Nhiều trường ĐH đứng trước nguy cơ phải dừng đào tạo tiến sĩ do thiếu GS, PGS

09/02/2024 06:15
Thu Trang
0:00 / 0:00
0:00

GDVN -Thiếu đội ngũ GS, PGS sẽ ảnh hưởng đến đào tạo sau ĐH và nghiên cứu khoa học, đặc biệt đối ở các ngành khoa học cơ bản; khoa học xã hội nhân văn và nhân văn.

Nghị định 50/2022/NĐ-CP về nghỉ hưu ở tuổi cao hơn đối với viên chức trong đơn vị sự nghiệp công lập quy định: “Việc nghỉ hưu ở tuổi cao hơn đối với viên chức không quá 5 năm (60 tháng), tính từ thời điểm viên chức đủ tuổi nghỉ hưu theo Nghị định số 135/2020/NĐ-CP ngày 18/11/2020 của Chính phủ quy định về tuổi nghỉ hưu".

Như vậy, theo Nghị định này, viên chức có chức danh giáo sư, phó giáo sư đều có thời gian kéo dài làm việc bằng tiến sĩ, tối đa là 5 năm.

Trong khi trước đó, thời gian kéo dài làm việc đối với giảng viên có chức danh phó giáo sư là 7 năm, đối với giảng viên có chức danh giáo sư là 10 năm.

Việc giảm tuổi nghỉ hưu đội ngũ giáo sư, phó giáo sư đang đặt ra lo ngại thiếu đội ngũ giảng viên trình độ cao ở các ngành khoa học cơ bản và nhóm ngành khoa học xã hội và nhân văn, ảnh hưởng trực tiếp đến việc đào tạo sau đại học và hoạt động nghiên cứu khoa học ở các trường đại học công lập.

Lãng phí chất xám

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Giáo sư, Tiến sĩ Võ Văn Sen – Giáo sư ngành Sử học (Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết, có thể thấy, ở nhiều trường đại học trên thế giới đều không giới hạn độ tuổi làm việc của giáo sư và phó giáo sư, nếu các thầy cô còn sức khoẻ và có nguyện vọng sẽ được tiếp tục làm việc và cống hiến.

GS VÕ VĂN SEN.jpg
Giáo sư, Tiến sĩ Võ Văn Sen – Giáo sư ngành Sử học, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: TTXVN

Hiện nay, nền khoa học của đất nước ta dù có bề dày lịch sử, nhưng vẫn đang trong giai đoạn phát triển và còn non trẻ. Do đó, độ tuổi về hưu như hiện nay là một sự lãng phí chất xám rất lớn.

Trước đây, Nghị định 141/2013/NĐ-CP quy định việc kéo dài tuổi làm việc của giáo sư là 10 năm, phó giáo sư là 7 năm, như vậy là tương đối hợp lý.

Dẫu vậy, thực tế khi theo quy định này, giáo sư dù có thể làm việc đến năm 70 tuổi vẫn chưa khắc phục được tình trạng thiếu chất xám trong đội ngũ khoa học,

Nếu giảm tuổi làm việc của giáo sư và phó giáo sư thì sẽ xảy ra tình trạng thiếu đội ngũ nhà khoa học giỏi, giảng viên trình độ cao.

Cùng bàn về vấn đề này, Giáo sư, Tiến sĩ Lê Huy Bắc – Thư ký Hội đồng Giáo sư ngành Văn học chia sẻ, quy định về tuổi làm việc của giáo sư, phó giáo sư theo Nghị định 141/2013/NĐ-CP trước đây khá hợp lý. Bởi nếu giáo sư vẫn đủ điều kiện sức khoẻ và còn tâm huyết cống hiến thì vẫn có thể công tác.

Như vậy mới thực sự thể hiện sự trân trọng, tôn vinh những nhà khoa học đã không ngừng học tập, phấn đấu và cống hiến cho nền giáo dục nước nhà, bởi một người từ tiến sĩ được công nhận phó giáo sư đối với các ngành Khoa học xã hội phải mất khoảng 6-10 năm và phải mất khoảng 10 năm nữa mới phấn đấu được làm giáo sư.

Khi Nghị định 50 ra đời “vô tình” đã “cào bằng” thời gian nghỉ hưu của giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, tạo ra những quan điểm “cá mè 1 lứa" từ tiến sĩ cho tới giáo sư, dẫn đến tình trạng những tri thức trình độ cao không còn động lực để phấn đấu.

Còn theo Nhà giáo Nhân dân, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đức Chính, sự thiếu hụt đội ngũ giáo sư, phó giáo sư sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc mở rộng quy mô đào tạo sau đại học và hoạt động nghiên cứu khoa học, đặc biệt trong các lĩnh vực khoa học cơ bản và lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn.

thay-chinh-3642.jpg
Nhà giáo Nhân dân, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đức Chính. Ảnh: NVCC

Với những ngành đặc thù này, nếu số lượng giáo sư, phó giáo sư đã ít mà không sử dụng hiệu quả thì khó có thể đảm bảo chất lượng đào tạo, thậm chí là ảnh hưởng tới hoạt động nghiên cứu khoa học. Các giáo sư, phó giáo sư ngành Sử học, Văn học, Khảo cổ học, Ngôn ngữ học,... đều là những chuyên gia rất chuyên sâu theo từng lĩnh vực đó, nhưng khi chưa sử dụng hiệu quả đội ngũ này là sự lãng phí chất xám quá lớn.

