Nữ ứng viên GS duy nhất ngành Kinh tế là trưởng khoa ở ĐH Kinh tế Quốc dân

31/10/2023 06:34
Thanh Ngân
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Phó Giáo sư Đỗ Thị Hải Hà là nữ ứng viên giáo sư duy nhất của ngành Kinh tế, hiện cô đang là Trưởng khoa Khoa học quản lý, Trường Đại học Kinh tế quốc dân.

Năm 2023, ngành Kinh tế có 10 ứng viên được Hội đồng giáo sư cơ sở đề nghị xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư. Sau đợt xét duyệt của Hội đồng giáo sư ngành, chỉ có 6 ứng viên giáo sư đạt tiêu chuẩn. Trong đó, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Đỗ Thị Hải Hà là nữ ứng viên duy nhất.

Theo thông tin tại hồ sơ đăng ký xét công nhận chức danh giáo sư, cô Đỗ Thị Hải Hà, sinh năm 1975, quê ở huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương, hiện cô đang là trưởng khoa, khoa Khoa học quản lý, Trường Đại học Kinh tế quốc dân.

Năm 1997, cô tốt nghiệp ngành Kinh tế, chuyên ngành Kinh tế học, Đại học tổng hợp New England, Ôxtrâylia. Năm 1999, cô nhận bằng thạc sĩ ngành Nghiên cứu phát triển, chuyên ngành Kinh tế phát triển, Viện Nghiên cứu xã hội, La Hay, Hà Lan. Năm 2007, cô Hà nhận bằng tiến sĩ ngành Kinh tế, chuyên ngành Quản lý kinh tế tại Trường Đại học Kinh tế Quốc dân.

Phó Giáo sư Đỗ Thị Hải Hà là nữ ứng viên giáo sư duy nhất của ngành Kinh tế. Ảnh: Website Trường Đại học Kinh tế Quốc dân.

Phó Giáo sư Đỗ Thị Hải Hà là nữ ứng viên giáo sư duy nhất của ngành Kinh tế. Ảnh: Website Trường Đại học Kinh tế Quốc dân.

Cô Đỗ Thị Hải Hà bắt đầu trở thành giảng viên của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân vào tháng 12 năm 1997, sau khi học cao học tại Hà Lan và thực tập tại Nhật Bản theo học bổng Monbusho, cô đã nhận bằng Tiến sĩ Kinh tế năm 2007 và được công nhận chức danh Phó giáo sư tháng 12 năm 2012.

Sau khi được công nhận chức danh Phó giáo sư, cô Hà đã dành nhiều thời gian cho việc xây dựng và phát triển các chương trình đào tạo đại học và sau đại học cũng như tích cực tham gia các đề tài nghiên cứu, đồng thời hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ chuyên môn do nhà trường, khoa và bộ môn phân công.

Với vai trò là Trưởng bộ môn Quản lý xã hội giai đoạn 2008-2014, Trưởng khoa Khoa học quản lý từ 2014 đến nay, cô đã có nhiều nỗ lực đóng góp tích cực vào quá trình phát triển của Khoa và của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân.

Trong hơn 25 năm giảng dạy và nghiên cứu khoa học tại Trường Đại học Kinh tế quốc dân, Cô Hà tập trung vào 3 hướng nghiên cứu chủ yếu:

Hướng nghiên cứu thứ nhất là quản lý nhà nước. Hướng nghiên cứu này tập trung vào các chủ đề về vai trò, bộ máy, chức năng, phương pháp, công cụ, các nhân tố ảnh hưởng, hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước đối với nền kinh tế, một ngành hoặc lĩnh vực cụ thể như giáo dục, y tế, hành chính công ...

Hướng nghiên cứu thứ hai là chính sách công. Hướng nghiên cứu này tập trung vào các chủ đề về phân tích và đánh giá chính sách, quá trình tổ chức thực thi chính sách của Nhà nước đối với một vấn đề công, cụ thể như giáo dục, y tế, nhà ở ...

Hướng nghiên cứu thứ ba là quản lý tổ chức và cung ứng dịch vụ công. Hướng nghiên cứu này tập trung vào các chủ đề về các chức năng quản lý theo quy trình quản lý và theo lĩnh vực hoạt động của tổ chức; phân tích và đánh giá chất lượng, mô hình cung ứng dịch vụ công của Nhà nước như giáo dục, y tế, nhà ở ...

Phó Giáo sư Đỗ Thị Hải Hà đã hướng dẫn 6 nghiên cứu sinh bảo vệ thành công luận án tiến sĩ. Cô đã hoàn thành 5 đề tài nghiên cứu khoa học từ cấp cơ sở trở lên, trong đó có 1 đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước; 3 đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ và tương đương và 1 đề tài nghiên cứu khoa học cấp Cơ sở.

Đặc biệt, Phó Giáo sư Hà đã công bố 60 bài báo, báo cáo khoa học, trong đó có 10 bài báo khoa học trên các tạp chí quốc tế có uy tín thuộc danh mục ISI/Scopus và là tác giả chính của 7 bài báo khoa học trên các tạp chí quốc tế có uy tín thuộc danh mục Scopus được công bố sau khi được công nhận chức danh phó giáo sư.

Cô cũng tham gia biên soạn 17 quyển sách thuộc các nhà xuất bản có uy tín, trong đó, cô là Chủ biên 1 sách giáo trình và đồng chủ biên 2 sách giáo trình, là thành viên 5 sách giáo trình và là Chủ biên 2 sách chuyên khảo, là tác giả chính của 1 chương sách do nhà xuất bản có uy tín trên thế giới (Springer) xuất bản.

