Tại Hội nghị tổng kết năm học 2021-2022 và triển khai nhiệm vụ năm học 2022-2023, vấn đề thực hiện Nghị định 116/2020/NĐ-CP của Chính phủ về đặt hàng đào tạo giáo viên được các cơ quan quản lý liên quan, các nhà trường và nhiều địa phương quan tâm.
Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về vấn đề này, Tiến sĩ Phan Thế Hải, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm Bà Rịa - Vũng Tàu cho hay, hiện nay việc đặt hàng đào tạo giáo viên theo Nghị định 116 của một số địa phương còn chậm do nhiều nguyên nhân như:
Thứ nhất, các tỉnh chưa có số liệu thống kê chính xác về nguồn nhân lực phục vụ trong ngành giáo dục của tỉnh ở thời điểm hiện tại cũng như việc dự đoán cho tương lai nên còn “dè dặt” trong việc đặt hàng đào tạo. Vì đặt hàng đào tạo giáo viên là đặt hàng nguồn giáo viên cho 4 năm sau, khi các em sinh viên ra trường.
Thứ hai, nhiều tỉnh chưa sắp xếp được nguồn kinh phí để hỗ trợ học phí và sinh hoạt phí cho sinh viên sư phạm.
Thứ ba, các địa phương còn lo lắng việc phải thu hồi kinh phí khi sinh viên ra trường không đạt được các yêu cầu theo quy định. Vì thực tế, việc bồi hoàn kinh phí đào tạo khi người học không thực hiện đúng các cam kết đề ra rất khó khăn và phức tạp.
“Hiện tại, nếu địa phương không giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu thì các cơ sở giáo dục đào tạo sư phạm sẽ không được Bộ Giáo dục và Đào tạo giao chỉ tiêu tuyển sinh các ngành sư phạm.
Khi không có nguồn vào thì sẽ không có nguồn ra. Trong bối cảnh ngành giáo dục đang thực hiện việc giảng dạy theo chương trình, sách giáo khoa mới thì nguồn nhân lực đang cần thiết hơn bao giờ hết, đặc biệt trong tình trạng nhiều tỉnh, thành còn thiếu giáo viên như hiện nay. Do vậy, hậu quả sẽ là một giáo viên phải dạy nhiều lớp, thậm chí nhiều môn, việc này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng giáo dục.
Chưa kể, với các trường đào tạo giáo viên nhưng không được giao chỉ tiêu tuyển sinh, đội ngũ giảng viên không có việc làm và nguồn thu nhập sẽ chuyển sang các trường khác hoặc ngành khác. Điều này, dẫn tới việc chảy máu chất xám tại các trường có đào tạo giáo viên, nhất là các trường cao đẳng sư phạm vốn đã "yếu thế"”, Tiến sĩ Phan Thế Hải nói.
Từ vướng mắc đó, Tiến sĩ Phan Thế Hải kiến nghị, các tỉnh có trách nhiệm thống kê thật chính xác và khoa học nguồn nhân lực trong ngành giáo dục hiện tại của địa phương. Từ đó, đưa ra các dự kiến về nguồn nhân lực trong tương lai và lập kế hoạch cụ thể từng năm về việc giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu theo quy định. Đối với kinh phí hỗ trợ cho sinh viên, các tỉnh đang khó khăn có thể làm việc trực tiếp với trung ương để có thể sắp xếp được nguồn kinh phí phù hợp.
Không chỉ có những vướng mắc ở việc đặt hàng, một số trường cao đẳng sư phạm hiện nay còn băn khoăn về vấn đề giao nhiệm vụ đào tạo giáo viên theo Nghị định 116 của tỉnh đối với trường. Chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Thạc sĩ Nguyễn Thị Tuyết Mai, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm Điện Biên cho biết, đến thời điểm hiện tại, trường đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo giao 300 chỉ tiêu tuyển sinh.
Mặc dù, thí sinh vẫn có thể đăng ký nguyện vọng vào trường trên hệ thống chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo tuy nhiên trường chỉ được phép tuyển sinh trong trường hợp tỉnh Điện Biên phải thực hiện Nghị định 116 giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu đào tạo giáo viên với trường.
Thạc sĩ Nguyễn Thị Tuyết Mai, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm Điện Biên. Nguồn: Website nhà trường |
“Trường Cao đẳng Sư phạm Điện Biên đã làm văn bản trình và đang chờ câu trả lời xem tiến hành thực hiện Nghị định 116 như thế nào. Chỉ khi tỉnh thực hiện, trường mới được phép tuyển sinh. Nhà trường cũng lo lắng vì không biết đến lúc chính thức tuyển sinh và đóng cổng tuyển sinh thì tỉnh đã có câu trả lời chưa”, Thạc sĩ Nguyễn Thị Tuyết Mai chia sẻ.
Theo Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm Điện Biên, Nghị định 116 không chỉ có đặt hàng đào tạo giáo viên mà còn có giao nhiệm vụ và đào tạo theo nhu cầu xã hội. Bất kể sinh viên đào tạo theo hình thức nào thì đều được hưởng chế độ, chính sách của sinh viên sư phạm.
“Hiện nay, việc đặt hàng đào tạo giáo viên đối với các trường sư phạm ở một số tỉnh còn chậm. Không phải các tỉnh không muốn đặt hàng đào tạo mà còn vướng ở cơ chế tuyển dụng, kinh phí, đặc biệt với các tỉnh thuộc vùng khó khăn. Kinh phí cấp cho sinh viên sư phạm không nhỏ nên nếu đặt đặt hàng đào tạo giáo viên, tỉnh phải sắp xếp được một khoản kinh phí tương đối lớn”, Thạc sĩ Nguyễn Thị Tuyết Mai nói.
Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm Điện Biên thông tin thêm, vừa rồi, trường đã thực hiện khảo sát việc làm đối với các sinh viên ra trường trong giai đoạn 2019 - 2021 và kết quả cho thấy 92% sinh viên ra trường đều có việc làm. Điều này chứng tỏ, nhu cầu giáo viên mầm non rất lớn và thực tế nguồn nhân lực này các tỉnh đang thiếu rất nhiều.
Bên cạnh đó, cô Nguyễn Thị Tuyết Mai cũng bày tỏ trăn trở, nếu vào năm học trường vẫn chưa được tuyển sinh thì sẽ làm chậm quá trình đào tạo và ảnh hưởng trực tiếp tới đội ngũ giảng viên của nhà trường. Họ đều là những giảng viên được đào tạo bài bản và có nhiều kinh nghiệm, có thể sẽ phải chuyển công tác. Trường hợp sau này, trường được thực hiện lại nhiệm vụ tuyển sinh và đào tạo như trước thì sẽ dẫn tới tình trạng thiếu đội ngũ giảng dạy.
“Bộ Giáo dục và Đào tạo cần kế hoạch cụ thể đối với các trường cao đẳng sư phạm như quy hoạch các trường như thế nào, duy trì hay sáp nhập về các trường ở địa phương ra sao,...Thực tế, các trường cao đẳng sư phạm gặp nhiều khó khăn vì định hướng phát triển không rõ ràng”, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm Điện Biên nói.