Những thành tựu quan trọng sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 29

15/12/2023 06:27
Nguyên Phương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW, giáo dục và đào tạo nước ta đã có những bước phát triển mạnh mẽ và đạt được nhiều thành tựu quan trọng.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có dự thảo báo cáo Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XI “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”.

Hoàn thành mục tiêu phổ cập giáo dục cho trẻ 5 tuổi

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW, giáo dục và đào tạo nước ta đã có những bước phát triển mạnh mẽ và đạt được nhiều thành tựu quan trọng, góp phần to lớn trong việc nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài; đóng góp quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế của đất nước.

Tỷ lệ huy động trẻ mẫu giáo đạt 93,1%. Ảnh minh hoạ: Phương Linh

Tỷ lệ huy động trẻ mẫu giáo đạt 93,1%. Ảnh minh hoạ: Phương Linh

Đối với giáo dục mầm non, sau 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW, giáo dục mầm non của nước ta đã có những bước phát triển về quy mô, chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ, về cơ bản, đã hoàn thành các mục tiêu đối với giáo dục mầm non, đặc biệt là mục tiêu hoàn thành phổ cập giáo dục cho trẻ 5 tuổi.

Hệ thống mạng lưới trường, lớp mầm non không ngừng được củng cố, mở rộng và phát triển đa dạng các loại hình, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu về giáo dục mầm non của người dân.

Cả nước hiện có 15.334 cơ sở giáo dục mầm non, với 19.398 điểm trường (tăng 1.207 cơ sở giáo dục mầm non hay 6,6% so với năm học 2013 - 2014), trong đó, có 3.224 cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập (chiếm tỷ lệ 21,1% và tăng 1.497 cơ sở giáo dục mầm non so với năm học 2013 - 2014), với quy mô 4.476.784 trẻ (tăng 249.737 trẻ hay 5,9% so với năm học 2013 - 2014); tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia tăng nhanh, năm học 2022 - 2023 đạt 55,4% (năm học 2013 - 2014 chỉ đạt 25,3%).

Tỷ lệ huy động trẻ em nhà trẻ và trẻ em mẫu giáo 3 - 4 tuổi, 4 - 5 tuổi tăng dần hằng năm. Tỷ lệ huy động trẻ nhà trẻ đạt 32,1% (tăng 7,7% so với năm học 2013 - 2014); tỷ lệ huy động trẻ mẫu giáo đạt 93,1% (tăng 6,0% so với năm học 2013 – 2014).

Các điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục mầm non dần được quy chuẩn và được đầu tư phát triển theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa. Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia đạt 56,9% (tăng 29,3% so với năm học 2013 - 2014).

Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục mầm non tăng mạnh về số lượng, chất lượng, từng bước đáp ứng được yêu cầu phát triển giáo dục mầm non.

Đến nay, cả nước có 378.381 giáo viên mầm non (tăng 96.914 giáo viên so với năm học 2013 - 2014). Trong đó, tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn trở lên đạt 87,3% (giảm 9,1% so với năm học 2013 - 2014); trên chuẩn đạt 65,1% (tăng 9,6% so với năm học 2013 - 2014).

Tỷ lệ giáo viên/lớp đạt 1,86 (tăng 0,26 so với năm học 2013 - 2014, tuy nhiên vẫn thấp hơn 0,34 so với quy định).

Năm 2017, 100% các tỉnh, thành phố trong cả nước hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi (chậm 02 năm so với mục tiêu đề ra); chất lượng phổ cập ngày càng được nâng cao góp phần chuẩn bị điều kiện sẵn sàng cho trẻ em 5 tuổi vào học lớp 1 và học tập tốt ở các cấp học tiếp theo. Đến nay, tỷ lệ huy động trẻ em mẫu giáo 5 tuổi đạt trên 99,7%; tỷ lệ trẻ em mẫu giáo 5 tuổi hoàn thành Chương trình Giáo dục mầm non duy trì trên 99,7%; tỷ lệ trẻ em mẫu giáo 5 tuổi được học 2 buổi/ngày hằng năm đã đạt 99,9%.

Tuy nhiên, mạng lưới trường lớp mầm non còn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển quy mô và nâng cao chất lượng giáo dục, nhất là tại các thành phố lớn, các khu vực có nhiều khu công nghiệp, khu đô thị, vùng dân tộc thiểu số, miền núi, vùng sông nước, hải đảo, biên giới. Tiếp cận giáo dục mầm non cho trẻ em, đặc biệt là trẻ em dân tộc thiểu số và trẻ khuyết tật còn hạn chế.

Chất lượng giáo dục đại trà và giáo dục mũi nhọn của học sinh phổ thông được cải thiện

Đối với giáo dục phổ thông, sau 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW, hệ thống cơ sở giáo dục phổ thông đã được quy hoạch, sắp xếp và đầu tư xây dựng đáp ứng tốt hơn nhu cầu học tập ngày càng cao của người dân.

