PGS Nguyễn Xuân Hoàn: các trường khó tự chủ hoàn toàn do các quy định chồng chéo

12/02/2022 07:01
Việt Dũng
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Trong quá trình vận hành, các cơ sở giáo dục đại học thực hiện cơ chế tự chủ cũng gặp không ít bất cập, khó khăn.

Tự chủ đại học đã được bàn thảo hơn 10 năm qua, dù đã có những quy định của pháp luật, tuy nhiên, trên thực tế, trong quá trình triển khai thì một số trường đại học vẫn còn vướng một số rào cản, vướng mắc khi thực hiện mô hình tự chủ đại học.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư Nguyễn Xuân Hoàn - Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh (HUFI) cho rằng, có được cơ chế tự chủ sẽ giúp cho các trường đại học có thể vươn mình phát triển mạnh mẽ nhiều hơn nữa.

Thời gian qua, có nhiều ý kiến cho rằng cách hiểu về tự chủ đại học đang có sự khác nhau. Theo thầy, việc thực hiện mô hình tự chủ trong các trường đại học công lập tại Việt Nam được hiểu như thế nào?

Phó Giáo sư Nguyễn Xuân Hoàn: Hoạt động tự chủ tại các cơ sở giáo dục đại học công lập nói chung, tại HUFI nói riêng đang là thể chế rất phù hợp được triển khai trong những năm gần đây. Cơ chế tự chủ được hiểu là đơn vị có quyền ra quyết định, kiểm soát hoạt động của đơn vị mình trên 5 phương diện chính:

Xây dựng chương trình, giáo trình, kế hoạch giảng dạy.

Tổ chức tuyển sinh, đào tạo, công nhận tốt nghiệp.

Tổ chức bộ máy, phát triển nguồn lực.

Huy động, quản lý, sử dụng tài chính và tài sản.

Hợp tác trong và ngoài nước.

Mục đích chủ yếu của việc giao quyền làm chủ cho hệ thống giáo dục đại học có thể hoạt động một cách có hiệu quả, đáp ứng tốt nhất những đòi hỏi của xã hội. Mô hình “tự chủ giáo dục đại học” đã được các nước tiên tiến phát triển trên thế giới như Úc, Mỹ, Anh, Singapore…áp dụng rất thành công.

Tại Việt Nam, cơ chế tự chủ đã và đang đi đúng mục đích thực hiện ban đầu. Việc thực hiện cơ chế tự chủ đại học thực sự là cần thiết lúc này.

Đây không chỉ là cách thích ứng kịp thời với sự phát triển của xã hội, mà còn là cách để phát triển nguồn lực của các cơ sở giáo dục, giúp nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng nhu cầu của người học, doanh nghiệp và xã hội.

Vậy theo thầy, việc tự chủ sẽ giúp được gì cho các trường đại học công lập?

Phó Giáo sư Nguyễn Xuân Hoàn: Việc tự chủ trong nhiều công tác như: Tài chính, tài sản, tuyển sinh, đào tạo, phát triển nguồn lực…các cơ sở giáo dục đại học sẽ vươn mình phát triển lên rất nhanh. Có thể kể đến như việc các ngành mới ra đời, chương trình đào tạo được đổi mới, thích ứng với hướng phát triển ứng dụng cho doanh nghiệp và xã hội.

Đi song hành cùng với đó, việc xây dựng và phát triển cơ sở vật chất thì Nhà trường có thể chủ động để đáp ứng được nhu cầu đào tạo. Cơ sở vật chất phát triển, ngành nghề phù hợp với nhu cầu xã hội đòi hỏi công tác tuyển sinh, đào tạo của đơn vị giáo dục đại học phải phát triển theo từng ngày.

Như vậy, việc tự chủ cũng giúp cho các trường đa dạng, chủ động trong công tác tuyển sinh, phương thức tuyển sinh, đặc biệt là trong việc thay đổi phương thức đào tạo, công nhận tốt nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi nhất trong quá trình học tập của sinh viên.

Phó Giáo sư Nguyễn Xuân Hoàn - Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TPHCM (ảnh: HUFI)

Phó Giáo sư Nguyễn Xuân Hoàn - Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TPHCM (ảnh: HUFI)

Bên cạnh đó, với cơ chế tự chủ cũng sẽ giúp cho các cơ sở giáo dục đại học được chủ động trong công tác tuyển dụng nhân lực ở bên ngoài, cũng như phát triển nguồn nhân lực tại chỗ để có có chất lượng cao, những chuyên gia đầu ngành.

