Nghị định 111 chưa rõ khoản trường học trả tiền hao mòn dụng cụ cho bệnh viện

02/11/2022 06:47
Anh Trang
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Trong việc thực hiện nghị định 111, ngoài ký kết hợp đồng chung với bệnh viện, Trường ĐH Y khoa Vinh ký hợp đồng trực tiếp với từng khoa, từng giảng viên

Trong năm 2017, Chính phủ đã ban hành nghị định về tổ chức đào tạo, thực hành trong đào tạo khối ngành sức khỏe (Nghị định số 111). Sau 5 năm thực hiện, ngoài những đổi mới, thuận lợi thì Nghị định cũng bộc lộ một số vướng mắc, bất cập.

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư Cao Trường Sinh - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Y khoa Vinh, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y khoa Vinh cho rằng, từ khi Nghị định 111 được ban hành, mối quan hệ giữa nhà trường và cơ sở thực hành khăng khít hơn. Vì cùng chung một nhiệm vụ đào tạo dựa trên hợp đồng nguyên tắc và chi tiết nên cơ sở thực hành có trách nhiệm hơn với sinh viên thực hành tại bệnh viện.

Bên cạnh đó, huy động được nguồn lực cả hai bên trong việc khám, chữa bệnh, đào tạo, nghiên cứu khoa học. Từ đó, chất lượng khám, chữa bệnh, nghiên cứu khoa học của bệnh viện cũng được nâng cao.

“Trong những năm gần đây, khi nhà quản lý, sử dụng lao động được mời đóng góp ý kiến cho việc xây dựng, đổi mới chương trình đào tạo, nhà trường nhận được nhiều phản hồi tích cực về chất lượng đào tạo từ phía họ”, Phó Giáo sư Cao Trường Sinh nói.

Phó Giáo sư, Bác sĩ Cao Trường Sinh chia sẻ kinh nghiệm với y bác sỹ, sinh viên tại Bệnh viện Đại học Y khoa Vinh. Nguồn: Báo Nghệ An

Phó Giáo sư, Bác sĩ Cao Trường Sinh chia sẻ kinh nghiệm với y bác sỹ, sinh viên tại Bệnh viện Đại học Y khoa Vinh. Nguồn: Báo Nghệ An

Ghi nhận những đổi mới, thuận lợi, tuy nhiên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Y khoa Vinh cũng nêu ra một số khó khăn trong việc thực hiện Nghị định.

Thứ nhất, có một số điều khoản trong hợp đồng chi tiết khó khăn trong việc thực hiện, thậm chí không thực hiện được bởi vì nhiệm vụ chính của giảng viên thỉnh giảng (cán bộ bác sĩ tại bệnh viện) là khám chữa bệnh nên họ sẽ hạn chế trong việc sắp xếp thời gian giảng dạy sinh viên thực hành.

Chưa kể, hiện nay, hầu hết các bệnh viện đều tự chủ chi thường xuyên, các bác sĩ vô cùng bận, họ sẽ ưu tiên thực hiện công việc của họ tại bệnh viện trước (khám, chữa bệnh).

Nhận thấy rõ điều này, để gắn kết và nâng cao trách nhiệm của bệnh viện với các sinh viên thực hành, ngay từ năm 2018, Trường Đại học Y khoa Vinh đã áp dụng biện pháp ngoài ký kết hợp đồng chung với bệnh viện sẽ ký hợp đồng trực tiếp với từng khoa, từng giảng viên để việc giảng dạy lâm sàng cho sinh viên được tiến hành thuận lợi hơn.

“Mặc dù, khi ký nhiều hợp đồng như vậy sẽ có sự chồng chéo nhất định, tuy nhiên các khoa, giảng viên thỉnh giảng sẽ có trách nhiệm hơn”, Phó Giáo sư Cao Trường Sinh nhận xét.

Thứ hai, tại mục b, điều 10 của Nghị định 111 quy định: "Có ít nhất 20% người giảng dạy chương trình thực hành là người làm việc cơ hữu của cơ sở giáo dục có đăng ký hành nghề tại cơ sở thực hành và được cơ sở thực hành bố trí làm công tác khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh phù hợp với năng lực, kinh nghiệm và phạm vi hoạt động chuyên môn trong chứng chỉ hành nghề”.

