Nói đến dạy thêm, không ít thầy cô giáo cho rằng lương ít, không có nguồn thu ngoài lương nên buộc phải dạy thêm để tăng thu nhập đảm bảo cuộc sống.
Một lớp dạy thêm tại Đồng Nai, ảnh chỉ mang tính chất minh họa. (Nguồn: Báo Đồng Nai) |
Thế nhưng trong thực tế, không ít giáo viên nhờ dạy thêm mà giàu và càng giàu lại càng dạy thêm gấp nhiều lần như thế.
Phân chia đẳng cấp ngay trong trường
Giáo viên bậc trung học phổ thông và trung học cơ sở chỉ dạy theo môn chuyên của mình. Trong trường, giáo viên tổ Toán và Anh văn thường có cuộc sống khá giả, đủ đầy nhất.
Có trường, tổ Toán, Anh văn khoảng 20 người thì hầu như tất thảy đều có xe ô tô, có nhà cao cửa rộng, có cuộc sống sang chảnh đủ đầy.
Những thầy cô giáo này hàng năm đều có những tua du lịch lên tới dăm chục triệu đồng bằng cả một năm lương của nhiều thầy cô giáo khác.
Dù không tỏ ra phân biệt nhưng phần đông giáo viên những tổ Sử, Địa, Thể dục, Giáo dục công dân…cũng ít dám nhập hội chơi chung. Đơn giản chỉ vì theo không lại về quần áo, trang sức, những chuyến đi chơi…nên tự tách mình ra khỏi nhóm.
Giáo viên tiểu học ở thành phố lớn phần đông đều dạy thêm như nhau nên cuộc sống ổn định hơn.
Còn những giáo viên Âm nhạc, Thể dục, Mỹ thuật… lại khá chật vật với đồng lương ít ỏi của mình.
Càng giàu càng dạy thêm nhiều
Những giáo viên dạy thêm vì cuộc sống quá khó khăn thường rất thương những học sinh nghèo.
Chẳng biết có phải cùng cảnh nên các thầy cô luôn có sự đồng cảm với các em.
Nhiều thầy cô đã dạy miễn phí cho học sinh nghèo, thu tiền học phí với mức thấp nhất. Thậm chí có người còn cho học sinh thêm tiền để một số em quá nghèo mua sách vở, bút viết.
Vì thế, số tiền thu được từ dạy thêm cũng chỉ đủ đắp đổi qua ngày.
Ngược lại, một số thầy cô có mức thu từ dạy thêm một tháng lên tới vài chục, thậm chí dăm chục triệu đồng, có người thu được cả trăm triệu đồng lại tính toán chi ly với trò từng ngày học.
Có thầy cô nhất định đuổi trò nghèo ra khỏi lớp học thêm chỉ vì đã quá ngày nộp tiền đến vài ngày.
Một số thầy cô giáo khác tỏ ra vô cảm đến tàn nhẫn như không hề hoặc không muốn biết hoàn cảnh của học sinh. Nguyên tắc mà những giáo viên này đưa ra có tiền đi học, không tiền ở nhà.
Trong số những thầy cô giàu có kếch xù như thế, có người lại luôn tìm cách chèn ép học sinh phải đi học thêm (có lẽ nhờ chèn ép mới đông học trò đi học).
Những lớp dạy thêm cứ đông nghịt người, lớp này ra, lớp khác nườm nượp vào nhưng vẫn chưa thỏa mãn.
Giáo viên được gì? Mất gì?
|
Ép học trò đi học thêm bằng nhiều thủ thuật đương nhiên sẽ kiếm được nhiều tiền.
Một số giáo viên tiểu học ở thành phố Hồ Chí Minh, Biên Hòa bật mí mỗi tháng cũng kiếm được từ 30-40 triệu đồng.
Còn giáo viên Toán, Anh văn bậc trung học phổ thông, một tháng có giáo viên thu về cả trăm triệu đồng.
Làm nghề gì có thu nhập cao như thế? Kiếm tiền thế bảo sao không giàu? Nhưng giàu rồi lại muốn giàu thêm và không ít thầy cô lại tìm đủ mọi cách để kéo trò đến lớp, để giữ chân học trò ở lớp học thêm.
Có được tiền nhiều nhưng điều mất lại lớn hơn thế gấp nhiều lần. Mình đã từng nghe nhóm học sinh (đã ra trường) ngồi vạch trần những thầy cô giáo cũ của mình với thái độ khinh khi, coi thường.
Nào là bả, bà ấy, ổng rồi ông ấy, lão ấy, con mẹ ấy, mẹ kia…gọi tao lên bảng trả bài. Tao trả lời được, bả lại hỏi những bài đã học hồi nảo hồi nào để rồi cho ngay con điểm 3 vào sổ. Tao biết mình mắc tội vì không đi học thêm…
Thôi thì bao nhiêu thủ thuật mà thầy cô đã từng dùng để khống chế chúng phải đi học, chúng cùng nhau bóc trần, lôi ra tuồn tuột.
Hình ảnh thầy cô lúc ấy trong mắt chúng, mắt mọi người thật thảm hại, thê thảm và đáng thương vô cùng.
Ngược lại, những thầy cô đã hết lòng dạy dỗ và luôn chia sẻ khó khăn với học sinh được các em tôn sùng và trân trọng.
Cứ vào dịp lễ, Tết, chúng rủ nhau đến thăm. Đi đâu cũng kể thầy tớ, cô tớ với biết bao kỉ niệm đẹp đẽ một thời.
Những thầy cô đã vì học trò thế này tuy cuộc sống kinh tế có khó khăn nhưng lại có được cuộc sống tinh thần vô cùng ấm áp từ bao thế hệ học sinh.
Tiền bạc, danh vọng dù nhiều đến đâu đến một lúc nào đấy cũng trở nên vô nghĩa.
Chỉ có tình người cao cả mới trường tồn mãi với thời gian nhưng điều này lại chẳng dành cho những thầy cô giáo chỉ biết sống và chạy theo đồng tiền.