Tính đến thời điểm hiện tại, nhiều trường, địa phương trên cả nước đã tổ chức khảo sát và thống thống kế lựa chọn của học sinh. Căn cứ số liệu đăng ký này, Sở Giáo dục và Đào tạo các địa phương sẽ đề nghị các cơ sở đào tạo chủ động tổ chức tốt công tác giảng dạy, ôn tập và thi thử cho học sinh để chuẩn bị tốt cho kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm học 2024-2025.
Tại Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh đã thực hiện khảo sát nguyện vọng đăng ký các môn thi tự chọn Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm học 2024-2025 của học sinh lớp 12 các trường trung học phổ thông, trung tâm giáo dục thường xuyên trong tỉnh.
Theo khảo sát, tổng số học sinh lớp 12 thi tốt nghiệp trung học phổ thông tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu năm học 2024 - 2025 là 14.163 học sinh, trong đó, môn Ngoại ngữ và môn Vật lý là hai môn thi được nhiều thí sinh lựa chọn.
Khoảng 47% học sinh lựa chọn môn Vật lý, hơn 24% học sinh lựa chọn môn Hóa học. Số học sinh lựa chọn môn Địa lý là hơn 29%, môn Lịch sử, Kinh tế và Pháp luật trong khoảng 21% mỗi môn.
Việc lựa chọn môn thi khoa học tự nhiên hay khoa học xã hội có sự phân hóa giữa các trường và khu vực trong tỉnh. Những trường “top” đầu, ở thành phố, có số lượng học sinh lớn đa số lựa chọn các môn thi tự nhiên, còn các trường quy mô nhỏ, ở khu vùng vùng sâu, vùng xa, hải đảo lại có xu hướng lựa chọn các môn thi xã hội.
Một số khu vực vùng sâu, vùng xa, hải đảo lựa chọn phương án an toàn
Các khu vực vùng sâu, vùng xa, huyện đảo thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ghi nhận học sinh có xu hướng lựa chọn các môn xã hội, đặc biệt có một số trường trên địa bàn tỉnh còn ghi nhận thí sinh không đăng ký lựa chọn các môn tự nhiên.
Thầy Lê Đình Tuyến, Phó hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Võ Thị Sáu - Côn Đảo cho biết, năm nay nhà trường có 105 thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, có 29,5% học sinh đăng ký lựa chọn các môn Vật lý, 7,6% học sinh đăng ký thi môn Hóa học, không có thí sinh nào đăng ký môn Sinh học, hơn 71% học sinh lựa chọn môn Lịch sử và 37% lựa chọn môn thi Địa lý. Theo khảo sát này, học sinh chủ yếu chọn thi tốt nghiệp với các môn xã hội vì ưu tiên phương án an toàn để đảm bảo tốt nghiệp.
Ở những vùng sâu, vùng xa, kinh tế còn hạn chế, học sinh càng có xu hướng chọn những môn dễ đạt điểm cao. Các môn như Lịch sử, Địa lý…vẫn còn mang tính chất học thuộc lòng, thực tế học sinh chỉ cần chăm chỉ ôn luyện sẽ dễ dàng đạt điểm như mong muốn.
Lý do học sinh tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu lựa chọn môn thi tự nhiên
Còn tại các trường lớn trong tỉnh thì lại đang ghi nhận xu hướng ngược lại. Ở một số trường lớn trong tỉnh đang ghi nhận xu hướng ngược lại như Trường Trung học phổ thông Vũng Tàu (thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) năm nay có hơn 750 học sinh lớp 12 thi tốt nghiệp trung học phổ thông, trong đó có khoảng 92% học sinh đăng ký thi tốt nghiệp với các môn tự nhiên (Vật lý, Hóa học và Sinh học), 28% học sinh đăng ký thi tốt nghiệp với các môn xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục Kinh tế và Pháp luật).
Năm nay, Trường Trung học phổ thông Trần Nguyên Hãn (thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) có khoảng 616 học sinh lớp 12 thi tốt nghiệp trung học phổ thông, có khoảng 76% học sinh đăng ký chọn các môn tự nhiên và số học sinh đăng ký các môn xã hội chỉ gần 56%.
