Những giải pháp đáp ứng nhu cầu gửi trẻ của công nhân

14/04/2023 06:46
Mộc Trà
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Sở GD Bắc Ninh đề xuất có chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện để xây dựng và thành lập trường MN tư thục, CSMN độc lập ở khu vực có KCN, cụm công nghiệp.

Phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam có cuộc trao đổi với bà Lương Thị Biển - Trưởng phòng Giáo dục mầm non (Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Ninh) chia sẻ về hiệu quả của các chính sách hỗ trợ đối với các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập có trẻ là con công nhân, người lao động trong khu công nghiệp theo học.

Phóng viên: Thưa bà, tại Bắc Ninh, nhu cầu gửi trẻ của công nhân tại các khu công nghiệp, khu chế xuất hiện nay là bao nhiêu và trong đó, giáo dục công lập đáp ứng được ở mức nào?

Bà Lương Thị Biển: Với tốc độ phát triển các khu, cụm công nghiệp, giai đoạn 2015 -2022, Bắc Ninh đã thu hút số lượng lớn cư dân ngoại tỉnh, ngoại quốc đến sinh sống và làm việc. Điều này khiến dân số cơ học trong tỉnh tăng lên nhanh chóng và đã kéo theo số học sinh các cấp tăng nhanh, từ cấp mầm non đến tiểu học.

Theo số liệu tính đến thời điểm học kỳ I, năm học 2022-2023, toàn tỉnh có 177 trường mầm non (155 trường công lập, 22 trường tư thục) và 197 cơ sở mầm non độc lập; huy động 40% trẻ trong độ tuổi nhà trẻ, 99,98% trẻ trong độ tuổi mẫu giáo, trong đó tỉ lệ trong các cơ sở ngoài công lập ở nhà trẻ chiếm 34,34%; ở mẫu giáo chiếm 15,4% (số trẻ côn công nhân chiếm 18% ở nhà trẻ và 24,7% ở mẫu giáo).

Bà Lương Thị Biển - Trưởng phòng Giáo dục mầm non (Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Ninh). Ảnh: Mộc Trà.

Bà Lương Thị Biển - Trưởng phòng Giáo dục mầm non (Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Ninh). Ảnh: Mộc Trà.

Phóng viên: Để khuyến khích, hỗ trợ các trường mầm non tư thục, nhóm trẻ độc lập ở khu công nghiệp, khu chế xuất, địa phương đã có những chính sách và ưu đãi gì?

Bà Lương Thị Biển: Để khuyến khích, hỗ trợ các trường mầm non tư thục, nhóm trẻ độc lập ở khu công nghiệp, khu chế xuất, Hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 149/2018/NQ-HĐND ngày 06/12/2018 về việc Quy định một số chế độ, chính sách hỗ trợ phát triển giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông ngoài công lập trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2018-2025.

Trong đó, có các chính sách như cho thuê đất và miễn tiền thuê đất; hỗ trợ lãi suất vay ngân hàng; hỗ đầu tư mua sắm trang thiết bị, đồ dùng dạy học; hỗ trợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp; hỗ trợ học phí cho trẻ, học sinh học tại các cơ sở giáo dục ngoài công lập trong khu công nghiệp, giáp ranh khu công nghiệp và trẻ, học sinh học tại cơ sở giáo dục chuyên biệt trên địa bàn tỉnh.

Ngày 16/7/2021, Hội đồng nhân dân tỉnh tiếp tục ban hành Nghị quyết số 05/2021/NQ-HĐND về việc sửa đổi, bổ sung một số Điều của Nghị quyết số 149/2018/NQ-HĐND ngày 06/12/2018, trong đó bổ sung chính sách hỗ trợ học phí cho trẻ là con công nhân làm trong các khu công nghiệp với mức 160.000 đồng/tháng/trẻ; hỗ trợ giáo viên đang làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập ở địa bàn khu công nghiệp, giáp ranh khu công nghiệp, cụm công nghiệp, trực tiếp chăm sóc, giáo dục trẻ tại nhóm trẻ, lớp mẫu giáo có từ 30% trẻ em trở lên là con công nhân, người lao động đang làm việc tại khu công nghiệp và cụm công nghiệp được hỗ trợ 800.000 đồng/tháng.

Giờ Âm nhạc tại Trường Mầm non Phương Anh (thành phố Bắc Ninh). Ảnh: Mộc Trà.

Giờ Âm nhạc tại Trường Mầm non Phương Anh (thành phố Bắc Ninh). Ảnh: Mộc Trà.

Ngoài những chính sách trên, trong 2 năm qua, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 kéo dài, tỉnh Bắc Ninh đã ban hành Nghị quyết số 09/2021/NQ-HĐND ngày 29/9/2021 và Nghị quyết số 185/2022/NQ-HĐND ngày 09/12/2022 về hỗ trợ học phí cho trẻ mầm non, học sinh phổ thông trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh, trong đó trẻ em học trong các trường công lập được hỗ trợ đóng học phí, trẻ em trong các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông ngoài công lập được hỗ trợ bằng mức thu học phí các cơ sở giáo dục công lập trên cùng địa bàn.

Ngoài ra, Nghị quyết số 64/2017/NQ-HĐND ngày 12/7/2017 của Hội đồng nhân dân tỉnh; Quyết định số 365/2017/QĐ-UBND ngày 26/7/2017 về việc phê duyệt Kế hoạch thực hiện Chương trình “Sữa học đường” trong các cơ sở giáo dục mầm non và các trường tiểu học trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017-2020; Nghị quyết số 05/2020/NQ-HĐND ngày 07/7/2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh; Quyết định số 345/QĐ-UBND ngày 06/8/2020 về việc phê duyệt Kế hoạch thực hiện Chương trình “Sữa học đường” trong các cơ sở giáo dục mầm non và giáo dục tiểu học trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020-2025, trong đó có trẻ em là con công nhân các khu công nghiệp trong các trường mầm non, các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập có từ 30 trẻ trở lên thụ hưởng.