Nhiều trường có quy mô nhỏ được sáp nhập thành các trường có quy mô lớn hơn, tạo thuận lợi cho đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng hoạt động dạy và học trong nhà trường.

Cả nước hiện có 25.467 cơ sở giáo dục phổ thông (giảm 3.510 cơ sở giáo dục phổ thông hay 16% so với năm học 2013 - 2014), với 18.152.991 học sinh (tăng 3.252.305 học sinh hay 21,8% so với năm học 2013 - 2014).

Hệ thống cơ sở vật chất, thiết bị dạy học tiếp tục được quan tâm đầu tư. Đến nay, tỷ lệ phòng học kiên cố đạt 87,42% (tăng khoảng 40% so với năm 2013 - 2014); tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia đạt 59,44% (tăng 21,37% so với năm 2013 - 2014).

Công tác phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở tiếp tục được quan tâm nhằm củng cố, duy trì đạt chuẩn phổ cập giáo dục và từng bước đạt chuẩn mức độ cao hơn.

Tỷ lệ huy động học sinh đi học đúng độ tuổi cấp tiểu học đạt 99,7% (tăng 3,5% so với năm học 2013 - 201422); học sinh hoàn thành Chương trình giáo dục tiểu học vào trung học cơ sở đạt 94,3%23; học sinh hoàn thành Chương trình giáo dục trung học cơ sở đạt 90,7%.

Tỷ lệ huy động học sinh đi học đúng độ tuổi cấp tiểu học đạt 99,7%. Ảnh minh hoạ: Phạm Minh

Tỷ lệ huy động học sinh đi học đúng độ tuổi cấp tiểu học đạt 99,7%. Ảnh minh hoạ: Phạm Minh

Năm 2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo chính thức công bố chương trình tổng thể và 27 chương trình môn học, hoạt động giáo dục trong chương trình giáo dục phổ thông mới.

Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 đã thay đổi tư duy và phương pháp giáo dục từ truyền thụ kiến thức sang định hướng phát triển toàn diện phẩm chất, năng lực học sinh; trong đó, xác định rõ 05 phẩm chất và 10 năng lực chủ yếu, cốt lõi cần phát triển đối với học sinh phổ thông.

Nội dung giáo dục được xây dựng theo hướng giảm tải khối lượng kiến thức, tăng cường thực hành, gắn với thực tiễn cuộc sống; hài hoà đức, trí, thể, mĩ; chú trọng vận dụng kiến thức, kỹ năng để giải quyết vấn đề trong học tập và đời sống; tích hợp cao ở các lớp học dưới, phân hoá dần ở các lớp học trên; khắc phục sự chồng lấn giữa các môn học; bảo đảm kết nối giữa các lớp học, cấp học, giữa các chương trình môn học; tổ chức giáo dục phát huy tính chủ động và tiềm năng của mỗi học sinh thông qua đa dạng hóa phương pháp, hình thức tổ chức hoạt động giáo dục.

Phương thức thi, kiểm tra đánh giá đã được chuyển dần từ kiểm tra kiến thức sang đánh giá năng lực, phẩm chất người học, đo lường sự tiến bộ của học sinh trong quá trình học tập và mức độ đáp ứng yêu cầu cần đạt của các môn học, hoạt động giáo dục, bảo đảm độ tin cậy, công bằng, khách quan.

Chất lượng giáo dục đại trà và giáo dục mũi nhọn của học sinh phổ thông ngày càng được cải thiện, nhất là việc phát triển năng lực tiếp cận tri thức mới, khả năng sáng tạo, tự học của học sinh.

Theo kết quả xếp hạng các quốc gia tốt nhất về giáo dục năm 2021 của Tạp chí USNEWS (Hoa Kỳ), Việt Nam xếp thứ 59 (tăng 5 bậc so với năm 2020).

Công tác giáo dục lý tưởng, giáo dục truyền thống, giáo dục đạo đức, giáo dục kỹ năng sống, giáo dục thể chất được quan tâm thực hiện góp phần giáo dục toàn diện cho học sinh.

Việc lựa chọn học nghề phổ thông đã chuyển dần theo hướng phù hợp với nhu cầu tự thân của học sinh, đáp ứng phần nào nhu cầu của thị trường lao động.

Dạy nghề phổ thông được đổi mới theo hướng tăng cường hoạt động thực hành, gắn với thực tiễn kinh tế - xã hội của địa phương.

Hệ thống cơ sở giáo dục kỹ thuật tổng hợp, hướng nghiệp, dạy nghề được đầu tư phát triển. Một số địa phương đã thử nghiệm các mô hình hướng nghiệp và tư vấn chọn nghề cho học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông góp phần thực hiện tốt công tác phân luồng học sinh (số lượng học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở và trung học phổ thông vào học nghề tăng từ 8% giai đoạn 2011 - 2015 lên 15% giai đoạn 2016 – 2020).

