PGS, TS Lê Thanh Long: 'Con đường đang đi cho tôi nhiều trải nghiệm tuyệt vời'

16/01/2024 06:56
Doãn Nhàn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nhiều cơ hội làm việc ở môi trường quốc tế, song, Tiến sĩ Lê Thanh Long chọn trở về nước công tác.

Từ chàng sinh viên đến tân Phó Giáo sư trẻ tuổi của Bách khoa

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Thanh Long (sinh năm 1988, quê ở xã Tịnh Thọ, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi), hiện đang là giảng viên Khoa Cơ khí, Trường Đại học Bách khoa, Đại học quốc gia thành phố Hồ Chí Minh. Anh vừa được công nhận đạt chức danh Phó Giáo sư ở tuổi 35, là một trong những phó giáo sư trẻ tuổi của trường.

“Một hành trình dài và đầy ắp kỷ niệm đáng nhớ” - Đó là những dòng cảm nhận của tân Phó Giáo sư Lê Thanh Long khi nói về hành trình từ sinh viên đến khi trở thành giảng viên tại chính ngôi trường mình đã theo học.

Thầy Lê Thanh Long (áo đen, ở giữa) chụp hình lưu niệm cùng gia đình, đồng nghiệp tại Lễ vinh danh và bổ nhiệm Giáo sư, Phó Giáo sư năm 2023, Trường Đại học Bách khoa (Đại học quốc gia thành phố Hồ Chí Minh). Ảnh: NVCC

Thầy Lê Thanh Long (áo đen, ở giữa) chụp hình lưu niệm cùng gia đình, đồng nghiệp tại Lễ vinh danh và bổ nhiệm Giáo sư, Phó Giáo sư năm 2023, Trường Đại học Bách khoa (Đại học quốc gia thành phố Hồ Chí Minh). Ảnh: NVCC

Được biết, thầy Long từng là sinh viên ngành Kỹ thuật cơ khí của Trường Đại học Bách khoa (Đại học quốc gia thành phố Hồ Chí Minh). Những trải nghiệm quý báu từ thời sinh viên, dưới sự dẫn dắt của các thầy cô giáo giỏi và tâm huyết đã dần nhen nhóm ngọn lửa đam mê nghiên cứu khoa học cho vị giảng viên trẻ.

“Dấu ấn đầu tiên vun đắp đam mê nghiên cứu khoa học trong tôi đó là đề tài nghiên cứu khoa học sinh viên.

Lần đầu tiên đối mặt với thử thách, tự tìm tòi, nghiên cứu, đôi khi cảm thấy nản vì nhiều kiến thức mình chưa được tiếp cận, không biết giải quyết vấn đề như thế nào…nhưng nhờ sự hướng dẫn tận tình và động viên kịp thời của giảng viên hướng dẫn của tôi lúc đó là PGS.TS. Đặng Văn Nghìn đã giúp tôi hoàn thành đề tài nghiên cứu khoa học sinh viên”, Phó Giáo sư Lê Thanh Long tâm sự với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam.

Kể từ đây, niềm hứng thú với việc nghiên cứu khoa học bắt đầu được vun đắp trong chàng sinh viên trẻ khi ấy. Năm 2011, sau khi tốt nghiệp loại giỏi với thành tích huy chương bạc của khóa, thầy Long đã nộp học bổng để làm nghiên cứu sinh tại Khoa Cơ khí, Trường Đại học Quốc lập Trung ương Đài Loan (National Central University (NCU), Taiwan).

Sau khi tốt nghiệp Tiến sĩ năm 2016, thầy Long tiếp tục có một khoảng thời gian làm nghiên cứu sau tiến sĩ cũng tại NCU để tích lũy thêm kinh nghiệm nghiên cứu.

Đầu năm 2017, chàng Tiến sĩ trẻ quyết định trở về nước và chọn ngôi trường gắn bó với mình từ thời sinh viên để công tác - tiếp tục theo đuổi con đường học thuật với cương vị là một giảng viên đại học.

Phó Giáo sư Lê Thanh Long hiện đang là giảng viên Khoa Cơ khí, Trường Đại học Bách khoa, Đại học quốc gia thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: NVCC

Phó Giáo sư Lê Thanh Long hiện đang là giảng viên Khoa Cơ khí, Trường Đại học Bách khoa, Đại học quốc gia thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: NVCC

Trải lòng về quyết định trở về nước của mình, vị giảng viên trẻ chia sẻ, càng vượt qua được những khó khăn, thách thức trong nghiên cứu càng làm cho anh đam mê nghiên cứu khoa học hơn; với mong muốn rằng những công trình nghiên cứu sẽ giải quyết được các vấn đề cấp bách của xã hội và có tính ứng dụng thực tế cao.

