Nhờ có Quỹ hỗ trợ không lãi suất, SV không còn thấp thỏm lo nghỉ học giữa chừng

02/10/2024 06:21
Hồng Linh
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Trường ĐH Ngoại ngữ - Tin học TP HCM triển khai Quỹ hỗ trợ sinh viên, cho người học mượn tiền không lãi suất để thanh toán học phí và được xin tái hỗ trợ.

Tại Kết luận số 91-KL/TW của Bộ Chính trị tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW đã nhấn mạnh nhiều nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới. Một trong những nội dung được đề cập là: "Hoàn thiện chính sách hỗ trợ người học từ ngân sách Nhà nước thông qua cấp học bổng hoặc hỗ trợ miễn giảm học phí đối với các ngành, nghề Nhà nước cần ưu tiên phát triển ở các trình độ đào tạo, mở rộng đối tượng và nâng mức ưu đãi cho vay tín dụng".

Không ít các cơ sở giáo dục đã và đang tiếp tục thực hiện, mở rộng các chính sách hỗ trợ sinh viên, tạo điều kiện cho người học tiếp cận giáo dục mà không bị áp lực về kinh tế.

Nhà trường sẵn sàng sẻ chia với người học thông qua Quỹ hỗ trợ sinh viên trị giá 13 tỷ đồng

Được biết, trong năm học mới 2024 - 2025, Trường Đại học Ngoại ngữ - Tin học Thành phố Hồ Chí Minh triển khai Quỹ hỗ trợ sinh viên trị giá 13 tỷ đồng nhằm giúp sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được xem xét mượn tiền không lãi suất để trang trải học phí, giảm bớt gánh nặng tài chính và an tâm học tập.

Trao đổi với Phóng viên Tạp chí điện tử giáo dục Việt Nam, Thạc sĩ Phạm Thị Thanh Uyên, Phó chủ tịch Hội đồng trường, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại ngữ - Tin học Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: “Quỹ hỗ trợ sinh viên được thành lập và chính thức đưa vào hoạt động từ năm học 2024 – 2025, xuất phát từ tâm huyết của những người sáng lập trường.

Đó là xây dựng nên một trường đại học chất lượng để bất kì sinh viên nào cũng có thể theo học. Bên cạnh Quỹ hỗ trợ sinh viên, Trường Đại học Ngoại ngữ - Tin học Thành phố Hồ Chí Minh cũng triển khai nhiều chính sách hỗ trợ người học khác.

Nhà trường luôn quan tâm và đồng hành cùng sinh viên, sẵn sàng hỗ trợ, sẻ chia để phần nào giúp sinh viên có thêm động lực hoàn thành giấc mơ đại học của mình”.

cô Uyên.jpg
Thạc sĩ Phạm Thị Thanh Uyên, Phó chủ tịch Hội đồng trường, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại ngữ - Tin học Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: NTCC

Được biết, Trường Đại học Ngoại ngữ - Tin học Thành phố Hồ Chí Minh cho sinh viên mượn tiền để thanh toán học phí bằng hình thức chuyển khoản. Các khoản mượn sẽ được Phòng Kế hoạch – Tài chính tiến hành thủ tục giải ngân theo quy định của Nhà trường và pháp luật.

Định mức mượn tiền từ quỹ sẽ được xem xét dựa vào kết quả học tập của sinh viên.

Ví dụ, sinh viên có kết quả học tập xuất sắc được hỗ trợ mượn tối đa 50% học phí/học kỳ; Sinh viên có kết quả học tập giỏi được hỗ trợ mượn tối đa 40% học phí/học kỳ; Sinh viên có kết quả học tập khá được hỗ trợ mượn tối đa 30% học phí/học kỳ; Sinh viên năm nhất được hỗ trợ mượn định mức không quá 10 triệu đồng đồng/học kỳ (tương đương không quá 20 triệu đồng/năm học thứ nhất).

Thời hạn mượn tiền hỗ trợ đóng học phí là khoảng thời gian được tính từ ngày sinh viên bắt đầu nhận tiền cho đến ngày tất toán các khoản đã mượn qua từng giai đoạn.

Thời hạn tất toán các khoản tiền sinh viên mượn tối đa 2 năm tính từ ngày sinh viên hoàn thành theo kế hoạch học tập chuẩn toàn khóa của trường.

Trường Đại học Ngoại ngữ - Tin học Thành phố Hồ Chí Minh cho phép những đối tượng dưới đây được mượn tiền từ Quỹ hỗ trợ sinh viên gồm:

Thứ nhất, sinh viên mồ côi cả cha lẫn mẹ hoặc chỉ mồ côi cha hoặc mẹ nhưng người còn lại không có khả năng lao động.

