Nhiều phụ huynh còn thiếu thông tin, kinh nghiệm để phân biệt SGK thật - giả

17/12/2024 10:17
Mạnh Dũng
0:00 / 0:00
0:00

GDVN- Lãnh đạo các trường cho rằng, ngoài trách nhiệm của nhà trường, các cơ quan quản lí cần có nhiều biện pháp quyết liệt hơn để ngăn chặn SGK giả, sách lậu.

Sách giáo khoa giả, sách lậu hiện vẫn đang là một vấn nạn gây nhiều hệ lụy đến chất lượng giáo dục và quyền lợi của học sinh. Ngăn chặn và giải quyết vấn nạn sách giáo khoa giả, sách in lậu đã trở thành nhiệm vụ quan trọng đặt ra cho ngành giáo dục nói chung và các trường học nói riêng.

Sách giáo khoa giả, sách lậu vẫn là thách thức

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Nguyễn Văn Thắng - Hiệu trưởng Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Tân Thành (tỉnh Hòa Bình) đã có một số chia sẻ về tình hình cung ứng sách giáo khoa tại nhà trường.

Thầy Thắng cho biết, theo chỉ đạo của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hòa Bình, các trường học phải sử dụng sách giáo khoa từ các đơn vị phát hành chính thống. Vì vậy, nhà trường đã chọn Công ty cổ phần Sách và Thiết bị trường học Hòa Bình là đối tác tin cậy để cung cấp sách giáo khoa nhằm đảm bảo chất lượng sách tốt và phù hợp với danh mục đã được phê duyệt.

Về quy trình cung ứng, đầu tiên, nhà trường đăng ký lựa chọn sách, sau đó gửi danh sách và số lượng yêu cầu lên các đơn vị cấp trên. Trên cơ sở đó, Công ty cổ phần Sách và Thiết bị trường học Hòa Bình sẽ tiến hành cung cấp sách giáo khoa theo đúng quy định đấu thầu. Việc đấu thầu này nhằm đảm bảo nguồn cung cấp sách chính thống và minh bạch.

GDVN_SGK.JPG
Ảnh minh họa: M.T.

Trong khi đó, thầy Hà Văn Hải - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Mỹ Tho (tỉnh Nam Định) chia sẻ, sách giáo khoa tại nhà trường được mua theo hai kênh chính: “Kênh thứ nhất, sau khi Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt danh mục sách giáo khoa, nhà trường sẽ tổ chức lựa chọn và thông báo rộng rãi đến cán bộ, giáo viên và phụ huynh học sinh. Từ đó, phụ huynh và học sinh có thể tự mua sách theo danh mục được công bố hoặc tận dụng nguồn sách từ học sinh khóa trước để lại.

Kênh thứ hai, nếu phụ huynh và học sinh không thể tự mua sách, nhà trường sẽ hỗ trợ đăng ký mua qua ban đại diện cha mẹ học sinh. Từ đó, ban đại diện cha mẹ học sinh sẽ phối hợp với các Công ty cổ phần Sách và Thiết bị trường học để đặt sách theo đúng danh mục được tỉnh phê duyệt. Phương thức này đảm bảo nguồn sách cung cấp là sách chính thống và có chất lượng cao”.

Vị hiệu trưởng nhấn mạnh, nhà trường không trực tiếp mua sách cho học sinh, chỉ trang bị sách cho thư viện để phục vụ mục đích học tập và tham khảo.

Thầy Hà Văn Hải - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Mỹ Tho (tỉnh Nam Định). Ảnh website trường.
Thầy Hà Văn Hải - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Mỹ Tho (tỉnh Nam Định). Ảnh website trường.

Theo thầy Hải, sách giáo khoa giả được sản xuất rất tinh vi, do đó, người mua khó phân biệt được sự khác nhau giữa sách thật và sách giả.

“Sách giả, sách in lậu thường có giá thành rẻ hơn so với sách giáo khoa thật, khiến nhiều phụ huynh vì ham rẻ lựa chọn. Đặc biệt, ở các vùng nông thôn, phụ huynh làm nông nghiệp hoặc công nhân thường ưu tiên tiết kiệm chi phí, nên dễ bị thu hút bởi những cuốn sách có giá thành rẻ nhưng không rõ nguồn gốc.

Cùng với đó, nhiều phụ huynh hiện nay còn thiếu thông tin hoặc kinh nghiệm để phân biệt sách thật và sách giả. Phụ huynh ít khi có thời gian kiểm tra kỹ lưỡng từng trang sách. Họ chỉ nhìn tên sách hoặc mẫu mã bắt mắt mà không để ý đến chất lượng hoặc nguồn gốc của sách”, thầy Hải chia sẻ.

Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Mỹ Tho bày tỏ, tình trạng sách giả ảnh hưởng tới rất nhiều cá nhân, tổ chức liên quan. Trong đó, sách giả, sách lậu in sai nội dung, phương pháp hay cách trình bày... không những ảnh hưởng trực tiếp đến học sinh và giáo viên, mà còn ảnh hưởng đến các đơn vị xuất bản cũng như quyền tác giả có liên quan.