Theo một cán bộ Phòng Quản lý chất lượng, Sở Giáo dục và Đào tạo Bà Rịa - Vũng Tàu, việc học sinh ưu tiên chọn các môn thi tốt nghiệp thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên thay vì khoa học xã hội không phải là hiện tượng mới trong năm nay. Nguyên nhân chính dẫn đến xu hướng này là do yếu tố kinh tế xã hội, định hướng của phụ huynh, xu hướng nghề nghiệp, thế mạnh học tập và giảng dạy.
Bối cảnh kinh tế - xã hội và xu hướng ngành nghề tại địa tại địa phương là yếu tố quan trọng tác động đến lựa chọn môn thi của học sinh. Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tập trung nhiều khu công nghiệp, doanh nghiệp cơ khí, công nghệ, kỹ thuật và tự động hóa, đòi hỏi nguồn nhân lực lớn từ các ngành kỹ thuật, thường tuyển đầu vào từ các tổ hợp khoa học tự nhiên. Để đảm bảo tương lai nghề nghiệp ổn định, nhiều phụ huynh định hướng con em mình theo học các môn khoa học tự nhiên nhằm thi vào các ngành kỹ thuật, công nghệ. Bên cạnh đó, thế mạnh học tập của học sinh và định hướng giảng dạy của giáo viên cũng góp phần lớn vào xu hướng này.
Cô Nguyễn Thị Huế, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Vũng Tàu cho biết, Trường Trung học phổ thông Vũng Tàu không phải trường chuyên, nhà trường luôn định hướng phát triển toàn diện cân bằng cho học sinh cả khối tự nhiên và xã hội.
Học sinh được tư vấn định hướng chọn môn ngay từ lớp 10 tuy nhiên học sinh có thể thay đổi tổ hợp, môn thi trong quá trình học nếu cảm thấy không phù hợp. Ví dụ, từ Toán, Hóa, Anh chuyển sang Toán, Lý, Anh, nhưng tỷ lệ thay đổi rất thấp, thường chỉ khoảng 5-7 học sinh trong tổng số gần 800 học sinh mỗi khóa.
Nhà trường đã tổ chức các buổi định hướng nghề nghiệp cho học sinh, giúp các em hiểu rõ tổ hợp mình chọn sẽ phù hợp với ngành nghề nào trong tương lai, sự lựa chọn chỉ thực sự rõ ràng khi các em hoàn thành lớp 11.
Trong 18 lớp khối 12 chuẩn bị thi tốt nghiệp năm nay của nhà trường, chỉ có 4 lớp lựa chọn tổ hợp xã hội còn 14 lớp còn lại lựa chọn tổ hợp tự nhiên. Các tổ hợp liên quan đến Toán, Lý, Hóa và Anh, đang được học sinh của trường lựa chọn nhiều nhất.
Từ trước đến nay, nhà trường luôn có tỷ lệ học sinh lựa chọn các môn thuộc tổ hợp tự nhiên cao, vì các môn khối tự nhiên là thế mạnh truyền thống của trường, phù hợp với năng lực tư duy logic và định hướng, xu hướng nghề nghiệp của học sinh.
Hầu hết học sinh đều có nền tảng tốt ở các môn tự nhiên từ cấp dưới, đồng thời các tổ hợp có các môn khoa học tự nhiên cũng mở rộng cơ hội ngành nghề cho học sinh lựa chọn. Trước đây, những ngành như Luật, Báo chí…vốn thuộc khối xã hội nay cũng xét tuyển nhiều ở tổ hợp tự nhiên, điều này mở ra thêm nhiều lựa chọn cho học sinh khi chọn thi các môn tự nhiên. Tuy nhiên, sự phân bố không đồng đều giữa các tổ hợp cũng gây áp lực nhất định cho nhà trường. Ví dụ, khối A (Toán, Lý, Hóa) chỉ có 4 lớp, trong khi A1 (Toán, Lý, Anh) áp đảo với 10 lớp do tính đa dạng và cơ hội nghề nghiệp rộng mở. Nhà trường cố gắng cân bằng giữa nhu cầu của học sinh và khả năng giảng dạy của đội ngũ giáo viên.