Thứ hai, sinh viên là thành viên của hộ gia đình thuộc một trong các đối tượng: Hộ nghèo theo chuẩn quy định của pháp luật; Hộ cận nghèo theo chuẩn quy định của pháp luật; Hộ có mức sống trung bình theo chuẩn quy định của pháp luật; Cha hoặc mẹ là thương binh, liệt sỹ đồng thời có hoàn cảnh khó khăn.

Thứ ba, sinh viên có gia đình gặp khó khăn về tài chính do tai nạn, bệnh tật, thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh có xác nhận của Ủy ban Nhân dân xã, phường, thị trấn nơi cư trú.

Thứ tư, sinh viên năm nhất mới vào trường có kết quả điểm học bạ năm lớp 12 từ 7,5 trở lên và đỗ nguyện vọng 1 tại trường.

Thứ năm, sinh viên năm 2 học xong 2 học kỳ đầu tiên có xếp loại học tập đạt từ khá trở lên (2,5/4) và điểm rèn luyện từ 70/100 trở lên.

Thứ sáu, sinh viên năm 3, năm 4 có kết quả 3 học kỳ liền kề xếp loại học tập đạt từ khá trở lên (2,5/4) và điểm rèn luyện từ 70/100 trở lên.

Lãnh đạo Trường Đại học Ngoại ngữ - Tin học Thành phố Hồ Chí Minh thông tin, khi sinh viên mượn tiền từ Quỹ hỗ trợ sinh viên, các em phải cam kết tốt nghiệp đúng theo kế hoạch học tập chuẩn toàn khóa.

Trong trường hợp có lý do bất khả kháng, sinh viên có thể tốt nghiệp trễ hạn nhưng không quá 06 tháng theo kế hoạch học tập chuẩn toàn khóa và phải có đơn giải trình và được Nhà trường đồng ý phê duyệt.

Sinh viên năm cuối cần đảm bảo điều kiện tốt nghiệp và các chứng chỉ bắt buộc có liên quan (ngoại ngữ, tin học, giáo dục quốc phòng, giáo dục thể chất).

Sinh viên không đang trong thời gian chịu hình thức kỷ luật từ mức khiển trách trở lên; không vi phạm quy chế, quy định, nội quy của Nhà trường, pháp luật của Nhà nước tính đến thời điểm xét hỗ trợ.

Những trường hợp đặc biệt khác do Hội đồng trường quyết định.

Ngoài ra, sinh viên được tiếp tục nhận hỗ trợ từ Quỹ hỗ trợ sinh viên khi đảm bảo được các điều kiện: Kết quả học tập, điểm rèn luyện sinh viên không thấp hơn mức ở lần xét duyệt liền kề trước đó. Đồng thời, sinh viên đã hoàn trả 35% tổng số tiền đang mượn trước thời điểm ngày 31 tháng 7 hàng năm.

Trường hợp sinh viên đạt học bổng từ Trường Đại học Ngoại ngữ - Tin học Thành phố Hồ Chí Minh, Nhà trường sẽ ưu tiên trích lập trả khoản tiền mượn từ Quỹ hỗ trợ sinh viên. Sinh viên nhận phần học bổng còn lại sau khi hoàn trả hết khoản mượn từ quỹ.

Sinh viên không còn phải thấp thỏm lo sợ có thể phải nghỉ học bất cứ lúc nào

Em Cao Ngọc Như Ý - Khoa Ngôn ngữ & Văn hóa phương Đông là một trong số những sinh viên nhận mượn mức 50% học phí/ học kỳ (tương đương 30.750.000).

Như Ý chia sẻ: “Ngay từ khi nhập học, nỗi lo lắng về vấn đề tài chính, sợ không đủ tiền để tiếp tục học và có nguy cơ phải dừng lại ước mơ học đại học luôn đeo bám em.

Trước đây, khi ba còn sống, mức sống của gia đình em vừa đủ, chưa phải chịu áp lực tiền bạc. 2 năm trước, ba em qua đời sau 8 tháng chiến đấu với căn bệnh ung thư phổi. Trong khoảng thời gian đó, gia đình em đã dành gần như toàn bộ số tiền có được để chữa trị cho ba dù hy vọng rất mong manh. Em quyết định bảo lưu việc học để chăm sóc ba và hỗ trợ mẹ.

Hiện tại, gia đình em không còn trụ cột chính, anh trai đã lập gia đình riêng nên không thể phụ giúp được nhiều. Mẹ cũng đã dùng số tiền tiết kiệm còn lại để thanh toán học phí năm nhất cho em.

Khi được phê duyệt vay tiền của Quỹ hỗ trợ sinh viên, em và mẹ cảm thấy trong lòng nhẹ nhõm vì nhà trường hỗ trợ vay không lãi suất. Em vô cùng hạnh phúc vì có thể tiếp tục được đi học".