Mặc dù, chất lượng giáo dục phổ thông có nhiều chuyển biến tích cực nhưng vẫn chưa đồng đều giữa các địa phương, giữa khu vực nông thôn và thành thị, giữa các cấp học, giữa loại hình trường công lập và ngoài công lập; chưa đáp ứng tốt yêu cầu giáo dục toàn diện cũng như yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước; chưa hoàn thành mục tiêu thực hiện giáo dục bắt buộc 9 năm từ sau năm 2020.

Giáo dục hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau tốt nghiệp trung học cơ sở, trung học phổ thông hiệu quả chưa cao.

Tỷ lệ thanh niên trong độ tuổi đạt trình độ giáo dục trung học phổ thông và tương đương mới chỉ đạt 68,3%28 (chưa đạt so với mục tiêu đề ra là 80%).

Việc triển khai thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 còn gặp nhiều khó khăn, lúng túng. Nội dung kiến thức của một số môn học, bài học chưa thực sự được tinh giản, còn gây áp lực đối với học sinh. Việc tổ chức các môn học mới, các tổ hợp môn học, hoạt động giáo dục chưa đáp ứng đầy đủ mục tiêu, yêu cầu định hướng nghề nghiệp và nhu cầu của học sinh.

Nhiều cơ sở giáo dục đại học Việt Nam lọt bảng xếp hạng thế giới

Đối với giáo dục nghề nghiệp, đến nay, cả nước có 1.888 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó, có 1.205 cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập30 (chiếm 63,8%).

Giáo dục nghề nghiệp ngày càng thu hút nhiều người học có học lực tốt tham gia học nhất là những ngành, nghề mà thị trường lao động có nhu cầu lớn.

Ngành, nghề đào tạo được mở rộng dần, từng bước phù hợp với thực tế của doanh nghiệp và thị trường lao động ở từng địa phương, từng lĩnh vực; đào tạo nghề cho lao động nông thôn từng bước được đẩy mạnh.

Số lượng học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở và trung học phổ thông vào giáo dục nghề nghiệp ngày càng tăng từ 8% giai đoạn 2011 - 2015 lên 15% giai đoạn 2016 – 2020.

Đối với giáo dục đại học, trong 10 năm qua, giáo dục đại học đã có chuyển biến mạnh mẽ cả về chất lượng, hiệu quả và mức độ tiếp cận của người dân.

Mạng lưới cơ sở giáo dục đại học từng bước được củng cố và hoàn thiện, trong giai đoạn 5 năm trở lại đây đã cơ bản ổn định về quy mô và cơ cấu.

Chính sách, pháp luật về tự chủ đại học đã tạo ra những đổi mới căn bản và toàn diện về phương thức quản lý nhà nước, tổ chức và hoạt động của các cơ sở giáo dục đại học, phát huy dân chủ cơ sở, tăng cường huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực xã hội.

Các điều kiện bảo đảm và nâng cao chất lượng giáo dục đại học được đầu tư phát triển theo hướng chuẩn hóa, hiện đại và hội nhập quốc tế.

Giáo dục đại học đã có chuyển biến mạnh mẽ cả về chất lượng, hiệu quả và mức độ tiếp cận của người dân. Ảnh minh hoạ: Đại học Đà Nẵng

Giáo dục đại học đã có chuyển biến mạnh mẽ cả về chất lượng, hiệu quả và mức độ tiếp cận của người dân. Ảnh minh hoạ: Đại học Đà Nẵng

Đội ngũ giảng viên được quan tâm phát triển cả về số lượng và chất lượng; tỉ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ tăng nhanh.

Các chương trình đào tạo được đổi mới, phát triển đa dạng theo khung trình độ quốc gia và hội nhập quốc tế.

Cơ sở vật chất, công nghệ và dịch vụ hỗ trợ đào tạo, nghiên cứu được tăng cường; công tác bảo đảm chất lượng và kiểm định được chú trọng, số cơ sở giáo dục đại học cũng như số chương trình đào tạo được kiểm định trong nước và quốc tế tăng nhanh.

Quy mô đào tạo tăng hợp lý trong 10 năm qua, đạt xấp xỉ 2,1 triệu sinh viên đại học (tăng từ 186 lên 210 sinh viên trên một vạn dân) và 120 ngàn học viên sau đại học, bảo đảm số lượng và cơ cấu trình độ nhân lực phù hợp với quy hoạch phát triển nhân lực giai đoạn 2021 - 2020.

Cơ cấu đào tạo theo khu vực công - tư được điều chỉnh, tỉ trọng sinh viên khối ngoài công lập đã tăng từ 12,2% lên 20,3%.