“Tôi quyết định trở thành một giảng viên đại học vì môi trường đại học sẽ giúp tôi tiếp tục duy trì đam mê nghiên cứu khoa học, mặt khác, tôi có thể truyền đạt kiến thức, truyền lửa đam mê nghiên cứu cho các bạn sinh viên, và sau này các bạn trẻ, thế hệ sau sẽ chung tay đóng góp phát triển đất nước”, thầy Long cho hay.

Con đường mà tôi đang đi thực sự đã mang lại cho tôi nhiều trải nghiệm tuyệt vời. Tôi có thể thỏa sức phát huy khả năng năng của mình, duy trì đam mê, dám nghĩ, dám làm. Hơn nữa, công việc của tôi còn có cơ hội tiếp xúc với rất nhiều sinh viên, bạn trẻ trẻ nhiệt huyết, cùng chí hướng, thúc đẩy tinh thần đổi mới sáng tạo.

Tinh thần tuổi trẻ nhiệt huyết, tận tâm trên mọi cương vị

Các hướng nghiên cứu chính hiện nay của tân Phó Giáo sư trẻ tập trung vào ứng dụng tính toán động lực học chất lưu trong lĩnh vực vi cơ chất lỏng và các phương tiện tự hành; Thiết kế, chế tạo các thiết bị Cơ khí, tự động hóa, robot có ứng dụng công nghệ AI, IoT.

“Những hướng nghiên cứu của tôi bao gồm cả nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng. Tôi duy trì nghiên cứu cơ bản để có thể kết nối, trao đổi học thuật với các đồng nghiệp quốc tế, tăng khả năng ứng dụng vào thực tiễn. Qua đó, có những công trình công bố trên các tạp chí quốc tế uy tín.

Ngoài ra, tôi cũng rất quan tâm đến nghiên cứu ứng dụng vì có thể triển khai ngay để giải quyết các vấn đề cấp bách mà xã hội đang cần”, Phó Giáo sư Lê Thanh Long chia sẻ thêm.

Phó Giáo sư trẻ cho rằng, cả hai lĩnh vực nghiên cứu cơ bảnnghiên cứu ứng dụng đều có vai trò quan trọng. Điểm khác nhau là nghiên cứu cơ bản có độ trễ, cần có thời gian để ứng dụng vào thực tế.

“Nghiên cứu cơ bản là đầu tư cho tương lai, sẽ góp phần nâng cao vị thế khoa học công nghệ của một quốc gia. Còn nghiên cứu ứng dụng có thể có thể áp dụng ngay kết quả nghiên cứu vào phục vụ lợi ích của con người và xã hội. Cho nên, phần đông người trong xã hội sẽ cần những nghiên cứu ứng dụng hơn”, Phó Giáo sư Lê Thanh Long nhấn mạnh.

Nói về các nghiên cứu của mình, thầy Long cho biết hiện bản thân đang duy trì cả 2 hoạt động nghiên cứu, trong đó hoạt động nghiên cứu ứng dụng chiếm tỉ trọng nhiều hơn. Phó Giáo sư Lê Thanh Long và nhóm nghiên cứu của mình hiện đang tập trung phát triển các thiết bị Cơ khí – Tự động hóa, những robot có ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT), chuyển đổi số… để giúp giải quyết các vấn đề trong nhiều lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, y tế, thành phố thông minh và thực tiễn sản xuất…

Sản phẩm Phòng áp lực âm của Phó Giáo sư trẻ cùng cộng sự. Ảnh: NVCC

Sản phẩm Phòng áp lực âm của Phó Giáo sư trẻ cùng cộng sự. Ảnh: NVCC

Thực tế, thời gian qua, vị Phó Giáo sư trẻ đến từ Quảng Ngãi và các cộng sự cũng đã có nhiều sáng kiến được chế tạo thành công và đi vào thực tiễn, giúp ích rất lớn cho cộng đồng như Buồng phun dịch khử khuẩn đa năng, Hệ thống check-in IoT Bách khoa, Phòng áp lực âm, Máy lọc nước thông minh…

Chia sẻ về sản phẩm tâm đắc nhất, Phó Giáo sư Lê Thanh Long cho biết đó là Phòng áp lực âm. Đây là sản phẩm của đề tài “Nghiên cứu thiết kế và chế tạo module container đệm cách ly, tự động khử khuẩn bề mặt áp dụng trong bệnh viện dã chiến” thuộc Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh duyệt năm 2020.

Theo thầy Long, sản phẩm là một phần trong giải pháp tổng thể của nhóm nghiên cứu dùng để cách ly, điều trị bệnh nhân nhiễm Covid-19. Vị giảng viên trẻ và nhóm nghiên cứu của mình đã thực hiện đề tài này trong giai đoạn cả nước đang thực hiện giãn cách xã hội do dịch bệnh Covid-19.

