Nhiều hiệu trưởng chưa nắm rõ Thông tư 55 và Thông tư 16 dẫn đến lạm thu

31/03/2023 06:30
Ánh Dương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nhiều trường chưa nắm rõ Thông tư 55/2011/TT-BGDĐT Điều lệ hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh và Thông tư 16/2018/TT-BGDĐT tài trợ cho giáo dục.

Bài viết phân tích một số quy định của Thông tư 55/2011/TT-BGDĐT ban hành Điều lệ hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh và Thông tư 16/2018/TT-BGDĐT về tài trợ cho giáo dục nhằm giúp hiệu trưởng các nhà trường tránh vi phạm lạm thu.

Ảnh minh họa: nguồn congluan.vn

Ảnh minh họa: nguồn congluan.vn

Kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh

Thông tư 55/2011/TT-BGDĐT ngày 22/11/2021 ban hành Điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh có nội dung đáng chú ý như sau:

Điều 10. Kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh

1. Kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh:

a) Kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp có được từ sự ủng hộ tự nguyện của cha mẹ học sinh và nguồn tài trợ hợp pháp khác cho Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp.

b) Kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh trường được trích từ kinh phí hoạt động của các Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp theo khuyến nghị của cuộc họp toàn thể các trưởng ban Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp đầu năm học và nguồn tài trợ hợp pháp khác cho Ban đại diện học sinh trường.

2. Quản lý và sử dụng kinh phí của Ban đại diện cha mẹ học sinh:

a) Trưởng ban Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp chủ trì phối hợp với giáo viên chủ nhiệm lớp dự kiến kế hoạch chi tiêu kinh phí được ủng hộ, tài trợ và chỉ sử dụng sau khi đã được toàn thể các thành viên Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp thống nhất ý kiến;

b) Trưởng ban Ban đại diện cha mẹ học sinh trường thống nhất với Hiệu trưởng để quyết định kế hoạch sử dụng kinh phí được ủng hộ, tài trợ và chỉ sử dụng sau khi được toàn thể Ban đại diện cha mẹ học sinh trường thống nhất ý kiến.

3. Việc thu, chi kinh phí của Ban đại diện cha mẹ học sinh phải bảo đảm nguyên tắc công khai, dân chủ; sau khi chi tiêu phải báo cáo công khai quyết toán kinh phí tại các cuộc họp toàn thể cha mẹ học sinh lớp và các cuộc họp toàn thể Ban đại diện cha mẹ học sinh trường. Không qui định mức kinh phí ủng hộ bình quân cho các cha mẹ học sinh.

4. Ban đại diện cha mẹ học sinh không được quyên góp của người học hoặc gia đình người học:

a) Các khoản ủng hộ không theo nguyên tắc tự nguyện.

b) Các khoản ủng hộ không phục vụ trực tiếp cho hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh:

Bảo vệ cơ sở vật chất của nhà trường, bảo đảm an ninh nhà trường; trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh; vệ sinh lớp học, vệ sinh trường; khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường; mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp học hoặc cho cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên nhà trường; hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục; sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường.

Có thể nhận thấy, Thông tư 55/2011/TT-BGDĐT nêu rõ Ban đại diện cha mẹ học sinh được phép thu tiền trực tiếp để phục vụ cho hoạt động trực tiếp của ban. Chẳng hạn, thăm hỏi, chi phí để tổ chức hội họp như trà, nước, bánh, trái.

Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp với giáo viên phải có kế hoạch thống nhất trước khi chi. Còn kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh trường được trích từ kinh phí của Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp.

Khoản kinh phí này phải có kế hoạch thu chi và được Trưởng Ban đại diện cha mẹ học sinh trường thống nhất với hiệu trưởng để thực hiện.

Đáng chú ý, Thông tư 55/2011/TT-BGDĐT ghi rõ Ban đại diện cha mẹ học sinh không được quyên góp của người học để chi vào những mục đích không phục vụ trực tiếp cho hoạt động của ban như cơ sở vật chất, khen thưởng...

Nội dung vận động và tiếp nhận tài trợ

Thông tư 16/2018/TT-BGDĐT quy định về tài trợ cho các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân có nội dung đáng chú ý sau đây.

Điều 3. Nội dung vận động và tiếp nhận tài trợ

1. Cơ sở giáo dục được vận động, tiếp nhận các khoản tài trợ để thực hiện các nội dung sau:

a) Trang bị thiết bị, đồ dùng phục vụ dạy và học; thiết bị phục vụ nghiên cứu khoa học; cải tạo, sửa chữa, xây dựng các hạng mục công trình phục vụ hoạt động giáo dục tại cơ sở giáo dục;

b) Hỗ trợ hoạt động giáo dục, đào tạo và nghiên cứu khoa học trong cơ sở giáo dục.

2. Không vận động tài trợ để chi trả: thù lao giảng dạy; các khoản chi liên quan trực tiếp cho cán bộ quản lý, giáo viên, giảng viên và nhân viên, các hoạt động an ninh, bảo vệ; thù lao trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh; thù lao duy trì vệ sinh lớp học, vệ sinh trường; khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên; các chi phí hỗ trợ công tác quản lý của cơ sở giáo dục.

Nếu như Thông tư 55/2011/TT-BGDĐT quy định kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh thì Thông tư 16/2018/TT-BGDĐT đề cập đến vận động tài trợ cho cơ sở giáo dục gồm chi cho hoạt động giáo dục và cơ sở vật chất.

Để thực hiện việc tài trợ, nhà trường nếu có nhu cầu thì hiệu trưởng phải lập kế hoạch rõ ràng, gồm chi cho hoạt động gì, kinh phí ra sao, vận động thế nào.

Sau đó, lãnh đạo trường tiểu học, trung học cơ sở phải trình lên Phòng Giáo dục và Đào tạo để cơ quan này xét duyệt. Còn lãnh đạo trường trung học phổ thông phải trình lên Sở Giáo dục và Đào tạo để được xem xét.

Sau khi được cơ quan quản lí giáo dục chấp thuận, kế hoạch vận động tài trợ phải được niêm yết công khai tại trường học.

Ngoài việc vận động kinh phí của cha mẹ học sinh, các nhà trường phổ thông có thể vận động thêm các cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn.

Nhà trường phải có tổ tiếp nhận tài trợ, không được quy định mức đóng góp bao nhiêu và việc đóng góp là hoàn toàn tự nguyện.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Ánh Dương