Cô Huế chia sẻ thêm, những học sinh chọn khối xã hội không phải vì thiếu khả năng học các tổ hợp tự nhiên, mà bởi các em muốn có lộ trình học phù hợp với nhu cầu cá nhân. Các em chọn khối xã hội để giảm tải áp lực, tập trung rèn luyện kỹ năng và nâng cao năng lực Ngoại ngữ, Tin học và kỹ năng mềm, phù hợp với mục tiêu trở thành công dân toàn cầu, chuẩn bị cho các cơ hội du học.
Đẩy mạnh định hướng, tư vấn nghề nghiệp sớm cho học sinh
Một vị cán bộ Phòng Quản lý chất lượng, Sở Giáo dục và Đào tạo Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, trong học kỳ II lớp 12, nếu học sinh thay đổi lựa chọn môn thi sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến kế hoạch học tập và ôn luyện.
Việc khảo sát lựa chọn, định hướng môn thi từ sớm giúp học sinh có sự chuẩn bị kỹ càng, đồng thời giúp các trường định hướng ôn tập, tổ chức kiểm tra và thi thử. Tuy vậy, khi đến giai đoạn đăng ký chính thức, vẫn có thể xảy ra sự thay đổi giữa các môn thi và tổ hợp đăng ký. Những thay đổi này thường không nhiều, nhưng vẫn có sự "dịch chuyển" nhất định khi các trường đại học công bố tổ hợp xét tuyển và phương thức tuyển sinh.
Trước đây, học sinh có thể tận dụng xét học bạ hoặc đăng ký xét tuyển sớm, nhưng năm nay quy định xét tuyển chủ yếu dựa trên điểm thi tốt nghiệp khiến các học sinh phải cân nhắc kỹ hơn.
Cũng có trường hợp học sinh sau khi thi kết thúc học kỳ I xong hoặc khi các trường đại học công bố đề án tuyển sinh mới, thông tin tuyển sinh có thể khiến học sinh cân nhắc thay đổi nguyện vọng. Tuy nhiên, số lượng học sinh thay đổi môn thi thường không đáng kể và chủ yếu xảy ra ở giai đoạn cuối.
Khi thí sinh đăng ký tổ hợp môn thi, các trường trung học phổ thông trong tỉnh thường tư vấn để học sinh chọn tổ hợp phù hợp với năng lực, tiềm lực và mục tiêu. Nếu gia đình định hướng cho học sinh ngay từ đầu, bản thân các em cũng yêu thích và có kết quả học tập tốt ở các môn liên quan, thì việc chọn ngành sẽ trở nên rõ ràng và dễ dàng. Ngược lại, nếu gia đình định hướng nhưng học sinh không hứng thú hoặc không học tốt các môn này, thì định hướng đó khó có thể phát huy hiệu quả.
“Với sự phát triển của công nghệ, học sinh ngày nay có thể tiếp cận thông tin từ nhiều nguồn khác nhau từ sớm, đồng thời hiện nay có thêm nhiều phương án lựa chọn ngành nghề. Việc quyết định ngành học hiện nay phụ thuộc vào mong muốn, sở thích và năng lực của từng học sinh. Tuy nhiên, việc có định hướng đúng đắn từ các nguồn chính thống là rất quan trọng.
Các trường học trên địa bàn đã triển khai công tác tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh từ sớm và nhiều trường đại học cũng thường xuyên tổ chức các buổi tư vấn trực tiếp tại các trường phổ thông. Hoạt động này rất quan trọng, giúp học sinh có định hướng nghề nghiệp rõ ràng, đồng thời đảm bảo tính liên thông trong việc định hướng đào tạo giữa các trường phổ thông và đại học. Cần có một bức tranh tổng thể về nhu cầu nguồn nhân lực của đất nước, phân tích xu hướng thị trường lao động, thu nhập từng nhóm ngành của từng địa phương và trên cả nước để người học có cơ sở tham khảo khi lựa chọn ngành nghề”, vị này nêu quan điểm.