Nhờ BHYT, con đường chữa bệnh của nữ sinh học giỏi mắc ung thư bớt nặng gánh

04/05/2022 06:42
Mạnh Đoàn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Được bảo hiểm y tế chi trả 100% chi phí chữa bệnh ung thư xương cho con, vợ chồng chị Cúc thở phào vì trút được bớt gánh nặng kinh tế.

Chiều muộn 29/4, hai mẹ con chị Lê Thị Thanh Cúc (trú tại phường Mai Động, Hoàng Mai, Hà Nội) thu dọn đồ đạc để từ viện K Tân Triều (Thanh Trì, Hà Nội) về nhà, sau đợt truyền hóa chất cho cô con gái thứ hai bị mắc ung thư xương.

Đáng lẽ, Trần Yến Nhi (sinh năm 2008) đã truyền xong hóa chất nhưng do dịch Covid-19, đồng thời cô bé này cũng hai lần mắc Covid-19 nên bị gián đoạn. Tuy vậy, tinh thần học tập của Yến Nhi không hề bị sa sút, em vẫn giữ vững thành tích học sinh giỏi.

Yến Nhi tham gia diễn tiểu phẩm “Bài học đường đời đầu tiên” trong chương trình hưởng ứng “Ngày sách Việt Nam, lần thứ VII. (Ảnh: T.C)

Yến Nhi tham gia diễn tiểu phẩm “Bài học đường đời đầu tiên”

trong chương trình hưởng ứng “Ngày sách Việt Nam, lần thứ VII. (Ảnh: T.C)

Học trên giường bệnh

Yến Nhi là một cô bé nhanh nhẹn với đôi mắt to tròn, lúc nào cũng líu lo, nhí nhảnh, vui tươi với khóe miệng biết cười.

Nhớ lại những ngày đầu khi Yến Nhi bước vào lớp 6, cô Trần Thúy Nga (giáo viên chủ nhiệm từ khi Yến Nhi học lớp 6 đến nay) vẫn không thể quên được hình ảnh của Yến Nhi trong buổi sinh hoạt lớp đầu tiên.

"Khi tôi đề nghị các thành viên trong lớp tự ứng cử lớp phó lao động, trong khi nhiều bạn rụt rè thì Yến Nhi xung phong. Mấy bạn nam trong lớp khúc khích, trêu đùa thì em ấy nở nụ cười tươi và nói có sao đâu. Tinh thần tự tin, lạc quan đó của em còn được giữ cho đến tận bây giờ", cô Nga chia sẻ.

Dù sức khỏe không tốt nhưng Yến Nhi vẫn đều đặn học online. (Ảnh: T.C)

Dù sức khỏe không tốt nhưng Yến Nhi vẫn đều đặn học online. (Ảnh: T.C)

Khoảng thời gian do dịch Covid-19, cả lớp phải học online, khi này Yến Nhi cũng đang điều trị bệnh. Trên màn hình máy tính của cô giáo, không khi nào thiếu vắng bóng dáng của cô nữ sinh với mái đầu không còn tóc do truyền hóa chất.

Đó là lúc cô bé bị liệt dây thần kinh số 7, nói chuyện câu được câu chăng nhưng em vẫn nở nụ cười với các bạn trong lớp, mang lại cảm giác cho mọi người gần gũi về một Lớp phó lao động khi xưa. Hay như khi em mổ chân xong, đi lại còn gặp nhiều khó khăn nhưng em vẫn đến lớp để học tập...

"Tôi và các em học sinh lớp 8A5 luôn nhìn Nhi để thấy yêu thương và trân trọng hơn cuộc sống tươi đẹp mình đang có. Như nhà văn Xukhôm linxki từng nói: “Con người sinh ra không phải để tan biến đi như một hạt cát vô danh. Họ sinh ra để lưu lại dấu ấn trên mặt đất, trong trái tim người khác”, cô Nga chia sẻ.

Động viên mẹ

Ngày phát hiện con bị mắc bệnh ung thư xương giai đoạn 3, chị Lê Thị Thanh Cúc rơi vào trạng thái tuyệt vọng, chán chường. Bên cạnh sự động viên của người chồng, thì Yến Nhi cũng lại chính là nguồn động viên lớn đối với mẹ.

