PGS Văn Như Cương: Ai cần chúng ta, các trường ngoài công lập?

27/02/2012 06:00
Xuân Trung
(GDVN) - Đó là lời PGS Văn Như Cương đặt vấn đề trước sự lớn mạnh của hệ thống các trường công lập, trong khi các trường THPT Dân lập đang được xem là "yếu thế"
Sự đóng góp xứng đáng của các trường NCL
Chia sẻ quan điểm về đóng góp của các trường THPT ngoài công lập (NCL) vào sự phát triển giáo dục Thủ đô, PGS Văn Như Cương, hiệu trưởng Trường THPT DL Lương Thế Vinh cho rằng, có một thực tế hiện nay các trường công lập ở Hà Nội chỉ nhận được khoảng 3/4 học sinh học xong bậc THCS, nếu không có hệ thống các trường NCL mỗi năm có ít nhất 1/4  học sinh lớp 9 không được vào lớp 10.

Theo tính toán của PGS Cương, mỗi gia đình có 1-2 con, chỉ cần một đứa thất học đó là điều đại bất hạnh cho gia đình đó.

Mặt khác, nếu không được đi học các em đâu phải chỉ ở nhà. Bố mẹ đi làm, các em có thừa tự do để đi tụ tập ra đường, phóng xe, nhậu, chơi điện tử thâu đêm và còn nhiều trò nhảm nhí khác, đó là một sự bất ổn lớn cho xã hội.
Theo PGS Văn Như Cương, muốn phát triển vững mạnh hệ thống trường NCL phải giải quyết được 2 câu hỏi: Ai đang cần ta và Ta đang cần ai?. Ảnh Xuân Trung
Theo PGS Văn Như Cương, muốn phát triển vững mạnh hệ thống trường NCL phải giải quyết được 2 câu hỏi: Ai đang cần ta và Ta đang cần ai?. Ảnh Xuân Trung
Những trường NCL đã dũng cảm nhận các em có điểm đầu vào thấp: “Như vậy, khi nhà nước chưa thể phổ cập bậc THPT thì hệ thống trường NCL đã giải quyết được vấn đề thất học. Ở Hà Nội đã  phổ cập THCS, điều đó có nghĩa, mỗi học sinh lớp 5 đều được vào lớp 6 của một trường nào đó, nhưng tại sao các trường NCL vẫn có thể nhận được học sinh vào học, thậm chí nhận không hết được học sinh có nguyện vọng? Ở đây là vấn đề chất lượng của dịch vụ giáo dục” PGS Cương đặt câu hỏi.
Thực tế, với cách hoạt động và tiêu chí đào tạo hiện nay các trường THPT NCL còn mang tới một bộ mặt đa dạng cho  nền giáo dục, cụ thể như: trường thu học phí cao, trường thu thấp, trường một cấp học, trường nhiều cấp học, trường bán trú, nội trú, trường có xe đưa đón. Trường lấy điểm đầu vào cao, không cao, có trường thi và không thi.