Phóng viên: Xin bà cho biết hiệu quả của các chính sách hỗ trợ trên, tính đến thời điểm hiện tại?

Bà Lương Thị Biển: Kết quả hỗ trợ từ năm 2019 đến nay trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh như sau: Hỗ trợ trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho 135 cơ sở giáo dục mầm non, với tổng kinh phí trên 33,7 tỷ đồng (16 trường mầm non tư thục và 119 nhóm lớp độc lập).

Bên cạnh đó, hỗ trợ vay lãi suất ngân hàng 6,5%/năm cho 02 trường mầm non.

Về hỗ trợ chế độ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, đã hỗ trợ được 18 cơ sở, 137 giáo viên.

Đối với hỗ trợ học phí cho trẻ là con công nhân, Bắc Ninh đã triển khai hỗ trợ được 58 cơ sở, với 2.008 trẻ mầm non.

Hằng năm, Bắc Ninh vẫn tiếp tục duy trì việc hỗ trợ trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập theo quy định của Nghị quyết 149/2018/NQ-HĐND và Nghị quyết số 05/2021/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh để nâng cao chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ trong các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập, khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Một giờ học Tiếng Anh tại cơ sở Mầm non Dongsim Kindergarten (thành phố Bắc Ninh). Ảnh: Mộc Trà.
Một giờ học Tiếng Anh tại cơ sở Mầm non Dongsim Kindergarten (thành phố Bắc Ninh). Ảnh: Mộc Trà.

Phóng viên: Những khó khăn, vướng mắc gặp phải trong triển khai hỗ trợ đối với các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập, đối với giáo viên và người học là gì, thưa bà?

Bà Lương Thị Biển: Một trong những khó khăn trong công tác triển khai hỗ trợ do nhiều cơ sở không ổn định (thay đổi địa điểm hoạt động vì chủ yếu cơ sở vật chất là do thuê mượn, thay đổi chủ cơ sở, thay đổi giáo viên, quy mô...), khi có sự thay đổi như vậy sẽ gặp khó khăn trong thủ tục xác minh hoặc phải làm lại thủ tục hỗ trợ từ đầu.

Bên cạnh đó, nhiều cha mẹ trẻ không có thời gian hoặc ngại không lấy xác nhận của đơn vị đang làm việc (đây là thủ tục bắt buộc khi thực hiện việc hỗ trợ) nên không có cơ sở để hỗ trợ.

Ngoài ra, một số cha mẹ trẻ thay đổi nơi làm việc nên khi được hỗ trợ, chủ cơ sở không tìm được để chi trả chế độ, dẫn đến phải trả lại ngân sách...

Hằng năm, Bắc Ninh vẫn tiếp tục duy trì việc hỗ trợ trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập. Ảnh: Mộc Trà.

Hằng năm, Bắc Ninh vẫn tiếp tục duy trì việc hỗ trợ trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập. Ảnh: Mộc Trà.

Phóng viên: Hiện tại, nhiều dự án khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh đang được triển khai, dự báo nhu cầu lực lượng lao động trong các khu công nghiệp sẽ tăng cao trong giai đoạn tới. Đối với Bắc Ninh, về phía Sở Giáo dục và Đào tạo, đã có kế hoạch chuẩn bị như thế nào để đáp ứng đủ chỗ học cho con của công nhân, người lao động tại các khu công nghiệp này?

Bà Lương Thị Biển: Sở Giáo dục và Đào tạo đã tham mưu với Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, các địa phương phối hợp triển khai các chính sách theo quy định; tạo điều kiện cho các công ty, doanh nghiệp về cơ chế, chính sách (đất đai, vay vốn, hỗ trợ các thủ tục...) để xây dựng và thành lập trường mầm non tư thục, cơ sở mầm non độc lập ở những huyện, thành phố có khu công nghiệp, cụm công nghiệp, đáp ứng nhu cầu gửi con của nhân dân, công nhân làm việc trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp khi dân số tự nhiên và cơ học của tỉnh hàng năm đều tăng mạnh.

Đồng thời, Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố, tích cực huy động sự hỗ trợ kinh phí của các tổ chức, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm để tạo điều kiện cho việc duy trì hoạt động và nâng cao chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ của các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập, đặc biệt là các nhóm, lớp mầm non độc lập gần khu công nghiệp, cụm công nghiệp.

Bên cạnh đó, Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan căn cứ tình hình thực tiễn tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh kịp thời ban hành những chính sách đầu tư hỗ trợ để phát triển mạng lưới trường, lớp mầm non ngoài công lập, khu công nghiệp.

Bữa trưa của học sinh tại cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập. Ảnh: Mộc Trà.

Bữa trưa của học sinh tại cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập. Ảnh: Mộc Trà.

Cùng với phát triển mạng lưới trường, lớp tại các khu công nghiệp, việc kiểm tra, giám sát chất lượng giáo dục trẻ tại các cơ sở mầm non, nhất là các cơ sở mầm non độc lập trên địa bàn tỉnh cũng được ngành đặc biệt chú trọng.

Qua đó, ngành giáo dục và đào tạo sớm biện pháp xử lý đối với những cơ sở giáo dục mầm non không đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định và đề xuất các giải pháp hỗ trợ để các cơ sở giáo dục mầm non hoàn thiện các điều kiện để đảm bảo an toàn trẻ và đáp ứng các yêu cầu chăm sóc, giáo dục trẻ...

Trân trọng cảm ơn bà!

Mộc Trà