở về với con có được sống cuộc sống con người?
Đứa con bất hiếu, mất dạy chỉ tay vào mặt mẹ già khi đến viện dưỡng lão "đón mẹ về phụng dưỡng". Cũng mang nặng đẻ đau, cũng 9 tháng 10 ngày, nhưng sao bà cụ thật bất hạnh |
Chiều 14/6, nhóm phóng viên của báo mạng QQ, Trung Quốc quay trở lại Thâm Quyến thăm bà cụ. Vẫn trong căn phòng thuê chật chội, người mẹ già nua bám vào song sắt cửa sổ nhìn ra ngoài, đôi mắt buồn vời vợi. Vừa nhận ra phóng viên, người đã giúp bà vào viện dưỡng lão, bà cụ òa khóc.
Tiếng khóc người mẹ già gần trăm tuổi đời nghe sao ai oán, một nỗi niềm tủi thân cực độ như đang dâng trào trong lòng bà lão. Phải mất một hồi, bà cụ mới trấn tĩnh lại được.
Từ hôm đứa con bất hiếu xin đón mẹ về “phụng dưỡng”, nó lại nhốt bà vào trong phòng, cả tuần nay không thấy ánh mặt trời, bà nằm đó, ngay cả việc tắm giặt cũng không được. Trên mặt bàn, mấy chiếc bánh màn thầu cứng ngắc, bà lão gần 100 tuổi đời răng không còn, đành chịu.
Một mình bà lão nằm chỏng gọng, cả tuần không được tắm giặt khi mùa hè oi bức, bữa ăn chẳng bao nhiêu mà cũng không được bữa nào no |
Bà lão nói giọng thều thào, bà rất đói. Phóng viên tờ QQ chạy đi mua bát cháo, chai nước mang về, bà ăn một mạch hết liền, ngon lành như lâu lắm rồi chưa từng được ăn. Mà cái tuổi 97 như bà cụ, còn ăn được bao nhiêu nữa?
Cũng may là gian phòng thuê tuy chật hẹp nhưng còn cửa sổ, bà có thể mở ra được và nhìn người ta đi lại ngoài đường để bà biết rằng, bà vẫn chưa chết. Chai nước bà xin mang về từ hôm ở viện dưỡng lão đã uống hết, con bà cũng không đứa nào ngó ngàng gì đến.
Bức xúc và tê tái trước cảnh thế thái nhân tình, phóng viên rút điện thoại gọi cho con trai của bà cụ. Tiết Mỗ Long nói y đang làm ăn xa, mãi Quảng Tây. Khi phóng viên hỏi sao không chuẩn bị thức ăn, nước uống cho bà cụ ở nhà, Long buông một câu: “Bà ấy đói thì kệ bà ấy, sao cô không chạy đi mua cho bà ấy cái gì ăn tạm?” rồi dập máy.
Cố gắng cắn chiếc màn thầu đã cứng, người mẹ 97 tuổi dường như đang oằn mình trước ngang trái cuộc đời bà |
Đến nước này thì cũng đành bó tay với đứa con bất hiếu, bà lão ngồi bên trong căn phòng thở dài, ngấn lệ: “Một mẹ nuôi được mười con, mười con không nuôi nổi một mẹ!” Tiếng thở dài của bà lão làm người nghe quặn đau.
Vẫn còn số điện thoại của 1 người con gái bà cụ đang sống ở Hồng Kong, khi phóng viên gọi hỏi thăm tình hình bà cụ thế nào, từ đầu dây bên kia con gái bà lão trả lời: “Mẹ tôi đang sống rất tốt, xin mọi người đừng quan tâm chuyện gia đình tôi, tôi đang bận.” Nói rồi cô ta tắt máy.
5h30 phút chiều, cảnh sát địa phương phá khóa cửa phòng để đưa bà cụ ra ngoài, đúng lúc đó Tiết Mỗ Long về nhà, y đẩy mẹ mình ngã vật xuống giường, nhìn cảnh ấy, phóng viên bật khóc. Cảnh sát gọi điện thông báo với chủ nhà, áp giải Tiết Mỗ Phong về đồn chờ xử lý tội ngược đãi mẹ già, bà cụ lại “được” quay trở về viện dưỡng lão.
* Trích dẫn, đăng tải lại toàn bộ hoặc một phần thông tin từ bài viết này phải chịu trách nhiệm và ghi rõ "theo báo Giáo Dục Việt Nam" hoặc "theoGiaoduc.net.vn" Box thảo luận ở phía dưới là diễn đàn để độc giả gửi comment, đánh giá, nhìn nhận và chia sẻ ý kiến. Báo Giáo Dục Việt Nam luôn đón nhận các ý kiến khách quan, có tính chất xây dựng, tôn trọng pháp luật, thuần phong mỹ tục... của tất cả bạn đọc gửi về. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu để quá trình biên tập và đăng tải được thuận tiện. Chân thành cảm ơn độc giả!
Hồng Thủy (nguồn QQ)