Những cái chết tức tưởi từ “rác độc” trên mạng xã hội

20/11/2020 06:19
Phạm Minh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nhiều video nội dung phản cảm, tiêu cực, bạo lực trên mạng xã hội ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tâm lý, sự hình thành nhân cách của trẻ.

Những sản phẩm trên mạng xã hội được xem là món ăn tinh thần không thể thiếu trong cuộc sống hiện đại. Thế nhưng, khi tất cả mọi người tự do đăng tải sản phẩm mà không có sự kiểm duyệt thì chắc chắn sẽ xuất hiện những “món ăn” độc hại.

Hiện nay, nhiều sản phẩm mang tính chất bạo lực, phản cảm được đăng tải tràn lan trên mạng xã hội đã gây ra những hậu quả nghiêm trọng.

Theo thông tin từ Báo Tuổi trẻ ngày 16/10, một bé gái 5 tuổi (quận Tân Phú, Thành phố Hồ Chí Minh) tử vong vì đã dùng vải voan treo cổ trong phòng ngủ theo trò chơi trên YouTube. Câu chuyện đau lòng ấy khiến mọi người bất ngờ, sửng sốt và gióng lên hồi chuông cảnh báo về vấn đề an toàn mạng xã hội.

Sau đó không lâu, Báo điện tử VTV ngày 30/10 đã thông tin thêm vụ việc một bé gái 9 tuổi (Cẩm Khê, Phú Thọ) phải nhập viện cấp cứu vì học theo clip trên Youtube và nuốt chiếc bấm móng tay dài 6cm, rộng 1,6cm vào bụng.

Hình ảnh chiếc bấm móng tay mà bé gái nuốt vào bụng do học theo video trên mạng (Ảnh: Báo điện tử VTV)

Hình ảnh chiếc bấm móng tay mà bé gái nuốt vào bụng do học theo video trên mạng (Ảnh: Báo điện tử VTV)

Thông tin từ báo Phụ nữ Việt Nam ngày 06/11 cho biết, trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Quốc hội, Đại biểu Ngàn Phương Loan (đoàn Lạng Sơn) đã nêu lên thực trạng đáng báo động về những video nội dung độc hại, nhảm nhí… tràn lan trên mạng gây ảnh hưởng xấu đến tâm lý, tính mạng trẻ em.

Điều đó đã cho thấy mối lo chung của toàn xã hội đối với những văn hóa phẩm thiếu lành mạnh, độc hại trên không gian mạng.

Nội dung ảo, hậu quả thật

Chia sẻ vấn đề này với phóng viên Tạp chí giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thành Nam - Thành viên Hiệp hội Tâm lý và Giáo dục Việt Nam - Chủ nhiệm khoa Các Khoa học Giáo dục, Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) nhấn mạnh: Rác văn hóa, những nội dung clip phản cảm, tiêu cực chưa được kiểm duyệt trên mạng xã hội có thể gây ra hậu quả khôn lường. Thế giới ảo, nội dung ảo nhưng hệ lụy là có thật.

Tiến sĩ Trần Thành Nam khẳng định nhận thức về an toàn mạng xã hội của người lớn còn hạn chế (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Tiến sĩ Trần Thành Nam khẳng định nhận thức về an toàn mạng xã hội của người lớn còn hạn chế (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Theo Tiến sĩ Nam, trách nhiệm đầu tiên thuộc về người lớn, và chúng ta cần phải đặt dấu chấm hỏi về vai trò, trách nhiệm của cha mẹ đối với con trẻ.

Trẻ em, đặc biệt các bé từ 3 - 5 tuổi chưa có khả năng phân biệt thế giới ảo, thế giới thực, chưa thể nhận thức đúng, sai nên rất cần sự giáo dục, định hướng của người lớn.

Dưới góc nhìn của một chuyên gia tâm lý, thầy Nam phân tích: “Đặc điểm tâm lý của trẻ em là có xu hướng khám phá thế giới. Cách thức học của các em chủ yếu là bắt chước và làm theo. Những người gần bên các em có lời nói, hành vi như thế nào thì chúng sẽ có ấn tượng sâu sắc, ghi nhớ hình ảnh ấy và bắt chước lại nhiều lần”.

Chính vì vậy, khi một đứa trẻ vô tình tiếp xúc với những hành vi mang tính chất bạo lực, những hành động phản văn hóa, tiêu cực thì trẻ sẽ tiếp nhận và bắt chước một cách tự nhiên.

Bên cạnh đó, Tiến sĩ Trần Thành Nam cho rằng nguyên nhân của những câu chuyện đau lòng trên còn do sự hạn chế về nhận thức an toàn mạng xã hội của người lớn.

“Bản thân bố mẹ vẫn chưa nhận thức được những mối nguy hiểm trên mạng xã hội. Nhiều người vô tư để lộ thông tin, hình ảnh con mình mà không suy nghĩ đến những hệ lụy phía sau. Như vậy, người lớn làm sao bảo vệ được con trẻ trước những góc tối của thế giới ảo”, thầy Nam khẳng định.

Tiến sĩ Trần Thành Nam cho biết: “Những hành vi bạo lực, phản cảm mà trẻ nhìn thấy trên mạng xã hội có thể khiến các con bất an, tạo nỗi lo sợ thường trực”.

Có thể thấy, những góc tối của mạng xã hội sẽ làm thay đổi thói quen, hành vi, thay đổi cả thế giới quan, nhân sinh quan của một đứa trẻ. Cuối cùng, hậu quả nghiêm trọng nhất mà chúng ta đã có bài học từ thực tế đó là những video hàng ngàn, hàng triệu lượt view với nội dung độc hại có thể cướp đi tính mạng của trẻ.

