Nguy cơ phá vỡ quy hoạch
Nếu như những người dân ở vùng Tiểu vương quốc Ả Rập họ đang sống giữa hoang mạc 3 - 4 năm mới có một trận mưa.
Để trồng được một cây xanh có thể sống được ở đó, người ta phải có chế độ chăm sóc như chăm sóc một con người, thế mà giữa đất trời trên dưới 40°C ấy người dân nơi đây đã biến nó thành một trung tâm thương mại lớn của thế giới; người dân các nước hàng ngày đổ xô về đây để tiêu tiền giữa cái nóng khủng khiếp…
Nếu như người dân nơi đây đến đảo Phú Quốc dù chỉ một lần thì chắc chắn họ sẽ mơ ước có một phần những điều kiện thiên nhiên thuận lợi như đảo của chúng ta và họ sẽ biến nơi đây thành thiên đường của thế giới.
Đảo Phú Quốc được Đảng và Chính phủ quan tâm, đã và đang khơi dậy sức sống tiềm năng của vùng đất này; chính vì vậy ngày 15/5/2010 Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 633/QĐ-TTG Quyết định phê duyệt quy hoạch chung xây dựng đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang đến năm 2030 và Quyết định phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung đảo đến năm 2030, bằng Quyết định số 888/QĐ-TTG ngày 17/6/2015.
Trong các Quyết định này đã xác định: “Đảo Phú Quốc là Khu kinh tế - Hành chính đặc biệt; Trung tâm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí cao cấp Quốc gia và quốc tế; Trung tâm tài chính tầm cỡ khu vực”.
Từ đó tới nay hòn đảo này đã thay đổi từng ngày; hệ thống giao thông của đảo được xây dựng nối từ bắc xuống nam, những khu khách sạn, resort cao cấp, các khu vui chơi giải trí được xây dựng, vườn chăn thả động vật hoang dã… Tất cả đã làm cho hòn đảo bừng sáng, thu hút thập khách du lịch bốn phương và khách du lịch Quốc tế.
Với các chính sách khuyến khích đầu tư của Chính phủ hàng trăm nhà đầu tư đã ra đảo, nhiều dự án đầu tư được xây dựng, cả đảo đang trở thành một đại công trường xây dựng.
Nhưng, trong sự phát triển đó cũng còn nhiều vấn đề được các cơ quan quản lý quan tâm, chấn chỉnh và khắc phục.
Hiện nay với hơn 230 dự án đầu tư đã được phê duyệt, trong đó không thiếu tình trạng dự án chồng dự án gây khó khăn, ách tắc cho các nhà đầu tư gây khiếu kiện phức tạp.
Đặc biệt tình trạng xây dựng không phép và sai phép đang diễn ra phổ biến đây là nguy cơ phá vỡ quy hoạch. Có thể dẫn ra một số điển hình trên một địa bàn hẹp mà phóng viên Báo Xây dựng ghi nhận ngay trong một buổi sáng như sau:
Tại khu vực xã Dương Tơ, trên mặt đường Trần Hưng Đạo một công trình đồ sộ đang xây dựng 2 tầng lấn chiếm hành lang biển, đặc biệt là án ngữ hành lang bảo vệ an toàn bay.
Công trình được che chắn không cho người vào, không có biển báo công trình tại công trường, vì vậy không biết đó là công trình gì, ai là Chủ đầu tư… vi phạm Điều 109 Luật xây dựng.
Bất chợt chúng tôi thấy một chiếc máy bay đang hạ cánh, nhìn từ xa tưởng như lao vào công trình, điều đó tạo ra sự hoảng sợ. Nếu ai đó đã nhìn cảnh tượng này thì rất có thể sẽ không dám bay những chuyến bay ra “Đảo Ngọc”.
Dự án đang thi công tại đảo Phú Quốc. |
Chưa hết, đối diện với công trình này là hàng loạt các công trình khác đang phá dỡ, xây dựng lại và cũng tương tự như công trình trên vi phạm nghiêm trọng đến an toàn hành lang an toàn bay.
Ngổn ngang những căn nhà xây dựng không phép. |
Về vấn đề này, nhiều cơ quan truyền thông cũng lên tiếng, nhân dân trên đảo bất bình từ nhiều tháng nay, nhưng công trình vẫn ngang nhiên xây dựng như nơi không có luật pháp?