“Mặc dù vấn đề giãn cách xã hội làm ảnh hưởng đến quá trình nghiên cứu của nhóm, có thời điểm các thành viên không được đi lại, phải họp trực tuyến…nhưng sau tất cả, các thành viên của nhóm nghiên cứu đã nỗ lực nghiên cứu, phối hợp với nhau để hoàn chỉnh sản phẩm Phòng áp lực âm và đã được Hội đồng nghiệm thu trong năm 2023.

Sản phẩm có ý nghĩa thiết thực trong việc chung tay phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe và nâng cao nhận thức cộng đồng”, vị Phó Giáo sư trẻ chia sẻ niềm tự hào về sản phẩm nghiên cứu của mình và các cộng sự.

Ngoài vai trò là một giảng viên, nhà nghiên cứu, Phó Giáo sư Lê Thanh Long còn tham gia hoạt động đoàn với vai trò là Bí thư Đoàn thanh niên Khoa Cơ khí, Uỷ viên Ban chấp hành Đoàn thanh niên trường Đại học Bách khoa – Đại học quốc gia thành phố Hồ Chí Minh từ năm 2017 – 2022, Ủy viên Ủy ban Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam quận 10 nhiệm kỳ 2019-2024, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Khởi nghiệp và Đổi mới sáng tạo Bách khoa…

“Những hoạt động này với nghiên cứu khoa học không có xung đột với nhau và ngược lại còn hỗ trợ tôi trong việc thực hiện nghiên cứu khoa học. Quan trọng là việc chúng ta cân đối thời gian cho việc nghiên cứu khoa học và hoạt động đoàn thể như thế nào”, Phó Giáo sư Lê Thanh Long bày tỏ.

Vị giảng viên chia sẻ, hoạt động đoàn thể giúp bản thân năng động và hoạt bát hơn. Đồng hành với sinh viên, giảng viên trong các hoạt động xã hội, các cuộc thi học thuật, các hoạt động liên quan đến khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo giúp thầy Long có cơ hội được trao đổi, hợp tác, tăng cường tư duy phản biện và có nhiều ý tưởng mới phục vụ cho việc nghiên cứu khoa học.

“Chúng tôi đồng hành cùng nhau, có những đóng góp cho nhà trường và xã hội”, thầy Long tâm sự với tình thần tràn đầy nhiệt huyết.

Với những hoạt động miệt mài của mình trên nhiều cương vị như vậy, Phó Giáo sư Lê Thanh Long gửi niềm mong mỏi tới các bạn sinh viên, thanh niên, cán bộ trẻ, luôn thể hiện tinh thần nhiệt huyết, đam mê, đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm để có những đóng góp thiết thực cho sự phát triển của đất nước.

Phó Giáo sư Lê Thanh Long trong một hoạt động của Câu lạc bộ Khởi nghiệp và Đổi mới sáng tạo Bách khoa. Ảnh: NVCC

Phó Giáo sư Lê Thanh Long trong một hoạt động của Câu lạc bộ Khởi nghiệp và Đổi mới sáng tạo Bách khoa. Ảnh: NVCC

Trên cương vị là một tân Phó Giáo sư trẻ tuổi của Bách khoa, thầy Lê Thanh Long khẳng định sẽ tiếp tục phấn đấu, nỗ lực để có nhiều đóng góp hơn trong tương lai, xứng đáng với những kỳ vọng mà nhà trường và xã hội mong đợi.

“Tôi sẽ tiếp tục duy trì và phát triển những hướng nghiên cứu của bản thân, mở rộng nhóm nghiên cứu mạnh, tăng cường hợp tác quốc tế để giải quyết các vấn đề cấp bách mà xã hội đang cần, nâng cao uy tín và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế”, tân Phó Giáo sư trẻ bày tỏ.

Phó giáo sư, Tiến sĩ Lê Thanh Long là một trong 14 gương mặt Công dân trẻ tiêu biểu của thành phố Hồ Chí Minh năm 2023.

Trước đó, năm 2022, vị giảng viên trẻ cũng từng được vinh danh khi nhận giải thưởng Khoa học Công nghệ Quả cầu vàng.

Tính đến nay, Phó giáo sư Lê Thanh Long Long đã có 35 bài báo khoa học được công bố trên tạp chí khoa học, tham gia hội thảo khoa học quốc tế uy tín; 16 bài báo khoa học đã được công bố trên tạp chí khoa học trong nước, chủ trì một đề tài cấp Quốc gia (Nafosted) và chủ nhiệm một đề tài cấp Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Hồ Chí Minh, 1 đề tài cấp Đại học Quốc gia; 2 đề tài cấp cơ sở đã nghiệm thu đạt yêu cầu…

Trong năm 2022-2023, Phó giáo sư Lê Thanh Long có 5 sáng kiến cấp cơ sở được công nhận; nghiệm thu thành công đề tài nghiên cứu khoa học cấp Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Hồ Chí Minh với sản phẩm Phòng áp lực âm.

Doãn Nhàn