Nhìn học sinh tiểu học ôn kiểm tra học kỳ mà hoảng

25/12/2019 10:03
Mai Hoa
(GDVN) - Người ta cứ ra đề thi vượt chuẩn, bắt những đứa trẻ ăn chưa no, lo chưa tới ôn bài miệt mài và chịu áp lực như thế để làm gì?

Chỉ là kiểm tra học kỳ 1 nhưng những đứa trẻ lên 6,7,8 tuổi phải ôn tập miệt mài suốt ngày đêm với hàng xấp đề ôn tập mà bất cứ ai nhìn vào cũng thấy hoảng.

Đề kiểm tra toán lớp 2 vượt chuẩn của một trường tiểu học (Ảnh tác giả)
Đề kiểm tra toán lớp 2 vượt chuẩn của một trường tiểu học (Ảnh tác giả)

Hoảng vì thương các em mới tí tuổi đầu mà phải chịu áp lực việc học quá nặng nề.

Hoảng vì sau bao năm cứ liên tục cải cách, đổi mới mô hình rồi phương pháp dạy học nhưng áp lực học của các em vẫn không có chiều hướng giảm mà cứ liên tục tăng.

Câu hỏi: Vì đâu đến nông nỗi này? Vì sao học sinh tiểu học trong học tập hằng ngày chỉ kiểm tra đánh giá bằng nhận xét một cách nhẹ nhàng mà cuối học kỳ lại phải chịu cảnh học quá vất vả như thế?

Vài năm trở về đây, bậc tiểu học đang hướng tới việc dạy học và đánh giá theo hướng phát triển năng lực nhưng sao áp lực học, áp lực ôn tập kiểm tra trong thi cử vẫn cứ như xưa?

Từ khi áp dụng Thông tư 30 và Thông tư 22 (sửa đổi bổ sung) trong việc nhận xét đánh giá học sinh không bằng điểm số.

Có thể nói, trong việc học tập hằng ngày trên lớp, việc đánh giá thường xuyên chỉ dựa vào sự theo dõi, quan sát của giáo viên nên các em học khá nhẹ nhàng, thoải mái mà không bị áp lực nhiều như trước đây.

Nhìn học sinh tiểu học ôn kiểm tra học kỳ mà hoảng ảnh 2
Người ra đề thi Toán ở quận Thanh Xuân là ai mà bất cẩn thế?

Do hằng ngày, các em học chỉ được thầy cô nhận xét bằng chữ hoặc bằng lời nên phụ huynh khó theo dõi được sự tiến bộ của con và cũng ít quan tâm đến việc học của các em.

Học sinh cũng không có nhiều lý do để cố gắng.

Sang cuối kỳ, buộc phải có bài kiểm tra bằng điểm số. Điều này, đã khiến thầy cô và học sinh phải "vắt chân lên cổ" ôn tập để việc làm bài kiểm tra cho tốt.

Học sinh khối 1,2 và 3 mỗi năm học có 2 bài kiểm tra bằng điểm số. Học sinh khối 4,5 có 4 bài kiểm tra bằng điểm số.

Thầy cô vì chỉ tiêu cũng sợ học trò làm bài không tốt nên tăng cường ôn tập bằng nhiều hình thức.

Ôn tập trong sách giáo khoa, ôn tập trong vở bài tập, in đề kiểm tra của các năm trước, sưu tầm đề của nhiều trường học trong địa bàn, trên mạng để cho các em làm quen với việc làm đề.

Thầy cô sợ bị khống chế chỉ tiêu 100% học sinh phải đạt từ 5 điểm trở lên nên huy động các em ôn tập một cách tổng lực.

Một số môn học được rút ngắn thời gian lại để tăng cường cho những môn sẽ kiểm tra. Để đạt kết quả tốt môn Toán, học sinh miệt mài giải đề.

Để đạt kết quả tốt môn tiếng Việt, học sinh được thầy cô cho hàng chục bài văn mẫu để học thuộc nội dung.

Lớp 1, 2,3 chỉ tập trung 2 môn Toán, tiếng Việt đã thấy mệt mỏi như thế. Lớp 4,5 có thêm môn Lịch sử &Địa lý còn cực gấp nhiều lần.

Với hàng chục bài Địa lý, hàng chục bài Lịch sử và vài chục câu hỏi về các sự kiện Lịch sử, về điều kiện khí hậu, điều kiện phát triển kinh tế từng vùng miền buộc các em phải thuộc, phải nhớ quả không hề dễ chút nào.

Thầy cô đã phải hỗ trợ bằng cách soạn đề cương, phô tô đề mẫu phát tận tay, năn nỉ học trò về học thuộc từng câu.

Mỗi sớm mai đến lớp, cô thầy phải dò bài từng em, gọi điện về nhờ phụ huynh trợ giúp. Những đứa trẻ cứ quay cuồng hết học Toán, tiếng Việt lại đến Lịch sử & Địa lý.

Có phụ huynh than rằng: “Sao thấy con học nhiều thế không biết? Cả ngày trên lớp, tối về vừa ăn vừa cầm đề cương để học. Có lúc ngồi ôn bài mà ngủ gục ngay trên bàn”.

Có phụ huynh lớn tiếng: “Không được thì thôi, nhìn con học như kiểu tra tấn thế này sốt hết cả ruột gan”.

Hòa cả làng

Nhìn học sinh tiểu học ôn kiểm tra học kỳ mà hoảng ảnh 3
Đề kiểm tra học kỳ thường trục trặc, sai sót

Đề kiểm tra học kỳ nhiều trường ra trên mức chuẩn kiến thức.

Những bài toán đánh đố học sinh đến một số phụ huynh nói rằng mình học hết lớp 12, có người học xong đại học mà:

"Chúng tôi giải hoài chẳng ra sao tụi nhỏ làm được?"

Đề khó, trò buộc phải ôn tập một cách cực khổ như thế, nhưng khi các em làm bài nếu không đạt (khoảng trên 50% dưới điểm trung bình) nhà trường sẽ cho đề kiểm tra lại.

Nếu điểm yếu ít hơn số đó, giáo viên chủ nhiệm toàn quyền xử lý. Cách mà nhiều thầy cô hay áp dụng là tự cho các em điểm yếu làm lại đề khác (hoặc phô tô lại đề đó), làm đến khi bài đạt điểm 5 là hoàn thành.

Ôn kiểm tra đã căng thẳng, mệt mỏi, nhưng lại được làm lại nhiều lần há chẳng phải vô lý, mâu thuẫn hay sao? Cách này chúng tôi thường nói: "Rồi cũng hòa cả làng" mà thôi.

Cũng chẳng hiểu được người ta cứ bày ra chuyện ra đề thi vượt chuẩn, bắt trò ôn miệt mài như thế này để làm gì mà bắt những đứa trẻ ăn chưa no, lo chưa tới phải chịu nhiều áp lực nhiều đến thế?

Mai Hoa