Cơ cấu ngành đào tạo dịch chuyển tích cực, thích ứng nhanh với nhu cầu của thị trường lao động; số sinh viên các ngành kỹ thuật và công nghệ tăng khá, nhiều ngành mới được mở đáp ứng yêu cầu phát triển của khoa học, công nghệ và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Chất lượng sinh viên tốt nghiệp từng bước được cải thiện và đáp ứng tốt hơn yêu cầu của thị trường lao động, tỉ lệ sinh viên sau khi tốt nghiệp có việc làm duy trì ở mức cao, niềm tin của người học và xã hội vào chất lượng và hiệu quả đào tạo được củng cố.

Trong 10 năm qua, hệ thống cơ sở giáo dục đại học đã chú trọng phát triển năng lực nghiên cứu, khẳng định vai trò chủ chốt trong mạng lưới tổ chức khoa học và công nghệ quốc gia.

Số công bố khoa học có trong danh mục Scopus của toàn quốc tăng xấp xỉ 5 lần, trong đó các cơ sở giáo dục đại học đóng góp khoảng 85%. Nhờ những thành tích nghiên cứu, ngày càng có nhiều cơ sở giáo dục đại học Việt Nam lọt vào các bảng xếp hạng quốc tế có uy tín.

Đánh giá chung giai đoạn 2013 - 2022, hệ thống giáo dục đại học Việt Nam đã có bước tiến vượt bậc nhưng chưa đủ tầm bứt phá để thu hẹp khoảng cách so với các nước tiên tiến trong khu vực và thế giới.

Các chỉ số chính của hệ thống về quy mô đào tạo, nguồn lực đầu tư công và tư, năng lực đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất và công nghệ đều rất thấp.

Mạng lưới cơ sở giáo dục đại học chậm được quy hoạch, sắp xếp; một số cơ sở giáo dục đại học hoạt động kém hiệu quả, tiếp cận đại học ở một số vùng, địa phương còn khó khăn.

Cơ cấu ngành nghề, trình độ đào tạo và chất lượng đào tạo chưa theo kịp yêu cầu phát triển của nền kinh tế và nhu cầu của người học thế hệ mới; sự thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ cao trở thành điểm nghẽn lớn trong thu hút đầu tư và phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao.

Mặc dù số lượng tăng nhưng vị trí xếp hạng quốc tế của các cơ sở giáo dục đại học và của các lĩnh vực, ngành đào tạo không bền vững, có xu hướng giảm mạnh trong một vài năm gần đây.

Đối với giáo dục thường xuyên, trong 10 năm qua, hệ thống giáo dục thường xuyên từng bước được hoàn chỉnh, cơ bản đáp ứng yêu cầu của mọi đối tượng người học.

Đến nay, cả nước có 18.557 trung tâm giáo dục thường xuyên (tăng 6.858 trung tâm so với năm học 2013 - 2014).

Về cơ bản mỗi tỉnh, thành phố có ít nhất một trung tâm giáo dục thường xuyên, mỗi quận, huyện, thị xã có 1 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên và mỗi xã, phường, thị trấn có 1 trung tâm học tập cộng đồng, ngoài ra còn có mạng lưới các trung tâm khác thực hiện nhiệm vụ giáo dục thường xuyên.

Các hình thức học tập của giáo dục thường xuyên đa dạng, cơ bản tạo thuận lợi cho người dân được học tập, học tập suốt đời.

Đặc biệt, công tác đào tạo từ xa đã góp phần nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực, thực hiện bình đẳng trong giáo dục, tạo cơ hội cho người dân học tập suốt đời.

Đến nay, cả nước có 25 cơ sở giáo dục đại học mở chương trình đào tạo từ xa cấp bằng đại học (chiếm 10,4% số lượng cơ sở giáo dục đại học trong cả nước) với tổng số 178 chương trình.

Công tác xóa mù chữ đã được chú trọng triển khai thực hiện trên cả nước. Trung bình mỗi năm huy động được trên 30.000 người mù chữ từ 15 đến 60 tuổi tham gia các lớp xóa mù chữ, gần 22.000 người theo học chương trình giáo dục tiếp tục sau biết chữ.

Tuy vậy, việc huy động người mù chữ ra học các lớp xoá mù chữ và kết quả xoá mù chữ còn thấp và chưa bền vững, nhất là tại các vùng biên giới, vùng đông đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế, xã hội khó khăn.

Năng lực và trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ báo cáo viên, giáo viên tại các trung tâm học tập cộng đồng còn chưa đồng đều. Công tác khảo sát, điều tra, nắm bắt nhu cầu học tập của người dân còn chưa kịp thời, đầy đủ.

Việc việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học tại một số trung tâm học tập cộng đồng, trung giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên và việc huy động các nguồn lực xã hội tham gia xây dựng xã hội học tập còn hạn chế.

Nguyên Phương