Đồng quan điểm trên, Hiệu trưởng Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Tân Thành cũng nhấn mạnh hậu quả của sách giả, sách lậu: “Sách giả, sách lậu có chất lượng không đảm bảo và không rõ nguồn gốc xuất xứ. Trong đó, loại sách này có mực in mờ, nhòe và có thể sai về nội dung thông tin so với sách giáo khoa thật. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến giáo viên cũng như học sinh khi mua phải những loại sách này.

Việc tiếp cận sách giáo khoa của phụ huynh học sinh hiện nay còn có những khó khăn nhất định. Đặc biệt, học sinh khi chuyển trường từ địa phương này sang địa phương khác, phải sử dụng các bộ sách khác nhau; đồng thời, phụ huynh cũng chưa quan tâm kĩ tới sách giáo khoa cho con em mình theo học.

Vì vậy, nếu không mua sách qua kênh chính thống, học sinh và phụ huynh có nguy cơ mua phải sách không đúng danh mục, sách kém chất lượng gây ảnh hưởng đến quá trình học tập”.

Cần quyết liệt hành động để ngăn chặn sách giả, sách lậu

Theo thầy Hà Văn Hải, Trường Trung học phổ thông Mỹ Tho hiện đã và đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền tới phụ huynh và học sinh về vấn đề sách giáo khoa giả, sách lậu.

Cụ thể, nhà trường đã phổ biến tới phụ huynh và học sinh các thông tin về những nhà xuất bản, đơn vị phát hành sách chính thống.

Đặc biệt, công tác tuyên truyền giáo dục đã được đẩy mạnh trong những năm học qua. Trong đó, trường đã có những buổi sinh hoạt, chia sẻ về nguyên nhân, hậu quả và giải pháp đối với tình trạng sách giáo khoa giả đến tập thể cán bộ, giáo viên và học sinh. Đồng thời, nhà trường cũng động viên phụ huynh cần quan tâm hơn nữa tới tình trạng sách giả tràn lan trên thị trường hiện nay và phổ biến cách phân biệt đối với các loại sách này.

Về phía Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Tân Thành, thầy Nguyễn Văn Thắng cũng chia sẻ về công tác phổ biến, tuyên truyền về sách giáo khoa giả tại trường học. Cụ thể, nhà trường đã xây dựng kế hoạch cụ thể để tuyên truyền tới phụ huynh và học sinh về tầm quan trọng của việc mua sách giáo khoa từ các nguồn uy tín.

“Ngoài các buổi tuyên truyền chung, nhà trường cũng hướng dẫn cụ thể các phụ huynh để lựa chọn sách từ những công ty phát hành được các cơ quan giáo dục thẩm định, tránh việc mua phải sách giả, sách lậu từ các đơn vị in và phát hành không chính thống.

Thêm vào đó, phụ huynh được khuyến khích đăng ký mua sách thông qua trường trước mỗi năm học, để tránh tình trạng thiếu sách hoặc mua phải sách giả, sách in lậu từ các nguồn bên ngoài.

Nhờ sự tuyên truyền và hỗ trợ từ nhà trường, học sinh đã được tiếp cận đầy đủ tài liệu học tập chính thống. Điều này không chỉ góp phần nâng cao hiệu quả học tập, mà còn đảm bảo sự đồng bộ trong giáo dục, đặc biệt tại các vùng nông thôn, nơi nhận thức về sách giáo khoa chính thống còn nhiều hạn chế”, thầy Thắng cho hay.

Bàn về giải pháp đối với sách giáo khoa lậu, thầy Thắng cho rằng, các cơ quan chức năng cùng các cơ quan quản lí cần vào cuộc quyết liệt hơn để ngăn chặn vấn nạn này: “Các cơ quan quản lí nhà nước cần công khai, phổ biến tới công chúng về các nhà xuất bản, công ty được cấp phép in và phát hành sách. Điều này giúp sự tiếp cận của giáo viên, phụ huynh, học sinh đối với sách thật trở nên dễ dàng hơn.

Bên cạnh đó, các cơ quan, đơn vị phụ trách cần giới thiệu tới nhà trường cũng như phụ huynh học sinh về các nhà cung cấp sách được thẩm định và có uy tín. Từ đó, đẩy lùi vấn nạn sách giáo khoa giả, sách in lậu trên thị trường”.

Đồng quan điểm đó, thầy Hà Văn Hải cho rằng, tình trạng in, nhập lậu và phát hành sách giả nhằm trốn thuế, trốn tiền tác quyền để bán rẻ trên thị trường của một số cá nhân, tổ chức đang gây hậu quả rất nghiêm trọng. Vì vậy, cần có những chế tài đặc biệt để xử lí và ngăn chặn những hành vi này.

“Các cơ quan quản lí nhà nước cần ban hành thêm các quy định, cần có các chế tài chặt chẽ hơn để sách giả, sách lậu không thể lọt ra thị trường, gây thiệt hại cho ngành xuất bản, giáo dục cũng như các doanh nghiệp và tác giả liên quan”, thầy Hải nhấn mạnh.

Mạnh Dũng