PGS Văn Như Cương cho rằng, một số năm trước giáo dục  hầu như không có cạnh tranh về chất lượng, có chăng chỉ là những huân chương, bằng khen. Tuy nhiên, khách hàng (phụ huynh và học sinh) đã dần nhận ra để đánh giá  một trường học phải qua chất lượng và hiệu quả giáo dục trường đó mang lại.
“Trong xu thế hiện nay, đang dần có hiện tượng bỏ trường công, tạo nên sự cạnh tranh lành mạnh. Có vẻ đang nghiêng về các trường NCL, vì các trường NCL không bị “vòng kim cô” siết chặt như công lập” PGS Văn Như Cương thẳng thắn.
Trường THPT DL Lương Thế Vinh là một trong những trường NCL luôn thu hút lượng học sinh dự thi đông hàng năm. Ảnh Xuân Trung
Trường THPT DL Lương Thế Vinh là một trong những trường NCL luôn thu hút lượng học sinh dự thi đông hàng năm. Ảnh Xuân Trung
Đồng quan điểm với PGS Văn Như Cương, ông Đỗ Văn Mạn, hiệu trưởng Trường THPT An Dương Vương (TT Đông Anh – Hà Nội) cho biết, các trường NCL ra đời đang góp phần nâng cao dân trí, góp phần phổ cập giáo dục phổ thông trung học, tạo chỗ học cho học sinh, làm giảm bớt các tệ nạn xã hội,cung cấp nguồn nhân lực cho xã hội, giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước (Nhà nước không phải xây trường, không lo kinh phí cho bộ máy…).
Ai đang cần ta và Ta đang cần ai?
“Mỗi trường Dân lập đều khác nhau, nhưng nếu chúng ta trả lời đúng được hai câu hỏi thì các trường đều có thể vững vàng tiến bước. Đó là: Ai đang cần ta và Ta đang cần ai?
Ai đang cần ta? Luôn luôn phải đặt ra cho bất kỳ một nhà doanh nghiệp tư nhân nào. Ông chủ hiệu phở 20.000/bát và bà chủ hiệu phở 950.000/bát đều phải đặt câu hỏi này. Như vậy, số người cần bát phở chiếm bao nhiêu phầm trăm người ăn phở mỗi sáng? Trong giáo dục, nếu tiểu học và THCS phổ cập rồi thì phải chăng không ai cần ta mở trường Dân lập cho hai cấp đó? 
Ta đang cần ai? Cố nhiên cũng quan trọng không kém, cố nhiên ta cần học sinh, nhưng cụ thể học sinh như thế nào?"
PGS Văn Như Cương
Nhà giáo ưu tú Nguyễn Trọng Vĩnh, hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Siêu Hà Nội cũng cho biết, mô hình trường Nguyễn Siêu áp dụng sẽ rất ít các trường công lập có thể “đọ” được.

Ông Vĩnh cho rằng, hiện tại trường ông mỗi lớp chỉ có 26 học sinh với thời lượng là 42 đến 46 tiết/tuần, điều đó đảm bảo chất lượng giáo dục: “Việc chuyển đổi mô hình từ một trường đạt chuẩn quốc gia thành trường dịch vụ giáo dục, trình độ chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu cao của xã hội,  chúng tôi xã định đây là một mô hình trường phổ thông của Việt Nam nâng cao dịch vụ đào tạo, chất lượng đào tạo theo chuẩn quốc tế phù hợp với điều kiện Việt Nam”.

Tăng học phí trường công để bù cho trường tư?

Ông Nguyễn Huy Chuyển, hiệu trưởng Trường THPT Ngô Sỹ Liên (TT Xuân Mai- Chương Mỹ- Hà Nội) thẳng thắn khi cho rằng, lợi ích của các trường NCL thì không thể phủ nhận, nhưng bên cạnh đó chính sách đầu tư, quan tâm của nhà nước, của Sở GD&ĐT Hà Nội là chưa tương xứng.

Ông cho biết: “Lợi ích các trường NCL rất lớn như: Nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực giảm bớt tệ nạn, giảm ngân sách nhà nước, giảm áp lực cho các trường công, tạo điều kiện để các trường nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Tuy nhiên, sự phát triển của các trường NCL đang chững lại, có nhiều trường ở khu vực nông thôn có nguy cơ tan rã, không có học sinh để tuyển”.
Theo ông Chuyển, khi còn là Hà Tây, trường THPT Ngô Sỹ Liên có 29 lớp, nay về Hà Nội chỉ còn 17 lớp, trường THPT Đặng Tiến Đông có 24 lớp, nay còn 5 lớp cả 3 khối.