Ngoài việc có thể chủ động sắp xếp nhân sự, bố trí giảng viên vào các vị trí phù hợp, cơ sở giáo dục đại học còn có thể xác định điều kiện làm việc phù hợp với năng lực nhân sự, phát triển tối đa khả năng của nhân sự.

Đặc biệt, trong cơ chế này, các trường còn được chủ động huy động nguồn nhân lực có học hàm, học vị cao, những chuyên gia đầu ngành trong các ngành nghề mà trường đào tạo, phát triển nguồn nhân lực trẻ với các vị trí phù hợp.

Sự tự chủ trong các cơ sở giáo dục đại học cũng là cơ hội để các cơ sở có trách nhiệm hơn trong sự phát triển của xã hội, đặc biệt là trong các hoạt động hỗ trợ ở địa phương.

Vậy những bất cập khi các trường đại học như HUFI thực hiện cơ chế tự chủ là gì, thưa thầy?

Phó Giáo sư Nguyễn Xuân Hoàn: Trong quá trình vận hành, các cơ sở giáo dục đại học thực hiện cơ chế tự chủ cũng gặp không ít bất cập, khó khăn.

Cụ thể: Các trường khó có thể thực hiện việc tự chủ hoàn toàn do các quy định còn chồng chéo, đúng quy định này thì lại chưa đúng với quy định kia đã làm cho các đơn vị tự chủ lúng túng trong các giải pháp xử lý.

Hay là chưa có quy định cụ thể nào hướng dẫn các cơ sở giáo dục công lập thành lập công ty, doanh nghiệp thuộc trường làm phát sinh nhiều thủ tục hành chính không đáng có.

Sinh viên đóng học phí, làm thủ tục nhập học ở HUFI (ảnh: HUFI)

Sinh viên đóng học phí, làm thủ tục nhập học ở HUFI (ảnh: HUFI)

Thầy có thể phân tích vì sao tại các trường đại học công lập được tự chủ thường có học phí cao hơn so với những trường chưa tự chủ?

Phó Giáo sư Nguyễn Xuân Hoàn: Trong thực hiện cơ chế tự chủ, HUFI đã không xin ngân sách của Nhà nước để chi đầu tư, chi thường xuyên. Vì thế, việc thu học phí có phần cao hơn trước đây. Bởi tự chủ là "lấy thu bù chi".

Khi không có nguồn ngân sách nhưng các cơ sở vẫn phải phát triển cơ sở vật chất, phát triển đội ngũ và chi nhiều hơn với những khoản học bổng, hỗ trợ học phí cho người học. Do đó, việc tự chủ đi đôi với học phí cao hơn là chất lượng đào tạo tốt hơn, điều kiện học tập tốt hơn và các chính sách hỗ trợ người học tốt hơn.

Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh khẳng định với toàn xã hội rằng: “Không có bất cứ sinh viên khó khăn nào bị bỏ lại phía sau”.

Ví dụ: Năm học 2020-2021, nhà trường đã chi gói hỗ trợ khó khăn cho toàn bộ sinh viên là 40,6 tỷ đồng, hỗ trợ cho sinh viên gặp khó khăn vì dịch bệnh là gần 5 tỷ đồng...

Tóm lại, tự chủ đại học là cơ chế tất yếu trong quản lý, hoàn toàn phù hợp với sự phát triển của xã hội, yêu cầu của các cơ sở giáo dục đại học, phù hợp với cuộc cách mạng đổi mới của ngành giáo dục.

Thầy có kiến nghị gì để thúc đẩy quá trình tự chủ đại học hiệu quả tại Việt Nam?

Phó Giáo sư Nguyễn Xuân Hoàn: Theo tôi, các luật cần phải đồng bộ, tránh chồng chéo với nhau có như vậy mới tránh gây khó khăn cho các trường khi thực hiện tự chủ.

Tôi cho rằng, đã có Luật Giáo dục Đại học thì các luật liên quan cũng phải thay đổi, đồng bộ như Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư…

Trân trọng cảm ơn thầy.

Việt Dũng