Những ước vọng về giáo dục và đào tạo trong năm 2024

03/01/2024 06:34
Doãn Nhàn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Năm mới mang đến những hy vọng mới cho giáo viên và toàn ngành giáo dục dù vẫn còn những thách thức phía trước.

Năm 2023, ngành giáo dục đã có nhiều nỗ lực trong công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện với những điểm sáng đáng khích lệ nhưng còn đó không ít khó khăn cần sự nỗ lực đổi mới sáng tạo của mỗi cán bộ quản lý, giảng viên, giáo viên, học sinh.

Không ngừng sáng tạo, đổi mới, nâng cao chất lượng

Đánh giá về giáo dục đại học năm qua, Phó giáo sư, Tiến sĩ Đinh Văn Châu - Quyền Hiệu trưởng Trường Đại học Điện lực nhận định, hệ thống giáo dục đại học nước ta đã có bước chuyển mình theo hướng tiến bộ và đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, góp phần không nhỏ vào sự nghiệp đổi mới giáo dục đất nước.

“Một trong những điểm nổi bật nhất của hoạt động giáo dục đại học năm qua là công tác tuyển sinh năm 2023 với nhiều tín hiệu tích cực. Với những nỗ lực triển khai các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác tuyển sinh đại học của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tỷ lệ thí sinh ảo ở các trường đã được khống chế và từng bước giảm dần, chất lượng tuyển sinh ngày càng được khẳng định và nâng cao.

Thời gian qua, giáo dục đại học của Việt Nam tiếp tục cho thấy những khởi sắc trong thực hiện tự chủ đại học, thể hiện qua những chuyển biến tích cực cả về nhận thức lẫn công tác tổ chức thực hiện. Nhiều cơ sở giáo dục đại học đã thực hiện tự chủ toàn diện và sâu rộng trên nhiều mặt, từ đó tạo tạo động lực cạnh tranh công bằng, lành mạnh giữa các cơ sở giáo dục đại học, thúc đẩy các trường cùng nâng cao chất lượng để cạnh tranh phát triển, hướng tới thực chất và sự bền vững”, thầy Châu chia sẻ.

Sinh viên Trường Đại học Điện lực. Ảnh: website nhà trường

Sinh viên Trường Đại học Điện lực. Ảnh: website nhà trường

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, theo thầy Châu, quá trình triển khai tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học cũng gặp nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt vấn đề về thể chế, chính sách về tự chủ. Hệ thống quy phạm pháp luật liên quan đến thực hiện tự chủ đại học còn có sự mâu thuẫn, chưa đồng bộ dẫn đến khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn triển khai.

“Hiện có một số đề xuất cho rằng nên ban hành một nghị định riêng dành cho các trường đại học tự chủ, theo tôi điều này là cần thiết; và nếu thực hiện được sẽ là một điểm mới tiến bộ, tạo điều kiện thuận lợi cho các trường đại học phát huy tối đa nội lực, chủ động sáng tạo, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp đổi mới, sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế”, lãnh đạo Trường Đại học Điện lực bày tỏ.

Giáo dục đại học có vai trò và sứ mệnh quan trọng trong đào tạo, phát triển nguồn nhân lực cho đất nước, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao. Bởi vậy, bước sang năm 2024, thầy Châu hy vọng các cơ sở giáo dục đại học sẽ tiếp tục đổi mới hệ thống quản trị nhà trường, các nội dung liên quan đến đảm bảo chất lượng, hoạt động nghiên cứu khoa học và phục vụ cộng đồng để đồng hành cùng xã hội, xứng đáng với niềm tin, sự kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và Nhân dân.

“Cùng thực hiện sứ mệnh thiêng liêng đó, Trường Đại học Điện lực quyết tâm thực hiện tự chủ toàn diện và sâu rộng hơn nữa, không ngừng đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng, khẳng định là địa chỉ đào tạo tin cậy và uy tín với người học, xã hội”, Phó giáo sư Đinh Văn Châu chia sẻ.

Đề xuất đưa dạy thêm, học thêm vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện

Đại biểu Phạm Văn Hòa - Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp - bày tỏ sự chia sẻ với những áp lực mà ngành phải đảm đương khi giáo dục là câu chuyện của mọi nhà. Bởi vậy, mọi vấn đề về giáo dục luôn nhận được sự quan tâm lớn từ xã hội và rất “nóng”.

Đại biểu Phạm Văn Hòa bày tỏ, năm qua ngành giáo dục có nhiều nỗ lực trong công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện với những điểm sáng đáng khích lệ.

Đại biểu Phạm Văn Hòa - Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: quochoi.vn

Đại biểu Phạm Văn Hòa - Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: quochoi.vn

Theo đó, thời gian qua, ngành giáo dục đã có nhiều nỗ lực trong xây dựng, cải tạo trường lớp, tạo điều kiện tốt nhất cho dạy và học của cô trò nhiều nơi. Việc đánh giá trong dạy và học cũng có nhiều chuyển biến tích cực, các vấn đề tiêu cực trong thi cử đang từng bước được cải thiện. Các chế độ chính sách, lương giáo viên được quan tâm, cải thiện hơn nhiều.