Nguyên nhân cơ bản theo ông Chuyển, không phải vì các trường NCL chất lượng yếu kém, không phải học phí cao (200.000đ/học sinh/tháng) mà nguyên nhân chính là từ khi nhập về Hà Nội, lãnh đạo Thành phố cho phát triển ồ ạt các trường công lập để tuyển sinh, thậm chí cho thêm Trung tâm GDTX tuyển sinh THPT, chính vì vậy các trường NCL ở vùng nông thôn không có học sinh để tuyển.
Ông Đinh Trung Thành, hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng cho biết, nếu năm tới không tuyển đủ học sinh tôi sẵn sàng xóa tên trường, nhưng các em học sinh lớp 11-12 sẽ đi đâu?. Ảnh Xuân Trung
Ông Đinh Trung Thành, hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng cho biết, nếu năm tới không tuyển đủ học sinh tôi sẵn sàng xóa tên trường, nhưng các em học sinh lớp 11-12 sẽ đi đâu?. Ảnh Xuân Trung
Là một trường cũng nằm  trong diện khó tuyển học sinh vì ở ngoại thành, ông Đinh Trung Thành, hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Huyện Mỹ Đức – Hà Nội) cho rằng, việc ở các vùng nông thôn thu của các em 1-2 triệu/năm là hơi khó, tuy nhiên nếu để những em này ở nhà, không được đi học thì các em sẽ đi đâu?

“Ai dám khẳng định các em  không nghiện hút, không cờ bạc, đánh nhau. Nếu năm tới không tuyển đủ học sinh tôi sẵn sàng xóa tên trường, nhưng các em học sinh lớp 11-12 sẽ đi đâu?” ông Thành bức xúc trước việc các trường công lập “lôi kéo” hết nguồn tuyển.
Được biết, để giảm thiểu tối đa  mọi chi phí trong thời gian khó khăn này, trường THPT Đinh Tiên Hoàng quán triệt, không tổ chức bất kể hoạt động nào khác ngoài hoạt động chi trả cho giáo viên.
Vấn đề này, ông Nguyễn Huy Chuyển cũng đề xuất, trong năm nay Sở GD&ĐT Hà Nội cùng UBND TP cần có một chính sách đột phá, hỗ trợ học sinh NCL, nhất là với các trường vùng sâu, vùng xa, mỗi em 2 triệu đồng để các em có điều kiện đi học: “Điều đó sẽ cân bằng xã hội, học sinh phấn khởi không bỏ học, tạo điều kiện cho các trường NCL thi đua, cạnh tranh”.
Theo ông Chuyển, tiền hỗ trợ học sinh NCL nguồn sẽ không khó, Thành phố giảm bớt đầu tư công và tăng học phí đối với học sinh các trường công lập để bù là được. Ngoài ra, nên chấm dứt việc cho Trung tâm GDTX tuyển sinh hệ THPT.
Trao đổi về những vấn đề trên, ông Đoàn Hoài Vĩnh, Phó giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cũng thừa nhận, không thể phủ nhận sự đóng góp của các trường NCL trong sự nghiệp phát triển giáo dục thủ đô qua mấy thập kỷ qua, đã tạo điều kiện cho học sinh Hà Nội có thêm những nơi học bổ ích.
“Trong những năm tới, Sở sẽ nghiên cứu đổi mới công tác tuyển sinh, tạo điều kiện cho các trường NCL không đến mức phá sản. Tuy nhiên, bản thân các trường NCL  cũng phải cố gắng. Trên cơ sở thực tế của địa phương, địa bàn và khả năng của từng trường, các trường cũng nên mạnh dạn đề xuất những hình thức giáo dục làm sao tạo điều kiện cho học sinh có được chất lượng giáo dục tốt nhất” ông Vĩnh gợi ý.
Trường tăng nhưng học sinh giảm
Theo số liệu thống kê của Hội tâm lý giáo dục Hà Nội cho thấy, từ năm 2009-2012 số trường NCL, số học sinh, giáo viên của các cấp Tiểu học, THCS đều tăng. Riêng khối THPT số trường ngày càng tăng nhưng số học sinh lại giảm (từ 76 trường năm 2009 lên 92 trường năm 2012. Số học sinh từ 52.495 năm 2009 xuống còn 37.850 năm 2012 – giảm 14.648 học sinh). 
Theo TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội thì, những năm tới thách thức đối với các trường THPT NCL tại Hà Nội là rất lớn, nếu theo số liệu thống kê trên và theo quy luật kinh tế thị trường, một số trường THPT NCL sẽ phải đóng cửa hoặc chuyển mô hình.
Xuân Trung