Từ năm học 2012-2013 đến nay, cô Hà liên tục đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp cơ sở và cấp Bộ, cô được nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo năm học 2019-2020 đến năm học 2020- 2021.

Về giảng dạy và công tác chuyên môn, Phó Giáo sư Đỗ Thị Hải Hà đã có nhiều đóng góp trong việc xây dựng, đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp dạy học và nghiên cứu khoa học, phát triển đội ngũ giảng viên trẻ của khoa.

Cô đã chủ trì xây dựng mới và phát triển thành công chương trình đào tạo cử nhân đại học Quản lý công và Chính sách bằng tiếng Anh (EPMP), đến nay đã đào tạo đến khoá thứ 8, chương trình đã được kiểm định thành công năm 2021.

Cô cũng chủ trì xây dựng mới và hoàn thiện 2 chương trình đào tạo cử nhân bằng tiếng Việt ngành Quản lý công và Khoa học quản lý, 2 chương trình đào tạo thạc sĩ chuyên ngành đào tạo Quản lý công và Quản lý kinh tế và Chính sách thuộc ngành Quản lý kinh tế, 2 chương trình đào tạo tiến sỹ chuyên ngành Quản lý công và Khoa học quản lý thuộc ngành Quản lý kinh tế. Các chương trình đã được ban hành và đưa vào tuyển sinh.

Cô đã chủ trì, tham gia thiết kế và giảng dạy các học phần: Essentials of Management và Introduction to Public Policy cho chương trình EPMP; Học phần Khu vực công và quản lý công và Quản lý cung ứng dịch vụ công cho chương trình đại học, học phần Quản lý nhà nước về kinh tế và Phân tích và đánh giá chính sách kinh tế cho chương trình cao học tại Trường Đại học Kinh tế quốc dân.

Về nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, Phó Giáo sư Đỗ Thị Hải Hà đã chú trọng phát triển các hoạt động nghiên cứu khoa học của giảng viên và sinh viên trong khoa; chú trọng công tác phát triển bồi dưỡng giảng viên, đặc biệt là các giảng viên trẻ, khuyến khích các giảng viên theo học các chương trình đào tạo nghiên cứu sinh tại các cơ sở giáo dục đại học có uy tín ở trong và ngoài nước

Trưởng khoa Khoa học quản lý đã tập trung thực hiện các công trình nghiên cứu khoa học để có thể công bố kết quả trong các hội thảo khoa học quốc tế, quốc gia và các tạp chí khoa học có uy tín trong nước và quốc tế.

Cô cũng chủ trì và tham gia nhiều đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước, cấp bộ và cơ sở. Kết quả nghiên cứu của các đề tài này đã được chuyển giao bằng nhiều hình thức khác nhau đến các 7 tổ chức, cơ quan và cá nhân, góp phần cho việc hoàn thiện chính sách nhà nước .

Trong 5 nhiệm vụ khoa học và công nghệ đã nghiệm thu của Phó Giáo sư Hà, có 1 đề tài cấp Nhà nước được xếp loại xuất sắc năm 2020 là: Đảm bảo dịch vụ xã hội cơ bản cho người dân vùng dân tộc thiểu số trong thời kỳ Đổi mới; cả 3 đề tài cấp Bộ/tương đương của cô cũng đều được xếp loại xuất sắc.

Chi tiết Hồ sơ ứng viên Đỗ Thị Hải Hà đăng trên website Hội đồng giáo sư Nhà nước TẠI ĐÂY.

Trước đó, hồi đầu tháng 9, có 695 ứng viên được Hội đồng Giáo sư cơ sở đề nghị xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm 2023 (chưa tính ứng viên từ Hội đồng Giáo sư ngành khoa học an ninh và Hội đồng Giáo sư ngành khoa học quân sự).

Hiện có 606 ứng viên đã vượt qua vòng xét duyệt của Hội đồng Giáo sư ngành, liên ngành. Theo kế hoạch, từ ngày 25/10 đến ngày 31/10, Hội đồng Giáo sư Nhà nước sẽ họp xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm 2023.

10 bài báo khoa học của Phó Giáo sư Đỗ Thị Hải Hà đăng trên các tạp chí quốc tế có uy tín thuộc danh mục ISI/Scopus bao gồm:

1. Reviewing the latest national policies and services for people with severe mental health disorders in government-funded institutions in Vietnam, and policy recommendations for service improvements (Asia Pacific Journal of Social Work and Development - năm 2018);

2. Factors affecting entrepreneurial intentions among youths in Vietnam (Children and Youth Services Review - năm 2019);

3. Ensuring basic education for ethnic minority groups in Vietnam (Management Science Letters - năm 2020);

4. Impact of Vocational Training on Wages of Ethnic Minority Labors in Vietnam (Journal of Asian Finance, Economics and Business – năm 2020);

5. Policies on university autonomy in Vietnam (Journal of Further and Higher Education – năm 2021);

6. The impact of attitude towards an e-tax system on tax compliance of Vietnamese enterprises: Adoption of an e-tax system as a mediator (Journal of Entrepreneurship, Management and Innovation – năm 2022);

7. Models of university autonomy and their relevance to Vietnam (Journal of Asian Public Policy – năm 2022);

8. Will tertiary lecturers’ research motivations differ from publication types in developing countries? A case study of Vietnam (Journal of Community Positive Practices – năm 2022);

9. Role of the government in the establishment of world-class universities in China (Policy Futures in Education – năm 2023);

10. Impact of Vocational Education and Training On Decent Job Opportunities Regarding Information and Communication Technology (Journal of Technical Education and Training – năm 2023);

Thanh Ngân