Tuy nhiên, ông Hòa đánh giá, ngành giáo dục vẫn còn rất nhiều công việc “ngổn ngang”, với nhiều vấn đề nổi cộm đã tồn tại nhiều năm cần phải điều chỉnh như vấn đề dạy thêm học thêm, chuyện lạm thu, bạo lực học đường, bán sách theo kiểu “bia kèm lạc”,...

Bước sang năm mới 2024, Đại biểu Phạm Văn Hòa kỳ vọng ngành giáo dục sẽ tiếp tục nỗ lực hơn nữa, tiếp thu những góp ý của nhân dân và cử tri, khắc phục các điểm còn hạn chế.

Đại biểu Phạm Văn Hòa nhấn mạnh đến trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong việc ban hành thêm 1 bộ sách giáo khoa theo đúng quy định tại Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội.

Bên cạnh đó, vị đại biểu đề xuất cần sớm đưa dạy thêm học thêm vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện nhằm có căn cứ pháp lý đầy đủ để quản lý hoạt động này, đảm bảo chất lượng dạy thêm, quyền lợi của người học và thầy cô.

Hy vọng giáo dục nước nhà được thăng hoa như rồng bay

“Năm Giáp Thìn 2024 sắp đến, khát vọng giáo dục nước nhà được thăng hoa như Rồng bay là ước mong của mỗi người thầy giáo, cô giáo”.

Tham gia công tác giảng dạy đã gần 40 năm, chứng kiến ngành giáo dục khởi sắc qua từng thời kỳ, thầy Nguyễn Văn Lực (giáo viên Trường Trung học cơ sở Trịnh Phong, Diên Khánh, Khánh Hòa) bày tỏ niềm tin tưởng lạc quan vào sự tiến bộ của giáo dục nước nhà.

Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 thể hiện nỗ lực đổi mới căn bản, toàn diện của toàn ngành giáo dục. Khác với những chương trình giáo dục phổ thông trước đây chủ yếu chú trọng về kiến thức, chương trình phổ thông mới chú trọng giáo dục học sinh hình thành, phát triển các năng lực, phẩm chất cần thiết.

Qua quá trình học tập và giảng dạy, cả thầy cô giáo và học sinh đều nhận thấy nhiều điểm mới tiến bộ, hiện đại và phù hợp với thời đại mới”, thầy Lực bày tỏ.

Thầy Nguyễn Văn Lực - giáo viên Trường Trung học cơ sở Trịnh Phong (Khánh Hòa). Ảnh: NVCC

Thầy Nguyễn Văn Lực - giáo viên Trường Trung học cơ sở Trịnh Phong (Khánh Hòa). Ảnh: NVCC

Tuy nhiên, theo thầy Lực, công cuộc đổi mới giai đoạn đầu không tránh khỏi những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện như: chưa có giáo viên đáp ứng yêu cầu giảng dạy môn tích hợp; sách giáo khoa biên soạn môn tích hợp nhưng thực tế vẫn là những phân môn độc lập riêng biệt, tính tích hợp trong nội dung vẫn còn mờ nhạt; hai hoặc ba thầy cô giáo cùng dạy một quyển sách và cùng chấm một bài khi kiểm tra, phân chia thời khóa biểu,...tạo ra không ít bất cập.

Gửi gắm ước vọng về giáo dục năm 2024, thầy Lực đặc biệt hy vọng mô hình trường học hạnh phúc sẽ được nhân rộng, đem lại hạnh phúc cho thầy và trò; để không còn xảy ra tình trạng thầy cô xúc phạm thân thể danh dự nhân phẩm học sinh và cũng không còn việc bạo lực xảy ra trong học đường; để tinh thần “Tôn sư trọng đạo” vẫn là truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta, học sinh phải biết kính trọng, vâng lời thầy cô.

Theo thầy Lực, để hiện thực trường học hạnh phúc, vai trò dẫn dắt của người lãnh đạo đặc biệt quan trọng.

“Hiệu trưởng trên hết và trước hết phải là người thực sự có tâm, có tài, có tầm nhìn chiến lược, có những quyết sách nhanh và đúng. Hiệu trưởng phải là người lãnh đạo tốt, quản lý giỏi, người quản trị tài… thì giáo viên, học sinh mới được hạnh phúc. Còn ngược lại sẽ là "bất hạnh" cho giáo viên, cho học sinh”, vị giáo viên chia sẻ.

Bên cạnh đó, thầy Lực cũng mong muốn bước sang năm mới, đời sống thầy cô giáo sẽ được cải thiện:

“Có thực với vực được đạo” là điều không thể phủ nhận, nhất là với đạo làm thầy, đạo học của trò. Tất cả thầy cô đều mong muốn từ 1/7/2024, khi thực hiện thang bảng lương mới, trả lương theo vị trí việc làm thầy cô sẽ sống được bằng lương như mong ước lâu nay. Để thầy cô chuyên tâm giảng dạy không còn phải bận tâm chi phối ảnh hưởng, tác động của chuyện cơm áo gạo tiền, phải dạy thêm tràn lan, bán hàng online…”.

Doãn Nhàn