Điều đáng nói là công trình mọc “sừng sững” trên hành lang an toàn bay dẫn đến nhiều nguy cơ xảy ra thảm họa khôn lường, vì vậy không thể không xử lý nghiêm minh theo pháp luật, để đảm bảo an toàn cho những chuyến bay ra đảo.
Phế tích đền ơn đáp nghĩa
Cũng trên mặt đường Trần Hưng Đạo cách Ủy ban nhân dân xã Dương Tơ khoảng 500m, tượng đài kỷ niệm Tổ quốc ghi công các Anh hùng Liệt sỹ đã hy sinh vì hòn đảo, vì đất nước để có “Đảo Ngọc” ngày hôm nay trông như một phế tích bỏ hoang; cỏ dại mọc um tùm và là nơi đổ chất thải của dân xung quanh.
Nhìn cảnh tượng này ai cũng thấy đau lòng bởi đây là sự “đền ơn đáp nghĩa” hay là “vô ơn bạc nghĩa”.
Máu của bao Anh hùng đã đổ xuống trên mảnh đất này chẳng nhẽ lại có những nhà lãnh đạo trên đảo vô tâm, vô cảm và nhơn nhơn trước những cảnh tượng này sao?
Hoang tàn đài tưởng niệm Liệt sỹ. |
Chưa hết, ngay bên cạnh đài tưởng niệm, ai đó đang đào xới để lấy đất bán hoặc chuẩn bị xây dựng một công trình gì đó.
Họ đào phá, khoét sâu xung quanh tượng đài gây nguy cơ tượng đài có thể sụp đổ bất cứ lúc nào.
Nhân dân trên đảo cũng lên tiếng và bất bình việc làm này nhưng tất cả đã rơi vào im lặng. Trách nhiệm này thuộc về ai?
Bia ghi tên tưởng niệm các Anh hùng Liệt sỹ sắp sập đổ. |
Khoét đá quanh đài tưởng niệm Liệt sỹ. |
Rừng phòng hộ đang bị tàn phá…
Tại khu vực thị trấn An Thới huyện Phú Quốc trong phạm vi hơn 16 ha rừng mà Công ty Trách nhiệm hữu hạn Nhiệt Đới đang xin nhận khoán, bảo vệ, thì nhiều ha rừng tự nhiên bị tàn phá một cách nghiêm trọng.
Ai đó đang tiến hành khai thác cát ở khu vực này, việc làm đó có thể sẽ phá đi nhiều ha rừng, nhưng chính quyền vẫn chưa có một động thái nào để bảo vệ.
Ở một số nơi khác cũng tương tự như vậy, rừng bị tàn phá nhiều nơi, tình trạng này nếu không xử lý một cách nghiêm minh thì du lịch sinh thái trên “Đảo Ngọc” và 37.802 ha rừng phòng hộ và rừng bảo vệ cũng sẽ không còn như Quy hoạch được Thủ tướng phê duyệt.
Những bãi cát bí ẩn. |
Rừng phòng hộ bị chặt phá. |
Câu hỏi này phải được trả lời trước nhân dân, trách nhiệm thuộc về tổ chức, cá nhân nào? Câu chuyện được nhiều báo chí quan tâm trong thời gian dài nhưng tất cả vẫn rơi vào im lặng và tất cả vẫn đang diễn ra. Những hành vi nêu trên đang phá vỡ Quy hoạch mà Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Nguy hại hơn là công trình không phép có nguy cơ gây tiềm ẩn mất an toàn cho những chuyến bay của sân bay Quốc tế Phú Quốc cần phải được xử lý nghiêm minh theo quy định.
Ngoài trách nhiệm của chính quyền xã, chính quyền huyện đảo còn có trách nhiệm của Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang, Sở Xây dựng, Sở Nông nghiệp Phát triển Nông thôn.
Những cơ quan này cần sớm vào cuộc, kiểm tra và xử lý công trình xây dựng không phép, tình trạng phá rừng trên đảo để đảm bảo cho “Đảo Ngọc” phát triển theo đúng quy hoạch.