Các giáo sư, phó giáo sư các ngành Kinh tế, Tài chính,.... sau khi hết tuổi nghỉ hưu có thể về công tác ở các đơn vị ngoài công lập. Nhưng với các ngành khoa học cơ bản, khoa học xã hội và nhân văn, nếu không tận dụng các nhà khoa học giỏi thì quá lãng phí nguồn nhân lực, vì để có một giáo sư, không thể đào tạo trong một sớm một chiều

Gặp khó trong hoạt động nghiên cứu khoa học và mở ngành đào tạo đại học, sau đại học

Giáo sư, Tiến sĩ Võ Văn Sen nêu quan điểm, muốn tuyển sinh và đào tạo sau đại học thì cần phải đảm bảo chỉ tiêu giáo sư, phó giáo sư.

Tuy nhiên, ở một số ngành đặc thù, đội ngũ giáo sư và phó giáo sư hiện nay rất hạn chế.

Nhiều trường đại học hiện nay đứng trước nguy cơ phải dừng đào tạo tiến sĩ một số ngành vì không đủ lực lượng giáo sư và phó giáo sư giảng dạy. Điều này đồng nghĩa với việc đào tạo sau đại học đang bị thụt lùi về sau.

Cũng theo Giáo sư Sen, cần rà soát lại những ngành đào tạo sau đại học bị đóng vì không đủ số lượng giáo sư, phó giáo sư trong tất cả các trường đại học công lập. Để từ đây, chúng ta có cái nhìn toàn diện hơn về bức tranh và bài toán đội ngũ giảng viên trình độ cao và sớm có giải pháp cho vấn đề này.

Rất bất hợp lý khi giảm tuổi nghỉ hưu của các thầy cô trong khi họ vẫn đang khát khao cống hiến cho khoa học và sẵn sàng với nhiệm vụ đào tạo, đóng góp cho sự phát triển của giáo dục nước nhà.

“Một người muốn trở thành giáo sư và phó giáo sư cần rất nhiều thời gian, đặc biệt là với các ngành khoa học cơ bản và khoa học xã hội, nhiều thầy cô đến 50 - 60 tuổi mới “chạm” đến chức danh giáo sư.

Từ khi Nghị định 50 có hiệu lực, nhiều trường đang đào tạo một số ngành sau đại học lại không đủ tiêu chuẩn để duy trì đào tạo vì thiếu đội ngũ giáo sư, phó giáo sư cơ hữu”, Giáo sư Sen thông tin thêm.

Cũng theo Giáo sư Võ Văn Sen, việc đào tạo sau đại học hiện nay vẫn chủ yếu do hệ thống trường đại học công lập đảm nhận. Giảng viên đến tuổi nghỉ hưu ở trường công lập sẽ ít có cơ hội làm việc cống hiến, hoặc sẽ lựa chọn sang trường tư.

Nhưng số trường tư đào tạo sau đại học đang rất ít. Vì vậy giảm tuổi nghỉ hưu của giáo sư, phó giáo sư là một sự lãng phí nhân lực chất lượng cao.

Có những trường đại học công lập đang đào tạo được 4- 5 chuyên ngành đào tạo thạc sĩ thì giờ còn có 1 - 2 ngành, hay có trường phải tích lũy rất lâu để có thể đào tạo 5-6 ngành tiến sĩ thì giờ chỉ còn có 2 - 3 ngành.

Cần có cơ chế đặc thù

Theo Nhà giáo Nhân dân, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đức Chính, cần sửa đổi chính sách để huy động những người có trí tuệ tham gia vào hoạt động nghiên cứu hoặc giảng dạy. Bên cạnh đó, nhà nước nên có những cơ chế riêng cho giáo sư, phó giáo sư để trọng dụng trí thức, các chuyên gia đầu ngành và nhân tài của đất nước.

GS BẮC.jpg
Giáo sư, Tiến sĩ Lê Huy Bắc, Thư ký Hội đồng Giáo sư ngành Văn học. Ảnh: NVCC

Cùng bàn về vấn đề này, Giáo sư, Tiến sĩ Lê Huy Bắc chia sẻ, cần khôi phục lại quy định như trước đây tại Nghị định 141/2013/NĐ-CP trước đây sẽ hợp lý hơn. Như vậy mới tạo ra động lực phấn đấu cho các nhà khoa học. Bên cạnh đó, nếu các thầy cô còn sức khoẻ và cống hiến thì nên kéo dài tuổi làm việc, tránh lãng phí chất xám, lãng phí nguồn nhân lực trình độ cao.

Còn theo thầy Sen, nên có cơ chế riêng với đội ngũ trí thức trình độ cao. Nên kéo dài tuổi nghỉ hưu cho giáo sư, phó giáo sư vì ở độ tuổi 60-70 vẫn là thời kỳ nghiên cứu đỉnh cao của thầy cô.

Đây cũng là giải pháp cho vấn đề đào tạo sau đại học, đặc biệt là với những ngành khoa học cơ bản và các ngành khoa học xã hội và nhân văn.

Thu Trang