Quy định tối thiểu như trên gây khó khăn cho các trường có lực lượng giảng viên làm công tác chuyên môn khám, chữa bệnh chưa đủ mạnh. Vì trường sẽ phải bố trí lực lượng làm việc thường xuyên tại bệnh viện nên sẽ ảnh hưởng đến thời gian dạy lý thuyết, cụ thể giảm số lượng dạy lý thuyết tại trường. Ngược lại, tỷ lệ này là thấp so với các trường có lực lượng đội ngũ giảng viên làm công tác khám chữa bệnh dồi dào (gọi là trường mạnh).

Ngoài ra, tỷ lệ tối thiểu của nhà trường là 20% thì của bệnh viện phải là 80%, điều này gây khó khăn cho các bệnh viện trong việc bố trí nhân lực giảng dạy lâm sàng cho sinh viên, trong khi nhiệm vụ chính của bác sĩ bệnh viện là khám, chữa bệnh.

Thứ ba, trong Nghị định có quy định trường công lập thì liên hệ với bệnh viện công lập, còn trường tư thục thì liên hệ với các bệnh viện tư (trong việc đào tạo thực hành).

Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Y khoa Vinh cho rằng, không nên phân biệt bệnh viện công và bệnh viện tư. Nếu biết tận dụng những ưu điểm của bệnh viện tư sẽ đẩy mạnh xã hội hoá giáo dục và môi trường bệnh viện tư cũng là “đích đến” của nhiều sinh viên sau khi ra trường.

Hiện tại, trên địa bàn tỉnh Nghệ An có rất nhiều cơ sở khám, chữa bệnh để sinh viên thực hành. Trường Đại học Y khoa Vinh cũng đã bố trí sinh viên thực tập lâm sàng tại một số bệnh viện tư.

Thứ tư, vấn đề tài chính giữa bệnh viện và trường học được quy định bởi điều 12 của Nghị định chưa rõ ràng, việc ký kết hợp đồng nguyên tắc giữa 2 cơ sở kéo dài vô thời hạn. Đồng thời, chưa rõ một số vấn đề như việc thanh toán giờ giảng dạy lâm sàng cho bệnh viện, trường học trả tiền hao mòn dụng cụ cho bệnh viện,..

Phó Giáo sư Cao Trường Sinh có một số kiến nghị tháo gỡ những vướng mắc trong việc thực hiện Nghị định 111. Ảnh: Trần Lý

Phó Giáo sư Cao Trường Sinh có một số kiến nghị tháo gỡ những vướng mắc trong việc thực hiện Nghị định 111. Ảnh: Trần Lý

Sau 5 năm thực hiện và nhận thấy một số khó khăn, vướng mắc, Phó Giáo sư Cao Trường Sinh có một số kiến nghị, đề xuất, cụ thể như sau:

Nghị định cần phải chi tiết hơn trong điều kiện được bổ nhiệm các chức danh của người thuộc cơ sở đào tạo tham gia khám chữa bệnh tại cơ sở thực hành, chức danh người thuộc cơ sở thực hành tham gia giảng dạy tại cơ sở đào tạo. Cụ thể một số chức danh có thể bổ nhiệm như: Trưởng bộ môn, trưởng khoa nhà trường là phó khoa của bệnh viện thực hành,..

Nâng tỷ lệ giảng viên cơ hữu giảng dạy thực hành tại bệnh viện lên tối thiểu 40-50% để các trường bắt buộc phải xây dựng đội ngũ giảng viên đáp ứng nhu cầu đào tạo lâm sàng cho sinh viên. Điều này cũng thúc đẩy các trường đầu tư, tự chủ để phát triển.

Giảng viên nhà trường làm việc tại bệnh viện phải được hưởng phụ cấp ưu đãi nghề như cán bộ bệnh viện căn cứ vào thời gian làm việc (hiện nay giảng viên đã được hưởng phụ cấp giáo dục nên không được hưởng phụ cấp ưu đãi nghề ở bệnh viện).

“Giữa nhà trường và bệnh viện cần có ban giám sát thực hiện Nghị định 111 để rõ ràng trong việc phân lịch giảng dạy và giúp cho những khâu của Nghị định được tiến hành thuận lợi, trơn tru, khăng khít hơn”, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Y khoa Vinh nhấn mạnh.

Anh Trang