Với Như Ý, việc học đại học không chỉ quan trọng cho bản thân cô mà còn có ý nghĩa to lớn với mẹ. Hoàn cảnh gia đình khó khăn sau khi ba qua đời thôi thúc Như Ý phải cố gắng. Cô khao khát được học và nỗ lực giành được điểm số tốt để có cơ hội nhận học bổng, giúp giảm bớt gánh nặng học phí, dù cô biết điều này không hề dễ dàng.

"Em muốn học tập và phát triển bản thân, không muốn dậm chân tại chỗ. Em hiểu rằng chỉ có kiến thức mới giúp em cải thiện cuộc sống của gia đình. Em mong muốn trở thành trụ cột chính, để chăm lo cho mẹ cả về tinh thần lẫn vật chất, bù đắp những gì mẹ đã hy sinh thay cho ba” - Như Ý bộc bạch.

Sinh viên Nguyễn Thị Kim Ngân - Khoa Ngoại ngữ nhận mượn mức hỗ trợ 50% học phí/học kỳ (tương đương 15.840.000) chia sẻ về câu chuyện của mình:

“Hiện tại, gia đình em đang gặp nhiều khó khăn về kinh tế, một phần, do bản thân em mắc bệnh dị dạng mạch máu, không thể chữa khỏi hoàn toàn, chỉ có thể can thiệp y tế để hỗ trợ. Chi phí điều trị mỗi lần rất cao, chưa kể đến tiền thuốc phải sử dụng hằng ngày.

Ba mẹ em buôn bán ở chợ để kiếm sống, em còn một em trai đang học lớp 12, vì vậy gánh nặng tài chính càng lớn hơn đối với gia đình.

Trước đây, mỗi khi đăng ký môn học, em luôn băn khoăn về học phí. Có những lúc ba mẹ không thể xoay đủ tiền, em đã phải chuẩn bị tinh thần có thể nghỉ học bất cứ lúc nào.

Khi biết nhà trường có Quỹ hỗ trợ sinh viên, em đã tìm hiểu và nộp hồ sơ với hy vọng được phê duyệt. Khi hồ sơ được chấp nhận, em cảm thấy nhẹ nhõm hơn và ba mẹ cũng bớt phần nào ưu phiền”.

HUFLIT_TTTTTCSK-31.jpg
Sinh viên Trường Đại học Ngoại ngữ - Tin học Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh minh hoa: huflit.edu.vn

Thạc sĩ Phạm Thị Thanh Uyên nói: “Quỹ hỗ trợ sinh viên của Trường Đại học Ngoại ngữ - Tin học Thành phố Hồ Chí Minh được vận hành giống như nguồn quỹ từ Ngân hàng chính sách xã hội, nhưng khác là các em không cần phải trả lãi suất.

Những sinh viên cần hỗ trợ về tài chính để đóng học phí có thể mượn tiền từ nguồn quỹ này và không cần phải trả lãi suất.

Ngoài nguồn quỹ trên, thời gian qua chúng tôi còn triển khai những khóa học trực tuyến miễn phí cho các bạn sinh viên ví dụ như các khóa học về kỹ năng mềm, các khóa học để bổ sung kiến thức thi các chứng chỉ TOEIC, IELTS…

Trong thời gian tới, Nhà trường tiếp tục bổ sung các khóa học miễn phí cho sinh viên không chỉ về các kỹ năng mềm, mà còn cả các khóa học cung cấp, bổ sung kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp cho các em”.

Trong năm học 2024 – 2025, Quỹ hỗ trợ sinh viên của Trường Đại học Ngoại ngữ - Tin học Thành phố Hồ Chí Minh sẽ có 790 suất dành cho sinh viên các năm 2,3,4 và 100 suất dành cho sinh viên năm nhất.

Về các trường hợp sinh viên năm nhất, hiện đã có 5 trường hợp đã nhận hỗ trợ ngay khi nhập học (10.000.000/trường hợp) và 5 trường hợp tiếp theo đang chờ bổ sung hồ sơ để trường thực hiện công tác chuyển khoản số tiền hỗ trợ.

Trước đó, 4 sinh viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, vươn lên trong học tập đã được mượn tiền từ Quỹ hỗ trợ sinh viên năm học 2024 – 2025 (đợt 1). Tổng số tiền trích từ Quỹ hỗ trợ sinh viên cho đợt 1 là 82.830.000.

Hiện tại, Trường Đại học Ngoại ngữ - Tin học Thành phố Hồ Chí Minh đang nhận nhiều hồ sơ của sinh viên trong việc mượn nguồn tiền từ quỹ này để trang trải học phí.

Phía Nhà trường cũng tích cực thực hiện các công tác để hỗ trợ các bạn sinh viên giảm tải áp lực học phí, đặc biệt trong giai đoạn bắt đầu năm học mới.

Hồng Linh