Liên quan đến việc tỉnh Bạc Liêu vừa quyết định sẽ hợp nhất hai Sở Giáo dục và Đào tạo với Sở Khoa học và Công nghệ thành Sở Giáo dục, Khoa học và Công nghệ bắt đầu từ ngày 1/1/2019, phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc phỏng vấn ông Lê Như Tiến – nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội xung quanh vấn đề này.
Ông Lê Như Tiến: "Chúng ta còn dư địa để sáp nhập nhiều sở ngành nữa với nhau". Ảnh: Ngọc Quang |
Ông đánh giá ra sao khi tỉnh Bạc Liêu là địa phương đầu tiên tiến hành hợp nhất 2 Sở thành Sở Giáo dục, Khoa học và Công nghệ?
Ông Lê Như Tiến: Chủ trương tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy ở các cơ quan nhà nước là hết sức đúng đắn. Bởi vì lâu nay bộ máy của chúng ta được đánh giá là quá cồng kềnh.
Ở Trung ương cũng đã làm rồi. Ví dụ như Bộ Công an đã bỏ tất cả các Tổng cục. Dù trước đây, các Tổng cục cũng được giải trình là rất quan trọng vì nó phục vụ cho việc bảo vệ an ninh quốc gia, đảm bảo an toàn, an ninh xã hội…
Nhưng vừa rồi, các Tổng cục của Bộ Công an đã có đề án để bỏ rồi. Theo đó, đưa phần lớn cán bộ xuống các Cục, Vụ, công an các địa phương. Chúng ta quyết tâm làm và đã làm được dù trước kia lý giải là không thể bỏ được!
Vì thế, các Sở, ban ngành có chức năng nhiệm vụ tương đồng, có thể gắn kết cũng nên mạnh dạn sáp nhập, hợp nhất.
Như ông nói, việc hợp nhất 2 Sở trên là chủ trương đúng đắn. Ông có thể phân tích rõ hơn về nhận định này?
Ông Lê Như Tiến: Sở Giáo dục và Đào tạo với Sở Khoa học và Công nghệ có nhiều nét tương đồng, nếu nhập vào thậm chí còn có tác động tương hỗ lẫn nhau.
Giáo dục đào tạo và nghiên cứu khoa học, công nghệ là rất gắn bó. Trong thời gian vừa qua, giáo dục bao giờ cũng phải đi liền với nghiên cứu khoa học, sáng kiến cải tiến.
Đặc biệt là phong trào nghiên cứu khoa học trong các nhà trường. Trước kia là 2 sở thì hai nơi chỉ huy nhưng bây giờ chỉ cần một nơi chỉ đạo, ngân sách cũng tập trung, thuận lợi cho việc chỉ đạo đó.
Vì có những nét tương đồng như vậy nên chúng ta cần mạnh dạn sáp nhập.
Chúng ta nên nhớ trước kia có một thời gian dài có Bộ Công nghiệp nặng, Bộ Công nghiệp nhẹ, Bộ Công nghiệp thực phẩm nhưng sau nhập vào thành một Bộ Công thương. Bộ này làm tất cả các việc đó vẫn được.
Rồi trước kia có Bộ Nông nghiệp, Bộ Lâm nghiệp, Bộ Thủy sản và Bộ Thủy lợi nhưng sau 4 Bộ nhập vào chỉ còn Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vẫn hoàn thành chức năng của cả 4 Bộ.
Đặc biệt sự chỉ đạo còn nhanh hơn, gắn bó, chặt chẽ hơn. Các ngành đó đều chia lửa được với nhau.
Tôi quay lại câu chuyện thời sự là sáp nhập Sở Giáo dục và Đào tạo với Sở Khoa học và Công nghệ là rất tốt vì có những chức năng tương đồng nên sẽ tương hỗ cho nhau rất là tốt.
Bạc Liêu đã làm. Vậy theo ông, các địa phương khác có nên sớm hợp nhất 2 Sở Giáo dục và Đào tạo với Sở Khoa học và công nghệ?
Ông Lê Như Tiến: Không chỉ là các Sở. Ở một số địa phương, một số cơ quan của Đảng và cơ quan chính quyền đã nhập vào nhau rồi.
Vì thế, để thực hiện đúng chủ trương của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ thì nên mạnh mẽ hơn nữa trong sáp nhập, tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế.
Tuy nhiên, giá như nhiều tỉnh làm được như Bạc Liêu thì rất tốt và sớm có thể được nhân rộng ra các sở, ngành khác.
Chúng ta còn dư địa để sáp nhập nhiều sở ngành nữa với nhau vì có nhiều Sở, ban ngành có chức năng, nhiệm vụ tương đương.
Tuy nhiên, việc thực hiện phải nghiên cứu thật kỹ và có đề án cụ thể, chi tiết để thực hiện thành công.
Như ông nói là phải nghiên cứu kỹ, phải chăng đây là việc phải làm nhưng ông còn băn khoăn trong triển khai. Ông có thể chia sẻ rõ hơn về trăn trở của ông?
Ông Lê Như Tiến: Tôi cho rằng khi triển khai cần lưu ý hai điểm.
Thứ nhất là nhập vào để tinh gọn bộ máy là đúng rồi nhưng phải đi đôi với hiệu quả là tinh giản biên chế.
Bởi nếu không, nhập cơ học là 2 sở, thậm chí 3 sở nhập vào với nhau mà số cán bộ nhân viên vẫn như vậy, trụ sở, ô tô vẫn nguyên thì không có tác dụng gì.
Tinh gọn bộ máy phải đi đôi với tinh giản biên chế, kể cả là cán bộ cấp sở, phòng, ban, trung tâm cũng phải giảm theo.
Thứ hai là khi giảm như vậy, cần lưu ý các chính sách với cán bộ, công chức. Chứ cũng không thể nhập vào rồi đẩy họ ra đường.
Đó là việc khó nhưng phải tính toán kỹ, có phương án khi sáp nhập hoặc có hỗ trợ để họ đào tạo lại hoặc chuyển đổi nghề nghiệp.
Trân trọng cảm ơn ông!