Ngoài ra, theo các chuyên gia, việc bố mẹ cho trẻ sử dụng điện thoại quá nhiều, tiếp xúc với những văn hóa phẩm độc hại còn có thể khiến trẻ rối loạn tư duy ngôn ngữ, làm hạn chế hoặc làm mất nhu cầu giao tiếp của trẻ.

Trẻ phải chịu sang chấn tâm lý, hình thành thái độ tiêu cực, cực đoan, ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động học tập, vui chơi, cuộc sống của trẻ.

"Trẻ con đang độ tuổi học ăn học nói, nếu ngày ngày tiếp nhận những khuôn mẫu lời nói phản cảm thì nó trở thành nhận thức của các em, các em bắt chước và nói theo", thầy Nam cho hay.

Thạc sĩ Nguyễn Lệ Thủy nhấn mạnh mối nguy hiểm từ những nội dung phản cảm, tiêu cực trên mạng xã hội. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Thạc sĩ Nguyễn Lệ Thủy nhấn mạnh mối nguy hiểm từ những nội dung phản cảm, tiêu cực trên mạng xã hội. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Bàn về tác động của mạng xã hội đối với trẻ em, Thạc sĩ Nguyễn Lệ Thủy - Chuyên gia giáo dục kỹ năng Báo Thiếu niên tiền phong và Nhi đồng nhận định: “Phụ huynh hiện nay chưa biết cách giáo dục, định hướng, quản lý các con sử dụng Internet”.

Nhiều bố mẹ đã thỏa hiệp với con từ khi còn bé bằng cách cho con sử dụng điện thoại để đáp ứng được những mong muốn của mình. Điều này khiến trẻ trở nên lạm dụng thiết bị điện tử và có nguy cơ cao tiếp xúc với những sản phẩm thiếu lành mạnh trên mạng xã hội.

Theo cô Thủy, nhiều phụ huynh đã lầm tưởng rằng kênh Youtube dành cho trẻ em là hoàn toàn lành mạnh. Nhưng thực tế có rất nhiều những nội dung clip độc hại đang len lỏi trong thế giới ảo.

Và quả thực, những nội dung ảo lại gây ra những hậu quả thật với tính chất nghiêm trọng.

Thứ nhất, những văn hóa phẩm độc hại từ thế giới ảo sẽ hình thành nên thói quen, hành vi không phù hợp, thiếu chuẩn mực đối với trẻ con.

Thứ hai, nội dung phản cảm, bạo lực từ các video trên mạng xã hội sẽ ảnh hưởng, tác động sâu sắc tới tâm lý, hành vi, nhận thức, nhân cách của trẻ.

Theo Thạc sĩ Nguyễn Lệ Thủy, có hai xu hướng xảy ra khi trẻ tiếp xúc với nội dung tiêu cực, một là xu hướng bạo lực, hai là xu hướng tâm lý sợ hãi, nhút nhát.

“Bạo lực học đường hiện nay cũng liên quan đến câu chuyện tiếp thu nội dung tiêu cực trên mạng. Mạng xã hội có thể hình thành xu hướng bạo lực đối với trẻ”, cô Thủy phân tích.

Nâng cao nhận thức về an toàn mạng xã hội

Theo Tiến sĩ Trần Thành Nam, thế hệ ông bà, bố mẹ và cả các thầy cô giáo đang bị hạn chế về nhận thức, kỹ năng sử dụng mạng xã hội an toàn. Chính vì vậy, giải pháp đầu tiên là phải năng cao nhận thức của toàn xã hội về vấn đề này.

Thầy Nam khẳng định: “Đầu tiên, cần phải trang bị kiến thức cho đối tượng là bố mẹ, thầy cô, xây dựng chương trình giáo dục an toàn mạng xã hội cho người lớn, giúp họ có nhận thức về bất cập, mối nguy hiểm của mạng xã hội và ý thức sâu sắc về trách nhiệm của mình”.

Các chương trình giáo dục này đồng thời phải được đưa vào trường học, có những tình huống phù hợp với hoàn cảnh trong gia đình để bố mẹ hiểu, tự giáo dục mình và biết cách bảo vệ con.

Tiến sĩ Trần Thành Nam cũng nêu lên sự cần thiết của hoạt động quản lý thông tin trên mạng xã hội. Một cơ chế quản lý chặt chẽ sẽ giúp việc kiểm duyệt, sàng lọc và loại bỏ những sản phẩm độc hại trên youtube, mạng xã hội.

Việc xây dựng bộ quy tắc chung trong cộng đồng, tuyên truyền, giáo dục sâu rộng cho toàn xã hội, xây dựng ý thức của mọi người cũng là những giải pháp cấp thiết hiện nay.

Còn theo quan điểm của Thạc sĩ Nguyễn Lệ Thủy, bố mẹ có vai trò vô cùng quan trọng trong việc bảo vệ con khỏi “rác độc” trên không gian mạng, vì đó là những ngườiđặt nền móng giáo dục đầu tiên trong cuộc đời con trẻ.

Phụ huynh phải có kiến thức về kỹ năng sử dụng mạng xã hội an toàn để giáo dục con nhận biết, loại bỏ nội dung độc hại trên thế giới ảo, giúp các con hình thành thói quen tích cực khi sử dụng internet, tuyệt đối không để con lạm dụng, sử dụng điện thoại quá nhiều.

Theo cô Thủy, nếu phát hiện con theo dõi nội dung tiêu cực trên mạng xã hội, phụ huynh không nên có những thái độ cứng nhắc, cực đoan mà phải từng bước giáo dục con, giúp con thoát khỏi thế giới ảo bằng tình cảm yêu thương, sự gần gũi, sẻ chia, giúp con hòa nhập với những hoạt động vui vẻ, tích cực trong cộng đồng.

Phạm Minh