"Cháu cũng đã tự lên mạng internet để tìm hiểu về bệnh ung thư xương, từ việc truyền hóa chất, xạ trị, mổ ghép xương, rồi chia sẻ với mẹ. Điều này giúp tôi bớt đi phần nào áp lực về tinh thần. Yến Nhi vui vẻ, lạc quan như vậy nhưng lúc một mình thì lại khóc vì thương mẹ sẽ vất vả vì con", chị Cúc chia sẻ.

Hình ảnh Yến Nhi khi chưa phát hiện bệnh hiểm nghèo. (Ảnh: T.C)

Hình ảnh Yến Nhi khi chưa phát hiện bệnh hiểm nghèo. (Ảnh: T.C)

Chia sẻ về việc học của cô con gái, chị Cúc cho hay, tháng 8 năm ngoái, Yến Nhi được mổ xương thay khớp gối, đến nay dù đã hơn nửa năm trôi qua nhưng việc đi lại của con vẫn gặp khó khăn.

Con được nhà trường tạo điều kiện cho học online nhưng dù học tại nhà hay ở viện thì con vẫn không nghỉ buổi nào. Có đợt, khi sức khỏe của con khỏe hơn, thì con đòi đến lớp học cùng các bạn nhưng sau đó về nhà thì bị sốt.

"Cháu học được các môn khối tự nhiên và vẫn giữ được thành tích học tập tốt. Tuy nhiên, khi tôi hỏi cháu ước mơ tương lai muốn làm gì thì nó lại nói muốn làm ca sĩ, và sau này muốn vào miền Nam lập nghiệp. Nó nói người thành công luôn có lối đi riêng...", chị Cúc cười khi nói đến đứa con vẫn còn ngây thơ.

Chia sẻ về việc điều trị cho Yến Nhi, chị Cúc cho hay, mỗi đợt điều trị cho con hết khoảng hơn 20 triệu đồng, ban đầu cháu được bảo hiểm y tế chi trả 80%, còn lại 20% (tức 5-7 triệu đồng). Dù chỉ phải chi trả 20 % những cũng khiến gia đình vô cùng khó khăn.

Nắm bắt hoàn cảnh gia đình chị Cúc, chính quyền địa phương đã làm thủ tục hồ sơ để gửi lên quận xét duyệt, để Yến Nhi được bảo hiểm y tế chi trả chi phí khám, chữa bệnh 100%.

"Con nhà tôi bị K xương, nên chính quyền địa phương đã gửi hồ sơ lên quận để cháu được làm thẻ thương tật và được hưởng bảo hiểm y tế chi trả 100%. Ngoài ra, gia đình mua thuốc ngoài cũng chỉ khoảng hơn 2 triệu đồng", chị Cúc cho hay.

Hàng tháng, chị Cúc đưa con đến viện 3 đợt, mỗi đợt 4-5 ngày nên công việc kế toán cho công ty tư nhân của chị cũng đành gác lại, gánh nặng gia đình đổ dồn lên đôi vai của người chồng với công việc lao động tự do.

Vợ chồng chị Cúc có 3 người con, cô chị đang học lớp 12, dưới Yến Nhi là em trai. Những lúc chị cho Yến Nhi đi viện, thì ở nhà cô chị lại chăm em và nấu cơm nước. Bản thân chị Cúc có lúc ngẫm mình vất vả về đường con cái nhưng ngược lại, các con ngoan ngoãn, biết tự lập khiến chị cũng thấy an lòng.

Cuộc sống hiện tại tuy có nhiều khó khăn nhưng chị Cúc cảm thấy hoàn cảnh của gia đình chị vẫn may mắn hơn nhiều người.

"Khi điều trị bệnh viện K Tân Triều, tôi cũng có gặp hai mẹ con mắc ung thư quê ở Nam Định. Gia đình thì thuộc hộ nghèo, cuộc sống chật vật qua ngày.

Nếu không có bảo hiểm y tế thì với hoàn cảnh như gia đình tôi hay hai mẹ con bệnh nhân Nam Định, thậm chí cả những gia đình khá giả cũng khó mà có đủ tiềm lực kinh tế để chi trả chi phí điều trị bệnh ung thư", chị Cúc cho hay.

Mạnh Đoàn